Vì trị của Lưu Quang Vũ

Kỉ niệm 30 năm ngày mất của cố kịch gia Lưu Quang Vũ (29/8/1988-29/8/2018), chúng ta hãy cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của tác giả tài năng này, cũng như giá trị và đóng góp đối với sự nghiệp đào tạo con người đến từ những tác phẩm kịch nói xuất chúng của ông trong bối cảnh đương thời.

Vài nét về cuộc đời và tác phẩm của Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, trải qua tuổi thơ sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ. Khi hòa bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Đến năm 1965, Lưu Quang Vũ nhập ngũ và phục vụ trong Quân chủng Phòng không – Không quân đến năm 1970. Sau khi xuất ngũ ông đã làm đủ mọi nghề, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,... Cho tới năm 1978 khi trở thành biên tập viên Tạp chí Sân khấu, Lưu Quang Vũ mới bắt đầu bước chân vào sự nghiệp viết kịch.

Ban đầu Lưu Quang Vũ có khoảng thời gian được biết đến như một nhà thơ, và đôi khi là tác giả một số truyện ngắn. Thơ của ông chủ yếu ra đời trong thời gian nhập ngũ, với những vần thơ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Tuy nhiên sau khi vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ, “Sống mãi tuổi 17”, ra đời năm 1980 ông đã trở thành một cây bút chuyên viết kịch. Chỉ trong mười năm, ông đã viết gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như  Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita,… Lưu Quang Vũ lúc ấy đã được biết tới như một trong những hiện tượng hiếm có của sân khâu kịch Việt Nam. Kịch Lưu Quang Vũ đề cao sự triết lí, mang đậm tính thời sự và con người, gắn liền với sự chuyển mình của xã hội trong thời kì đất nước có nhiều khó khăn biến động, đi sâu vào từng ngóc ngách xa nhất trong cuộc sống vật chất và tinh thần của mỗi con người, mỗi tầng lớp.

Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật năm 2000. Trước đó vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 cũng từng được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu.

Giá trị kịch Lưu Quang Vũ đối với đời sống xã hội

Trong thời điểm những năm 80 của thế kỉ trước, khi đất nước vừa ra khỏi hai cuộc kháng chiến, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, kinh tế bao cấp, tệ quan liêu, cửa quyền, vô trách nhiệm đã trở thành căn bệnh... Ở thời điểm lịch sử ấy, kịch của Lưu Quang Vũ như con dao sắc mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của xã hội, động chạm đến những vấn đề mà ngày ấy cho là nhạy cảm.

Có thể nói khi hướng ngòi bút về cuộc sống, kịch Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng nói thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành đánh giá, kịch của Lưu Quang Vũ khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, gợi mở cách giải quyết, được thức tỉnh tinh thần đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống. Đặc biệt là những vở kịch ấy phần nhiều đã đáp ứng được nhu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, sự thưởng thức hưởng thụ của khán giả.

Nhà văn Chu Lai cũng chia sẻ, kịch của Lưu Quang Vũ lúc ấy như đội quân tiên phong của văn học nghệ thuật, dám xông vào những vấn đề xã hội nóng bỏng, báo động, tiên liệu, dự cảm một cái gì đó nếu không ổn định cơ chế, ổn định những đạo lý thì con người còn vấp phải những hiểm họa khôn lường. Thực ra, đề tài kịch của Lưu Quang Vũ  dù rất đa dạng, có thể nói về những vấn đề ở nông thôn hay thành thị, chuyện quá khứ hay hiện tại, chiến tranh hay đời thường,… nhưng luôn chỉ ra trong đó sự giao tranh giữa cái thiện và cái ác. Bởi xã hội luôn tồn tại hai mặt xấu - tốt lẫn lộn đồng thời và vẫn cứ luôn tiếp diễn như thế, nên có thể coi kịch Lưu Quang Vũ như là có tính vĩnh cửu.

Cảm hứng chủ đạo trong kịch Lưu Quang Vũ là cảm hứng về con người, về cái đẹp, cái thiện, cái tôi hoà tan trong cái ta. Ở đó tính thời sự được kết hợp với những vấn đề muôn thuở của nhân loại. Nếu ở vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, lấy mô típ từ truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đề cập đến vấn đề giá trị muôn thuở là triết lý về lẽ sống, lẽ làm người; thì ở Nguồn sáng trong đời, Người tốt nhà số 5, Hoa cúc xanh trên đầm lầy lại là nỗi trăn trở về bản chất, về những thuộc tính bên trong của con người, thông điệp về lòng nhân ái và cao thượng đồng thời cũng chứa đựng triết lý sâu sắc về hạnh phúc và quan niệm về nghệ thuật.

Tiếng nói của sân khấu là một trong những tiếng nói của văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới. Vai trò của Lưu Quang Vũ trong sự đóng góp đối với nền nghệ thuật sân khấu là một trong những nhân tố đã có những dự báo sớm về sự thay đổi của đất nước. Những yêu cầu khách quan của đất nước và xu thế của thời đại, cộng hưởng thêm tiếng nói trẻ trung hơn và gần với con người hơn, gần với nhân dân hơn.

Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ không chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ mà còn thể hiện cách nhìn của tác giả với những trăn trở, suy tư, đòi hỏi với hiện thực, mong mỏi nó tiến tới những chân lý cuộc sống. Ông công khai ngợi ca những tư tưởng mới, lối suy nghĩ mới, cách làm sáng tạo, năng động, đồng thời thẳng thắn phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong nhiều lĩnh vực đời sống và tinh thần của xã hội lúc bấy giờ.

