Vì sao cuba giúp việt nam

 "Nếu có ai hỏi tôi, trong quan hệ hữu nghị với Việt Nam có điều gì đáng tiếc, thì tôi sẽ nói là có. Chỉ có mỗi một nỗi đau và ân hận là tôi không thể tới Việt Nam trước ngày 3-9-1969, nên không có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người tôi rất kính phục. Nhưng tôi đã được bù đắp bằng chính mắt mình nhìn thấy nhân dân Việt Nam đang thể hiện những lời giáo huấn của Người một cách có hiệu quả".

Những lời nói tha thiết tình cảm này của đồng chí Fidel Castro được thốt lên giữa vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Khi đó Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam. Những bày tỏ chân thành đó đã phần nào nói lên tình cảm sâu đậm của một vị lãnh tụ đối với đất nước Việt Nam. Và với Việt Nam, Cu Ba cũng đặc biệt như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu sử học và ngoại giao nhận định, trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba. Trong suốt nửa thế kỷ qua, hai nước đã luôn kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.

Đất nước Cuba quật khởi dưới sự lãnh đạo của đồng chí Fidel Castro và Ban lãnh đạo Phong trào 26-7, hoàn toàn được giải phóng khỏi chế độ độc tài Batista, chấm dứt chế độ thực dân mới của Mỹ, tiến hành công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đưa Cuba trở thành nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên ở Tây bán cầu (1/1/1959). Ngay sau đó, ngày 2/12/1960, Chính phủ Cộng hòa Cuba và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông-Tây của địa cầu. Sự kiện này diễn ra như một tất yếu lịch sử, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước; phán ánh tính hiện thực của chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã phát triển toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật.

Cách mạng Cuba thành công vào lúc nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhận rõ tính chất thời đại của sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam, Ðảng, Nhà nước, nhân dân Cuba và đồng chí Fidel Castro đã dành cho nhân dân ta sự ủng hộ và giúp đỡ vô cùng quý báu, có hiệu quả cả tinh thần lẫn vật chất.

Với tinh thần "Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", một phong trào quần chúng rộng rãi ủng hộ Việt Nam đã được triển khai khắp cả nước với các hình thức rất phong phú; míttinh, xuống đường chống đế quốc Mỹ, hội thảo, nói chuyện, thi tìm hiểu về Việt Nam, lập các tổ nghiên cứu chuyên đề về Việt Nam tại các trường đại học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội... Ðài phát thanh La Habana đã dành riêng một kênh phát bằng tiếng Anh sang Mỹ, ngày phát 6 buổi (kênh) để giới thiệu với nhân dân Mỹ về tình hình Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần cùng Việt Nam tranh thủ dư luận tiến bộ Mỹ, ủng hộ Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh. Ngay từ buổi đầu cách mạng, khó khăn có nhiều, Cuba đã nhận lớp học sinh Việt Nam đầu tiên và sau đó hàng nghìn sinh viên sang đào tạo ở nhiều ngành khác nhau.

Giữa lúc đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc, nhiều kỹ sư, công nhân Cuba đã sang xây dựng một số công trình quan trọng phục vụ quốc kế dân sinh: khách sạn Thắng Lợi, Bệnh viện Ðồng Hới, xa lộ Xuân Mai - Sơn Tây, đường Hồ Chí Minh, hai trung tâm nuôi bò, gà theo công nghệ hiện đại... Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho các nạn nhân chiến tranh. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân ta. Hằng năm, Cuba giúp ta ba vạn tấn đường và bạn đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và cho đặt cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại La Habana, sau đó, Cuba đã cử Ðại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng.

Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em luôn sát cánh và dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, có hiệu quả cả tinh thần và vật chất. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu của những người đồng chí, anh em Cuba thực sự là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho toàn quân, toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng tộc và tái thiết đất nước. 

