Kết quả đấu thầu vật tư y tế 2023

Đường dây nóng phòng, chống bệnh do virus nCov 1900-9095 (Bộ Y tế), 0869990490 (Lãnh đạo Sở Y tế), 0905.108.844 (Tiếp nhận giải đáp, tư vấn các biện pháp về phòng, chống bệnh), 0905.285.620 (Tiếp nhận, giải quyết các vấn đề về phòng, chống dịch tại cộng đồng, khách sạn), 0903.583.881(BS. Nguyễn Thành Trung, PGĐ Bệnh viện Đà Nẵng), 0903.543.115 (BS. Trần Thị Hoàng, PGĐ Bệnh viện Phụ sản - Nhi); 0903.578.049 (BS. Lê Thành Phúc - GĐ Bệnh viện Phổi) 

Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Mặc dù hiện nay các cơ sở y tế trực thuộc đang áp dụng kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương để mua sắm, phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh tại các đơn vị nhưng tình trạng thiếu thuốc cục bộ vẫn được báo cáo ở một số cơ sở.

Kết quả đấu thầu vật tư y tế 2023
Bệnh nhân làm thủ tục khám, điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Không chọn được nhà thầu

Theo Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, căn cứ kết quả trúng thầu thuốc tập trung cấp quốc gia thì cấp địa phương không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc phục vụ công tác khám bệnh,  chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Hiện vẫn còn 523/2.787 hoạt chất (chiếm khoảng 20% mặt hàng thuốc mời thầu) không lựa chọn được nhà thầu. Thực tế này dẫn đến việc thiếu một số thuốc chuyên khoa (thuốc tâm thần, da liễu …); thuốc không có thuốc thay thế trong danh mục thuốc trúng thầu (một số hoạt chất như Protamin sulfat 1000UAH, Dopamin, Digoxin đường uống, Ropivacain HCl, Calci đường tiêm…); thuốc không đáp ứng đủ tổng số lượng thuốc của một số hoạt chất theo nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, một số thuốc đã được phê duyệt trúng thầu tập trung cấp địa phương nhưng nhà thầu không cung ứng được thuốc đúng số lượng và tiến độ cung cấp theo thỏa thuận khung đã ký kết với Sở Y tế.

Theo dược sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, một số thuốc hiện nay được ghi nhận thiếu ở nhiều cơ sở y tế là thuốc điều trị ung thư (Doxorubicin 10mg, 50mg; Bicalutamid 50mg; Vinorelbin 20mg, 30mg; Lenalidomide 10mg), thuốc kháng sinh, kháng nấm điều trị bệnh nhân (Caspofungin 50, 70mg; Imipenem 0,5g + cilastatin 0,5g …), thuốc cấp cứu (Neostigmin 0,5mg)…

“Nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn cung ứng thuốc này là do số đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc giấy phép nhập khẩu thuốc hết hiệu lực nhưng chưa được gia hạn. Mặc dù vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành công văn công bố danh sách các thuốc được gia hạn số đăng ký đến hết ngày 31-12-2022. Tuy nhiên, các nhà thầu phải cần thêm ít nhất khoảng 1-2 tháng để hoàn thành việc sản xuất hoặc nhập khẩu các lô thuốc mới cung ứng cho các cơ sở y tế. Chưa kể, quá trình sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế luôn phát sinh các nhu cầu đột xuất về thuốc do nhu cầu sử dụng vượt số lượng được phân bổ cho đơn vị. Việc xử lý tình trạng thiếu thuốc sau khi có kết quả trúng thầu thường tốn thời gian khoảng 3-6 tháng”, dược sĩ Ngô Minh Tuấn cho biết.

Là cơ sở y tế hạng 1, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng xảy ra tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hiện nay tình trạng này đã được khắc phục, xử lý. “Đến thời điểm hiện tại hầu như tất cả các thuốc, kể cả thuốc chuyên ngành, chuyên sâu, biệt dược hay các thuốc hỗ trợ phẫu thuật đã có đầy đủ. Riêng vật tư thiết bị y tế, đến thời điểm hiện nay một số thiết bị vật tư đặc thù cũng gặp khó khăn trong vấn đề đấu thầu, mua sắm, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định. Ngoài ra, sau khi Covid-19 bùng phát, một loạt các mô hình bệnh tật thay đổi;  việc cung ứng bị đứt gãy; các vấn đề liên quan đến thực hiện thủ tục, quy trình, số lượng bệnh nhân tăng… đã khiến bệnh viện gặp phải một số vướng mắc như nhiều địa phương khác”, bác sĩ Nhân cho biết.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, ngành đã hoàn thành đấu thầu tập trung cấp địa phương cung cấp thuốc năm 2021-2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Kết quả trúng thầu bắt đầu có hiệu lực từ quý 4 năm 2021 với tỷ lệ trúng thầu là 81% tính theo mặt hàng thuốc mời thầu. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc cục bộ như hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu đấu thầu tập trung cấp địa phương tại Sở Y tế cung cấp bổ sung thuốc năm 2022-2023 để mua sắm các thuốc hủy thầu do không lựa chọn được nhà thầu trong đợt đấu thầu năm 2021 và cung cấp vị thuốc cổ truyền năm 2022-2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám và điều trị trong thời gian chờ kết quả đấu thầu, Sở Y tế đã hướng dẫn các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm bổ sung thuốc theo quy định Bộ Y tế.

Theo Sở Y tế, thời gian qua Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn giống các tỉnh, thành phố khác liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc vật tư y tế. Những khó khăn này Sở Y tế đã có báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Y tế cũng như UBND thành phố. Bộ Y tế đã thành lập các đoàn công tác để làm việc với các địa phương, trong đó có Đà Nẵng để nắm bắt những đề xuất, tháo gỡ cho các địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, những khó khăn vướng mắc đang từng bước được tháo gỡ. Bộ Y tế thông báo gia hạn giấy phép lưu hành cho một số loại thuốc, vật tư y tế để làm cơ sở cho các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế. Về phía địa phương, Sở Y tế cũng như các đơn vị, địa phương tổ chức mua sắm, đấu thầu bổ sung, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

“Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cần thiết phải có sự rà soát những văn bản mang tính pháp lý cho việc mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế cũng như các bộ liên quan trong thời gian qua đã lấy ý kiến của các địa phương để điều chỉnh, bổ sung một số văn bản pháp lý như Luật Dược, Thông tư 15/2019/TT-BYT về mua sắm thuốc, Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế… Nếu như các văn bản pháp lý hướng dẫn mua sắm, đấu thầu phù hợp với thực tế thì sẽ tháo gỡ cơ bản những khó khăn này. Về phía địa phương, thành phố đang trình HĐND thành phố để có những điều chỉnh về phân cấp triệt để trong công tác mua sắm, đấu thầu, tạo điều kiện cho việc thực hiện vấn đề này được kịp thời, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Riêng đối với ngành y tế, trong thời gian qua, Sở Y tế cùng các đơn vị rà soát thuốc, vật tư y tế trong quá trình sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh người dân kịp thời, hiệu quả”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG