Thạc sĩ ntsk là gì


Nghệ sĩ Hữu Luân

Vì không có bằng tốt nghiệp đại học đạo diễn sân khấu nên nghệ sĩ Hữu Luân bị thu hồi bằng thạc sĩ và bị hủy bỏ kết quả thi nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Ngày 10-5, nghệ sĩ Hữu Luân [tên thật là Lê Hữu Luận, Phó Giám đốc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch [VH-TT-DL] TPHCM, đồng thời là nghiên cứu sinh của Viện Văn hóa – Thông tin] đã gửi đơn khiếu nại lên bộ trưởng Bộ GD-ĐT sau khi anh nhận được quyết định thu hồi bằng thạc sĩ và quyết định hủy bỏ kết quả thi nghiên cứu sinh của bộ trưởng Bộ GD- ĐT đối với anh vì lý do không có bằng tốt nghiệp ĐH đạo diễn sân khấu.

Uổng công bao năm đèn sách!

Trong đơn, nghệ sĩ Hữu Luân cho biết anh được công nhận trúng tuyển vào học lớp chuyên tu ĐH đạo diễn sân khấu khóa I [1981-1984] tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II [NTSK II] TPHCM,  theo Công văn số 52/VH-ĐT của Bộ Văn hóa [sau này là Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ VH-TT- DL].

Ngày 14-3-1986, anh được công nhận tốt nghiệp đại học đạo diễn chuyên tu khóa I theo Quyết định số 151/VH-QĐ của Thứ trưởng Bộ Văn hóa về việc công nhận tốt nghiệp 7 học sinh theo học khóa này.

Do có nguyện vọng thi tuyển vào lớp cao học văn hóa Trường ĐH Văn hóa tại Hà Nội để nâng cao trình độ, anh được Trường NTSK II cấp giấy chứng nhận với nội dung “đã theo học ĐH đạo diễn chuyên tu”.
Ngày 19-1-1996, anh được công nhận trúng tuyển cao học khóa 1995-1997 tại Trường ĐH Văn hóa theo Quyết định số 224/GD&ĐT của bộ trưởng Bộ GD-ĐT và bắt đầu theo học chương trình cao học tại đây.

Năm 1998, anh học xong chương trình cao học, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với số điểm 9,9/10 và được Hội đồng Khoa học Trường ĐH Văn hóa đề nghị Bộ GD-ĐT cấp bằng thạc sĩ văn hóa. Ngày 1-6-1998, anh được Bộ GD-ĐT cấp bằng thạc sĩ số 7669.

Đây là công văn của Bộ Văn hóa duyệt 12 học sinh vào học chuyên tu ĐH đạo diễn sân khấu tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 theo chỉ tiêu đào tạo năm học 1981-1982 của Bộ Văn hóa

Muốn học cao hơn, anh nộp đơn và trúng tuyển nghiên cứu sinh tại Viện Văn hóa – Thông tin. Ngày 23-8-2001, anh được công nhận là nghiên cứu sinh khóa năm 2001 và đến ngày 23-1-2006, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở.
Ngày 12-10-2007, tại cuộc họp giữa Vụ ĐH và Sau ĐH với Viện Văn hóa – Thông tin, Vụ Đào tạo Bộ VH-TT-DL, Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT về việc xem xét quá trình học tập của anh, Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT đã cho ý kiến: “Ông Luận không đủ điều kiện về văn bằng để được bảo vệ luận án tiến sĩ và nên xử lý thu hồi bằng thạc sĩ của ông Luận”.
Mặc dù trước đó, ngày 23-1-2003, Bộ Văn hóa – Thông tin gửi Công văn số 333/VHTT-ĐT đến Bộ GD-ĐT đề nghị cấp bằng cho các sinh viên còn đủ hồ sơ đã hoàn thành các khóa hệ ĐH chuyên tu tại Trường NTSK II [sau này là Trường CĐ Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, nay là Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM] và ngày 24-8-2008, ông Trần Minh Ngọc, nguyên hiệu trưởng Trường NTSK II, viết thư xác nhận về quá trình học và tốt nghiệp lớp ĐH đạo diễn chuyên tu của ông Lê Hữu Luận [1981-1984].

