Cái người lớn chuyên nghiệp là gì

Hơn một tuần nay, cộng đồng mạng dậy sóng với bài viết “Ngưng ảo tưởng với câu hỏi em muốn được làm trong môi trường chuyên nghiệp”, mang nội dung vạch ra những khuyết điểm về thái độ làm việc của những người trẻ với giọng điệu khá gay gắt. Và bài báo đã nhận được rất nhiều phản hồi mà đa số là đồng tình, thể hiện sự bức xúc của những “người tự nhận mình lớn” dành cho các bạn trẻ.

Hôm nay Mr. Buddy muốn giới thiệu một ý kiến trái chiều khá thú vị, phản biện lại bằng những trải nghiệm thực tế qua nhiều doanh nghiệp đa quốc gia của bạn có nick Facebook là Trann – một người không quá trẻ nhưng cũng chẳng hề già, và đặc biệt là đã dành nhiều tâm huyết đào tạo lớp nhân sự trẻ tài năng. Mời bạn cùng đọc và suy ngẫm với Buddy nhé!

#ngungbatnat #lamviecchuyennghiep

Dạo này mọi người nô nức chia sẻ bài báo "Ngưng ảo tưởng với câu hỏi em muốn được làm trong môi trường chuyên nghiệp". Cảm xúc của Trann sau khi đọc bài này thì lại ngược với số đông, có thể vì Trann được "may mắn" trải qua các loại môi trường làm việc mà theo Trann là "đặc sắc" về cái gọi là "chuyên nghiệp. Nếu bản thân người viết bài có tâm, thì Trann nghĩ cách dùng từ sẽ mang tính định hướng và chia sẻ nhiều hơn là "lên lớp" và tạo khảng cách với các bạn trẻ như trong bài viết trên. Trann cảm nhận đâu đó là giọng điệu "bắt nạt" của một người lâu năm dành cho các bạn mới chân ướt chân ráo vào đời!

Muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp- Đây là mong muốn không chỉ của các bạn trẻ mới đi làm, mà còn là mong muốn của rất nhiều người đi làm nhiều năm muốn tìm cho mình một trường làm việc "chuyên nghiệp" thật sự, chứ không phải kiểu chạy quảng bá rầm rộ hằng năm, rồi đến khi tuyển được người tài vào công ty rồi để nhân tài bị vỡ mộng “à thì ra công ty mình cũng đâu chuyên nghiệp gì!”.

Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Nếu trách người trẻ vào làm việc trong công ty không chuyên nghiệp thì những người làm việc lâu năm như thế nào?

1.      Những người làm việc lâu năm là những người hiểu rõ về quy trình hiện tại của doanh nghiệp và các nút thắt trong quy trình này, vậy tại sao họ lại không phải là người giúp những người mới hiểu được nút thắt của các bạn là nằm ở đâu, và nó ảnh hưởng đến công việc của những người khác như thế nào?

Mình từng đi làm ở công ty rượu lớn nhất thế giới, nơi đó mình quan sát được các bạn trẻ mới vào đều có những buổi gọi là induction và các trưởng bộ phận sẽ giới thiệu cho các bạn về nhiệm vụ và vai trò của các phòng ban. Rồi sau đó sếp các bạn ấy sẽ phải là người giải thích cho các bạn hiểu các bạn sẽ cần làm việc với ai là cần làm những gì. Và mình thấy sau đó các bạn trẻ ai làm việc cũng mang tính tự lập rất cao, năng suất làm việc tốt và ngay cả bản thân các bạn cũng trưởng thành nữa. Nên thay vì trách các bạn trẻ, hãy tạo cho họ một môi trường chuyên nghiệp thật sự và truyền lửa sự chuyên nghiệp này cho các bạn. Không phải cứ quan sát rồi đúc kết và đưa ra định kiến mà phải là người giải quyết được vấn đề.

