Nguyễn khắc viện là ai

Một gia đình giàu truyền thống, một người con giàu nghị lực :

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh ngày mống 5 tháng 2 năm 1913 trong một gia đình khoa bảng xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, Thượng thư Bộ Lễ triều đình Nhà Nguyễn.  Cụ là một vị quan biết giữ phẩm cách. Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, được nhà vua đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, cụ Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu sau :

Tôn tộc đại quy

Tôn lộc đại nguy

Tôn tài đại thịnh

Tôn nịnh đại suy

Nghĩa là :        Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp

                        Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan

                        Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh

                        Tôn trọng siềm nịnh, ắt đại suy vong.

                                                           [Trần Đại Vinh dịch]

Những phương châm ứng xử nói trên của cụ, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong quan trường, cụ Nguyễn Khắc Niêm có cách ứng xử nhất quán và phải đạo, còn trong gia đình và xã hội, cụ là người cha mẫu mực, đối xử rất chân tình, bình đẳng với các bậc trưởng lão và nhân dân trong làng, trong huyện…

Ông Nguyễn Khắc Viện từng nói : « Đứng về góc độ tâm lý học mà nói, tôi đã tự đồng nhất với hình ảnh của bố tôi về nhiều mặt từ lúc còn nhỏ, một cách vô thức. » Quả thật ông đã thừa hưởng được rất nhiều từ phong cách ứng xử của người cha.

Ông học tiểu học tại Hà Tĩnh và Huế, trung học tại trường TH Vinh, sau đó chuyển vào Huế học tiếp và đỗ Thành chung.

Năm 1931, ông học lớp Tú tài ở trường Bưởi – Hà Nội và năm 1934, ông đỗ xuất sắc ba bằng tú tài tại đây.

Năm 1934, ông thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội và học tại đây đến năm 1937

Năm 1937, ông được sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris

Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ với hai bằng chuyên khoa : nhi và các bệnh nhiệt đới. Do thế chiến thứ hai bùng nổ, ông không thể trở về Việt Nam. Ông vào làm nội trú tại bệnh viện trẻ em Trousseau [Pháp] đồng thời tham gia hoạt động phong trào Việt kiều.

Năm 1942, ông bị lao phổi nặng phải điều trị dài hạn tại bệnh viện Saint-Hilaire du Touvet [gần Grenoble]. Sau thời gian 6 tháng điều trị, bệnh có đỡ, ông xin ra viện và tiếp tục hoạt động. Nhưng vì làm việc quá sức, bệnh tái phát.

Năm 1943-1948 : ông vào lại bệnh viện, phải lên bàn mổ 7 lần, cắt bỏ 8 xương sườn, toàn bộ phổi phải và 1/3 phổi trái, tưởng không qua khỏi. Nhưng nhờ nghị lực phi thường, cộng với kiến thức của mình và đọc thêm triết học Đông-Tây, ông tự tìm cho mình phương pháp điều trị hợp với thể bệnh của mình để tự cứu chữa. Và ông lại tiếp tục các hoạt động ủng hộ kháng chiến ở Việt Nam.

Năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Ông tích cực vận động trí thức trong bệnh viện ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Năm 1950, ông ra viện, hoạt động Việt kiều tại Grenoble

Năm 1952-1963 : Ông lên Paris, thay Giáo sư Phạm Huy Thông [bị trục xuất về nước] làm Tổng thư ký kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội liên hiệp Việt kiều tại Pháp.

Những năm ở Pháp, ông nghiên cứu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra châu Âu và thế giới, phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, Lào và Căm Pu Chia. Ông thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân đăng trên các tạp chí và báo nổi tiếng tại Paris : Tư tưởng [La Pensée], Tinh thần [Esprit], Châu Âu [Europe], Phê bình mới [La nouvelle critique], Tạp chí cộng sản [Cahiers du communisme], Người quan sát [L’observateur], Nước Pháp mới [France nouvelle], Thế giới ngoại giao [Le monde diplomatique], dưới nhiều bút danh : Nguyễn Nghệ, Nguyễn Kiên… Ông cũng hoàn thành tập sách Le Sud Vietnam depuis Dien Bien Phu.

