Ý kiến cho việc nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến

Bám sát phản hồi của phụ huynh, học sinh

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ vừa tiến hành khảo sát đánh giá ngẫu nhiên 35.107 phụ huynh, 44.623 học sinh khối trung học về công tác dạy học trực tuyến trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học [Sở GD&ĐT TP Cần Thơ] cho biết: Qua khảo sát có gần 60% phụ huynh đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp và 33,6% phụ huynh cho rằng, học trực tuyến hay trực tiếp là như nhau. Đây là tín hiệu tốt trong việc thay đổi quan điểm của phụ huynh thừa nhận dạy học trực tuyến là một hình thức dạy học trong trường học. Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ huynh có suy nghĩ đây là hình thức học tạm.

Qua đợt khảo sát của ngành Giáo dục, không chỉ tôi mà gia đình và bạn bè đều đánh giá cao sự quan tâm, lắng nghe ý kiến người học. Từ đầu năm học đến nay, tôi thấy con học rất tốt, thầy cô trao đổi và hướng dẫn nhiệt tình trong mọi môn học. - Ông Lâm Đức Thành, phụ huynh học sinh ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ 

Cũng theo ông Nghĩa, gần 75% học sinh cho biết, đang sử dụng điện thoại để học trực tuyến. Do màn hình nhỏ nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của các em. Chính vì vậy, yêu cầu nội dung bài giảng của giáo viên phải tinh gọn, cô đọng và trọng tâm.

Khảo sát học sinh đánh giá về mức độ tiếp thu kiến thức môn học, hơn 51% em cho biết rất hiểu bài, làm tốt bài tập; 41,9% học sinh hiểu được bài nhưng chưa thể vận dụng làm bài tập; số học sinh còn lại chưa thật sự hiểu bài.

Đánh giá chung về công tác dạy học trực tuyến vừa qua, ông Nghĩa cho rằng: Các trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, bài bản, triển khai thực hiện hiệu quả, có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đồng thời, nhà trường chủ động giải pháp hỗ trợ học sinh trong những ngày đầu năm học. Nhà trường, giáo viên tích cực xây dựng kế hoạch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học… bảo đảm được nội dung trọng tâm, cốt lõi chương trình. Do đó, gần 70% phụ huynh cho rằng, giáo viên dạy chậm rãi, ngắn gọn và trọng tâm, học sinh dễ học, dễ hiểu. Tuy nhiên, có khoảng 22% phụ huynh và 40% học sinh nhận định nội dung bài dài nên học sinh không viết kịp phải chụp màn hình để tối ghi lại vào vở.

Em Lê Minh Hậu - học sinh lớp 11, Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ [TP Cần Thơ] tham gia học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Theo Hậu, dù thầy cô giảng dạy rất rõ, dễ hiểu nhưng học qua màn hình điện thoại bản thân gặp nhiều khó khăn. Hình ảnh và chữ nhỏ nên cũng bất tiện, đôi lúc không xem rõ đành phải chụp lại màn hình để tối phóng to lên rồi chép vào bài. Em cũng rất mong mau hết dịch, sớm trở lại trường lớp để gặp bạn bè và tham gia các hoạt động tập thể.

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo nhà trường không được tạo áp lực cho giáo viên. Ảnh: TG

Lắng nghe để khắc phục

Thầy Nguyễn Hữu Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai [TP Cần Thơ] - cho biết: Qua kết quả khảo sát, đa số phụ huynh đánh giá cao quá trình chuẩn bị của nhà trường và dạy trực tuyến của giáo viên. Hoạt động dạy học trực tuyến bảo đảm được thời lượng, vừa sức nên các em không bị áp lực. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít học sinh chưa có sự tập trung cao; Hoạt động luyện tập cho học sinh khi học trực tuyến chưa bảo đảm, đặc biệt là nội dung thực hành.

“Nhà trường sẽ tổ chức, quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến chặt chẽ, khoa học như học trực tiếp. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động dạy học trực tuyến để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Đồng thời xây dựng bài giảng trình chiếu tập trung và nội dung trọng tâm và ứng dụng các phần mềm thí nghiệm ảo để học sinh dễ tiếp cận với nội dung bài học”, thầy Định cho hay.

Còn theo đánh giá của Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy [TP Cần Thơ], học sinh các trường đã nâng cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện kỹ năng tự học và hệ thống kiến thức qua các bài ôn tập, tiết dạy bài mới. Giáo viên và học sinh đã biết cách ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quá trình học tập. Các tiết học có sự tương tác khá tốt, học sinh nắm được các kiến thức, kĩ năng trọng tâm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, phần lớn học sinh tham gia học tập tốt nhưng còn một số em chưa thật sự đi vào nền nếp. Khả năng và ý thức tự học của học sinh chưa cao, thiếu sự tương tác với thầy cô trong tiết học nên giáo viên không nắm bắt hết được mức độ hiểu bài của các em. Trong đó có một số em học tập chưa đều, còn hay ngủ quên giờ học, vào lớp trễ, do cha mẹ đã đi làm trở lại nên ít có thời gian quan tâm việc học tập của con  em.

Từ kết quả khảo sát trên, Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT, nhà trường hạn chế giao thêm công việc không thực sự cần thiết và gây áp lực cho giáo viên. Đặc biệt là phải lựa chọn phần mềm phù hợp với thầy cô, tránh tình trạng ép giáo viên thao tác, lĩnh hội tất cả phần mềm.

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - khẳng định: Lãnh đạo nhà trường triển khai báo cáo việc học trực tuyến từ đầu năm học đến nay, khắc phục những hạn chế tồn tại, đánh giá hiệu quả và những thông tin phản hồi của phụ huynh, học sinh. Tiếp tục khảo sát học sinh, giáo viên và phụ huynh trong thời gian tới, nhằm đối chiếu so sánh kết quả sau điều chỉnh, để có nhận định chính xác về sự thay đổi của học sinh…

Khảo sát lấy ý kiến người học thể hiện sự cầu thị của ngành Giáo dục thành phố. Qua kết quả đánh giá, tôi thấy bản thân cần nâng cao hơn nữa năng lực dạy học trực tuyến. Quan trọng nhất là việc tạo động lực cho học sinh trong học tập; hỗ trợ em yếu thế. Cần phối hợp hiệu quả hơn với phụ huynh trong dạy học, nhất là phối hợp quản lý và bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tuyến tại nhà. - Thầy Dư Thanh Hiếu, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ [TP Cần Thơ]

Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Hà Nội đang nỗ lực đổi mới phương pháp để tạo hứng thú và hiệu quả cho học sinh khi học tập trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả tiết dạy

Tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 7A Trường THCS Nguyễn Trường Tộ [quận Đống Đa] luôn sôi động bởi những hoạt động nghe nói, đọc viết, thảo luận nhóm. Học sinh còn được tham gia vào các trò chơi, bày tỏ cảm xúc về bài học. Em Mai Gia Hân - học sinh lớp 7A cho biết: Tuy là giờ học trực tuyến nhưng em cảm giác như được học trực tiếp, tiếp thu đầy đủ kiến thức trong sách giáo khoa, giao lưu với bạn.

Đồng hành cùng con trong suốt quá trình học tập, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Học trực tuyến trong năm học này đã ổn định và hiệu quả hơn rất nhiều. Trong giờ học trực tuyến, học sinh được tương tác với thầy cô, bạn bè, tham gia vào các hoạt động học tập và tiếp thu kiến thức rất tốt”.

Theo cô Phạm Thanh Hằng - giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, do việc dạy học trực tuyến còn khá mới mẻ nên các thầy cô luôn phải dựa vào tình hình thực tế để tự đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp, lựa chọn ứng dụng dạy học sao cho học sinh theo dõi, phát biểu, tương tác, làm bài, gửi bài thuận tiện nhất.

“Dù là nền tảng nào nếu thuận tiện với từng khối lớp hoặc bài tập cho từng đối tượng, giáo viên sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng. Học trực tiếp hay online việc tạo hứng khởi cho học sinh, tạo ra hoạt động tương tác lấy người học làm trung tâm luôn là nhiệm vụ số một của người thầy”, cô Hằng bày tỏ.

Ví dụ như phần kiểm tra bài cũ và hoạt động đầu giờ, cô sử dụng tính năng chat box của Teams hay Wordwall hoặc Quizizz. Về thảo luận tại lớp sử dụng Padlet.com - nền tảng trực tuyến cho phép lưu lại các bài viết của học sinh, giáo viên có thể cho điểm ngay trên nền tảng...

