Cơ thể thiếu nước phải làm sao

Thiếu nước sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả cho cơ thể. Dưới đây là 11 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu nước và cần bổ sung. 

Cơ thể thiếu nước phải làm sao
11 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu nước trầm trọng.

1. Miệng khô

Bất cứ khi nào có cảm giác dính dính, nháp nháp, khó chịu trong miệng, chúng ta thường tìm đến đồ uống nào đó. Nhưng đồ uống có đường chỉ là giải pháp tạm thời nên thay vì chọn các loại đồ uống có đường, hãy uống nước lọc để bôi trơn màng nhầy trong miệng và cổ họng.

2. Da khô

Da khô là một trong những dấu hiệu cơ thể mất nước rõ ràng và sớm nhất. Thiếu nước đồng nghĩa với việc thiếu mồ hôi, dẫn đến cơ thể không có khả năng rửa trôi bụi bẩn và dầu tích tụ suốt cả ngày. Nếu muốn ngăn chặn mụn trên da mặt, đầu tiên, bạn nên uống nhiều nước hơn.

3. Khát nước

Hãy lắng nghe cơ thể bạn. Tín hiệu khát gửi đến não có nghĩa là bạn cần bổ sung nước cho cơ thể ngay lập tức rồi.

4. Mắt khô

Rõ ràng là uống nước không chỉ ảnh hưởng đến miệng và cổ họng của bạn. Việc thiếu nước dẫn đến mắt khô, đỏ ngầu. Uống nước ít quá gây hại rất nhiều cho mắt, đặc biệt là nếu bạn đeo kính áp tròng hằng ngày.

5. Đau khớp

Sụn và đĩa đệm cột sống được tạo thành từ khoảng 80% nước. Nước cần thiết để giữ cho xương không bị nghiền nhau mỗi khi chúng ta vận động. Giữ cho cơ thể đủ nước thì mới đảm bảo các khớp có thể chống chịu với những cú sốc khi chuyển động đột ngột, chẳng hạn như chạy, nhảy hoặc ngã,...

6. Giảm cơ bắp

Cơ bắp cũng bao gồm chủ yếu là nước. Ít nước trong cơ thể có đồng nghĩa với việc khối lượng cơ bắp ít đi. Uống nước trước, trong và sau khi tập luyện không chỉ giúp bạn thoải mái mà còn giảm nguy cơ bị viêm và đau nhức liên quan đến tập thể dục và cử tạ.

7. Bị bệnh lâu hơn

Uống nước đủ cho phép cơ thể liên tục xả độc tố. Thiếu nước, các cơ quan nội tạng không thể hoạt động bình thường và sẽ phải lấy nước từ nơi lưu trữ như máu chẳng hạn, dẫn đến một loạt các vấn đề sức khoẻ khác.

8. Mệt mỏi và thờ ơ

Khi cơ thể thiếu nước, nó sẽ "mượn" nước từ máu, dẫn đến thiếu oxy được đưa khắp cơ thể. Thiếu oxy dẫn đến buồn ngủ và mệt mỏi.

9. Đói

Khi mất nước, cơ thể bạn có thể nghĩ rằng nó cần thức ăn. Ăn thức ăn tạo ra nhiều công việc hơn cho cơ thể của bạn, trong khi uống nước giúp thanh lọc các cơ quan của bạn và cung cấp nhiên liệu cần thiết cho các quá trình khác mà cơ thể trải qua.

10. Gặp vấn đề về tiêu hóa

Nếu không được cung cấp đủ nước, lượng chất nhầy trong dạ dày sẽ giảm đi, cho phép axit dạ dày tổn hại bên trong, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng và khó tiêu.

11. Lão hóa sớm

Lượng nước mà cơ thể chúng ta giữ lại giảm một cách tự nhiên khi chúng ta già đi. Điều này có nghĩa là, khi già hơn, chúng ta nên có ý thức tăng lượng nước uống. Lão hóa thể hiện rõ hơn ở bên ngoài nhưng thiệt hại mà nó gây ra bên trong sẽ được cảm nhận theo thời gian. Do đó, dù ở độ tuổi nào, cũng phải liên tục bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. 