Trường CĐ  Sân khấu-Điện ảnh TPHCM cũng gửi công văn đến Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, trình bày việc mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét, giúp đỡ việc công nhận kết quả học tập của các cựu sinh viên lớp đạo diễn chuyên tu được đào tạo theo giáo trình ĐH tại trường này. Dù vậy Bộ GD-ĐT vẫn ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ và hủy bỏ kết quả thi nghiên cứu sinh năm 2001 của ông Lê Hữu Luận.

Ai có lỗi?

Viện Văn hóa-Thông tin, trong Công văn số 59/VVHTT-KHĐTHTQT gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đã khẳng định: “Việc ông Lê Hữu Luận chậm có bằng tốt nghiệp ĐH là sơ suất, lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin [nay là Bộ VH-TT-DL ]… đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Vụ ĐH và Sau ĐH xem xét tạo mọi điều kiện để ông Lê Hữu Luận được hoàn tất các thủ tục hành chính ở bước bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà nước”.
Văn bản số 06/PC của Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT gửi Vụ Giáo dục ĐH, ngày 25-3-2009, đã nêu quan điểm: “Không công nhận tính hợp pháp của các lớp đạo diễn chuyên tu tại Trường NTSK II, cụ thể là lớp đạo diễn chuyên tu khóa I tại đây…”. Vì vậy, Vụ Pháp chế cho rằng: “Ông Luận không đủ điều kiện dự thi và học chương trình đào tạo thạc sĩ. Bằng thạc sĩ và kết quả công nhận nghiên cứu sinh của ông Luận cần được thu hồi và hủy bỏ”.

Vụ này cũng xác định có bốn chủ thể có lỗi trong sự việc này, gồm: Bộ Văn hóa [nay là Bộ Vh-TT-DL], Trường NTSK II, Trường ĐH Văn Hóa [Hà Nội] và nghiên cứu sinh Lê Hữu Luận.
Nghệ sĩ Hữu Luân bức xúc: “Việc đề nghị thu hồi bằng thạc sĩ của tôi đã phủ nhận tất cả công lao học tập, nghiên cứu rất tâm huyết của tôi trong suốt 30 năm. Nghiêm trọng hơn, việc thu hồi có thể dẫn đến sự hiểu lầm về quá trình học tập nghiêm túc của tôi, ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín, danh dự, sự nghiệp và làm tổn thương rất lớn tâm lý của tôi và gia đình tôi”.
Anh cho rằng: “Nếu không công nhận khóa học đạo diễn sân khấu này, do có sai sót trong khâu tuyển sinh thì sao Bộ GD-ĐT không có quyết định hủy bỏ ngay từ năm 1984 khi trường đề nghị cấp bằng tốt nghiệp cho chúng tôi? Quá trình học tập của chúng tôi rất nghiêm túc, trung thực nên quyền được cấp bằng là chính đáng và hợp pháp”.

Đạo diễn Hoa Hạ:

Tôi không nhận bằng cao đẳng


Để bảo đảm quyền lợi cho học viên đã theo học trường NTSK II, Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM cấp bằng tốt nghiệp hệ CĐ cho 12 học viên đã theo học tại trường nhưng chưa được cấp bằng. Tôi sẽ không nhận bằng CĐ. Vì năm 1981 chúng tôi chính thức dự thi lớp ĐH đạo diễn, bảng điểm và danh sách đầu vào chúng tôi vẫn bảo lưu.

Tôi còn giữ trong tay văn bản của Bộ Văn hóa gửi cho Trường NTSK II thông báo duyệt 12 học sinh vào học chuyên tu ĐH đạo diễn sân khấu tại trường này theo chỉ tiêu đào  tạo năm học 1981 -1982.

Văn bản chính thức ghi chúng tôi trúng tuyển bậc ĐH, quá trình học tập kéo dài 5 năm theo giáo trình, giáo án của bậc ĐH. Vậy tại sao đến nay lại cấp bằng CĐ  cho chúng tôi? Như vậy là bất công và có những vấn đề không rõ ràng ở đây.


