Phân tích đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn quan tâm, giáo dục và rèn luyện CAND. Người nêu rõ bản chất: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Vì vậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân là yêu cầu cao nhất, là giá trị cốt lõi hình thành phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND.

Ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, lực lượng Công an đã bước ngay vào cuộc chiến cam go, quyết liệt để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Công an đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm, đập tan mọi mưu đồ, hoạt động chống phá của “thù trong, giặc ngoài”. Từ chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng CAND đã từng bước lớn mạnh, hình thành nhiều phong trào quần chúng, như “ba không” xây nên thế trận lòng dân vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của các đối tượng đặc vụ, phản động tay sai hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, giữ vững các vùng tự do, khu căn cứ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an kiên trì đấu tranh chống gián điệp biệt kích, đập tan âm mưu gây bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch; bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc; đồng thời tích cực chi viện cho chiến trường miền nam. Lực lượng An ninh miền nam kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch; bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của T.Ư Cục miền nam, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong các phong trào “diệt ác trừ gian”, “bảo mật phòng gian” góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhiệm vụ của lực lượng CAND ngày càng nặng nề. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”. Xác định phương châm hành động “lấy hạnh phúc của nhân dân là nguồn vui, lẽ sống của mình”, hàng vạn cán bộ Công an tình nguyện tăng cường cho các vùng mới giải phóng, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; dựa vào nhân dân quản lý, cải tạo những người từng làm việc trong bộ máy chế độ cũ, truy quét tàn quân địch, đấu tranh làm tan rã các tổ chức Fulro, bóc gỡ, vô hiệu hóa mạng lưới gián điệp, tình báo Mỹ, ngụy cài lại, bắt gọn hàng trăm toán gián điệp biệt kích xâm nhập vào Việt Nam, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Trước những thử thách sống còn trong bối cảnh CNXH lâm vào thoái trào, lực lượng CAND Việt Nam tiếp tục khẳng định lòng trung thành tuyệt đối, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, quyết sách, chiến lược, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, giữ vững ổn định chính trị, góp phần bảo vệ vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ XHCN ở nước ta. Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Với tư tưởng: “Công an của ta là CAND”, “Làm công an không phải làm “quan cách mạng””, lực lượng Công an đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với rèn luyện tác phong, lễ tiết, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, qua đó nhân dân càng thêm tin yêu, ủng hộ, cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gần 15 nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh, hàng vạn đồng chí bị thương, trong đó, nhiều tấm gương tận tụy phục vụ nhân dân, chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh làm nên những chiến công bất diệt, để lại sự khâm phục, tự hào trong nhân dân, như: Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu (Công an Bà Rịa-Vũng Tàu), Anh hùng, chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi (Công an Hà Nội), Anh hùng, liệt sĩ Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Hoàng (Ban bảo vệ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định)... Trong thời bình, máu của chiến sĩ Công an vẫn đổ, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, những tấm gương như: Anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Á (Công an TP Hải Phòng), Anh hùng, liệt sĩ Phạm Văn Cường (Công an tỉnh Điện Biên)... và hàng nghìn tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an anh dũng hy sinh, xả thân vì nhiệm vụ, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định truyền thống anh hùng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ của lực lượng CAND Việt Nam.

Hội nhập và phát triển mang lại thành tựu vô cùng to lớn, nhưng kèm theo đó là những thách thức, những nguy cơ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với nhiều màu sắc, hình thái, đe dọa sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc. Trước tình hình đó, trong mọi tình huống, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của hệ thống tổ chức đảng trong CAND. Luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, dũng cảm đấu tranh với các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật để bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, CAND phải kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, coi đây là sức mạnh để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Không ngừng củng cố mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với QĐND, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND gắn với thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ. Đổi mới phong cách làm việc để thực sự gần dân, hiểu dân, làm cho dân ngày càng thêm tin yêu, giúp đỡ Công an nhiều hơn; thường xuyên tổ chức cho nhân dân phê bình công an và nhanh chóng khắc phục các yếu kém mà nhân dân đã góp ý.

