Ví dụ áp dụng pháp luật hành chính

Phân tích hình thức áp dụng quy phạm pháp luật hành chính (QPPLHC)

Ví dụ áp dụng pháp luật hành chính

TỪ KHÓA: Áp dụng pháp luật, Luật hành chính, Quy phạm pháp luật

1. Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là gì?

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước.

2. Đặc điểm của Áp dụng QPPLHC

2.1. Tính quyền lực nhà nước:

+ Do các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành, nhân danh nhà nước sử dụng quyền hành pháp.

+ Sự tiếp tục thể hiện ý chí nhà nước: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hành chính là hoạt động thể hiện ý chí nhà nước, ý chí của cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước khi áp dụng những quy phạm hành chính để giải quyết những công việc cụ thể phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước một lần nữa thể hiện ý chí nhà nước.

+ Thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể áp dụng quy phạm pháp luật hành chính: Khi tham gia quan hệ pháp luật hành chính, 1 bên chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước để áp đặt ý chí lên bên kia, buộc bên còn lại phải phục tùng ý chí của mình.

+ Thể hiện sự bắt buộc với các chủ thể bị áp dụng quy phạm pháp luật hành chính: Kết quả của hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có thể là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính và cả 2 đều có tính bắt buộc với chủ thể bị áp dụng quy phạm pháp luật hành chính.

+ Được đảm bảo bằng cưỡng chế nhà nước: Hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính như đã phân tích ở trên, mang tính quyền lực và thể hiện sự bắt buộc với các chủ thể bị áp dụng quy phạm pháp luật hành chính nên cần có biện pháp để bảo đảm các quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện trên thực tế. Biện pháp đặc trưng để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là cưỡng chế nhà nước.

VD: UBND Thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình xây vượt quá chiều cao quy định đối với toà nhà số 83 Lê Trực. Hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính này do UBND thành phố Hà Nội tiến hành dựa trên quy định của pháp luật về giới hạn chiều cao của công trình xây dựng. Quyết định buộc tháo dỡ phần công trình này là bắt buộc với chủ đầu tư của công trình này. Nếu chủ đầu tư không tự giác thực hiện thì UBND thành phố sẽ có biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ.

2.2. Áp dụng QPPLHC được tiến hành theo thủ tục hành chính

Một hoạt động quản lý hành chính nhà nước bao giờ cũng phải tuân theo thủ tục hành chính nhất định do pháp luật quy định để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch của hoạt động quản lý.

VD: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

2.3. Áp dụng QPPLHC là hoạt động cá biệt hoá quy phạm pháp luật hành chính với từng trường hợp cụ thể

Mỗi vụ việc phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước lại có những đặc điểm, tính chất khác nhau. Điều này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền phải sử dụng đúng đắn, hợp lý, phù hợp quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết từng trường hợp cụ thể.

VD: Anh A vượt xe của anh B tại khu vực gần nút giao Pháo Đài Láng và Nguyễn Chí Thanh nhưng không có tín hiệu xin vượt nên bị chiến sĩ cảnh sát giao thông tại bốt giao thông khu vực đó dừng xe và ra quyết định xử phạt tại chỗ theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đây là hoạt động cá biệt hoá quy phạm pháp luật cho từng trường hợp cụ thể. Yêu cầu của hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính:

2.4. Việc áp dụng QPPLHC phải đúng nội dung, đúng mục đích của quy phạm được áp dụng

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện để điều chỉnh quan hệ xã hội. Như vậy, một quy phạm pháp luật được ban hành chỉ có thể điều chỉnh một mối quan hệ xã hội nhất định nào đó. Điều này cũng tương tự với quy phạm pháp luật hành chính. Vì vậy, khi có vụ việc phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể áp dụng quy phạm pháp luật phải sử dụng đúng quy phạm điều chỉnh quan hệ xã hội trong vụ việc. Sau khi đã xác định được quy phạm pháp luật cần sử dụng, chủ thể có thẩm quyền còn cần phải qua tâm tới mục đích của quy phạm đó để áp dụng cho phù hợp. Việc áp dụng đúng nội dung, đúng mục đích của quy phạm pháp luật hành chính là yêu cầu bắt buộc bởi vì đây là điều kiện cần để giải quyết những công việc phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước, không áp dụng đúng nội dung của quy phạm pháp luật hành chính đồng nghĩa với việc không đạt được mục đích quản lý hành chính nhà nước.

VD: 10/2019, ông A nhận chuyển nhượng của ông B 0.01 ha đất nông nghiệp trồng hoa màu. Sau chuyển nhượng, A xây móng nhà trên đất. A làm thủ tục chuyển nhượng và UBND xã đã xác nhận. 5/3/2020, A bị lập biên bản VPHC khi đang đổ đất trên móng nhà. 7/5/2020, Chủ tịch UBND ký ban hành quyết định xử phạt 111 với A về hành vi sử dụng đất sai mục đích theo điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Đất đai.

