Con gà lôi có họ hàng gần với cá cóc tam đảo hơn hay trai sông hơn? vì sao?

ThienNhien.Net-Tam Đảo 2 là dự án của tỉnh Vĩnh Phúc hợp tác với Viet Nam Parners LLC. Hoa Kỳ (Cty VP) nhằm biến khu Tam Đảo 2 (cách Tam Đảo I 15km về phía Tây Bắc) thành một khu DLST. Trên thực tế, mục đích của dự án này là nhằm xây dựng tại Tam Đảo 2 một loạt công trình nhằm phục vụ cho vui chơi giải trí. Điều này, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của VQG Tam Đảo.

Tam Đảo – của trời cho của Vĩnh Phúc

Ngày 6/3/1996, Chính phủ có Quyết định số 136-TTg, phê duyệt DA đầu tư xây dựng Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo. Căn cứ Quyết định của Chính phủ thì VQG Tam Đảo có tổng diện tích lên đến 36.883 ha với ranh giới quy hoạch dài 80km, rộng từ 10 đến 15 km, thuộc địa giới hành chính 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang (được tính từ độ cao 100m đến 1.592m).Vùng đệm VQG có tổng diện tích 53.496 ha ở độ cao dưới 100m, nằm trong địa giới hành chính của 27 xã, thị trấn với khoảng gần 200.000 dân cư thuộc 7 dân tộc, chủ yếu sinh sống bằng canh tác nông nghiệp…

Tam Đảo được xem là “của trời cho” của Vĩnh Phúc – đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Phi – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài các ưu thế về thiên nhiên, khí hậu, Tam Đảo còn là nơi hội tụ của hơn 490 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm như Sam bông, Pơ mu, Thông tre, Kim giao, Lèn xanh, Sa nhân, Đỗ quyên cùng các loại phong lan, địa lan nổi tiếng. Về Động vật, VQG Tam Đảo có đến 281 loài như hổ báo, khỉ, voọc đen má trắng, hươu, nai, gà lôi, chồn hương… Đặc biệt quý hiếm ở Tam Đảo là loài Sa Dông (cá Cóc), gà so cổ đỏ cùng hàng trăm loài côn trùng độc đáo… Độc đáo hơn cả, có lẽ là vùng đất ướt, bắt đầu từ độ cao 1.100m cho đến độ cao 1.403m, nằm trên sống của dãy Tam Đảo được gọi là Rừng Lùn. Rừng lùn nằm trong Khu Tam Đảo II (kéo dài khoảng 50 km theo hướng Tây Bắc – Đông Nam). Rừng lùn trên đỉnh núi Tam Đảo được coi là kiểu phụ đặc thù của rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới với thực vật chủ yếu gồm các loại cây thuộc họ Đỗ Quyên, họ Re, họ Hồi..

Du khách đến với Tam Đảo, bởi sức cuốn hút của núi, rừng, mây trời, bầu không khí trong lành. Những dãy núi cao thấp khác nhau cứ liên tiếp chồng gối, chen nhau từ độ cao hơn 100 m lên tới hơn 1.400 m so với mặt biển, tạo ra hàng trăm khe suối hun hút, vách núi dựng đứng, hiểm trở, ào ào đổ nước trong mùa mưa.

Ðầu thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng ở đây một khu nghỉ mát nổi tiếng với những con đường men núi, cầu vượt suối, tường đá, cột đá, những ô cửa cuốn vòm mềm mại bền vững. Cũng thời gian này, cùng lúc với việc xây dựng Tam Đảo I, người Pháp đã phát hiện ra Tam Đảo II, cách Tam Đảo I 15 km về phía Tây Bắc. Đây là vùng đất khá bằng phẳng thuộc phần đỉnh của dãy núi Tam Đảo, có diện tích khoảng từ 500 – 600 ha, cách thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo I) khoảng 5km đường chim bay và 15 km đường bộ.