Một trong nhiều bài học của Công an là phải gắn bó máu thịt với nhân dân, với phương châm hành động khi tiếp xúc với nhân dân là: Nghe dân nói, phản ánh những điều hay, lẽ phải, những tâm tư nguyện vọng chính đáng; nói cho dân nghe những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn cho dân thực hiện; gương mẫu hành động để làm cho dân tin, từ đó tự giác, tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Đấy chính là cội nguồn sức mạnh của công tác công an.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu
Ủy viên T.Ư Đảng,
Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an

23 Tháng 09 Năm 2021 / 8192 lượt xem

ThS. Cao Thị Hải Yến

PGĐ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Sinh thời, Người luôn quan tâm đến việc tổ chức xây dựng lực lượng Công an nhân dân thành công cụ tin cậy của Đảng, vũ khí sắc bén của Nhà nước và là con em yêu quý của Nhân dân. 73 năm trước đây, ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Sở Công an Khu 12 khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Tư cách người công an cách mệnh là:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mệnh có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của công an nhân dân, với các nội dung cơ bản sau:

1.       Lời dạy đầu tiên của Bác về tư cách người Công an cách mệnh là: “Đối với tự mình phải, cần, kiệm, liêm, chính”.

Đức cần, kiệm, liêm, chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung, đối với cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân thì đó phải là đức tính đầu tiên làm nên tư cách người Công an cách mệnh. Nội dung cần, kiệm, liêm, chính đối với lực lượng Công an nhân dân có những nét đặc trưng riêng, đòi hỏi chuẩn mực cao hơn so với xã hội. “Cần” đối với lực lượng Công an là sự siêng năng chăm chỉ, cố gắng, chủ động và hiệu quả trong công tác, chiến đấu ở từng lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể; phải khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, không ngại hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Kiệm” là tiết kiệm về thời gian, tài sản của mình và của Nhân dân, không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu chống tội phạm; là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính. “Liêm” đối với lực lượng Công an là phải làm việc tuân thủ nguyên tắc và theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tham ô, nhận hối lộ, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích chính đáng dù là nhỏ nhất của Nhân dân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Chính” là không tà, là thẳng thắn. Người cán bộ Công an có chính nghĩa phải là người “Việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”, đồng thời phải có thái độ và trách nhiệm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chân lý, chính nghĩa, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; phải trung thực, dũng cảm nhận rõ khuyết điểm của bản thân, chân thành học hỏi, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, vững vàng xử lý các tình huống tác động đến bản thân: bạo lực không làm khuất phục được ta, tiền tài không mua chuộc được ta, sắc đẹp không cám dỗ được ta; khó khăn không làm ta nản chí; gian nguy không sờn lòng, thắng lợi không kiêu ngạo, chủ quan, thất bại không chùn bước... Tuy mỗi phẩm chất có nội dung riêng nhưng cần, kiệm, liêm, chính lại gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi phải thực hiện nó trong một tổng thể, cái này làm tiền đề cho cái kia để tạo thành chỉnh thể về nhân cách của người Công an cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, chiến đấu, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, chiến sỹ, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được. Để rèn luyện được cần, kiệm, liêm, chính theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân cần phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và xây dựng phong cách chính quy, hiện đại trong công tác, chiến đấu.

2.       Phẩm chất tốt đẹp của người Công an cách mệnh theo lời dạy của Bác là: “Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ”.

Đó là lời dạy mang đậm bản chất giai cấp công nhân, kế thừa, nâng cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bắt nguồn từ tính chất, nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an. Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội là rất thiêng liêng, chung thủy, keo sơn, gắn bó với nhau thành sức mạnh của tổ chức. Bác cũng nhiều lần chỉ rõ: Công an “lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh”. Đối với đồng chí, đồng đội, cán bộ Công an phải có tinh thần thân ái với tấm lòng chân thành, thiết tha mong muốn cho đồng sự của mình tiến bộ và hạnh phúc, đồng cam, cộng khổ, chia sẻ vui, buồn trên cơ sở nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong tập thể; thân ái là giúp đỡ nhau trong công tác, chiến đấu, trong cuộc sống, học tập, rèn luyện và xây dựng lực lượng; thân ái là để xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ.

3.       Bản chất chính trị của Công an nhân dân thể hiện qua lời dạy: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”.

