Martin luther là ai

LUTHER, MARTIN

[1483-1546]

Có không biết bao nhiêu là sách vở, báo chí, tư liệu, từ điển đã dành những chỗ trang trọng của mình để viết về Martin Luther. Hơn bất cứ hình ảnh nổi bật nào khác trong lịch sử Cơ đốc giáo hơn 500 năm qua. Học giả Henry H. Halley đã mệnh danh Martin Luther là "Nhà sáng lập văn minh Tin lành". Ông là lãnh tụ và biểu tượng của phong trào nổi dậy Đạo Cơ đốc Cải Chánh kình chống Giáo Hội La mã khai mở ở nước Đức năm 1517. Martin Luther được các sử gia đồng ý là người cải cách tôn giáo đầu tiên đã khiến cho phần lớn nhân dân Tây Âu đương thời bứt đứt xích xiềng của La mã giáo.

Martin Luther sanh tại làng Eisleben, vùng Saxony, miền Đông nước Đức, ngày 10-11-1483. Ông là con trai của ông Hans và bà Marguerite Luther. Luther xuất thân trong một gia đình nông dân thuộc diện trung lưu, nhưng có hồi rất sa sút, thân phụ ông phải làm phu mỏ, và mẹ ông làm cô giáo làng. Năm 1501 [hoặc 1505] ông đã theo học và tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Erfurt. Ông gia nhập tăng đoàng Augustine, phái Hermits, cũng ở tại Erfurt; và ông đã phát lời thề nguyện làm một tu sĩ trong bối cảnh đầy tính chất bi kịch qua một cơn sấm sét đã giết chết tức khắc người bạn yêu dấu của mình. Năm 1503 ông nhận chức Linh mục và rồi được giao phó cho một trách vụ trong Giáo hội [năm 1507]. Sau khi học xong Thần học ông được cử làm giáo sư môn triết và Thần học ở Đại học Wittenberg [năm 1509]. Nhờ tài ba và tư cách đạo đức trổi vượt của mình, trong 2 năm 1510-1511, ông được vinh dự cử đi La mã theo phiên thứ để ra mắt Giáo hoàng. Tại đó, không may cho ông, ông đã hết sức thất vọng vì lâu nay ông vẫn xem La mã Tòa là một thánh địa lý tưởng, và các thành viên lớn nhỏ trong đó toàn là các kẻ thánh lành. Song bây giờ trước mắt ông lại bày ra tinh thần ô nhiễm thế tục, xa hoa, bại hoại của hàng giáo phẩm từ cao xuống thấp. Năm 1512, ông lấy học vị Tiến sĩ Thần khoa, và cũng kiêm luôn chức Giáo sư môn nghiên cứu Thánh Kinh ở Đại học Wittenberg, trường này do Tuyển Đế hầu John Frederick, là người bạn thân thiết của ông sáng lập.

Sau một cơn khủng hoảng thuộc linh kéo dài, cuối cùng Luther đã đi đến chỗ xác định bản chất công chính và thương yêu của Đức Chúa Trời. Giờ đây, ông đã đối kháng với tất cả những giáo lý nào chỉ căn cứ trên truyền khẩu hay sắc chỉ của Giáo hoàng. Ông tiến đến chỗ quyết tín rằng tất cả những việc làm của con người bị chặn đứng trước uy đức và bản chất thánh khiết, công chính tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Ông khám phá rằng Đức Chúa Trời tha thứ cho tội nhân thì luôn luôn có tánh cách quyết định cho người đó; con người được xưng nghĩa chẳng phải bởi việc thiện nào của họ, bèn là bởi đức tin nơi công nghiệp vĩ đại của Chúa Jesus Christ mà thôi.