Bắt đầu từ năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định xây dựng Tam Đảo II thành một khu vui chơi, giải trí. Điều này đe dọa tới Đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của Tam Đảo, phá vỡ cảnh quan nơi đây. Tam Đảo II từng được các chuyên gia của tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá là “rất khó phát triển vì khoảng cách và các yếu tố môi trường nhạy cảm tiềm năng”. Việc triển khai ý tưởng xây dựng DA khổng lồ ở khu đất có các yếu tố môi trường đặc biệt nhạy cảm buộc những người có trách nhiệm phải dự liệu mọi khả năng bất lợi sẽ xảy ra.

Dự án Tam Đảo II – một hành động đi ngược lại với bảo tồn thiên nhiên

Năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho Cty Viet Nam Parners LLC. Hoa Kỳ (Cty VP) lập ý tưởng quy hoạch cũng như thuê chuyên gia Mỹ thuộc Belt Collin Hawai Ltd phác thảo ý tưởng quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái tại 300 ha Rừng lùn trên tổng diện tích từ 500 đến 600 ha Khu Tam Đảo II. Để phục vụ cho ý tưỏng quy hoạch này, ngày 22/12/2006, tại TP Vĩnh Yên, một văn bản nghiệm thu đề tài: “Xác định cơ sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo II”, được đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết với đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Đề tài khoa học được xây dựng trên cơ sở “hợp đồng có định hướng” này, là tiền đề quan trọng để lãnh đạo tỉnh triển khai các bước tiếp theo nhằm thu hút hàng trăm triệu USD cho một DA khách sạn, sòng bài, sân gôn và chuồng ngựa ngay trong vùng lõi của một VQG nổi tiếng.

Dự án Tam Đảo II thuộc địa phận huyện Tam Đảo, cách khu nghỉ mát Tam Đảo I đã có khoảng 15 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 80 km; ở độ cao 1.100 m đến 1.200 m so với mặt nước biển. Tổng vốn đầu tư cho khu nghỉ mát mới này được kêu gọi là hơn 200 triệu USD. Các nhà xây dựng Dự án Tam Đảo II có ý tưởng “nối mặt đất với thiên đường” , hay “Cầu nối trời và đất”. “Chiếc cầu” này là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo II. Đường chính (15 km, rộng từ 15 đến 25m.), dự kiến sẽ được mở theo tỉnh lộ 314 qua Tây Thiên, sau đó vòng qua hồ Hú Cóc, theo sườn núi phía Tây và Bắc để đến Tam Đảo II. Ngoài tuyến đường này, hàng loạt tuyến đường “men theo sườn núi bằng những đoạn ngoằn ngoèo cho đến khi đạt độ cao khoảng 1.000m của Tam Đảo II”, đường nối Tam Đảo I với Tam Đảo II và các con “đường mòn để ngắm cảnh” khác cũng sẽ được mở. Cùng với việc mở đường, một tuyến cáp treo từ Tam Đảo I đến Tam Đảo II và 3 phương án định hướng biến Tam Đảo II thành “thiên đường” cũng được Belt Collin Hawaii Ltd đưa ra. Cả 3 phương án đều tập trung và việc triển khai xây dựng các công trình như Villa, khách sạn, nhà nghỉ, sòng bài, chuồng ngựa…

Thực tế của dự án Tam Đảo II là như thế nào?

Một dự án không có lợi cho bảo tồn, không chỉ đối với VQG Tam Đảo mà còn ảnh hưởng đến môi trường của miền Bắc Việt Nam – đây là ý kiến của hầu hết các nhà bảo tồn. Theo phương án đề xuất, Tam Đảo II sẽ trở thành một khu Du lịch sinh thái, nhưng thực chất không phải như vậy. “DLST là một loại hình DL dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, có tính giáo dục môi trường, đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”. Nhưng hiện tại, trong 300 ha khu Bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều hạng mục như sân gôn, sòng bạc, nhà cao tâng, đường xe điện trên khong, chuồng ngựa, vườn thú, thuỷ cung….sẽ được xây dựng. Những hạng mục đó xây dựng, sẽ phá huỷ toàn hệ sinh thái của khu vực này, đó là chưa kể đến việc hàng chục km đường lên khu “DLST” sẽ chia cắt hệ thống rừng nghiêm trọng.