2. Sự chuyên nghiệp đôi khi còn mâu thuẫn với văn hoá doanh nghiệp. Trải qua nhiều công ty, Trann phát hiện rằng những người làm lâu năm lại là những người làm “biến chất" văn hoá doanh nghiệp và sự chuyên nghiệp bấy lâu nay mà nhiều người đi trước đã xây dựng lên. Thực tế thì làm lâu năm nên nhiều người [có sức ảnh hưởng rộng] tự ý cắt bớt quy trình, hoặc dùng các mối quan hệ không phải phép để đàn áp người khác. Hoặc một anh làm "lớn" mới vào, ảnh mang luôn cái văn hoá công ty cũ của ảnh theo và khiến mọi thứ hỗn độn, giấy tờ công tác thay vì phải tự mình khai và nộp để duyệt nhưng lại đẩy cho nhân viên của mình để thực hiện, lắm lúc còn phải bịa ra giao dịch vì sếp không có hoá đơn. Đến lúc bị phát hiện thì trách nhiệm đẩy về cho cấp dưới hoặc nổi một trận lôi đình kiểu như vừa ăn cướp vừa la làng. Vậy thì trong trường hợp này người cấp dưới cũng là một mắt xích, không làm thì bị sếp mắng, mà làm thì đến lúc xé ra chuyện lại bị nói là không chuyên nghiệp. Nên câu chuyện có thể đúng dưới góc nhìn này nhưng sẽ sai nếu nhìn theo góc khác.

3. Không phải ngẫu nhiên là ở các nước phát triển, họ có hẳn 1 chương trình mentorship để hỗ trợ cho sinh viên lúc ra trường tìm kiếm việc làm. Lúc mới đi làm của những người làm việc lâu năm sẽ như thế nào? Họ đều là những người giỏi sẵn? Câu trả lời có thể là có nhưng luôn luôn là ngoại lệ, vì họ vẫn cần một người mentor giúp họ định hướng đúng trong công việc cũng như trở nên chuyên nghiệp và trưởng thành hơn trong cách ứng xử. Có thể nhiều người sẽ nghĩ mentor chắc chắn phải là sếp, nhưng thực ra thì không phải. Mentor có thể là những người làm việc lâu năm, có đủ kiến thức và kinh nghiệm để giúp mentee của mình tiến bộ. Điều này giúp cho môi trường làm việc trở nên trong sạch, chuyên nghiệp và tốt hơn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người mới đi làm lần đầu trong đời không những không nhận được sự giúp đỡ mà còn cảm thấy lạc lõng giữa một tập thể mà ai cũng cố tỏ ra mình chuyên nghiệp hơn người khác nhưng lại không giúp nhau tiến bộ? Chuyên nghiệp phải xuất phát từ chính những con người trong công sở đối xử văn minh với nhau, và phải là một người văn minh từ chính trong suy nghĩ thì mới hành xử chuyên nghiệp được.

4. Những người trẻ lẫn những người đi làm lâu năm, tự tin quá mức cũng có, tự tin cũng có, cầu tiến cũng có và thủ đoạn cũng có. Nhưng không thể gom hết tất cả những gì ngoại lệ để biến những người trẻ mới đi làm chưa lâu bị mang tiếng là "thích chuyên nghiệp"? Thích sự chuyên nghiệp có gì là xấu? Vậy những người đi làm lâu năm có thích sự chuyên nghiệp không? Nếu tất cả đều có thì đừng nghĩ rằng người trẻ tham lam, chỉ biết đòi hỏi chứ không biết làm. Trann được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ rất chịu khó học hỏi trong công việc, tiến bộ rất nhanh và làm việc rất chuyên nghiệp. Chắc chắn là cũng có những thành phần ỷ lại vào bằng cấp rồi đòi hỏi này nọ. Nhưng sau một thời gian, sự chuyên nghiệp và năng lực mới là thứ chứng minh cho giá trị của bản thân, nên nếu doanh nghiệp thực sự đủ tốt và chuyên nghiệp, thì ngại gì "lửa thử vàng gian nan thử sức". Còn nếu như tuyển dụng phải nhiều người trẻ làm việc không chuyên nghiệp, thì nên xem lại quá trình tuyển dụng và chương trình đào tạo của công ty nữa, chứ sao lại chỉ lên án người trẻ?

