Xu hướng sáp nhập và hợp nhất ngân hàng

(TBTCVN) - Hiện nay, mặc dù sức ép tái cơ cấu đã giảm, song các ngân hàng yếu kém vẫn còn, cùng với áp lực tăng vốn nội tại và sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khiến thị trường mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) ngân hàng dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Xu hướng sáp nhập và hợp nhất ngân hàng

Nhiều ngân hàng sau tái cơ cấu đã xử lý được khối nợ xấu, bước đầu lấy lại được lợi nhuận

Đây là chia sẻ của ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với phóng viên TBTCVN.

* PV: M&A ngân hàng từng nở rộ trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I (2011 - 2015), song từ khi bước sang giai đoạn II, hoạt động M&A trở nên khá trầm lắng. Theo ông, nhu cầu M&A ngân hàng hiện nay như thế nào?

- Ông Cấn Văn Lực: M&A là một trong những phương thức tái cơ cấu được sử dụng khá thành công trong giai đoạn I tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, đây là giải pháp được sử dụng hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém thoát khỏi cảnh đổ vỡ và từng bước hoạt động ổn định. Nhiều ngân hàng sau tái cơ cấu đã xử lý được khối nợ xấu khổng lồ, bước đầu lấy lại được lợi nhuận.

Bước vào giai đoạn II tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tính từ đầu năm 2016 đến nay, nhu cầu M&A trong hệ thống các TCTD vẫn rất lớn, đối với cả các TCTD hoạt động lành mạnh cũng như yếu kém.

Đối với các TCTD hoạt động lành mạnh, nhu cầu tăng vốn rất lớn nhằm thực hiện hai mục tiêu: thứ nhất là đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về an toàn vốn, thứ hai là đáp ứng chuẩn Basell II theo thông lệ.

Xu hướng sáp nhập và hợp nhất ngân hàng
Ông Cấn Văn Lực

Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD bình quân giai đoạn 2016 – 2018 là 16,7%/năm, trong khi đó tăng trưởng vốn tự có bình quân chỉ là 11,7%/năm. Do đó, để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), các TCTD buộc phải tăng vốn tự có từ việc bán cổ phần cho NĐT trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhu cầu bán cổ phần cho NĐT chiến lược còn xuất phát từ yêu cầu nội tại của các TCTD nhằm tăng vốn chủ sở hữu, tăng năng lực cạnh tranh nhờ vào thế mạnh của cổ đông chiến lược nước ngoài trong các mảng như ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, quản lý rủi ro…

Đối với các TCTD yếu kém, việc bán cổ phần cho NĐT, nhất là NĐT nước ngoài, lại càng cần thiết, nhằm tái cơ cấu, xử lý các khó khăn. Trên thực tế cho thấy, một số NĐT ngoại đã bày tỏ mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém của Việt Nam.

* PV: Gần đây, một số ngân hàng đã tìm tới kênh huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu quốc tế, theo ông, hình thức huy động vốn quốc tế này có thể thay thế kênh M&A?

- Ông Cấn Văn Lực: Hiện nay, nhiều ngân hàng đang tích cực phát hành trái phiếu (cả trong nước và quốc tế). Tuy nhiên, cần nhận định, đây là hình thức tăng vốn bổ sung, không phải thay thế cho M&A.

Tôi cho rằng, nhu cầu về vốn quá cấp bách, trong khi chưa tăng được vốn bằng hình thức phát hành cổ phần, nên các ngân hàng lựa chọn phương án phát hành trái phiếu để tăng vốn. Nhưng điều này không có nghĩa các ngân hàng phát hành trái phiếu rồi sẽ không M&A nữa, mà đây là hai hình thức bổ sung cho nhau.

Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu tăng vốn chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức vốn tối đa cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của NHNN là tương đương 50% vốn cấp 1. Theo đó, các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn, mà bài toán gốc vẫn là tăng vốn cổ phần.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tham gia phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn chủ yếu là do đang có nhiều thuận lợi về tính thời điểm. Thứ nhất, Chính phủ đang khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai, hệ số tín nhiệm của Việt Nam được các tổ chức tín nhiệm Standard & Poor’s và Fitch nâng lên hồi tháng 4 và tháng 5/2019, nên lãi suất huy động vốn ngoại tệ sẽ thấp hơn (do rủi ro được đánh giá ở mức thấp hơn). Mặc dù vậy, như tôi đã phân tích, các tổ chức tín dụng vẫn rất cần bán vốn cổ phần cho các NĐT và M&A là giải pháp rất cần thiết.

* PV: Ông dự báo thị trường M&A ngân hàng thời gian tới sẽ diễn biến ra sao?

- Ông Cấn Văn Lực: Theo tôi, thị trường M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới bởi một số lý do chính sau. Một là, nhu cầu thu hút vốn từ NĐT nước ngoài của các TCTD Việt Nam đã và luôn bức thiết như đề cập ở trên (trong đó có yêu cầu đáp ứng chuẩn Basell II, giảm mạnh sở hữu chéo thông qua thoái vốn nhà nước tại các TCTD…).

Hai là nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng được đánh giá rất tích cực theo đánh giá của các NĐT. Cụ thể, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng khá cao (khoảng 6,5% bình quân giai đoạn 2020 - 2025), hoạt động của các TCTD cơ bản đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn và đang lành mạnh hóa với lợi nhuận năm 2017, 2018 và dự báo năm 2019 tăng khoảng 20 – 30%/năm.

Ba là, Chính phủ đã tuyên bố không cấp phép thành lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, nhằm tập trung xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong nước và tích cực kết nối với các NĐT nước ngoài. Theo đó, kênh M&A sẽ được xem là khả thi trong trung hạn.

Bốn là, các rào cản, vướng mắc về quy định thể chế, thủ tục sẽ dần được tháo gỡ, theo hướng Nhà nước sẽ từng bước giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD, tạo ra nhiều dư địa cho các NĐT ngoại, quy trình, thủ tục cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ngày càng hoàn thiện. Thị trường chứng khoán cũng tiếp tục được quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Mới đây, thương vụ BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hơn 603,3 triệu cổ phần (tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV), thu về hơn 882 triệu USD (tương đương hơn 20.295 tỷ đồng), lập kỷ lục về một thương vụ bán vốn chiến lược ngành ngân hàng.

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)