Nếu xây dựng khu Tam Đảo II thì toàn bộ hệ sinh thái trên đỉnh Tam Đảo (đặc biệt là hai hệ sinh thái đặc trưng và quý hiếm là rừng lùn trên núi cao và đất ướt núi cao – có một không hai ở VN) sẽ bị tàn phá. Việc xây dựng và giải phóng mặt bằng ở đỉnh sẽ khiến đất đá và chất thải xây dựng khác vùi lấp và phá hủy các hệ sinh thái xung quanh. Cảnh quan tự nhiên như một biểu tượng xanh của Bắc bộ bị phá vỡ, lá phổi xanh của Hà Nội bị nhiễm bẩn. Hàng chục triệu m3 đất, đá tràn ra trên đỉnh núi và sườn núi sẽ là một tai họa tiềm ẩn khó tránh khỏi. Vào mùa mưa, sẽ có những trận lũ bùn vùi lấp đồng ruộng, làng mạc và các công trình văn hóa tâm linh như đền, chùa quanh chân núi Tam Đảo.

Theo thống kê của các nhà bảo tồn, xung quanh VQG Tam Đảo, kể cả trong vùng đệm và vùng lõi có 79 đình, chùa, đền, miếu và nhà thờ, trong đó có 64 công trình nằm ở vùng đệm, 15 công trình nằm ở vùng lõi. Với vùng địa linh như thế, việc quyết định xây dựng phía trên các công trình văn hóa, tâm linh đó khu vui chơi, giải trí, hưởng thụ liệu có nên không?

Mặt khác, dãy núi Tam Đảo được xem như nóc nhà của vùng trung du Bắc Bộ với trên 20 đỉnh cao từ 1.000m đến 1.592m. Vùng đệm dưới chân Tam Đảo là các thị trấn, làng mạc của hơn 200.000 cư dân chủ yếu sinh sống bằng canh tác nông nghiệp… Nhiều năm nay, các hồ nước trong vùng cạn dần, cạn dần, do rừng đầu nguồn bị phá. Suối Bạc, bắt nguồn từ Tam Đảo II, vốn là dòng suối chính, cung cấp nước canh tác cho người dân xã Đạo Trù, cũng nằm trong tình trạng tương tự. Nông dân quanh vùng chân núi Tam Đảo lâu nay đều trông chờ vào nguồn nước chảy xuống từ đỉnh núi để gieo cấy mỗi năm 2 vụ lúa. Một thực tế là, khi con đường kia được làm, nó sẽ xẻ ngang sườn núi, cắt ngang mọi dòng chảy từ Tam Đảo II xuống ruộng đồng của nông dân. Sản xuất nông nghiệp sẽ lâm vào bế tắc. Việc chờ đợi kinh phí để đắp đập hồ Hú Cóc và Thai Léc nhằm ổn định nước tưới mỗi năm 2 vụ chưa thấy đâu, giờ lại thêm việc người ta sắp xây đập chắn trên đỉnh Tam Đảo, để giữ nước lại phục vụ cho khu du lịch Tam Đảo II. Nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra, nhưng chưa đáng sợ bằng việc lở đất. Ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hiệp hội VQG và Khu bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam cho rằng, khi dự án Tam Đảo 2 được thực thi, việc xảy ra những trận lũ bùn khủng khiếp sẽ là một thực tế có thể dự báo trước. Thực tế là gần đây, một nhóm người dân xã Đạo Trù lên rừng hái măng đã bị chết do lở đất.

