Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ

09:17, 25/02/2015

Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn, cao nguyên Dak Lak mà đặc biệt là vùng trung tâm Buôn Ma Thuột là vùng đất có lịch sử hình thành địa chất và xã hội từ rất lâu đời. Trải qua những biến thiên của thời gian, Buôn Ma Thuột đã có nhiều đổi thay tích cực để từ đó vươn mình thành một đô thị trẻ năng động, mang tầm vóc của đô thị “hạt nhân” vùng Tây Nguyên…

Chứng tích thời gian từ lòng đất

Theo các nhà dân tộc học và khảo cổ học, cao nguyên Dak Lak nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng ít nhất cũng đã có 4.000 năm tuổi. Để có được nhận định này, rất nhiều cuộc nghiên cứu điền dã lẫn khai quật của các nhà dân tộc học và khảo cổ học đã được tiến hành với mục đích tìm kiếm những dấu tích cư trú, làm nông nghiệp của cư dân cổ ở đây thời tiền sử. Trên vùng Dak Lak đến nay đã phát hiện hơn 30 địa điểm khảo cổ học tiền sử, riêng ở TP. Buôn Ma Thuột đã phát hiện được các di chỉ cư trú cổ như: Dhă Prông (xã Cư Êbur), Cao Thắng và thôn Ba (xã Ea Kao).

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ
Ngã Sáu trung tâm – biểu tượng của TP. Buôn Ma Thuột.

Qua những lần đào thám sát, khai quật tìm hiểu về vùng đất Buôn Ma Thuột, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hàng trăm công cụ lao động bằng đá, hàng trăm mảnh tước, hàng nghìn mảnh gốm và cả dao đồng. Những hiện vật do khai quật vẫn còn đang chỉnh lý và phân loại; trong đó đã phân loại được một số hiện vật như: rìu hình bầu dục, rìu hình tứ giác, bôn hình thang, rìu và bôn có vai, đục, bàn mài, hòn nghiền, đồ trang sức... Những hiện vật khảo cổ học tiền sử ở đây cho thấy sự đa dạng về loại hình và phong phú về chất liệu. Qua tư liệu khảo cổ học có được từ những di chỉ cư trú của người tiền sử ở TP. Buôn Ma Thuột, có thể khẳng định Buôn Ma Thuột là vùng đất cổ, có con người hậu kỳ đá mới sinh sống ở đây cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Liền kề với TP. Buôn Ma Thuột, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện và tiến hành thám sát ở một số địa phương như: Cư Jút (Dak Nông), Cư M’gar, Krông Pak, Ea Kar... Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học tạm xếp các di chỉ khảo cổ học ở cao nguyên Buôn Ma Thuột vào một đới văn hóa: văn hóa Buôn Ma Thuột. Văn hóa Buôn Ma Thuột hiện được biết với gần 10 địa điểm, có trung tâm là TP. Buôn Ma Thuột. Dưới góc độ lịch sử văn hóa, mỗi di tích là một làng, mỗi cụm di tích là một dạng liên làng, toàn bộ các di tích ở cao nguyên này là một kiểu siêu làng. Các cụm di tích này có sự tương đồng nhau về di tích và di vật; là dấu hiệu của một văn hóa khảo cổ thống nhất...

Địa danh gắn với buôn làng

Theo những dữ liệu lịch sử, Buôn Ma Thuột là quê hương lâu đời của đồng bào Êđê. Cho đến những năm cuối thế kỷ thứ 19, đời sống kinh tế của đồng bào nơi đây về cơ bản vẫn là tự cung tự cấp nhưng cũng đã xuất hiện các mối quan hệ, giao lưu kinh tế giữa các vùng. Một số tù trưởng giàu mạnh, có thế lực còn có ảnh hưởng rộng rãi và chi phối đến nhiều buôn lân cận, tạo nên những vùng kiểm soát riêng biệt của mình. Vùng trung tâm Buôn Ma Thuột vốn là buôn của đồng bào Êđê Kpă, do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Đây là một buôn lớn với khoảng 50 ngôi nhà dài và trên 2.000 dân, nằm trên vùng gò đồi màu mỡ cạnh dòng suối Ea Tam. Cùng với một số buôn xung quanh Buôn Ma Thuột đã tạo thành một khu vực quần cư tập trung của đồng bào Êđê. Do ảnh hưởng và thế lực lớn của tù trưởng Ama Thuột, các buôn làng lân cận coi buôn này là trung tâm và tên gọi là Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ đấy.