Tích cực, tận tâm tham gia phong trào yêu nước tại Pháp :

Theo bà Lương Bạch Vân : Trước chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng người Việt Nam sinh sống tại Pháp chỉ vài trăm người, chủ yếu là học sinh, sinh viên, trí thức. Sau chiến tranh, số lượng này đã tăng vọt đến vài chục ngàn người chủ yếu là các “lính thợ Việt nam” do chính phủ thuộc địa đưa sang Pháp phục vụ cuộc chiến tranh chống Đức. Cuộc sống của các lính thợ Việt Nam rất khổ cực, nhiều người bị bệnh, phải an dưỡng tại Grenoble.

Do sống giữa kiều bào, số đông là lao động nghèo ít học, hoà mình trong cuộc kháng chiến chống phát-xít của nhân dân Pháp, từ người yêu nước, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trở thành nhà hoạt động cách mạng kiên cường.

Cuối năm 1952, chiến tranh Đông Dương tiếp tục, ác liệt. Phong trào Việt kiều ủng hộ chính phủ kháng chiến và trở thành một thách thức đối với nhà cầm quyền Pháp. Hoạt động của phong trào bị kiểm soát gắt gao, có lúc hoạt động công khai, nhưng cũng có thời điểm bị đàn áp, cấm đoán, phải hoạt động bí mật, nhiều lãnh đạo của phong trào bị Mật thám Pháp theo dõi, truy lùng và trục xuất về nước…

Năm 1954, cùng với đồng bào cả nước, kiều bào đón mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tin rằng Hiệp định Genève về Việt Nam sẽ mở một trang sử mới cho dân tộc, nhiều trí thức lãnh đạo phong trào tình nguyện hồi hương để trực tiếp góp phần xây dựng miền Bắc.

Năm 1958, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Ông là cầu nối giữa phong trào và chính phủ trong nước. Một trong những người được ông giới thiệu hồi hương là Bác sĩ Dương Quang Trung đã được về nước và bố trí làm việc tại Viện Chống Lao.

Cũng trong thời gian này, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã giúp ngành y tế Nam Bộ giải quyết một vấn đề nan giải cho kháng chiến. Thời đó, kẻ địch không muốn thực hiện Hiệp định Genève về Việt Nam, chúng ráo riết bắt bớ những người kháng chiến cũ, bắt được cán bộ, chiến sĩ cách mạng, chúng thường dùng súng lục cực nhỏ bắn vào bụng, hoặc dùng dùi nhỏ đâm thủng ruột, rồi thả cho về [để phía cách mạng không thể tố cáo tội ác của chúng], biết rằng các nạn nhân sẽ bị viêm phúc mạc và chết vì điều kiện tổ chức đại phẫu thuật, mổ khâu ruột thủng trong kháng chiến rất hạn chế .Từ Paris, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã kịp thời gửi vào chiến khu các tài liệu hướng dẫn cách khắc phục và tổ chức lớp đào tạo y tá phẫu thuật cho các tỉnh Nam Bộ…

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Grenoble-Isère viết :

« Chia sẻ về kỷ niệm với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Nhắc đến thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt, tôi xin phép đặc biệt, như để ghi ơn, nói nhiều ở đây về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, vì chính tấm gương sáng ngời của bác sĩ đã khuyến khích tôi đem hết tâm trí hướng về quê hương.

Thời xưa ấy, cách đây hơn nửa thế kỉ, được may mắn thi đậu vào Đại học Bách khoa Grenoble, thì tình cờ, có một giáo sư người Pháp hỏi tôi có bà con với Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không, vì cùng một họ Nguyễn Khắc. Tôi trả lời không!

Giáo sư khuyên tôi nên tìm gặp Bác sĩ đang dưỡng bệnh lao ở nhà an dưỡng Saint-Hilaire du Touvet, cách Grenoble 30 km. Tôi hỏi tạo sao thì giáo sư bảo rằng Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất đáng kính trọng, có thể xem như ngài Gandhi của Việt Nam.

Nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh, tôi hăng hái tìm đường lên núi Saint-Hilaire du Touvet thăm Bác sĩ.

Tôi hết sức ngạc nhiên vì những lời nói đầu tiên của Bác sĩ là để khuyên tôi nên bỏ nghề kỹ sư, đi làm thợ ở công ty sản xuất dụng cụ điện Merlin Gérin [nay là Schneider Electric] ở Grenoble. Tôi hiểu ngay là Bác sĩ có xu hướng chính trị cộng sản, đề cao vai trò của thợ thuyền.