Nhà báo Việt Hà:

Gần 20 năm chưa nhận được bằng


Chúng tôi là sinh viên khóa lý luận – phê bình đầu tiên của Trường NTSK II và cũng là số sinh viên khá hiếm hoi theo học ngành này. Tại đây, chúng tôi được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản về chuyên ngành và sau khi ra trường, hầu hết sinh viên của hai khóa học này đều làm việc có hiệu quả tại các cơ quan báo chí, đài truyền hình, hãng phim… Tuy nhiên, từ khi tốt nghiệp đến nay, chúng tôi chẳng có một tờ giấy xác nhận nào về kết quả học tập cũng như bằng cấp, mặc dù đã nhiều lần về trường xin cấp bằng.


Đạo diễn Võ Trọng Nam:

Khóa chúng tôi cũng không ai có bằng


Lớp ĐH đạo diễn của chúng tôi từ năm 1985 đến 1989 đã đào tạo một thế hệ những người làm nghề, khẳng định giá trị về mặt kiến thức và nghề nghiệp, cho thấy đó là thành quả từ việc đào tạo chính quy. Thế nhưng, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Đó là điều thiệt thòi, không bù đắp được công sức học tập và lao động nghệ thuật mà chúng tôi đã cống hiến.

—————–

Tốt nghiệp không cấp bằng [?!]

Học hết chương trình cao đẳng, đại học sân khấu điện ảnh đã hơn 10 năm nhưng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay vẫn chưa có được tấm bằng lận lưng.

Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, sau này là Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM được xem là chiếc nôi đã từng đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh cho sân khấu và điện ảnh phía Nam. Nhưng oái oăm thay, rất nhiều nghệ sĩ từng tốt nghiệp từ ngôi trường này không được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp.

Các đạo diễn [từ trái qua]: Phùng Nguyên, Hồng Vân, Việt Hùng, Minh Nhí trên sàn tập trong thời gian học lớp đại học đạo diễn năm 1995

Các đạo diễn [từ trái qua]: Phùng Nguyên, Hồng Vân, Việt Hùng, Minh Nhí trên sàn tập trong thời gian học lớp đại học đạo diễn năm 1995

Chờ đợi mỏi mòn
Các đạo diễn: Minh Hải, Phú Hải, Lê Thụy, Xuân Phước, Minh Nhí, Thanh Thủy, Công Ninh, Kim Loan, Trần Cảnh Đôn, Hồng Vân, Phùng Nguyên, Diệu Đức, Hồng Dung, Văn Thênh, Hữu Luân, Phương Linh… học hết chương trình cao đẳng, đại học ở đây sau hơn 10 năm vẫn chưa có được tấm bằng lận lưng. Những nhà báo theo học các khóa lý luận phê bình sân khấu [hệ đại học] cũng không có bằng.
NSƯT Hồng Vân tâm sự: “Nhiều lần tôi đã đề cập vấn đề này, mong muốn Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM [khi chưa được nâng cấp thành đại học] hãy giúp xác nhận trong hồ sơ quá trình học tập của chúng tôi tại đây, để chúng tôi tự lo việc xin được cấp bằng, nhưng trường không đáp ứng được vì cho rằng không tìm được bảng điểm chứng tỏ chúng tôi đã học ở đây”.
Từ khi Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM được nâng cấp thành Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, nhiều cựu sinh viên của trường này nay đã là những nghệ sĩ có tên tuổi, có người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, đã tìm đến xin được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học. Thế nhưng việc ấy không dễ dàng chút nào.
Hồ sơ trường không lưu điểm thi của sinh viên các khóa học này. Nghệ sĩ cũng ít ai còn lưu giữ số điểm của những kỳ thi mà mình đã học cách đây hơn 10 năm. Bởi vậy, nhà trường cũng bó tay trong việc hợp thức hóa việc cấp bằng cho các nghệ sĩ này. Nghệ sĩ Minh Nhí bức xúc: “Lúc đó chúng tôi chỉ biết học, còn việc có được cấp bằng hay không thì tính sau. Nhưng nào ngờ. Hiện nay, nếu muốn có một biên chế hoặc ký kết hợp đồng dài hạn với một đơn vị nào đó, tấm bằng trở nên quan trọng vô cùng, vì liên quan đến việc xếp hệ số bậc lương và nhiều quyền lợi khác”.
Đạo diễn Hữu Luân cũng cho biết vì thiếu bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành  nên anh gặp nhiều rắc rối trong việc học lên cao học. Đạo diễn Kim Loan, đang công tác tại Hãng phim Trẻ, cho biết nhiều năm qua chị được cơ quan thông cảm cho chờ bổ sung bằng tốt nghiệp đại học nhưng “cứ phải chờ đợi trong mỏi mòn”.
“Con 3 cha, 7 mẹ”

Liệu các nghệ sĩ, đạo diễn không tìm được kết quả học tập có được truy cấp bằng hay phải học lại từ đầu? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời. Trong số họ có người mong muốn được về trường giảng dạy nhưng bị từ chối vì… không có bằng!