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ
Biệt điện Bảo Đại - công trình kiến trúc cổ vẫn được bảo tồn.

Sau khi tiến hành xâm lược và bình định được vùng Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng bộ máy thống trị. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương do Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Dak Lak tự trị, đặt cơ sở hành chính tại Bản Đôn, do Bourgeois làm công sứ. Ngày 12-4-1904, theo đề nghị của hội đồng tối cao Đông Dương, Toàn quyền Paul Beau ký quyết định thành lập tỉnh Dak Lak có cấp dưới là các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời chuyển tỉnh lỵ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột, đặt dưới quyền giám sát của Bardin. Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Kon Tum, tách ra từ tỉnh Phú Yên, Bình Định và Dak Lak, đồng thời tỉnh Dak Lak bị giải thể, hạ xuống làm một đại lý (không có đơn vị hành chính). Từ đó, tỉnh Dak Lak không còn mà chỉ còn địa danh Dak Lak. Năm 1923, theo đề nghị của công sứ L. Sabatier, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định tách đại lý Dak Lak ra khỏi tỉnh Kon Tum, tái lập tỉnh Dak Lak. Ngày 5-6-1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20, thị xã Buôn Ma Thuột được Nhà nước quyết định nâng lên thành phố. Năm 2005, TP. Buôn Ma Thuột lại tự hào được nâng cấp thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh và là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Năm 2010 Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh là một điểm mốc lịch sử quan trọng để thành phố tiếp tục phấn đấu, phát triển thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020 theo tinh thần Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột – đô thị trẻ năng động

Qua 110 năm hình thành và phát triển, mặc dù có nhiều lần thay đổi về cấp hành chính nhưng Buôn Ma Thuột vẫn luôn là thủ phủ, lỵ sở của tỉnh Dak Lak. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, từ sau Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị, trên địa bàn thành phố đã có nhiều công trình trọng điểm được Trung ương, tỉnh và thành phố tập trung đầu tư, xây dựng... có tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên. Hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đoạn qua địa bàn thành phố, hệ thống đường nội thị, đường trục chính thôn, buôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Nhiều chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư đã được triển khai, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến mới, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, cũng như đào tạo nghề được đầu tư mở rộng, thành lập mới, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Dak Lak và khu vực Tây Nguyên.

Trong 4 năm (2011-2014), tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt 23.167 tỷ đồng; trong đó cơ cấu vốn ngân sách nhà nước 3.896 tỷ đồng, chiếm 16,8% (ngân sách Trung ương: 1.248 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 1.243 tỷ đồng; ngân sách thành phố: 1.405 tỷ đồng); vốn ngoài ngân sách 19.271 tỷ đồng, chiếm 83,2%. GDP bình quân đầu người của thành phố (giá hiện hành 2013) đạt 43,2 triệu đồng và trong năm 2014, ước đạt 47,6 triệu đồng/năm (kế hoạch đến năm 2015: 50 triệu đồng/năm). 

Có thể nói, với những xuất phát điểm và tiềm năng hiện có, Buôn Ma Thuột đủ nguồn lực để trở thành một thành phố với bản sắc văn hóa và kiến trúc đô thị mang dấu ấn riêng biệt. Những kết quả đạt được đã tạo nên diện mạo TP. Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc, khẳng định sự năng động trên đường chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Lan Anh – Giang Nam

