Bao nhiêu tuổi thì nên uống bia?

Ngày 10-7 vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viên Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang đã tiếp nhận bệnh nhi N.Q.B, 8 tuổi trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử co nhỏ, hơi thơ có mùi bia.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc bia, xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải. Hiện bé đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định.

Trước đó, trong lúc bố mẹ vắng nhà, bệnh nhi B. đã tự ý uống nhiều lon bia chứa trong tủ lạnh, sau đó nôn mửa, thần trí lơ mơ và ngất lịm.

Theo các bác sĩ, nhiều người nghĩ rằng cho trẻ nếm thử một chút rượu bia sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, song trên thực tế chỉ cần một ngụm nhỏ, sức khỏe của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay người lớn uống vài hớp bia rượu có thể chưa ảnh hưởng gì nhiều nhưng với trẻ nhỏ dù chỉ số lượng ít nhưng đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh và các cơ quan khác của trẻ.

"Bản thân cồn là chất kích thích thần kinh. Trẻ con uống một ngụm cũng bị kích thích khiến mặt đỏ gay, choáng váng. Một ngụm bia nhỏ thì không tác hại ngay nhưng khi nâng cấp lên số lượng uống ngày nhiều sẽ gây hại cho não, mắt, gan, thận của trẻ. Rượu bia còn làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung đồng thời gây ảnh hưởng đến năng lực tư duy và khả năng học tập của trẻ"- PGS-TS Thịnh lưu ý.

Trẻ em uống một ngụm nhỏ rượu bia cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Internet

Cũng theo vị chuyện gia này, trẻ em cần dinh dưỡng đầy đủ để phát triển về thể chất và tinh thần, do đó việc cho trẻ em tiếp xúc với rượu bia sớm là sai lầm nguy hiểm. "Bản thân rượu bia là chất gây nghiện, khi cho trẻ uống chúng quá sớm sẽ tập nhiễm cho trẻ thói quen xấu và khi lớn lên dễ dẫn đến chứng nghiện sau này. Do đó các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ nhỏ uống thử bia rượu cũng như thức uống có cồn khác"- ông nói.

Trước đó, tại hội thảo góp ý Luật phòng chống tác hại rượu bia, BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay tỉ lệ uống rượu bia ở lứa tuổi vị thành niên gia tăng với tốc độ phi mã. Một cuộc điều tra trên 50 trường của 13 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cho thấy có tới 43,8% học sinh nam trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi uống rượu bia và có tới 37,7% học sinh nữ uống rượu bia.

Chính vì thế, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã có những quy định quan trọng liên quan đến rượu, bia và thanh thiếu niên. Cụ thể nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi cũng như sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Ông Trần Quốc Bảo: Theo tôi, có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng cấp thiết nhất hiện nay là ban hành và thực thi Luật phòng chống tác hại rượu bia. Trong Luật cần có các quy định chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia; quy định về địa điểm không được bán, sử dụng rượu bia; và độ tuổi tối thiểu được sử dụng rượu bia; quy định về rượu bia đối với An toàn giao thông,… Ngoài ra, chúng ta phải qy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu bia phải có khoản đóng góp bắt buộc cho phòng chống tác hại của rượu bia, và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cũng cần thiết thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe từ nguồn đóng góp cho các cơ sở kinh doanh rượu bia và thuốc lá, mới mục đích hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống tác hại rượu bia nói riêng và nâng cao sức khỏe của nhân dân nói chung.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu, bia đối với thanh thiếu niên là do sự tác động của quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn, thách thức của bạn bè hoặc tiếp xúc với phim ảnh nhiều nên tò mò muốn thử.

Tại Việt Nam, để tránh làm tăng nguy cơ sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên, một số quy định đã được ban hành như:

  • Cấm quảng cáo rượu có cồn từ 15 độ trở lên: trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ thì không được có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia. Không được hướng sản phẩm đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.
  • Không sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên... để quảng cáo bia rượu.
  • Không được sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi để quảng cáo rượu, bia. Đồng thời cũng nghiêm cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu bia.
  • Không quảng cáo rượu bia trên báo nói, truyền hình trong thời gian từ 18-21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài...
  • Không quảng cáo rượu bia trên truyền hình và báo nói ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Bởi các hormone dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, tâm lý của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi... Lạm dụng rượu bia trong ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, năng lực và hành vi xã hội.

Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy, rượu bia tác động đến quá trình hình thành và phát triển trí não, có thể dẫn đến việc thay đổi cấu trúc của hồi hải mã [đây được xem là vùng não có vai trò quan trọng trong quá trình học tập của trẻ]. Nếu vùng này bị ảnh hưởng thì khiến cho trẻ bị suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ... Bên cạnh đó, một số tác hại của việc uống rượu bia gây ra cho thanh thiếu niên còn có thể là:

  • Say rượu dẫn đến các triệu chứng ngộ độc rượu, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông, ...
  • Về lâu dài, thanh thiếu niên uống rượu bia nhiều lần sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần khi trưởng thành.
  • Ngoài việc ảnh hưởng tới não, tác hại của rượu bia đối với thanh thiếu niên còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng các bộ phận khác trong cơ thể như cơ quan tiêu hóa, gan và thận. Các độc tính của cồn công nghiệp khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyde. Sau đó chất này sẽ tiếp tục được oxy hóa thành axitfomic tấn công nhãn cầu, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm như thận và gan. Đối với hệ tiêu hóa, cồn còn kích thích dạ dày tiết ra một lượng lớn dịch toan lâu ngày tiêu hóa kém thậm chí dẫn đến viêm hoặc loét dạ dày. Các mao mạch sẽ giãn nở sau khi uống bia rượu. Sức tản nhiệt tăng lên khiến trẻ dễ bị cảm và viêm phổi.
  • Rượu bia cũng có thể gây ra các rối loạn tuổi dậy thì và quá trình phát dục không bình thường, hậu quả là ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi trưởng thành.
  • Đặc biệt, hệ miễn dịch ở trẻ sẽ bị suy giảm do tác hại của việc uống rượu bia, từ đó phá vỡ rào chắn an toàn của cơ thể và khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng cũng như mắc các bệnh tật khác.

Theo các chuyên gia và bác sĩ, mặc dù có rất nhiều Luật cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì 1 đứa trẻ được bố mẹ sai đi mua bia rượu là chuyện bình thường và việc mọi người bán rượu bia cho 1 đứa trẻ cũng không quá lạ lẫm. Ngoài ra, do tính sẵn có của rượu bia và giá lại rẻ nên rất nhiều gia đình có thói quen tích trữ sẵn. Điều này vô hình chung lại khiến trẻ tiếp xúc với rượu bia sớm và có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.

Các bác sĩ vẫn luôn khuyến cáo gia đình là tiền thân để giúp trẻ hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bia rượu. Để thực hiện được điều này, cần phải:

  • Không nên sai bảo trẻ mua bia rượu, tránh để gây sự tò mò, tiếp xúc sớm;
  • Không nên dự trữ rượu bia trong nhà, trường hợp muốn để tại nhà thì phải để nơi trẻ không thể thấy hoặc lấy được;
  • Không nên có quan niệm sai lệch về vai trò của rượu bia, cho rằng đàn ông phải biết uống;
  • Nếu đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà người lớn, bố mẹ thường xuyên uống rượu, bia thì chúng sẽ coi đó là điều bình thường, học tập và hướng đến trong tương lai. Do đó, cách tốt nhất là người lớn trong gia đình không nên uống rượu bia.
  • Không cho trẻ thử nhấp môi rượu bia, dù chỉ là 1 chút. Nó sẽ tác động tiêu cực cho những lần sau.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia lớn. Đối với thanh thiếu niên, tình hình tiêu thụ rượu bia cũng ở mức đáng báo động. Do đó, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo, việc kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu bia rất quan trọng trong việc hạn chế sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên. Đồng thời, cần tạo một môi trường lành mạnh, bao gồm các chế tài để bảo vệ thanh thiếu niên trước việc sử dụng rượu bia ngoài ý muốn.

Chủ Đề