Cô Cao Thu Hương - giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương [quận Hoàn Kiếm] cho biết, đổi mới phương pháp dạy học khi dạy trực tuyến rất quan trọng bởi sự tương tác trong lớp học truyền thống hoàn toàn khác so với trong các lớp học trực tuyến. Giáo viên phải tạo không khí lớp học thông qua hoạt động thể chất, quan sát đánh giá học sinh từ biểu hiện bên ngoài, cũng như trao đổi và thường xuyên động viên, khích lệ học sinh.

Đặc biệt, trong tình huống đường truyền Internet hay thiết bị học tập không ổn định, học sinh khó theo dõi nội dung bài liền mạch. Giáo viên kịp thời chia sẻ để học sinh không lo lắng. Việc giảng dạy bằng bảng đen truyền thống được thay thế bằng các cách diễn đạt khác phù hợp, như hình ảnh, video clip đẹp và gần gũi khiến học sinh không chỉ xem mà còn lắng nghe để hiểu khi học online.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ [quận Đống Đa] tích cực tham gia vào các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy trực tuyến.

Tạo hứng thú cho học sinh

Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu [quận Ba Đình], các thầy cô có nhiều giải pháp để học sinh học trực tuyến tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải. Cô Nguyễn Điệp Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Để dạy học trực tuyến hiệu quả, thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học và chủ động hơn trong các tiết dạy của mình. Ngoài việc chuẩn bị giáo án các môn học chi tiết theo thời khóa biểu, giáo viên phải dành nhiều thời gian để học hỏi về công nghệ thông tin, xem những bài giảng tập huấn để tiếp thu phương pháp dạy học mới.

Để bài học hấp dẫn, các thầy cô xây dựng giáo án online phù hợp, lồng ghép thêm các trò chơi, video bổ ích để minh họa cho bài giảng nhằm tạo sự sinh động và cuốn hút học sinh. Nhờ đó, giờ học trực tuyến trở nên sinh động, gần gũi, giúp học sinh tập trung hơn trong giờ học, các em ghi nhớ, hiểu và dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Cùng với đó, giáo viên còn chia sẻ và hướng dẫn học sinh các phương pháp để học online hiệu quả nhất như nâng cao tinh thần tự giác học tập; xây dựng không gian học tập riêng tư; có kế hoạch học tập rõ ràng; tích cực tương tác bằng câu hỏi, trò chơi và tham gia thảo luận; ghi chép đầy đủ và đọc lại bài sau mỗi buổi học; thực hành bài học thường xuyên; luôn giữ sức khỏe tốt.

Cô Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động [quận Hoàng Mai] cho biết: “Chuẩn bị cho dạy học trực tuyến, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Trước tiên, giáo viên các lớp họp trao đổi trực tuyến với phụ huynh, tư vấn, hướng dẫn công tác chuẩn bị. Qua đó, để phụ huynh đồng hành cùng con trong khi học trực tuyến một cách hiệu quả nhất. Thông qua video hướng dẫn, phụ huynh, học sinh truy cập các phần mềm, các bài giảng điện tử có trong kho học liệu của nhà trường.

Việc tạo hứng thú cho học sinh là điều quan trọng. Học trực tuyến có hạn chế là thầy trò không thể tương tác trực tiếp với nhau. Bởi vậy, thầy cô đã xây dựng chuỗi bài giảng với hình thức và nội dung phong phú để học sinh làm quen với môi trường học tập online.

“Các giờ dạy luôn bảo đảm đúng tiến độ, giáo viên đều chú ý đến việc tiếp thu kiến thức trên lớp của học sinh, đồng thời rèn nếp thực hiện nội quy lớp học trực tuyến, kiểm tra việc ghi bài và làm bài về nhà. Mặc dù đôi lúc đường mạng có chập chờn, video “load” chậm và thỉnh thoảng bị “out” khỏi phòng Zoom, song cả thầy và trò luôn cố gắng khắc phục khó khăn để mỗi tiết học là một trải nghiệm vui vẻ, bổ ích” - cô Hà Thanh chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Xác định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể sớm quay lại trường, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã linh hoạt, chủ động trong việc chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, có nhiều giải pháp để học sinh tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải. Nhiều quận, huyện, đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng quản lý, dạy - học trực tuyến để cán bộ, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy, học trực tuyến”.

Video liên quan

Chủ Đề