Đăng bởi   vào  

 I. Những dấu vết của người nguyên thuỷ trên vùng đất Đắk Lắk     Đắk Lắk là một vùng đất cổ. Dấu vết của con người trên vùng đất này được tìm thấy thuộc thời kì đổ đá cũ, cách đây hàng vạn năm.    Trên địa bàn Đắk Lắk, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều di chỉ thuộc thời hậu kì đồ đá cũ. Tại buôn Păn Lăm (thành phố Buôn Ma Thuột), một số viên cuội có dấu vết tạo tác của con người đã được phát hiện. Những công cụ này về hình dáng và kĩ thuật chế tạo tương tự công cụ thuộc nền văn hoá Sơn Vi - văn hoá thời hậu kì đồ đá cũ, phân bố chủ yếu ở Trung du và tiền núi các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Những công cụ lao động này cho thấy chủ nhân của nó sống dựa vào săn bắt và hái lượm.   Vào năm 2002, tại Ea Đar ( huyện Ea Kar ), các nhà khảo cổ đã phát hiện được chiếc rìu làm từ đá cứng, tương đối thô, trên thân còn nhiều vết ghè đẽo nhỏ, có vết mài nhẵn ở hai mặt sát rìa lưỡi. Công cụ có đặc điểm, hình dáng và kĩ thuật gần với lưỡi rìu mài Hoà Bình - Bắc Sơn, niên đại sơ kì đá mới, cách đây khoảng một vạn năm. Căn cứ vào loại hình công cụ lao động, ta thấy hoạt động kinh tế của cư dân nơi đây vẫn là săn bắt, hái lượm.

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ

Hình 1. Bản vẽ lưỡi rìu mài và mặt cắt ngang, dọc (Ea Đar - huyện Ea Kar)


Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ

Hình 2. Cuốc có vai (buôn Triết - huyện Lắk)

   Sang thời đại đá mới, cư dân nơi đây đã chủ động hơn trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Nguồn lương thực, thức ăn dồi dào, phong phú hơn đã cho phép họ định cư khá lâu dài ở một khu vực nhất định. Sự phong phú, đa dạng về loại hình công cụ lao động và đồ dùng trong gia đình đã chứng tỏ sự phát triển của nghề thủ công đương thời, nhất là nghề chế tác đá và nghề làm gốm.

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ


Hình 3. Cuốc chuôi nhọn (thôn 3, Ea Kao, Buôn Ma Thuột)

   Vào cuối thời kì đồ đá mới, cư dân sống trên địa bàn Đắk Lắk đã có những bước tiến dài trong kĩ thuật chế tác đá, phát triển nghề làm gốm. Họ cũng biết sử dụng nguyên liệu đồng, thiếc và thuật luyện kim (đồng thau cùng với một ít đồ sắt). Các di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đồng thau và sắt sớm được phát hiện ở Đắk Lắk chủ yếu là trống đồng, rìu đồng. Những hiện vật này được tìm thấy ở Ea H'ning (Cư Kuin), Phú Xuân (Krông Năng), Ea Riêng (M'Đrắk), Ea Pắc (Ea Kar) Bản Đôn (Buôn Đôn). Ea Kênh (Krông Pắc). Trong đó, trống đồng phát hiện tại Ea Kênh (Krông Pắc) được xác định thuộc dòng trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy mối quan hệ văn hoá giữa các tộc người Việt ở đồng bằng và các tộc người Thượng ở cao nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ khá sớm.

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ


Hình 4. Mặt trống đồng Ea Kênh (Krông Pắc)


II. Khái quát lịch sử Đắk Lắk từ đầu công nguyên đến cuối thế kỉ XIX     Từ đầu công nguyên đến thế kỉ XV, vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã trải qua nhiều xáo trộn vì chiến tranh, là nơi tranh chấp liên miên giữa các quốc gia cổ Phù Nam, Chân Lạp và Chăm - pa. Từ năm 1150, Chăm-pa đã chiếm đóng một phần Tây Nguyên. Kết quả của những đợt khai quật khảo cổ học cho thấy người Chăm có nhiều ảnh hưởng ở Đắk Lắk. Người Chăm đã để lại ở các vùng cư trú của người Ê - đê những dấu vết như thành Ea H'Leo (Yang Prông) tại Bắc Buôn Đôn, Rasungbatau (thùng lớn đựng nước) ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tại xã Ea Rốc, huyện Ea Súp vẫn còn một ngôi tháp Chăm được xây dựng vào khoảng thế kỉ XIII.