Thêm nữa, tuyến đướng Đạo Trù – Tam Đảo II vắt ngang sườn Tây Nam dãy Tam Đảo (từ chân núi lên đến đỉnh núi) được xây dựng, vô hình chung sẽ chia vườn quốc gia Tam Đảo thành hai phần Tây Bắc và Đông Nam. Với hoạt động giao thông thường xuyên, toàn tuyến đường sẽ là chiếc ba-ri-e chia cắt hệ động vật của VQG, ngăn cản sự di chuyển của động vật khi đi tìm thức ăn và sinh sống bình thường. Vùng đệm VQG Tam Đảo với trên 200.000 dân cư thuộc 27 xã, thị trấn trong tương lai sẽ phải gánh chịu những thảm họa khó lường do rừng bị tàn phá.

Trong khi đó, hiện Tam Đảo I có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, với trên 30 cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn. Khá nhiều doanh nghiệp đang khai thác tại Tam Đảo I tỏ ra lo ngại nếu tới đây lượng khách tăng chậm mà lại có thêm “ông em” hùng mạnh được các nhà quản lý nước ngoài điều hành. Ông Nguyễn Hoàng Thái, chủ nhà hàng Sơn Hải đề xuất: “Khách sạn Hạ Long hạng 2 sao mà công suất sử dụng phòng nghỉ lúc cao nhất cũng chỉ đạt trên 70%, có thêm dự án khác chắc chúng tôi đóng cửa mất. Tam Đảo I có thiên nhiên rất đẹp nhưng diện tích chỉ vỏn vẹn 7 ha, chúng tôi mong mỏi thay vì xây dựng dự án mới, tỉnh nên đầu tư hơn nữa cho Tam Đảo I”.

Sự chỉ đạo dự án Tam Đảo II của nhà nước

Ngay khi nhận thấy những bất cập trong việc tiến hành Dự án Tam Đảo II, các nhà lãnh đạo, các nhà bảo tồn đã lên tiếng, nhằm mục đích ngăn chặn việc thực thi dự án này.

Ngày 23/11/2006 tại Công văn số 241/HMTg gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng, Hội BVTN&MT Việt Nam đã nêu rõ: “Theo pháp luật hiện hành mọi chủ trương khai thác khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG, trong khi thực tế không có công trình quốc gia nào đòi hỏi là không hợp pháp và vì thế Dự án (Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo (Tam Đảo II) không nên đặt ra để xem xét”.

Kết luận tại buổi làm việc ở UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 10/12/2006, sau khi nghe 2 báo cáo của 2 giáo sư Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc không nên dựa vào kết quả của 2 nghiên cứu này vì chúng quá đơn giản, dễ dãi, mang tính minh họa dựa trên những lập luận không chính xác, thời gian quan trắc quá ngắn ngủi và thậm chí có khả năng xác định sai khu vực điều tra.

Sau loạt bài viết trên báo Thanh Tra, ngày 25/4/2007, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2213/VPCP – NN (về việc kiểm tra ngăn chặn việc tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Tam Đảo), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “Giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ TN&MT kiểm tra thực tế việc chuẩn bị và triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 tại VQG Tam Đảo, báo cáo đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2007”. Ý kiến chỉ đạo kịp thời của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã được các nhà khoa học hết sức đồng tình.

Tiếp đó, ngày 17/5/2007, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường lại có Công văn gửi Văn phòng chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Quốc phòng, cùng với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Nội dung chính của văn bản này là Phản đối dự án Tam Đảo II . Tại Công văn này, Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường có nêu rõ: Việc khai thác phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo chắc chắn sẽ gây ra những tác động xấu đến toàn bộ diện tích còn lại của VQG, đến các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen, trong đó có hệ sinh thái đất ngập nước trên núi cao duy nhất của Việt Nam.