Giá trị giáo dục, đào tạo nhận thức con người của kịch Lưu Quang Vũ trong thời hiện đại

Có lẽ cho đến tận bây giờ ở Việt Nam vẫn hiếm có kịch của tác giả nào nào tạo được sức hút lớn như kịch  Lưu Quang Vũ. Sân khấu kịch, đặc biệt là ở phía Bắc, ngày thường có thể vắng vẻ hơn, nhưng khi có kịch Lưu Quang Vũ lại tiếp đón lượng khán giả tăng đột biến. Trong thời gian tưởng nhớ 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ, đã có rất nhiều buổi diễn được tổ chức: Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ gồm 4 vở kịch Lời nói dối cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9 tại Nhà hát Tuổi trẻ từ 4/8 – 1/9/2018, hay  Đêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ , Xuân Quỳnh "Tình yêu ở lại” vào ngày 26/8/2018 tại Nhà hát Lớn.

Kịch Lưu Quang Vũ cũng xuất hiện trong chương trình giáo dục Ngữ Văn phổ thông, với các trích đoạn trong tác phẩm Tôi và chúng ta (Ngữ văn lớp 9) và Hồn Trương Ba da hàng thịt (Ngữ văn lớp 12), đều là những bài học bắt buộc đã từng được đưa kì thi tốt nghiệp THPT. Năm 2013, vở kịch Mùa hạ cuối cùng đã từng được đoàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn miễn phí cho hàng ngàn học sinh, sinh viên đến từ hơn 140 trường đại học, THPT tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Với các sinh viên khoa Diễn viên Sân khấu Điện Ảnh của Đại học Sân khấu Điện ảnh, việc am hiểu và diễn xuất các vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng là một điều hết sức quen thuộc. Năm 2011, lớp diễn viên trẻ của ĐH Sân khấu điện ảnh, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Phan Trọng Thành và NSND Doãn Châu thiết kế mỹ thuật, đã từng gây tiếng vang lớn khi biểu diễn lại thành công vở kịch Ông không phải là bố tôi trước đông đảo khán giả tại Rạp Công nhân.

Kịch Lưu Quang Vũ vẫn còn được đông đảo công chúng đón nhận và nghệ sĩ trong giới quan tâm như vậy đến bây giờ, có lẽ nhờ hai lí do. Thứ nhất, bản thân những vở kịch của Lưu Quang Vũ, dù thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng tính thời sự vẫn còn nguyên vẹn. Những vấn đề đa dạng được nhắc đến trong các vở kịch của ông như  chuyện tình cảm gia đình, những mặt tối trong tâm tư tình cảm con người vẫn đang hiện hữu trong xã hội hiện thời và vẫn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Kịch Lưu Quang Vũ đa dạng và dường như ông đã chú tâm sáng tác để hướng đến mọi lứa tuổi hay tầng lớp. Học sinh phổ thông có thể xem Mùa hạ cuối cùng, người trẻ mới chập chững bước vào cuộc sống có thể xem Hoa cúc xanh trên đầm lầy, người đi làm xem Tôi và chúng ta, người lớn tuổi nhiều chiêm nghiệm xem Hồn Trương Ba da hàng thịt.  Bất kì ai xem kịch Lưu Quang Vũ cũng đều cảm thấy hấp dẫn, bởi người xem kịch không chỉ đơn thuần để giải trí, mà còn được thấu cảm, được nhìn thấy bản thân và những người xung quanh qua từng nhân vật, từng lời thoại.

Thứ hai, ngoài những giá trị sẵn có của kịch Lưu Quang Vũ, cũng phải nhắc đến sự nỗ lực của nhà hát kịch nói trong việc dàn dựng và truyền tải đến người xem. Trong các vở kịch ngoài những câu chữ có sẵn của tác giả, vẫn có thêm như chi tiết nhỏ, những từ ngữ đã được đạo diễn và diễn viên của những nhà hát nghiên cứu để thêm vào, giúp cho vở kịch gần gũi hơn với người xem mà vẫn giữ nguyên cốt truyện hay chất kịch cũ. NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay: "Những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó. Các vở diễn nói lên được sự bức xúc trăn trở của người dân với những nhức nhối của xã hội. Tuy nhiên, trong lần này, một vài chi tiết của kịch đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay". Nhờ đó, kịch Lưu Quang Vũ luôn được khoác lên những màu áo mới, nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.

             30 năm đã đi qua, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn đầy sức sống trên sân khấu kịch và trong lòng người xem bởi nó vẫn còn nguyên tính thời đại, khi thể hiện tâm tư nguyện vọng, trăn trở về cuộc sống.

Xem kịch của ông, người ta vẫn thấy đâu đây trong xã hội này những con người, những câu chuyện, tính cách, những biến cố và cách xử lý vấn đề đang hiện hữu, cũng như giúp công chúng hôm nay nhìn lại tầm vóc của một tác giả đã góp sức đưa nền sân khấu Việt Nam đạt đến một đỉnh cao mà cho đến nay nhiều người vẫn còn mơ ước.

                                                                                                                                                  HẢI LONG

Tài liệu tham khảo:

Lưu Quang Vũ Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007.

Chưa thể giải mã hết kịch Lưu Quang Vũ?, https://www.tienphong.vn/, 8/2018

Chuỗi kịch 'vàng' của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ, http://vietnamnet.vn/, 8/2018.

Xúc động đêm tưởng nhớ 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, http://vietnamnet.vn/, 8/2018.