Những lời giảng dạy và tư tưởng mang tính "cách mạng" của Luther chẳng bao lâu đã được rộng rải dư luận chú ý. Khởi đầu ông soạn và công bố 95 luận đề, đem dán trước cửa chính Đại Giáo Đường Wittenberg [là cách thức người ta thường dán các thông cáo quan trọng thời đó]. Trong 95 luận đề này, ông đề ra những điểm sai lầm của La mã và trình bày những quan điểm Giáo lý Thần học của mình dựa trên Thánh Kinh về Sự Cứu Rỗi qua công nghiệp huyết báu Chúa Jesus, sự xưng công nghĩa bởi đức tin, Thẩm quyền của Giáo hội,... Ông mạnh mẽ lên án việc tha thứ tội do việc thiện của con người; và cụ thể là cực lực đánh đổ việc mua bán cái giấy gọi là "chứng chỉ giải tội" [hay giấy ân toàn xá miễn], được xem như một thứ "bùa" xá tội, và những ý kiến dị biệt hẳn Thánh Kinh, là bản chất của Giáo hội xưa nay. Luther còn đối chiếu sự tương phản giữa những truyền thuyết nghèo nàn của Giáo hội với sự giàu có phong phú thật của Phúc Âm. Giấy xá tội là do Giáo hoàng Leo X bày đặt ra; bởi thời điểm này ông ta cần có một ngân khoản lớn để kiến thiết nhà thờ Thánh Phê-rô tại La mã. Leo X đã ký sắc lệnh biệt phái tên Terzel đi khắp các nơi trong lãnh thổ Đức rao bán cái giấy kỳ quái kia.

Theo lời rao bán của Terzel thì chứng chỉ này có công dụng như một "lá bùa hộ mệnh" mà người mua và kẻ thân thuộc của họ đều được thứ tha tất cả tội lỗi. Việc giải tội này không cần đến sự xưng tội, ăn năn hay do một phẩm chức nào đứng ra ân xá cả. Terzel huênh hoang nói với dân chúng mê tín rằng: "Ngay khi tiếng rơi của đồng tiền các bạn kêu "keng" trong hộp thì linh hồn bạn bè của các bạn sẽ rời khỏi ngục luyện tội mà lên thẳng thiên đàng!" Luther công kích những lời hứa hẹn miễn giảm mà người ta có thể ban cấp sau khi chết. Việc "thương mãi hóa" ân xá miễn như thế cho những người có tiền cống nộp cho Giáo hội từ lâu đã thành lệ. Sự cắt đứt quan hệ của Luther với Giáo hội La mã bắt đầu từ năm 1517, cũng là năm ông đứng lên hô hào cải chánh Giáo hội; chẳng những về tổ chức bên ngoài, mà còn tiến sâu vào bên trong cho phù hợp với lời dạy của Thánh Kinh.

Niên đại chính xác khởi sự cuộc Cải Chánh được các sử gia đồng ý là ngày 31-11-1517. Việc Luther công bố 95 luận đề đã động đến hàng Giáo phẩm. Các vị chức sắc trong Giáo hội giận hoảng, nên vừa vuốt ve vừa dùng áp lực buộc ông rút lại ý kiến của mình, nhưng vô hiệu. Ông vẫn cương quyết một mực giữ vững lập trường chống kháng những giáo lý và những lễ tục đi ngược lại Thánh Kinh.

Trong tháng 12-1517, Tổng Giám mục ở Mainz than phiền về vụ việc Luther với La mã Tòa. Chạm mặt với sự kháng địch đáng gờm này, Luther đã trở nên một người cứng rắn hơn bao giờ hết. Ông từ chối thu hồi những gì mà mình tin và công khai hóa lâu nay. Ông can đảm đương đầu với Hồng Y Cajetan tại Augsburg và chạy đi lánh nạn ở thành phố khi bị triệu vời về La mã.

Tháng 7-1519, trong một bài thuyết giáo của mình tại Leipzig để tranh biện với Eck, một kẻ kình địch khá ngang ngửa với ông, Luther đã thẳng thẳng bài bác về uy quyền tối cao của Giáo hoàng, và cũng phủ nhận luôn tánh chất vô ngộ [không thể sai lầm] của chức vị đó. Kể cả các quyết nghị tối thượng của các Giáo Hội Nghị hay Cộng chung. Ông đã công khai đốt hết các giáo lệnh của Giáo hoàng đưa ra hăm dọa rút phép thông công ông. Luther, mặt khác đã khẳng định quyền mỗi tín giáo được giao thông cùng Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Jesus - là Trung gian duy nhứt. Mỗi cá nhân cũng được quyền đọc, học, nghe giảng và làm theo lời dạy của Thánh Kinh; và cũng được phiên dịch Thánh Kinh ra bất cứ ngôn ngữ nào mà mình hiểu được, nếu có khả năng khi thấy thích hợp và cần thiết.