Tiếp đó, Hiệp hội Vườn quốc gia cũng kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ chủ quản VQG Tam Đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng chính phủ

Ý kiến của các nhà bảo tồn

Theo GS. TS Nguyễn Trọng Cúc, Vĩnh Phúc không thể bằng mọi giá để thực hiện Dự án Tam Đảo II vì VQG Tam Đảo là tài sản Quốc gia. “Nhiều năm trước đây, nếu không có sự can thiệp kịp thời bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ, thì sẽ không thể có Khu bảo tồn sinh quyển sinh quyển Cần Giờ được cả thế giới biết đến”. Theo ý kiến của GS.TS, với tư cách chủ rừng, Bộ Nông nghiệp & PTNT cần phải thực hiện đúng vai trò đã được nhà nước giao.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay, cho rằngVĩnh Phúc đang là một địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư, chính vì thế lại càng phải bảo vệ vững chắc “mái nhà Tam Đảo” để các nhà đầu tư yên tâm. Đây cũng chính là sự kết hợp nhuần nhị giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nói gì?

Dù đã có nhiều ý kiến phản đối từ các nhà khoa học và dư luận nhưng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng trăm ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi VQG Tam Đảo. Ông Trần Ngọc Ái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố rằng: “Lúc đầu chúng tôi dự kiến chuyển đổi 300 ha nhưng nay hạ xuống 190 ha…”.

Ông Ái thêm: “…Nếu mình không quyết nhanh thì mất cơ hội (…).Quan điểm của chúng tôi là tiềm năng có mà cứ để tiềm năng đấy thì sẽ không giải quyết được cái gì. Ta lấy tiềm năng đó khai thác, sau đó lại bảo vệ tiếp!”.

Khi được hỏi về việc xây dựng khu du lịch ở Tam Đảo II sẽ làm mất đi tấm áo choàng VQG với thảm thực vật đặc hữu của vùng đất ướt, rừng lùn, ông Ái cho biết: “Nếu nó là tấm áo choàng thật thì cũng phải thay đi để choàng lên cái áo khác tốt hơn. Chúng tôi sẽ lấy nguồn thu từ du lịch để trồng lại rừng, sẽ cho trồng những cây quý hơn, ví dụ như Dó bầu chẳng hạn. Vài chục năm sau nó là nguồn vốn quý cho con cháu chúng ta. Nếu cháy rừng thì đã có sẵn đường sá, phương tiện kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy tốt hơn…”(!!!).

Việc đột ngột “hạ chỉ tiêu” chuyển đổi diện tích rừng vùng lõi VQG Tam Đảo từ 300 ha xuống còn 190 ha chỉ trong vòng chưa đầy một tháng của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc được các nhà chuyên môn nhìn nhận như một cú “lách luật” khá bài bản vì sẽ không phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo khoản b, Điều 2, Nghị quyết số 66/2006/QH 11 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9. Điều khoản này quy định, DA đầu tư có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng với đất rừng đặc dụng từ 200 ha trở lên mới phải trình Quốc hội xem xét.

Lời kết

Vĩnh Phúc ngang nhiên qua mặt chủ rừng, đi tiên phong trong chuyện xin chuyển đổi vùng lõi VQG để làm du lịch, đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Sẽ ra sao nếu các địa phương khác có VQG, cũng thực hiện điều đó, dưới hình thức “Du lịch sinh thái” Sự hình thành khu DLST tại VQG Tam Đảo II không chỉ làm mất đi diện tích 300 ha rừng vùng lõi mà chắc chắn là hàng ngàn ha rừng khác cũng bị ảnh hưởng, huỷ hoại trong quá trình xây dựng và khai thác du lịch. Nếu phiên bản này được triển khai, chắc chắn Tam Đảo vốn đã nổi tiếng, sẽ lại càng nổi tiếng hơn – không chỉ vì bị biến thành… thiên đường mà còn được cả thế giới biết đến như là VQG đi tiên phong trong việc “cấu” vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt ra khỏi rừng để xây dựng công trình vui chơi.