Ưu điểm của hình thức đấu giá trực tuyến

Không đảm bảo tính thống nhất tổ chức thực hiện

Bộ Tư pháp vừa họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định, đấu giá trực tuyến đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương, nhờ đó vừa đảm bảo việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen”, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Ưu điểm của hình thức đấu giá trực tuyến
Bộ Tư pháp họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, không đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Cụ thể, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ hình thức đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên môi trường Internet, chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến, còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước… vẫn được thực hiện trực tiếp như các hình thức đấu giá khác.

Điều này khiến các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng, mỗi tổ chức thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế.

Cũng do quy định về hình thức đấu giá trực tuyến chưa đầy đủ nên một số tổ chức đấu giá tài sản đã hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thông qua email hoặc tài khoản web đã được đăng ký; một số thì yêu cầu nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.

Việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất, một số tổ chức đấu giá yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước thông qua chuyển khoản ngân hàng, một số lại yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang đấu giá trực tuyến đã cấp… Điều này phản ánh không đúng bản chất của hình thức đấu giá trực tuyến (toàn bộ quy trình đều được thực hiện trên môi trường Internet).

Bên cạnh đó, việc Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất đã gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Vì vậy, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP để quy định đầy đủ, thống nhất, đồng bộ hình thức đấu giá trực tuyến, đảm bảo toàn bộ quy trình đấu giá trực tuyến được thực hiện trên môi trường Internet và xây dựng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất (tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đang vận hành như hiện nay) do cơ quan quản lý Nhà nước là đầu mối vận hành, quản lý thống nhất, thông suốt trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng trang đấu giá trực tuyến thống nhất trong cả nước

Dự thảo Nghị định bổ sung, Bộ Tư pháp là cơ quan xây dựng, vận hành và quản lý Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất trong phạm vi cả nước (được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá trực tuyến hiện nay) bên cạnh quy định các tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.

3 mô hình đấu giá trực tuyến phổ biến trên thế giới

Theo Bộ Tư pháp, trên thế giới hiện có 3 mô hình chính về đấu giá trực tuyến:

Mô hình 1 là tổ chức thương mại thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện mua bán trên đó, như các trang đấu giá eBay, eBid, Charaty Auctions Today, Web store... Nhìn chung, trang điện tử đấu giá trực tuyến dạng này hoạt động giống như là một nơi họp chợ cho các thành viên, hoặc các doanh nghiệp sử dụng để đấu giá các sản phẩm, dịch vụ thông thường, giá trị nhỏ. Việc đấu giá trực tuyến các hàng hóa do các doanh nghiệp thương mại thực hiện dựa trên quy định của pháp luật về giao dịch thương mại điện tử, thủ tục đấu giá đơn giản, không do tổ chức đấu giá thực hiện.

Mô hình 2 là Nhà nước giao cho một doanh nghiệp Nhà nước đứng ra thành lập Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan có thẩm quyền giao (mô hình của Công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc (KAMCO). KAMCO được Chính phủ ủy quyền cho phép thực hiện bán đấu giá tài sản công để thu hồi tiền về cho ngân sách, các loại tài sản bán đấu giá rất đa đạng và từ tháng 10/2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thông với tài sản công đã bị hủy bỏ, chuyển 100% sang hình thức trực tuyến này.

Mô hình 3 là tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình và tổ chức đấu giá trên đó. Những tổ chức đấu giá không thể thành lập trang tin này thì có thể ký hợp đồng với tổ chức đấu giá có trang tin để thuê cơ sở hạ tầng đấu giá trực tuyến.

Tổ chức đấu giá, Hội đồng đấu giá hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá sử dụng hoặc thuê Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về trình tự thực hiện đấu giá. Theo đó, toàn bộ quy trình tổ chức đấu giá từ niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức bán, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước đến việc tổ chức cuộc đấu giá, lập biên bản đấu giá đều được thực hiện trên môi trường internet, thay vì một số công đoạn đang được thực hiện trực tiếp và một số công đoạn đang được thực hiện trực tuyến như quy định hiện hành.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, một số ý kiến góp ý về quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Đấu giá tài sản. Ví dụ như Điều 50 Luật Đấu giá tài sản quy định về rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận đối với hình thức đấu giá trực tiếp nhưng không có quy định đối với hình thức đấu giá trực tuyến, vì vậy cần làm rõ việc đấu giá trực tuyến có được rút lại giá đã trả không? Đồng thời, cần quy định cụ thể về việc thu hồi thẻ đấu giá viên; quy trình tổ chức đấu giá; cơ quan quản lý, thẩm định chất lượng phần mềm bán đấu giá trực tuyến hoặc quy định khung về vấn đề này...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp sau cuộc họp tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Mặc dù Dự thảo Nghị định được áp dụng theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng Thứ trưởng đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến một số bộ, ngành và một số tổ chức đấu giá tài sản.

Liên quan đến đấu giá trực tuyến, tại Hà Nội, từ năm 2020, Sở Tư pháp Hà Nội đã phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến với Công ty đấu giá hợp danh số 5 quốc gia. Đây là tổ chức đấu giá tài sản đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến theo quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016. Công ty này đã xây dựng phần mềm có thể tổ chức cho hàng trăm nghìn người tham gia trên web đấu giá trực tuyến http://daugiaso5.vn (http://daugiaviet.vn)./.