Một trong những điều Bác Hồ thường xuyên giáo dục lực lượng Công an nhân dân là bồi dưỡng lòng trung thành với Đảng. Bác chỉ rõ: “Công an nhân dân muốn hoàn thành nhiệm vụ thì trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng”; “đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”. Theo Người, tuyệt đối trung thành với Đảng phải là bản chất chính trị và nguyên tắc rèn luyện cao nhất của Công an nhân dân. Người khẳng định: “Đảng lãnh đạo Công an nhân dân là một nguyên tắc, không thể nào thay đổi”. Phẩm chất trung thành của Công an đối với Đảng xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ đặc biệt của Công an được Đảng giao cho đó là bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lòng trung thành tuyệt đối của Công an với Đảng thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và chiến đấu; công an phải quán triệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng giao trong từng thời kỳ cách mạng, làm tốt chức năng tham mưu và vai trò xung kích, nòng cốt trên mặt trận an ninh - trật tự; phải đảm bảo thực hiện đúng đường lối chính trị, nguyên tắc, sách lược trong đấu tranh với mọi kẻ địch. Phẩm chất trung thành với Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh từ công tác tổ chức, tuyển chọn cán bộ vào ngành, đến giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ lực lượng. Từng cán bộ, chiến sĩ Công an phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin của Nhân dân, Đảng và Chính phủ.

4.       Nguyên tắc đạo đức của người Công an nhân dân là “Đối với Nhân dân, phải kính trọng lễ phép”.

Trong thư gửi đến các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, làng vào tháng 10 năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các cơ quan Chính phủ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho nhân dân chứ không phải để đè đầu nhân dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Nhật, Pháp”. Công an là một cơ quan của Đảng, của Chính phủ, vì vậy thái độ kính trọng, lễ phép đối với nhân dân không chỉ là phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn là một nguyên tắc làm việc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng trau dồi, rèn luyện. Kính trọng, lễ phép với nhân dân vừa là phẩm chất chính trị, vừa là yêu cầu trong công tác và chiến đấu của Công an, là sự kế thừa những tinh hoa trong đạo lý của dân tộc Việt Nam. Thái độ kính trọng nhân dân thể hiện ở việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, xử lý kịp thời những kẻ có hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; “phải làm thế nào để được lòng dân, phải thật sự giúp đỡ dân trong mọi việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như vậy người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ Công an”. Bác dạy, trong nhân dân có những người lạc hậu, sai phạm cần phải xử phạt theo quy tắc, nhưng vẫn lấy giáo dục là chính, “phải biết phê bình người phạm sai lầm..., đối với những người không kháng chiến, những người “dinh tê” cũng không khinh rẻ họ mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ để họ cùng ta làm việc”. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, công an phải không được để lọt tội phạm nhưng cũng không được để người vô tội chịu oan. Thái độ tôn trọng nhân dân còn thể hiện ở sự tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định. Thái độ lễ phép với nhân dân có nhiều cách biểu hiện khác nhau tùy theo hoàn cảnh tiếp xúc của từng lực lượng Công an khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Đó là sự vui vẻ, hòa nhã, niềm nở, lắng nghe ý kiến trình bày, chủ động giúp đỡ, giải quyết những việc mà người dân yêu cầu nhanh gọn, đúng thủ tục, tận tình hướng dẫn, ôn tồn giải thích cho từng người dân; kiên quyết không được có thái độ hách dịch, cửa quyền, thái độ cục cằn khi giao tiếp với nhân dân. Thái độ kính trọng, lễ phép với nhân dân là biểu hiện tốt đẹp trong phẩm chất của người Công an nhân dân, là nếp sống văn minh của con người mới xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ Công an phải không ngừng trau dồi, rèn luyện, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

5.       Nguyên tắc làm việc của Công an nhân dân theo lời dạy của Bác là “Đối với công việc phải tận tụy”.

Theo Người, tận tụy là đức hy sinh dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động chủ quan, tự lực tự cường để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Thước đo của tính tận tụy là hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác. Học tập theo lời dạy của Bác, 73 năm qua lực lượng Công an luôn ngày đêm tận tụy với sự nghiệp cách mạng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Đối với lực lượng Công an nhân dân, để rèn luyện sự tận tụy trong công việc đòi hỏi phải xây dựng lý tưởng cao đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an, sẵn sàng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách, gian lao, nguy hiểm để chiến thắng mọi kẻ địch, phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao bản lĩnh chiến đấu để phát huy đức tính tận tụy thành hiệu quả thực tế. Nhờ tận tụy trong công việc mà lực lượng Công an nhân dân đã góp phần đắc lực của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời qua đó mà lực lượng Công an có những bước trưởng thành tiến bộ về mọi mặt.

