Hợp nhất to chức tín dụng là gì

  1. TỔNG QUAN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC TÍN DỤNG, NGÂN HÀNG

Trong tình hình hiện nay, với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN dưới sự quản lý của Nhà nước, tín dụng ngân hàng được sử dụng như một đòn bẩy, một động lực to lớn trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân. Có thể nói, quan hệ tín dụng ngân hàng thực chất là quan hệ vay mượn vốn phát sinh giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức, cá nhân. Hình thức pháp lý của quan hệ này chính là hợp đồng tín dụng ngân hàng. Trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý trong tổ chức và hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng [TCTD] đã ngày càng hoàn thiện, về cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động ngân hàng. Có thể kể đến một số văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp quan hệ hợp đồng trong tín dụng, ngân hàng như:

            - Bộ luật dân sự năm 2015;

- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;

- Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội; Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010; Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017 của Văn phòng Quốc hội;

- Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội; Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 28/6/2017 của Văn phòng Quốc hội;

- Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội;

- Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo; Nghị định số 11/2012/NĐ- CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163;

- Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

-Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Thông báo số 15/TB-HĐTP ngày 05/6/2019 về việc đính chính Nghị quyết số 01.

- Một số văn bản: nghị định, thông tư khác có liên quan…

  1. RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC TÍN DỤNG, NGÂN HÀNG

Trong những năm qua, pháp luật về ngân hàng nói chung và pháp luật về hợp đồng tín dụng ngân hàng nói riêng đã được Nhà nước ta quan tâm và không ngừng hoàn thiện. Hệ thống văn bản pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đã tạo ra khung pháp lý quan trọng, tạo đà cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển. Là một thành viên của tổ chức thương mại quốc tế, thực thi các cam kết quốc tế, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những thay đổi căn bản theo hướng đảm bảo tính tương thích, phù hợp giữa hệ thống pháp luật quốc gia và với thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy hoạt động về tài chính – ngân hàng vận động không ngừng và thay đổi rất mạnh mẽ, các quan hệ kinh tế, hình thái giao dịch, phương thức giao dịch mới thường xuyên phát sinh dẫn đến khuôn khổ pháp lý trong hoạt động của nền kinh tế nói chung, đặc biệt khuôn khổ pháp lý trong hoạt động tài chính, ngân hàng cần phải điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính ngân hàng được phát triển trong khuôn khổ pháp luật, tạo sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức có hoạt động tài chính ngân hàng và phòng ngừa rủi ro pháp lý cho các TCTD, đồng thời giúp cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thanh tra hiệu quả.

 Bên cạnh những thành tựu đạt được thì pháp luật về hợp đồng tín dụng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể:

- Về khái niệm hợp đồng trong tín dụng ngân hàng:

Mặc dù giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng diễn ra ngày một nhiều và gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ thể, song cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào của nước ta đưa ra một khái niệm chính thức về hợp đồng tín dụng ngân hàng mà chỉ liệt kê những nội dung chủ yếu của hợp đồng tín dụng ngân hàng.

- Quy định lãi suất giữa BLDS 2015 và luật chuyên ngành:

Mức lãi suất cho vay theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 chỉ áp đặt mức lãi suất trần cố định 20%, mức lãi suất này sẽ không dao động tăng, giảm hay phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tại Điều 468 quy định về lãi suất, có nội dung như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất...”.

Điều 468 BLDS 2015 đã quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Luật khác ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành điều chỉnh ở một lĩnh vực cụ thể nào đó. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và Khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Như vậy, BLDS 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là tổ chức tín dụng và khách hàng được tự thoả thuận.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 [về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng] quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật...”. Có nghĩa là việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng là theo cơ chế thoả thuận nhưng lại kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Việc này sẽ làm cho các tổ chức tín dụng, khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng không biết áp dụng theo pháp luật về tín dụng ngân hàng [không áp dụng trần lãi suất cho vay] hay theo pháp luật dân sự [áp dụng trần lãi suất cho vay]. Do đó, cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này.

- Quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ [giao dịch bảo đảm, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba]:

BLDS 2015 quy định bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản trở thành biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và áp dụng quy định chung về hình thức hợp đồng [riêng hình thức bảo đảm bằng tín chấp được giữ lại]. Trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác.

Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xác lập các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác. Theo đó, có tổ chức tín dụng thì đồng ý xác lập giao dịch bảo đảm này, có tổ chức thì không; trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng có 02 quan điểm: quan điểm thứ nhất, chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới dạng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác; quan điểm thứ hai, không chấp nhận giao dịch bảo đảm thế chấp, cầm cố mà coi là bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006  của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc các bên có quyền xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.

Thứ tư, xác định hợp đồng vô hiệu trong trường hợp đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch 

Khoản 1, Điều 129 BLDS 2015 quy định:  “…Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây: Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó…”

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì việc hợp đồng có bị tuyên vô hiệu hay không phụ thuộc vào việc các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch hay chưa, nên bắt buộc phải xác định nghĩa vụ của các bên trong giao dịch là nghĩa vụ gì? định lượng ra sao? để từ đó xác định hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch mà các bên đã thực hiện. Trong khi việc xác định hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch không phải là việc đơn giản, nhất là trong những trường hợp nghĩa vụ của hợp đồng là nghĩa vụ tổng hợp bao gồm nhiều hành vi của mỗi bên hoặc trường hợp nghĩa vụ của hợp đồng mang tính chất định tính. Trong một số trường hợp rất khó để xác định được hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch là như thế nào: Ví dụ trong một giao dịch mua bán nhà, bên bán đã giao nhà nhưng chưa giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hoặc đã giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhưng chưa giao nhà, vậy xác định là đã thực hiện được mấy phần của nghĩa vụ. Mặc khác,  định lượng hai phần ba được áp dụng cho một loại nghĩa vụ của mỗi bên hay cho toàn bộ các nghĩa vụ của một bên? Nếu chỉ căn cứ vào quy định của Điều 129 thì không có câu trả lời chắc chắn. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng có lợi cho giao dịch và các bên chủ thể.

Thứ năm, về việc xử lý tài sản thế chấp.

Hợp đồng thế chấp bao gồm rất nhiều điều khoản, khá phức tạp, chứa nhiều quy định và nó thường do các TCTD đưa ra; bên bảo đảm thường có rất ít cơ hội được thảo luận về các điều khoản trong hợp đồng. BLDS chưa có quy định để bảo vệ bên bảo đảm, nhất là khi bên bảo đảm đưa tài sản của mình vào bảo đảm cho khoản vay của một bên khác. Trong nhiều trường hợp, bên bảo đảm không được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và hiểu biết khi tham gia vào quan hệ tín dụng và bảo đảm, nhiều khi chỉ là do cả tin, cho bạn bè, họ hàng “mượn” tài sản khi tài sản đang nhàn rỗi không sử dụng vào việc gì, chỉ đến khi tài sản bảo đảm bị xử lý do bên vay không trả được nợ thì lúc đó mới biết hậu quả pháp lý của việc bảo đảm của mình. BLDS nên có quy định để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên bảo đảm là cá nhân, chẳng hạn như công nhận quyền của bên bảo đảm được yêu cầu bên vay thực hiện hoàn trả cho mình trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm đã bị xử lý hay hoàn trả số tiền mà bên bảo đảm đã trả cho ngân hàng trong trường hợp bên bảo đảm nộp tiền để rút lại tài sản bảo đảm.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ 

  1. Hoàn thiện thể chế pháp luật

- Cần có một khái niệm chính thức về hợp đồng tín dụng ngân hàng để có cách hiểu thống nhất khi áp dụng.

- Có quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất. Theo đó, phải có một trong các văn bản quy định hoặc giải thích rõ việc đối với các hợp đồng tín dụng các TCTD được phép áp dụng mức trần lãi suất cao hơn 20% như sau: Thứ nhất là Quốc hội sửa đổi Luật các TCTD 2010 [cho phép áp dụng vượt trần lãi suất chung] hoặc sửa đổi Bộ luật Dân sự 2015 [quy định lại dựa vào trần lãi suất của các TCTD]. Thứ hai là UBTVQH giải thích luật theo thẩm quyền.

- Hướng dẫn cụ thể các quyền tài sản thông thường được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm: tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức công chứng theo hướng: Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành của Khoản 2 Điều 294 BLDS 2015 thì các bên tham gia giao dịch không phải ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm hoặc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

- Có văn bản hướng dẫn xác định hai phần ba nghĩa vụ của từng chủ thể là có thể áp dụng đối với toàn bộ nghĩa vụ hoặc mỗi nghĩa vụ riêng lẻ của các chủ thể, theo hướng phù hợp nhất với ý chí của các bên tại thời điểm giao kết, giúp cho giao dịch có hiệu lực. Tức là tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nếu yêu cầu hai phần ba của mỗi loại nghĩa vụ mà có thể giúp giao dịch có hiệu lực thì áp dụng. Ngược lại, nếu việc áp dụng đối với toàn bộ nghĩa vụ sẽ giúp cho giao dịch có hiệu lực, chứ không phải là đối với từng nghĩa vụ riêng lẻ thì hai phần ba được áp dụng với toàn bộ nghĩa vụ của mỗi bên trong giao dịch. Đồng thời, với những hợp đồng vi phạm hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực liên quan đến nhà, đất, khó có thể xác định rạch ròi được nghĩa vụ của các bên thì hoàn toàn có thể xây dựng án lệ để có sự điều chỉnh thống nhất của TAND ở các địa phương.

  1. Một số giải pháp cụ thể về thi hành pháp luật hiệu quả, thống nhất

Để pháp luật về hợp đồng tín dụng ngân hàng thực thi có hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Trước hết cần rà soát, tổng kết, đánh giá việc tổ chức, thực hiện pháp luật về hợp đồng tín dụng ngân hàng trong thời gian qua để từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục và sửa đổi cho phù hợp.

- Pháp luật trong giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng phải quan tâm chú trọng hơn nữa đến vấn đề hòa giải, xuất phát từ các quan hệ trong xã hội, các tranh chấp hợp đồng tín dụng thường xảy ra khi các bên tham gia hợp đồng không thống nhất được vấn đề mà các bên cần giải quyết khi các bên cần đến sự can thiệp Tòa án xem xét quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của các đương sự, công tác hòa giải trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

- Chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước; chủ động nắm bắt những vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, đặc biệt tăng cường tổ chức các buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với cơ quan soạn thảo và các Bộ ngành liên quan để cùng trao đổi, chia sẻ giúp các cơ quan thấu hiểu hơn thực tiễn hoạt động ngân hàng.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về thế chấp quyền sử dụng đất nói riêng, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân. Tùy từng đối tượng để xác định chủ thể, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp.

- Có các quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của các TCTD trước khi ký hợp đồng thế chấp liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm, nhất là khi tài sản bảo đảm là tài sản có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống của bên bảo đảm để đảm bảo việc ký kết hợp đồng thật sự tự nguyện.

                                                        Phòng 9 – VKSND tỉnh Ninh Bình.

Video liên quan

Chủ Đề