Cơ thể thiếu nước phải làm sao

Ảnh minh họa

Mất nước thường xảy ra do chúng ta cung cấp không đầy đủ chất lỏng cho cơ thể. Ngoài ra có thể do các yếu tố khác như khí hậu khô nóng, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống. Ngoài ra, mất nước có thể do một số bệnh lý như tiêu chảy, nôn mửa và bệnh tiểu đường. Khi cơ thể thiếu nước, hoạt động của các cơ quan sẽ thay đổi, dẫn tới những triệu chứng bất thường. Lúc đó, có thể chúng ta đã gặp phải một tình trạng gọi là mất nước. Một điều đáng lưu ý, khi cơ thể thiếu nước, biểu hiện không đơn giản chỉ là khát. Do đó, đây là một vấn đề dễ bị bỏ qua. Vậy mất nước nguy hiểm như thế nào, các biểu hiện khác ra sao… Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tình trạng thường gặp này.

Vai trò của nước trong cơ thể

Nước chiếm khoảng 75% cơ thể chúng ta, trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết không giống nhau ở mỗi người. Trung bình, mỗi ngày một người trưởng thành cần uống 2 lít nước.

Hằng ngày, lượng nước trong cơ thể mất qua mồ hôi, nước mắt, nước bọt, hoạt động tiêu tiểu… Bình thường, lượng nước này được bù lại qua đường ăn uống.

Mất nước là gì?

Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày. Nếu lượng thiếu hụt không được bù đủ thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Thiếu nước khiến các cơ quan không thể thực hiện các chức năng một cách bình thường. Từ đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể tử vong.

Mất nước biểu hiện như thế nào?

Những triệu chứng của mất nước dễ nhận thấy là khát, giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sậm màu. Màu sắc nước tiểu là dấu hiệu đáng tin cậy. Bình thường nước tiểu vàng trong, khi thiếu nước lượng nước tiểu ít đi và sẫm màu. Trong khi đó, cảm giác khát không phải luôn gặp. Nhiều người, đặc biệt là người già, không cảm thấy khát trong khi cơ thể đã thật sự mất nước. Ở trẻ em, cần nhiều dấu hiệu tinh tế hơn để nhận ra tình trạng mất nước. Nói chung, mất nước có thể được nhận ra nhờ những biểu hiện khác nhau theo lứa tuổi.

Ở trẻ em:

  • Khô miệng và khô lưỡi.

  • Khóc không có nước mắt.

  • Tã của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ.

  • Mắt trũng, má trũng.

  • Trẻ kích thích, nặng hơn, có thể lừ đừ.

  • Nếp véo da mất chậm > 3 giây.

Ở người lớn:

  • Khô miệng.

  • Ngủ gà, lơ mơ.

  • Yếu cơ.

  • Hoa mắt, chóng mặt.

  • Các triệu chứng nặng (khi mất 10 – 15% tổng lượng nước trong cơ thể) gồm: không chảy mồ hôi, mắt trũng, da khô hoặc nhăn nheo, huyết áp thấp, nhịp tim tăng, sốt, mê sảng, mất ý thức.

Nguyên nhân nào khiến cơ thể mất nước?

Hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới mất nước là do cung cấp không đủ và do mất nước quá nhiều.

Do cung cấp không đủ nước cho cơ thể

Đó có thể là những nguyên nhân rất quen thuộc. Ví dụ như bạn không thể uống đủ nước do quá bận bịu hoặc bị ốm. Bạn không muốn uống nước do đau họng, loét miệng, bệnh lý dạ dày… Hay đơn giản bạn không đem theo nước sạch khi đi leo núi, cắm trại…

Do mất nước quá nhiều

  • Tiêu chảy hoặc nôn ói: có thể gây ra mất nước và điện giải chỉ trong thời gian ngắn. Tiêu chảy còn là nguyên nhân gây mất nước dễ dẫn tới tử vong nhất, đặc biệt ở trẻ em và người già.

  • Sốt: sốt càng cao cơ thể càng nhanh mất nước.

  • Đổ mồ hôi quá mức: do các hoạt động thể lực, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời. Ngoài ra, thời tiết nóng cũng góp phần khiến cho cơ thể mất nước nếu bạn không bổ sung lại một lượng nước thích hợp.

  • Tiểu nhiều: nếu ở mức độ đáng kể có thể dẫn tới mất nước. Tiểu nhiều có thể là biểu hiện của một bệnh lý. Đó có thể là bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt. Thuốc cũng có thể gây tiểu nhiều, như thuốc lợi tiểu, một số thuốc hạ áp, thuốc chống loạn thần

  • Bỏng: làm mạch máu tổn thương, dẫn tới dịch bị rò rỉ khỏi lòng mạch vào mô xung quanh.

Bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng mất nước. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao hơn, có thể kể đến như: trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính, người làm việc ngoài trời,…

Hương Giang (t/h)