6.       Bản lĩnh chiến đấu của Công an nhân dân qua lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Lời dạy của Bác đã được quán triệt trong toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, được áp dụng từ khâu phân tích, đánh giá tình hình cách mạng, đến việc ra nhiệm vụ, nguyên tắc, chính sách và đối sách cụ thể để đối phó với từng loại kẻ thù. Lực lượng Công an cần nắm được nội dung cơ bản trong lời dạy của Bác, đó là: Trước hết phải nắm vững mối quan hệ giữa cương quyết và khôn khéo. Đó là hai nội dung riêng song có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Cùng một vụ án có lúc cần đưa ra chủ trương kiên quyết song có lúc cần khôn khéo, mưu trí, sáng tạo. Ngược lại, một chủ trương, đối sách khéo léo, linh hoạt lại phải được hình thành trên cơ sở cương quyết tiêu diệt địch. Hai là, phải thống nhất giữa bảo vệ mình nghiêm ngặt với tiến công địch triệt để, trong đó bảo vệ mình nghiêm ngặt là nguyên tắc cao nhất. Muốn vậy, lực lượng công an phải chủ động, tích cực đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu các điều kiện nảy sinh tội phạm, các hoàn cảnh mà các thế lực thù địch và bọn tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động; phải chủ động tiến công địch triệt để với tinh thần “đã phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt... không một tội phạm nào không bị phát hiện”, không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Ba là, phải thống nhất giữa vận dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bốn là, phải xác định được đúng đắn đối tượng đấu tranh trong từng giai đoạn cách mạng, phân hóa nội bộ từng loại, nắm chắc đặc điểm kẻ địch, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của địch để đề ra chủ trương, đối sách, biện pháp đấu tranh thích hợp với từng loại đối tượng cụ thể. Để quán triệt tư tưởng “cương quyết, khôn khéo” đối với địch, lực lượng Công an cần phải không ngừng nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính cách mạng và chứa đựng giá trị lý luận, nhân văn sâu sắc. Lời huấn thị đó là tài sản vô giá, là chuẩn mực đạo đức, phong cách, phương châm hành động, thái độ ứng xử, là mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cuộc đời hoạt động của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an, dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh công tác nào. Từ ý nghĩa quan trọng đó, trong quá trình công tác, chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân luôn nghiên cứu, học tập nghiêm túc và vận dụng sáng tạo 6 điều Bác Hồ dạy, coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và trở thành phong trào thi đua rộng lớn, bền bỉ, hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân trong suốt hơn 73 năm qua. Để tổ chức thực hiện phong trào Công an nhân dân học tập 6 điều Bác Hồ dạy thiết thực, hiệu quả, trong những năm qua, các cấp trong lực lượng Công an đã tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú khác nhau, trong đó chú trọng các hoạt động sinh hoạt chính trị, về nguồn để học tập, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Công an thấm nhuần về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hằng năm thu hút một lượng khách tham quan rất lớn, trong đó cán bộ, chiến sĩ, học viên các đơn vị, nhà trường trong lực lượng Công an nhân dân tìm đến tham quan, học tập cũng chiếm số lượng không nhỏ. Đây là một đối tượng khách mang tính đặc thù, có nhiều tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, việc nắm vững các sự kiện, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng là lực lượng Công an nhân dân khi đến tham quan, học tập tại Khu di tích. Để vận dụng 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong công tác tuyên truyền cho lực lượng Công an nhân dân tại Khu di tích, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, cần nghiên cứu đưa 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân vào xây dựng nội dung thuyết minh chuyên biệt cho đối tượng tuyên truyền là cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân. Mỗi lời dạy của Người cần được vận dụng phù hợp với từng nội dung thuyết minh tại các điểm di tích cụ thể trong Khu di tích; lồng ghép những lời dạy của Bác với các câu chuyện về Bác Hồ với lực lượng Công an nhân.

Hai là, Khu di tích cần phối hợp với các bảo tàng trong lực lượng Công an để sưu tầm, bổ sung, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân và phong trào Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy tại Khu di tích nhằm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho lực lượng Công an nhân dân khi đến tham quan, học tập. Tăng cường phối hợp giữa Khu di tích với các đơn vị trong lực lượng Công an để tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân nói riêng vào các dịp lễ trọng đại của đất nước và ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân (19-8).

Ba là, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải nắm vững nội dung cơ bản của 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân để vận dụng, chuẩn bị kỹ đề cương tuyên truyền với các nội dung được chọn lựa cụ thể để tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an khi tham quan, học tập tại Khu di tích; cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ lịch sự, nhã nhặn, vui vẻ trong công tác thuyết minh, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích.