Có nên lấy vợ xa

Tân là giáo viên. Do đời sống chỉ đủ ăn, anh lại là người không giao thiệp rộng, đã nhiều năm trôi qua, anh không quen được cô gái nào.

Hoặc nếu có quen biết được ai thì anh cũng không thể đi đến hôn nhân. Tân đã lắm phen bị thất vọng, nhưng có người bạn mách tại sao anh không về quê lấy vợ.

Nhận thấy đó là một ý kiến hay. Tân về quê ông chú ở Lâm Đồng, nhờ gia đình chú quen biết giới thiệu cho một đám. Từ đó Tân quen Thúy. Gia đình Thúy biết Tân là người thành phố, lại là giáo viên, phong cách hiền lành, nên họ có hảo cảm với anh.

Mới gặp Thúy, Tân đã yêu thích ngay vì ngoại hình của cô xinh xắn, làn da ngăm ngăm do cô lao động chăn nuôi, làm rẫy suốt cả ngày. Tính nết Thúy thùy mị, thân thiện. Họ quen nhau được ba tháng, Tân cứ đến cuối tuần lại chạy xe về thăm cô, vào mùa hè được nghỉ dạy, anh về ở hẳn nhà ông chú, qua lại thăm người yêu thường xuyên. Tân cũng đưa Thúy về thành phố chơi, ra mắt bố mẹ và gia đình.

Gần một năm sau họ làm đám cưới. Thúy lên thành phố sống với chồng. Tân có căn nhà nhỏ bố mẹ chia gia sản cho. Có thêm vợ, cuộc sống chỉ gọi là tằn tiện, liệu cơm gắp mắm. Thúy lên thành phố sống, cô không thể chăn nuôi heo gà, cũng không thể ra vườn rẫy canh tác.

Tuy nhiên là người dễ thích nghi, qua những lần về thành phố chơi, xen lẫn tìm hiểu trên mạng qua chiếc laptop Tân dành dụm mua cho cô, với mong muốn vừa giúp vợ giải trí vừa nâng cao tri thức cho ý trung nhân, nên cô cũng có một số hiểu biết tương đối về đời sống trong môi trường mới.

Thúy vốn khéo nấu ăn. Thời còn sống ở tỉnh, cô đã tham gia một nhóm chuyên nhận nấu ăn cho các đám cưới, sự kiện. Nhờ thông minh, chịu khó học hỏi, dần dần cô được bà chủ cho đảm trách nấu ăn một số món quan trọng. Bây giờ về thành phố, cô quyết định triển khai thế mạnh này của mình. Cư ngụ được vài tháng, Thúy thuê nhà, mở một cửa hàng bán bún vịt.

Hàng bún vịt của Thúy có những điểm nổi bật khác với người ta. Mỗi phần ăn, cô đều dọn ra cho khách một đĩa nhỏ thịt vịt, đi kèm với nước chấm ớt gừng chua ngọt rất bắt thèm, riêng món nước chấm này đã khó có nơi nào sánh bằng. Khách dùng riêng một tô bún điểm thêm vài miếng tiết, miếng măng, nước dùng thật đậm đà.

Vịt của cô tuyển chọn ăn khá ngon, khách ăn một lần sẽ muốn đến lần sau. Lại thêm đĩa rau thơm bao giờ cũng phong phú các loại. Cô chủ quán chiều khách, ai cần thêm rau thơm, nước dùng hay bún đều được chiều ý và không tính thêm tiền.

Chỉ trong vòng hơn một năm, cửa hàng của Thúy đã phải thuê thêm mặt bằng để nhân đôi và tuyển thêm người phụ bán, bưng bê. Từ ngày cưới Thúy, ban đầu tuy Tân có thương yêu cô, nhưng trong thâm tâm, anh vẫn hiềm vì vợ mình chỉ mới học hết lớp chín, Thúy đã phải sớm làm lụng phụ giúp gia đình. Thấy được tài tháo vát của vợ, Tân bắt đầu khâm phục cô.

Riêng về mặt kiếm tiền, bây giờ Thúy đã thu nhập cao hơn anh nhiều. Từ ngày có Thúy về với anh, tháng nào cô cũng dành dụm ra một số tiền trợ cấp cho cha mẹ hai bên. Không những thế, Thúy còn giúp đỡ gia đình một người anh và một em trai của Tân nữa, bằng cách biếu quà hay cho vay tiền chi dụng, làm ăn.

Hai người này thường khắc khẩu với nhau, hễ gặp nhau nói chuyện vẫn hay gây gổ. Người em tên Long nhà nghèo, người anh tên Khiêm khá giả, nhưng tính keo kiệt, hai vợ chồng thường viện cớ, nói làm ăn khó khăn, đẩy hết trách nhiệm nuôi ông bà Định, bố mẹ họ, cho Tân.