5. Vì mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nên các bạn mới không ngại khó khăn nộp đơn xin việc và trải qua muôn vàn khó khăn của các bài kiểm tra để trở thành một nhân viên chính thức. Ở môi trường công sở thì hiếm có cái gọi là "chuyên nghiệp" thật sự, mà phải là "sự dung hoà" và "hội nhập". Vì bạn làm việc không thể dựa trên ý thức cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến tập thể, người trẻ cũng vậy và người đi làm lâu năm cũng vậy. Nếu như văn hoá các công ty toàn cầu chú trọng năng lực của người làm sếp, vì khi có bất kì vấn đề nào trong team thì sếp sẽ là người chịu trách nhiệm, thì chúng ta lại thích dồn hết mọi áp lực cho cấp dưới của mình.

6. Giới trẻ ngày nay có thể vì sống trong môi trường đầy đủ nên theo mọi người có thể "tệ" hơn thê hệ trước nhưng cũng không cần quá nhiều bài viết hiện nay lên án họ một cách phiến diện như vậy. Vì có người này sẽ có người khác, và những người đi làm lâu năm cũng vậy. Họ còn trẻ, họ vẫn có quyền ước mơ về một môi trường chuyên nghiệp mà họ chưa thật sự được trải nghiệm, chắc gì công ty lớn đã chuyên nghiệp mà công ty nhỏ lại không tốt? Tất cả chúng ta đều không biết khi nào chúng ta sẽ gặp được một công việc "thật sự" khi mà chúng ta quên ăn quên ngủ để sống cùng với nó. Nếu vẫn chưa gặp được công việc như vậy, thì những người trẻ vẫn có cơ hội được tìm kiếm và họ cũng đâu có ngần ngại thể hiện quan điểm và mong muốn của bản thân trong lúc phỏng vấn? Nếu như công ty không đáp ứng đc những kì vọng của họ, thì có thể trao đổi thẳng thắn ngay lúc đó, còn nếu đã nhận họ vào thì phải đối xử với họ tử tế như cam kết, chứ vào làm rồi chê này nọ thì không đúng, không lịch sự một chút nào.

Trann tin rằng, người trẻ họ được quyền nói lên cái họ muốn, và chúng ta những người đi làm lâu năm cần giúp họ khắc phục để tạo nên môi trường công sở lành mạnh chứ không phải giữ trong lòng rồi chê bai lẫn nhau.

"Đừng vô tình bắt nạt người trẻ, hãy cố tình làm họ tốt lên"

Trann.

Bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội cũng chia thành nhiều cấp độ, từ nghiệp dư, bán chuyên, đến chuyên nghiệp, chuyên gia. Đẳng cấp làm việc của một người quyết định trực tiếp đến thu nhập của người đó. Theo bạn, bạn có đang làm việc một cách chuyên nghiệp chứ?

Bạn thấy đấy, người làm nghiệp dư thì không kiếm được tiền, nhiều khi còn mất tiền để được tham gia cuộc chơi, người bán chuyên kiếm được một khoản nhỏ, người chuyên nghiệp kiếm được nhiều, còn chuyên gia kiếm được rất nhiều. Một ví dụ minh họa là môn bóng đá, gần như thằng đàn ông nào cũng biết chơi đá banh, hoặc chí ít là xem đá banh, nhưng hầu hết chỉ là dân nghiệp dư, phải bỏ tiền thuê sân để chơi bóng, bỏ tiền café để xem bóng, trong khi đó những cầu thủ, huấn luyện viên chuyên nghiệp lại kiếm được rất nhiều.

Trong hơn 10 năm lập nghiệp của mình, tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để nâng tầm sự nghiệp, qua đó cải thiện kinh tế gia đình. Tôi cũng phát hiện được những ngộ nhận lớn, khiến cho một người làm việc nghiệp dư lại cứ tưởng mình là người chuyên nghiệp. Dưới đây là 3 phát hiện của tôi:

-         Làm lâu năm chưa chắc đã lên chuyên nghiệp. Làm một công việc lâu năm có thể giúp một người thành thạo việc đó, nhưng nếu không cải tiến cách làm việc thì cũng chỉ dừng ở một mức độ nào đó. Giống như nhiều anh em dành hết cả thanh xuân để chơi bóng nhưng vẫn chỉ chơi ở mức nghiệp dư hoặc bán chuyên. Trở thành chuyên nghiệp đòi hỏi một người phải liên tục trau dồi kiến thức và phát triển năng lực cá nhân để có thể tham gia cuộc chơi ở một đẳng cấp cao hơn.