Với Cuba, thời kỳ 1990, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước bước vào "thời kỳ đặc biệt trong hòa bình," giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba anh em sự ủng hộ hết lòng, góp phần khiêm tốn cùng bạn vượt qua khó khăn như tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng hành động nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em.

Ngày nay, hai nước luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. 

Ðặc biệt, trong tháng 6-2007, trong chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Việt Nam và Cuba đã ký tám hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí, văn hóa, thể thao... đồng thời mở rộng hợp tác nhiều bên với sự tham gia của các nước trong khu vực và bên thứ ba, nhất là trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Những thỏa thuận trên thể hiện quyết tâm thúc đẩy và mở rộng hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, nâng quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa hai nước lên tầm cao mới.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba hiện đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế. Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba đã tạo tiền đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sự ra đi của đồng chí Fidel Catro để lại sự tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế. Thêm một lần nữa, mối quan hệ đoàn kết anh em trước sau như một, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba vốn được các vị lãnh tụ xây dựng và thử thách trong khói lửa đấu tranh cách mạng, tiếp tục được khẳng định, gìn giữ trong thời đại ngày nay. Mối quan hệ là tài sản vô cùng quý báu cho nhân dân hai nước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tin rằng, các thế hệ người Việt Nam và Cuba sẽ gìn giữ, viết tiếp những trang mới, làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác anh em Việt Nam-Cuba ngày càng sâu sắc, bền chặt và đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vào hòa bình, ổn định và phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình” – câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro đã in sâu vào trái tim người dân Việt Nam và càng làm bền chặt hơn tình hữu nghị, tình đồng chí đặc biệt giữa Việt Nam – Cuba trong những năm tháng khó khăn nhất. Và hơn 60 năm trải qua bao thăng trầm, mối quan hệ thủy chung gắn bó giữa hai quốc gia ở hai bán cầu trái đất ngày càng bền chặt, sâu sắc và nồng ấm hơn.

Trong thời gian qua dưới sự tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 và sự cấm vận, phong tỏa của Hoa Kỳ, dẫn đến đất nước bạn Cuba lâm vào khó khăn, khủng hoảng, đời sống của nhân dân Cuba bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thiếu hụt thuốc men và lương thực, thực phẩm, giá cả thị trường tăng cao, tình trạng thiếu điện sản xuất, cùng nhiều thách thức kinh tế, xã hội khác khiến cho chính phủ ở Cuba gặp nhiều khó khăn khi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề nội bộ, đặc biệt là giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực, thuốc men và vaccine”. Trước tình hình đó Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã kịp thời trao tặng 12.000 tấn gạo cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba.

Thế nhưng điều đáng buồn là trong thời gian qua, lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch bên ngoài và cả một số người trong giới trẻ nước ta thông qua mạng xã hội đã lên tiếng tỏ ra không đồng tình với hành động của Chính phủ Việt Nam và tìm cách phủ nhận mối quan hệ bền chặt giữa hai đất nước Việt Nam-Cuba. Họ tìm cách gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa hai dân tộc, phủ nhận vai trò và sự giúp đỡ chân tình của nhân dân Cuba trong kháng chiến cứu nước và trong xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam; cũng như sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần mà nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba. Trên internet có nhiều trang mạng, tài khoản mạng xã hội thiếu thiện chí đã xuyên tạc câu chuyện của Việt Nam như “Việt Nam bỏ mặc người dân để viện trợ cho Cuba” hay “Việt Nam chống Mỹ cứu Cuba”, “dân nghèo chết đói lại đi cho quà người nghèo, đã giàu đâu mà đi viện trợ”…

Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhất, mặc dù đất nước bạn Cuba cũng gặp nhiều khó khăn do bị bao vây, cấm vận nhưng vẫn dang tay giúp đỡ chân tình không toan tính đối với nhân dân Việt Nam. Cuba cũng là nước Mỹ Latinh đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) và thành lập Ủy ban toàn quốc đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam (năm 1963); là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng là nước đầu tiên đặt “Đại sứ quán trong rừng” ở Tây Ninh (năm 1969); vận động các nước bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam ra nhập Liên Hợp Quốc. Năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro và đoàn công tác Cuba đã có chuyến thăm đặc biệt tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, đến với tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị. Trước những đau thương, mất mát và thiếu thốn mà quân dân Việt Nam đang phải gánh chịu, ông đã quyết định xây dựng không cho Việt Nam nhiều công trình quan trọng, thiết yếu (Bệnh viện Cuba – Việt Nam tại Đồng Hới, Quảng Bình; khách sạn Thắng Lợi tại Hồ Tây, Hà Nội; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ với tổng trị giá hơn 80 triệu USD thời bấy giờ); từ những tuyến đường giao thông, cho đến quốc lộ cái cầu, con đường trên khắp mọi miền đất nước được sửa chữa, nâng cấp từ bàn tay của những thợ lành nghề Cuba; Cuba dường như đã làm tất cả những gì mình có thể làm để giúp đỡ Việt Nam vực dậy sau chiến tranh và mới đây nhất Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định Cuba hết sức coi trọng hợp tác về vaccine với Việt Nam, nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vaccine Abdala phòng COVID-19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Vậy, ngày nay giúp đỡ nước bạn vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn tấn gạo có đáng là gì, thế giới sẽ không bao giờ hiểu được những gì mà Cuba đã làm cho Việt Nam và cũng không bao giờ hiểu được thứ tình cảm thiêng liêng sắt son ấy.

Người ta nói: không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn và một số quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước láng giềng đã từng được Việt Nam giúp đỡ đã tuân thủ nghiêm túc vấn đề này, Việt Nam trong mắt họ nếu không còn giá trị lợi dụng, không có lợi cho quốc gia dân tộc họ thì họ cũng sẵn sàng quay lưng. Nhưng còn Cuba thì không, dù cách xa cả nửa bán cầu luôn sẵn sàng lên tiếng ủng hộ Việt Nam vô điều kiện. Chúng ta tìm đâu ra tấm chân tình như vậy trong bao năm qua, tìm đâu ra một người bạn không vụ lợi như vậy, nhưng tại sao một số người Việt Nam chúng ta lại chọn cách lãng quên, thậm chí phỉ nhổ vào quá khứ, đó là vì họ chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân, chỉ muốn được nhận mà không muốn cho đi.

Đúng! Sự thật Việt Nam chúng ta còn nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa chúng ta còn phải gồng mình chống lại đại dịch trước mắt, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no” rất nhiều người dân Cuba cũng không giàu có gì nhưng cũng đã từng quyên góp gạo, chăn, màn thuốc men gửi đến Việt Nam ta, họ đâu có nghĩ rằng người Cuba phải no đủ đã rồi mới gửi cứu trợ đến Việt Nam đâu.

Trải qua hơn 60 năm, tình bạn bè, tình đồng chí đã gắn kết hai đất nước ở hai bán cầu xích lại gần nhau. Đồng hành cùng nhau trong những năm tháng khó khăn nhất, chia sẻ cùng nhau từ những vật dụng nhỏ nhất đã khiến cho tình cảm ấy càng trở nên keo sơn, gắn bó như anh em một nhà. “Mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”. Trải qua bao thăng trầm, thời gian trôi đi thế sự thêm nhiều biến đổi, nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm sâu đậm và những sự giúp đỡ vô giá mà nhân dân Cuba đã dành cho mình. Luôn khắc ghi đạo lý ấy, ơn nghĩa ấy, thì Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam từ lâu đã coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim. Hy vọng rằng Việt Nam – Cuba sẽ sớm vượt qua thời kỳ khó khăn này, vươn mình cùng nhau phát triển mọi mặt và luôn vun đắp thêm tình đoàn kết keo sơn thiêng liêng ấy của hai nước./.

CAQN