Long thẳng tính, thường hay trách cứ anh chị cả trốn tránh việc nuôi bố mẹ, đổ trọng trách cho anh Tân. Mỗi lần hai người gặp nhau gây sự, có Tân khuyên can, họ mới thôi. Khiêm xem thường các em, vì họ nghèo. Trong gia đình vì thế vẫn không được yên.

Cách cư xử ăn ở khéo léo của Thúy khiến mọi người trong nhà đều vì nể. Thành ra tiếng nói của cô trong đại gia đình còn có tác dụng hơn cả Tân. Chính Thúy đã từng đứng ra can ngăn, dàn xếp hai anh em lúc họ đang cãi vã với nhau. Lần đó ông bà Định ngạc nhiên chứng kiến cả hai người đều nghe lời Thúy, mau mắn dàn hòa với nhau. Điều này chưa từng có tiền lệ. Giá có Tân đứng ra nói vào, kết quả cũng chưa nhanh được như thế.

Có lần vợ chồng Khiêm đến nhà bố mẹ, Long đang ở sẵn đó. Họ không biết hôm ấy Thúy đang ở dưới bếp làm cơm. Không mấy chốc vụ cự cãi bắt đầu xảy ra. Cả nhà đều sợ hãi, ông bà Định chỉ mong Tân đi dạy mau về đến nơi.

Bỗng bà vợ của Khiêm phát hiện ra Thúy đang ở trong bếp, quay sang nói nhỏ với chồng: “Thôi đi, bố nó. Có cô Thúy đang trong bếp đấy.”

Thế là chẳng ai bảo ai, tất cả đều bỗng im thin thít. Thúy chỉ cười thầm trong bụng, biết rằng họ rất kiêng nể mình. Tân về đến nhà, biết được chuyện lại càng vui vì từ nay vợ anh đã có thể thay anh, dàn xếp ổn thỏa được những chuyện trong nhà.

Chị Thu Thảo, quê ở Thái Nguyên, lấy chồng Hải Dương và hiện tại sinh sống ở Hưng Yên. Họ kết hôn ba năm và đến nay đã có một bé trai kháu khỉnh. Chia sẻ "lấy chồng xa" mới đây của chị trên Facebook nhận được nhiều đồng cảm với gần 16.000 lượt thích và hơn 6.000 lượt chia sẻ.

Ngày quyết định lấy chồng mẹ bảo: "Lấy chồng xa sau này vất vả thì đừng kêu ai".

Ngày trẻ nghĩ đơn giản lắm chỉ là hơn 100 km, 3 tiếng ôtô chứ mấy, nghĩ hạnh phúc là phải lấy người mình yêu. Ảo tưởng sức mạnh là bỏ tất cả gia đình, bạn bè, thậm chí công việc nhiều người mơ không được để đi theo tiếng gọi của con tim là anh hùng, sẽ được tung hô thán phục, chồng mình sẽ vì thế mà yêu thương trân trọng mình.

Cơ mà đời không phải là mơ. Không nghe lời người lớn, nhất là bố mẹ mình là một sai lầm mà cái sai lầm này phải trả bằng rất nhiều thứ, nhất là nước mắt. Cái hào hứng của cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu không lâu sau tắt ngóm. Sống ở một thành phố xa lạ chẳng phải điều dễ dàng gì. Không anh em, họ hàng thân thích, không bạn bè. Không tất cả. Hoá ra mấy câu sến sẩm kiểu kiểu "Em chỉ cần anh thôi, được ở bên anh, em thấy hạnh phúc rồi, hay cuộc sống của em chỉ có anh là đủ" đều là sách vở cả.

Bỏ việc để rồi thất nghiệp suốt ngày quẩn trong bốn bức tường nhà chỉ đợi chồng về. Nói vui nhưng xót hết cả lòng "nếu dỗi chồng thì chỉ có chơi một mình". Chả biết chồng có chán không chứ bản thân mình thì ngấy tới tận cổ, chán đến phát rồ người. Để rồi Tấm biến thành Cám lúc nào chả hay nữa.

Có những lúc nhớ nhà, nhớ bạn bè muốn được tụ tập đi đâu đó hay đơn giản là muốn có người nói chuyện đến quay quắt. Có những lúc ngồi hàng giờ trong nhà chỉ để nhìn ra ngoài đường nước mắt cứ rơi chẳng kìm lại được. Đấy là còn được chồng chiều. Chứ không chắc bỏ đi hết để làm lại từ đầu quá. Ai hiểu? Ai thấu?

Hôm nào được chồng rủ đi ăn với anh em bạn bè thì mừng như chết đuối vớ phải cọc, vì lý do đơn giản thôi đó là được mặc đẹp, được trang điểm nhẹ nhàng... được thấy mình "sống".

Có nên lấy vợ xa

Chị Thảo và chồng có một tình yêu đẹp trước khi tiến tới hôn nhân. Ảnh: NVCC.

Và đỉnh điểm của "cái sự lấy chồng xa" là việc đi đẻ một mình. Vâng là một mình. Đau đẻ thì biết rồi đấy, vậy mà phải xách giỏ lên taxi vào lúc mưa bão. Đau chết đi sống lại vẫn không kêu lấy nửa lời. Vẫn bình tĩnh nói tròn vành rõ chữ hoàn cảnh cơ sự cho từ anh taxi đến anh bác sĩ làm thủ tục hộ, từ chị y tá đến bác sĩ khám. Nổi tiếng khắp mấy phòng đẻ hôm đó ai cũng ngó xem mặt xem đứa nào mà liều thế. Đến khi gọi được cho chồng, nhìn thấy chồng chỉ khóc, nước mắt rơi không biết là bao nhiêu, không phải do đau mà do tủi, tủi thân đến cực độ.

Trong phòng chờ ai cũng có mẹ đi cùng, người nhà ra vào như đi chợ. Mình trong cái đêm trời trở lạnh vẫn váy bầu mùa hè. Lạnh phải mượn áo bác đi trông con đẻ, bụng đói cồn cào ngửi mùi phở chỉ muốn ra xin ăn tạm vài thìa. Chồng trông vợ thì lăn ra ngủ như chết vì tối mới đi uống tiếp khách.

Đến giờ vẫn không hiểu mình lỡ làm gì mà lại có thời điểm bi thảm đến vậy. Cái đêm hôm đấy dài hơn một thế kỷ. Rồi đến lúc đau đẻ cũng không có ai bên cạnh ngoài chị hàng xóm, chồng bảo lúc đấy đang xoắn đủ việc chả nghe thấy tiếng con khóc. Vậy là cái sai lầm của mình kéo theo cả con cái cũng thiệt thòi. Đẻ con xong xuôi ông bà nội ngoại mới xuống đến nơi. Nhìn thấy mẹ lại khóc. Chỉ muốn hét lên "Mẹ ơi con chừa rồi, con không lấy chồng xa nữa đâu" nhưng muộn rồi con ạ...

Những ngày tháng sau này tự tay loay hoay cùng chồng chăm con thật chẳng đơn giản chút nào. Có những lúc muốn tống hết mọi thứ vào vali để đi về "nhà". Muốn có bố mẹ ở cạnh, bế con qua nhờ ông bà trông cháu cho chốc lát để làm việc này việc kia, đi chỗ này chỗ kia. Muốn rất nhiều thứ. Nhưng xét cho cùng đó là lựa chọn của mình nên phải cố gắng mà làm, cố gắng mà chịu đựng không dám than vãn lấy nửa lời như đã mạnh mồm từng hứa.

Rồi gần cả năm trời chả về chơi thăm bố mẹ được một lần. Ông bà nhớ cháu hàng tháng lại tay nải nén đồ đạc mang xuống cho con cho cháu. Xuống ăn được bữa cơm trưa, nói được vài ba câu chuyện, cháu vừa quen ông bà thì lại đi về. Cười thì cười vậy thôi chứ bố mẹ về lại chui vào nhà tắm khóc. Cái cảm giác xót xa chẳng thể tả bằng lời.

Lúc ốm đau chồng không có nhà lại thui thủi một mình, sốt đùng đùng vẫn phải làm hết mọi việc như khi chưa ốm, con vẫn phải chăm sóc, rồi con lây mẹ, mẹ con cùng ốm. Lúc ốm là lúc yếu đuối nhất nhưng một giọt nước mắt cũng không để rơi vì nếu không mạnh mẽ thì yếu đuối diễn ai xem? Ai hay, ai biết, ai xót, ai thương?

Xét ra nếu cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì không sao, chứ nếu lại theo mốt bây giờ lấy nhau về ba bảy hai mốt ngày là bỏ chả hiểu lúc đó mặt đâu mà nhìn bố mẹ. Nhiều lúc tức cú bảo mẹ "hay con bỏ về ở với mẹ thôi". Mẹ lại thở dài "Chúng mày bây giờ sống hiện đại quá cứ thích lên là kêu bỏ, sống vì mình nhiều quá. Chả nghĩ cho con cái, bố mẹ, thích là làm, ra sao thì ra, cái tôi của đứa nào cũng lớn chả nhường nhau bao giờ, mới cãi nhau dăm ba câu cũng kêu bỏ, cứ coi cưới xin như trò đùa".

Rồi mẹ lại khuyên "Vợ chồng lấy nhau về sống được với nhau mới khó chứ bỏ thì đơn giản không, ký phát là xong. Chúng mày còn trẻ thì khổ gì đâu, chỉ con cái thơ dại, bố mẹ già là khổ thôi. Gia đình có êm ấm cũng là do đàn bà vun vén mà ra, mình đàn bà nhịn đi một tí".