Đắk Lắk trải qua máy giai đoạn khảo cổ



Hình 5. Tháp Chăm Yang Prông (xã Ea Rốc, huyện Ea Súp)    Bên cạnh đó, khoảng từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV, trong những cộng đồng thị tộc của người Gia - rai, Ê - đê đã hình thành tổ chức nhà nước sơ khai. Người đứng đầu nhà nước sơ khai lúc bấy giờ là vua Lửa – Hoả Xá và vua Nước - Thuỷ Xá.    Vua Nước, vua Lừa ban đầu chỉ là những vị tù trưởng kiêm thầy phù thuỷ. Do sự phát triển của các tộc người, do nhu cầu bảo vệ nơi cư trú, lãnh thổ của mình, họ đã liên minh nhiều làng với nhau và trở thành thủ lĩnh của cả một vùng. Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Trong nước không đặt quan chức, cũng không có bắt lính, đặt hình pháp. Dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi, cách sinh nhai thì chặt cây, đào đất trồng cây, không cỏ cày bừa... ”. Có thể nói, trước thế kỉ XV, vùng đất Đắk Lắk chưa có hệ thống hành chính, chưa có một nhà nước hoàn chỉnh; về cơ bản, địa bàn, lãnh thổ của các tộc người vẫn được vận hành theo luật tục cua buôn làng.    Năm 1471, hai nước Đại Việt và Chăm - pa xảy ra chiến tranh, Chăm - pa thất bại.

   Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Sau khi Trà Toàn (vua Chăm-pa lúc bấy giờ) bị bắt, tướng của hắn là Bổ Trì Trì chạy đến Phiên Lung (tức vùng Phan Rang) chiếm cứ đất ấy xưng là chúa Chiêm Thành, Bồ Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để ràng buộc”. Nam Bàn chính là vùng đất Tây Nguyên ngày nay, đứng đầu là hai vị Hoả Xá và Thuỷ Xá (người Gia - rai), có hơn 12 làng. Theo Việt sử thông giám cương mục: “Nam Bàn là đất của Thuỷ Xá, Hoả Xá (nay là vùng đất Tây Nguyên). Còn Hoa Anh là vùng đất từ Cù Mông đến Đại Lãnh (nay là vùng đất thuộc tỉnh Phú Yên)". Đối với các bộ tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các vua Đại Việt tôn trọng và giữ nguyên tập tục truyền thống của họ. Một mặt, nhà Lê tôn trọng đường ranh giới giữa nơi cư trú của các bộ tộc người thiểu số với người ở đồng bằng miền Trung, tôn trọng và giữ nguyên tập tục truyền thống của họ; mặt khác, từng bước tạo lập mối quan hệ giữa người Kinh và các dân tộc ở Tây Nguyên.

   Như vậy, sau năm 1471, vùng đất do các vị tù trưởng Thuỷ Xá, Hoả Xá cai quản đã chịu sự quản lí của quốc gia Đại Việt. Họ chấp nhận thần phục, trở thành chư hầu của Đại Việt và cứ ba năm triều cống một lần. Từ đây, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã trở thành một bộ phận của nhà nước phong kiến Đại Việt.    Năm 1545, vua Lê Trang Tông cử Bùi Tá Hán làm Trấn thủ Quảng Nam (tương đương với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên ngày nay), đồng thời cai quản toàn bộ Tây Nguyên. Bùi Tá Hán đã có công lớn trong việc củng cố mối quan hệ thuận hoà giữa người Kinh và các dân tộc Tây Nguyên, giữa miền đồng bằng với miền núi phía tây.

   Đến thế kỉ XVII, mối quan hệ giữa các chúa Nguyễn và các tộc người Thượng tại Tây Nguyên vẫn được duy trì thường xuyên. Dưới triều Nguyễn, khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng được xem là “ miền Thượng du Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Thuận ”. Nhà Nguyễn thiết lập đồn Trấn Man, Nha Sơn phòng Nghĩa Định để quản lí.

   Giữa thế kỉ XIX, thực dân Pháp xâm lược và từng bước xác lập chế độ cai trị trên đất nước ta. Đến cuối những năm 90 của thế kỉ XIX, sau khi cơ bản bình định được vùng đồng bằng, thực dân Pháp mới bắt đầu tiến quân xâm lược vùng cao nguyên và miền núi.

   Như vậy, từ sau cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông (năm 1471) cho đến cuối thế kỉ XIX (khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ), các triều đại phong kiến Việt Nam luôn thực thi chính sách “nhu viễn” đối với các dân tộc Tây Nguyên, tôn trọng và giúp đỡ họ trên tinh thần thân ái, đoàn kết nhằm củng cố và tăng cường nền thống nhất quốc gia.