Khi Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 chỉ được đào tạo hệ trung cấp, nhiều nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp trường này, có nguyện vọng học lên hệ cao đẳng, đại học nhưng không có điều kiện ra Hà Nội học nên ban giám hiệu trường này đã liên kết với Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam đào tạo các khóa học hệ cao đẳng, đại học.

Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Phan Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, cho biết các thầy cô hiệu trưởng tiền nhiệm đã tích cực trong việc tìm giải pháp để xin được cấp bằng cho một số đạo diễn, nghệ sĩ đã hoàn thành chương trình đào tạo hệ đại học, cao đẳng nhưng chưa được cấp bằng. Song, nguyên nhân chính là đầu vào không có sự thống nhất giữa hai bộ: Bộ GD-ĐT và Bộ VHTT [nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch]. Hiệu trưởng Phan Bích Hà ví von việc này như những đứa con sinh ra có cha chung nên không ai có trách nhiệm làm khai sinh cho con. Khi kết thúc các khóa đào tạo này, đến khâu cấp bằng thì bị cho là đào tạo không hợp lệ, do kết quả thi tuyển không được Bộ GD-ĐT công nhận. Bộ VHTT là cơ quan chủ quản của cả hai trường nhưng không phải là cơ quan cấp bằng.
Bà Phan Bích Hà cũng cho biết: “Từ khi trường được nâng cấp thành trường đại học, ban giám hiệu của trường đã tích cực truy tìm lại điểm số, kêu gọi các nghệ sĩ, từng là sinh viên của trường còn lưu điểm số và những chứng chỉ học phần của mình gửi đến trường để làm hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ GD-ĐT truy cấp bằng chứng nhận kết quả học tập của họ. Tin mừng là có 10 nghệ sĩ đã được Bộ GD-ĐT đồng ý cấp bằng cao đẳng, gồm có: đạo diễn Hữu Luân, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, nghệ sĩ Hồng Dung, đạo diễn Văn Thênh… Số còn lại vì chưa nộp đủ hồ sơ nên chúng tôi chưa thể tiến hành việc xin xem xét truy cấp bằng đại học”.
Một điều khó khác phát sinh, theo bà Phan Bích Hà: “Bằng truy cấp cho một số người là hệ cao đẳng mà trường hiện nay là đại học. Pháp nhân ký và đóng mộc vào tấm bằng đó phải hợp thức hóa như thế nào? Do vậy chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến của cả hai cơ quan quản lý có thẩm quyền: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT”.

Tắc trách từ khâu tuyển sinh


Trải qua ba đời hiệu trưởng: NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Trần Minh Ngọc, Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn, đến khi NSND Đoàn Dũng làm hiệu trưởng, ông mới làm việc với Bộ GD-ĐT và  Bộ VHTT [nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch] đấu tranh rất căng thẳng nên khóa đại học đạo diễn 3 mới được cấp bằng đại học chính quy. Sự tắc trách này nằm ở khâu tuyển sinh, tổ chức liên kết đào tạo của Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 với Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam. Nghệ sĩ Khánh Hoàng [Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM], sinh viên khóa 3 đạo diễn, hệ đại học, cho biết: “Thời đó chúng tôi học kéo dài đến 7 năm vì giáo trình giảng dạy thiếu tính thống nhất. Một số bộ môn được thông báo miễn học nhưng khi chuẩn bị thi chúng tôi phải học lại. Mất thêm 3 năm nữa mới hoàn tất khóa học. Thử hỏi nếu khóa chúng tôi không có sự can thiệp tích cực hơn của NSND Đoàn Dũng thì chưa chắc chúng tôi có được tấm bằng”.

Nguồn: Người Lao Động

Chủ Đề