-         Kỹ năng tốt chưa đủ để lên chuyên nghiệp. Rất nhiều người có tài năng thiên bẩm, được đào tạo kỹ năng bài bản, nhưng vẫn không thể lên chuyên nghiệp, hoặc không thể duy trì đẳng cấp chuyên nghiệp trong thời gian dài. Lý do là vì tài năng thôi là chưa đủ, một người chuyên nghiệp còn cần phải có thái độ làm việc và tính cách cũng phải chuyên nghiệp tương xứng với tài năng.

-         Bận rộn cũng không phải chuyên nghiệp. Bận rộn đôi khi là niềm tự hào của những người lập nghiệp lâu năm, đôi khi nhiều người coi sự bận rộn sẽ tương xứng với sự thành đạt của họ. Tuy nhiên với những người chuyên nghiệp, họ luôn biết cách quản lý cuộc sống để có thể làm việc vừa hiệu quả, vừa tốn ít thời gian nhất. Xét cho cùng, chẳng ai muốn sống trong bận rộn cả đời, và người chuyên nghiệp thấu hiểu điều này.

Những điều mà tôi phát hiện ở trên khiến bản thân tôi bừng tỉnh, bởi vì từ nhỏ đến lúc bắt đầu lập nghiệp, tôi đã mang theo suy nghĩ rằng: “để trở thành một người thành đạt, chuyên nghiệp trong công việc của mình, tôi chỉ cần tập trung làm giỏi công tác chuyên môn của mình, sau đó làm việc gắn bó lâu năm với tổ chức”. Khi phát hiện ra suy nghĩ đó vẫn chưa đủ, tôi bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh lại bản thân mình. Thứ nhất, tôi giữ cho mình một tinh thần ham học hỏi để liên tục cải thiện năng lực trong quá trình làm việc. Thứ hai, tôi cũng trau dồi thêm những kỹ năng ngoài chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng đối nhân xử thế & lãnh đạo, tôi cũng kỷ luật bản thân để trui rèn những nhân cách cần thiết như tính kỷ luật, tự giác, giữ uy tín và luôn trung thực. Cuối cùng, tôi luôn tìm kiếm, sáng tạo những công cụ tự vận hành để có thể thay thế sức lao động của tôi, nhằm giải phóng chính bản thân khỏi những việc mang tính lập đi lập lại hàng ngày, qua đó có thêm thời gian để phát triển năng lực & giải quyết những việc ưu tiên trong công việc.

Quy tắc 10.000h có nói “nếu ta làm một công viêc nào đó đủ 10.000h, ta sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó”. Điều này tương đương nếu một người dành 8h/ngày để làm một việc thì họ sẽ cần khỏang 5 năm để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực họ theo đuổi. Bản thân tôi đã trải nghiệm qua điều này, và tôi thấy nó đúng với tôi, bởi vì tôi đã đều đặn làm việc cùng với việc áp dụng những cải tiến để lên chuyên nghiệp phía trên. Nếu không thì cho dù 10 năm hay 20 năm làm việc, tôi cũng chỉ là một kẻ nghiệp dư lâu năm, “bạn làm một việc bao lâu không quan trọng bằng cách bạn thực hiện nó thế nào”.

Một người thầy của tôi từng nói rằng: “tốc độ thành công của một người phải nhanh hơn nhiều lần tốc độ già đi của bản thân và những người thân yêu của họ, nếu không thì anh ấy không thể hoàn thành được những ước mơ & hoài bão trong đời”. Câu nói này luôn ám ảnh và hối thúc tôi luôn phải nỗ lực hơn nữa, nhất là khi tôi đã qua ngưỡng 30, tuổi trẻ không còn dài trong khi con cái đang lớn lên, bố mẹ đang già đi từng ngày. Bạn thân mến, bạn đã lập nghiệp được lâu rồi chứ? Sự nghiệp hiện tại có đúng như những gì bạn mong muốn từ những ngày đầu lập nghiệp, hay bạn cảm thấy nó vẫn dậm chân tại chỗ? Hãy cùng chia sẻ với tôi những khó khăn, trăn trở trên đường lập nghiệp của bạn nhé, có thể những trải nghiệm của tôi sẽ giúp được bạn.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Video liên quan

Chủ Đề