Vào tháng 6-1520 Luther bị Giáo hoàng Leo X ký lệnh rút phép thông công [và án lệnh này được thi hành năm 1521]; Giáo hoàng cũng yêu cầu Hoàng đế Đức quốc là Charles V trừng phạt Luther về "tội" chủ trương tà giáo. Tuy nhiên, Luther chẳng đếm xỉa gì đến quyền hành của cả bên trong Giáo hội lẫn bên ngoài chính quyền cả. Đức Chúa Trời đã dự bị Frederick, vương hầu Saxony được lệnh áp giải Luther đến tòa án trị tội; nhưng ông này lại dùng thế lực mình để che chắn cho Luther. Ngày 10-12-1520, Luther đã công khai đốt các sắc chỉ rút phép thông công và đốt luôn cả các bản sao giáo quy và bộ luật do các nhà có quyền trong Giáo hội La mã ban hành; việc này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật tại trước cửa thành phố Wittenberg có đông đảo các giáo sư Đại học, công chúng và sinh viên chứng kiến.

Năm 1521, Luther được chính phủ Đức gọi đến tòa án Worms, Hoàng đế mới lên ngôi là Charles V hứa bảo vệ ông nên ông đến tham dự phiên xử dù bạn bè cảnh cáo và ngăn cản ông đừng đi. Nhưng ông đã khẳng khái tuyên bố với mọi người: "Tôi sẽ đến Worms dù quỉ sứ rình rập tôi như ngói trên mái nhà!". Ngày 17-4-1521 Luther ứng hầu trước tòa do hoàng đế chủ tọa. Tại đây ông bị khuyến cáo phải rút lại những điều ông đã viết. Một lần nữa ông từ chối thu hồi những ý kiến và hành động của mình trước quốc hội Worms, trừ ra những ý kiến nào không căn cứ trên Thánh Kinh. Ông kiên gan bám trụ trên lập trường đức tin của mình và hùng biện với những lời lẽ đanh thép: "Tôi cứ đứng đây, không hủy bỏ những gì mình đã làm và không thể làm chi khác hơn. Nguyện Đức Chúa Trời phù hộ tôi".

Trên đường về nhà, Luther được binh lính của Frederick hộ tống về lâu đài Wartburg, thuộc vùng Thuringia để bảo vệ ông. Vương hầu Frederick đã giả vũ trang một toán cướp vây bắt ông giữa đường và đưa về lâu đài an toàn để chăm sóc ông. Ông cải trang và ở đó gần một năm, trong khi chiến tranh sôi sục khắp Âu Châu . Trong thời gian ẩn lánh đó, Chúa cho ông có thì giờ và cơ hội dồn hết mọi nổ lực, công khó để phiên dịch Thánh Kinh Tân Ước nguyên văn Hy-lạp ra Đức ngữ. Nhờ vậy mà cả Thánh Kinh đã được quảng đại quần chúng đọc và nghiên cứu sâu rộng. Bản dịch Thánh Kinh Tân Ước của Luther được xem như là nền tảng của tu từ học thuộc ngôn ngữ Đức. Ông lại trở về Wittenburg để tiếp tục lãnh đạo cuộc Cải Chánh đi đến thắng lợi.

Sau đó Luther tiến hành tổ chức Giáo hội theo đề án của mình. Ông nói với các con chiên bằng chính thứ tiếng của họ thay vì tiếng La-tinh như trước đây mà chẳng một ai hiểu gì cả! Giáo thuyết của Luther bao gồm việc từ bỏ quy luật sống độc thân và lối tu khổ hạnh hay hành xác. Năm 1525, ông kết hôn với một cựu nữ tu là cô Katharine Von Bora.

Tám tháng sau, năm 1522 tại Wittenberg, Luther đã đưa ra một quyết định thấu đáo dứt điểm về những cải cách cả trong lẫn ngoài Giáo hội mà ông hằng quan tâm bênh vực. Ông có công đưa cuộc thờ phượng của Hội chúng thoát khỏi những hình thức khô khan rườm rà. Ông thường giảng dạy nhấn mạnh trên lời Đức Chúa Trời, sự tương giao giữa các Cơ đốc Nhân và sự ca hát tôn vinh Chúa cách vui vẻ trong các buổi họp chung.

Trong một cuộc khẩu chiến giáo lý với Erasmus, ông đi đến chỗ minh định chắc nịch rằng: "Sự cứu rỗi hoàn toàn bởi quyền năng Đức Chúa Trời". Trong thời kỳ cuộc cách mạng nông dân [1524-1525] Luther đã công kích việc "giết hại hàng loạt những dân nông thôn vô tội", bọn này do Thomas Munzer cầm đầu. Luther đã tranh cải với Zwingli về sự diễn dịch của Tiệc Thánh, đây là sự thông công thuần túy như là một bữa ăn tưởng niệm hơn là sự hiện diện thật của Christ trong Bánh và Rượu.

Trong năm 1530, Luther đã tán thành sự thừa nhận Bản Tín Điều Augsburg được Philip Mélanchthon soạn thảo. Điều này dẫn ông bước vào việc đối chất với hoàng đế; song ông tin rằng Phúc Âm phải được bảo vệ bất cứ khi nào Lời Đức Chúa Trời bị diễn dịch sai lạc hay bị công kích. Năm 1537, Luther đã biên soạn tập "The Schmalkald Articles" là một tuyên ngôn mang tính chất thần học đã được phê chuẩn bởi nhiều thần học gia theo hệ phái Luther. Quyển sách nhỏ sau hết của ông là "Chống Lại Chế Độ Giáo Hoàng La mã", vì ông cho thể chế đó là sản phẩm của Sa-tan; và sách cũng đúc kết nhắc lại tất cả những chống đối của ông đối với chủ nghĩa La mã và Giáo hội đương thời.

Sự nghiệp giảng dạy và kinh nghiệm thuộc linh riêng tư của Luther trùng hợp với nhau một cách chặt chẽ. Trong tất cả các lãnh vực ông luôn luôn tiến trong cùng một thể thức như vậy. Từ Thánh Kinh đến niềm tin cá nhân, từ giảng dạy trước quần chúng cũng như viết lách. Đối với Luther không có một sự hiểu biết tự nhiên về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã có sự truyền thông duy nhứt với con người xuyên qua lời của Ngài. Jesus Christ là Nhân tố chính của Thánh Kinh; và trong Đấng Christ, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt. Chính Thánh Kinh và Đức Chúa Trời đã truyền phán cho người nào có đức tin. Đức tin là ân phúc từ Đức Chúa Trời, hoàn toàn không đến từ con người.

Luther đã thấy Đức Chúa Trời trong mỗi loài thọ tạo trên thế gian. Ông đã bác bỏ vấn đề làm cách nào để hóa giải tình yêu và sự công bình của Đức Chúa Trời với giáo lý Tiền định. Ngài vượt trên mọi lý trí của con người, có bản chất huyền nhiệm và không thể nào tư tưởng về Ngài cho thấu đáo được. Trái lại, nếu chúng ta có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời cách tường tận, thì lúc đó Ngài không còn là Đức Chúa Trời nữa.

Martin Luther viết rất nhiều sách giải kinh và thần học, nhưng công trình đáng kể nhất của ông là Bản Dịch Thánh Kinh Tân Ước ra Đức ngữ. Cũng từ đó Tân Ước được lưu hành dễ dàng và rộng rãi trên toàn nước Đức, và khắp lục địa Âu Châu nữa.

Martin Luther về Nước Chúa ngày 17-2-1546, hưởng thọ 63 tuổi.

Năm 1555, sau một thời kỳ nội chiến kéo dài ở Đức - giữa các tín đồ cựu giáo La mã và tân giáo Tin lành - Đạo Tin lành từ đây đã chính thức được thừa nhận là một tín ngưỡng hợp pháp. Mỗi vương hầu Đức đều có quyền để lựa chọn Giáo hội mà mình và thần dân của mình sẽ theo. Các nhà thờ Tin lành được xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là miền Bắc Đức, là chiếc nôi của Cải Chánh Giáo Tin Lành, và các nước vùng Scandinavian [Thụy-Na-Đan] cũng có đông đảo tín hữu Giáo hội này.

"Người công bình sẽ sống bởi đức tin" [Ha-ba-cúc 2:4].

Video liên quan

Chủ Đề