2.5. Áp dụng QPPLHC phải do chủ thể có thẩm quyền thực hiện

Chỉ có các chủ thể được phép sử dụng quyền hành pháp để quản lý hành chính nhà nước mới có thể tiến hành áp dụng pháp luật. Điều này đảm bảo việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có hiệu quả, hiệu lực trên thực tế vì khi một chủ thể không có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, việc áp dụng này sẽ không có hiệu lực về mặt pháp lý.

VD: Trong ví dụ trên, do diện tích đất được sử dụng sai mục đích là 0.01ha, nếu diện tích này là 0.1ha thì theo điểm đ khoản 2 điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt từ 15 – 30 triệu đồng và thẩm quyền xử phạt VPHC lúc này thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện theo điểm b khoản 2 điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

2.5. Áp dụng QPPLHC phải đúng thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính là cách thức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Thủ tục hành chính quy định rõ về số lượng những hoạt động cụ thể, trình tự của những hoạt động đó, chủ thể có thẩm quyền thực hiện, các hồ sơ, biểu mẫu và cách thức, thời hạn, địa điểm tiến hành hoạt động. Thủ tục hành chính ra đời với mục đích thống nhất quản lý, nghĩa là, với cùng một hoạt động như đăng ký khai sinh thì chủ thể áp dụng pháp luật sẽ thực hiện theo 1 và chỉ 1 thủ tục, như vậy thì quản lý hành chính nhà nước mới minh bạch, thống nhất.

VD: Khi tiến hành cấp đăng ký xe, Phòng cảnh sát giao thông cần phải thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư 15/2014/TT-BCA:

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan và cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe

1- Thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác đăng ký xe. Nghiêm cấm quy định thêm các thủ tục đăng ký xe trái quy định tại Thông tư này.

2- Cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe phải kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với thực tế xe, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì tiếp nhận, giải quyết đăng ký xe. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm thủ tục quy định thì phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần (ghi nội dung hướng dẫn vào phía sau giấy khai đăng ký xe) và chịu trách nhiệm về sự hướng dẫn đó.”

2.6. Áp dụng QPPLHC phải trong thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định

+ Thời hạn áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là khoảng thời gian pháp luật ấn định, theo đó các chủ thể có liên quan bắt buộc phải thực hiện công việc của mình trong khoảng thời gian này hoặc khi khoảng thời gian đó trôi qua, các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể có liên quan bị chấm dứt. Thực hiện đúng thời hạn sẽ tránh làm mất thời gian của cả chủ thể bị áp dụng quy phạm pháp luật hành chính và chủ thể áp dụng quy phạm pháp luật hành chính. Ví dụ: Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

+ Thời hiệu áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là khoảng thời gian do pháp luật quy định trong đó các chủ thể quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật hành chính đối với các cá nhân, tổ chức. Ví dụ: Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

VD: Khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2014/TT-BCA:

Điều 4. Thời hạn cấp đăng ký, biển số xe

2- Cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên, di chuyển xe; cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe bị mất thì thời gian xác minh và hoàn thành thủ tục không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”

Phòng Cảnh sát giao thông cần phải thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn kể trên để tránh gây phiền hà, mất thời gian cho người dân.

2.7. Kết quả của hoạt động áp dụng QPPLHC phải được trả lời công khai với đúng đối tượng có liên quan

Yêu cầu này đưa ra nhằm đáp ứng nguyên tắc công khai, minh bạch của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Kết quả của hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính khi được công khai với đối tượng có liên quan để giúp những đối tượng này biết và thực hiện theo quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính. Thêm vào đó, việc công khai kết quả áp dụng quy phạm pháp luật hành chính còn là cơ sở để tiến hành những hoạt động khác sau này: Khiếu nại, tố cáo …

VD: Khi tiến hành xong hoạt động áp dụng thủ tục để cấp giấy khai sinh thì kết quả của hoạt động – tờ giấy khai sinh phải được trả cho chủ thể yêu cầu làm giấy khai sinh.

2.8. Kết quả của hoạt động áp dụng QPPLHC phải được các bên có liên quan tôn trọng và phải được đảm bảo thực hiện trên thực tế

Sau khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, chủ thể có thẩm quyền sẽ ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính – kết quả của hoạt động. Các bên có liên quan tới hoạt động áp dụng áp dụng quy phạm pháp luật hành chính cần tôn trọng kết quả của hoạt động này. Việc tôn trọng thể hiện sự phục tùng ý chí, quyền lực nhà nước. Thêm vào đó, việc đảm bảo thực hiện trên thực tế cũng thể hiện tính quyền lực, tính hiệu quả của hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính. Khi 1 quyết định hành chính hoặc 1 hành vi hành chính được tôn trọng và đảm bảo thực hiện, nó góp phần củng cố niềm tin của người dân với cơ quan hành chính nhà nước.

VD: Cá nhân vi phạm hành chính bị phạt tiền nếu đã tự nguyện nộp phạt theo quy định của pháp luật thì chủ thể có thẩm quyền chỉ có trách nhiệm thu và sử dụng khoản tiền đó theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cá nhân vi phạm không tự nguyện thì sử dụng cưỡng chế để buộc cá nhân nộp phạt.

Nguồn: https://dethiluat.com