Tôi lễ phép cho Bác sĩ biết là tôi không thể đổi hướng đi vì Ba Mẹ ở Huế đã hy sinh tiền bạc cho tôi du học.

Tôi thán phục Bác sĩ vì được biết Bác sĩ đã từ chối nhận học bổng của Pháp cũng như của Việt Nam lúc sang Paris học ngành y tế.

Sau đó tôi có nhiều dịp gặp Bác sĩ ở Ile verte [20 avenue Maréchal Randon, Grenoble] vì Bác sĩ thường trú ngụ ở đây, một căn nhà rộng lớn của các bác lính thợ, cạnh chỗ tôi ở [6 rue Eugène Delacroix].

Mỗi lần ghé thăm Bác sĩ, chúng tôi bàn chuyện Việt Nam, tâm sự xong thì đánh bóng bàn.

Có một hôm tôi đau, Bác sĩ đến thăm mạch. Thay vì cho toa thuốc, Bác sĩ mở rộng cửa sổ và bảo tôi phải ăn bánh mì với jambon thì mới bớt !

Điều đáng lưu ý là ba của Bác sĩ và ba của tôi cùng một tên: Nguyễn Khắc Niêm [khác nhau một chút ít thôi: tên ba tôi có thêm dấu nặng ở chữ Niệm]

Bác sĩ cũng là cựu học sinh trường Khải Định ở Huế như tôi. Được Bác sĩ hướng dẫn, tôi gia nhập ngay phong trào yêu nước: Tổng hội Sinh viên Việt Nam [và sau đó là Liên hiệp Việt kiều mà Bác sĩ là Tổng thư ký].

Cùng với các bác lính thợ ở Grenoble: Nguyễn Văn Linh, Đoàn Bằng, Lê Thọ, Bùi Lịnh, Trần Tiến Thái, Nguyễn Sáu và nhiều bác khác, tôi thường tham dự các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do nghiệp đoàn CGT, Đảng Cộng sản và sinh viên Pháp tổ chức.

Tôi cũng có nhiều dịp đi dán truyền đơn [đi ban đêm vì sợ cảnh sát bắt] ở các nẻo đường phố với các bác lính thợ.

Dân chúng Pháp lúc bấy giờ bắt đầu nghe danh tiếng Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ dần dần hiểu lý do cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của ta. Dư luận trách chính quyền Pháp đã hy sinh con cháu họ trong một cuộc chiến tranh dơ bẩn [sale guerre !]

Phong trào yêu nước của chúng tôi ở Grenoble sở dĩ rất mạnh là nhờ ở uy tín to lớn của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

Bác sĩ, tuy sức khỏe rất kém [chịu mổ 7 lần, bị cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái] vẫn tận tình dìu dắt, cổ động tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều ở vùng Grenoble-Isère. Bác sĩ hưởng thọ được 85 tuổi nhờ phương pháp thở kỳ diệu mà Bác sĩ đã nghiên cứu và phổ biến rộng rãi.

Tôi không quên tên các nhân vật nổi tiếng như Henri Martin, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud vì họ đã chung sức ủng hộ dân tộc ta và phản đối quân đội Pháp gây chiến và tàn phá Việt Nam.

Lẽ cố nhiên tôi cũng có nhiều cơ hội được tham dự các buổi thuyết trình đặc sắc ở Grenoble của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện luôn hướng về quê hương đang bị khói lửa bao trùm.

Nhiều lần Bác sĩ khuyên tôi nên trở về nước đi chiến khu. Tôi có cho Bác sĩ biết là tôi ủng hộ triệt để cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào ta nhưng tôi muốn ở lại Pháp để trau dồi kiến thức và để có kinh nghiệm, với ước mơ trong tương lai có đủ khả năng đóng góp một cách hữu hiệu hơn trong việc xây dựng đất nước.

Tôi còn nhớ mãi buổi liên hoan của các bác lính thợ ở Ile verte vỗ tay mừng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève.

Tôi rất hãnh diện vì Bác sĩ có nhiều tình cảm sâu đậm đối với tôi, tuy biết tôi không tham gia chính trị, không thích đảng phái nào cả, không ủng hộ xu hướng cộng sản của Bác sĩ.

Làm sao tôi quên được hình bóng gầy ốm của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một bác sĩ ưu tú, một nhà văn lỗi lạc, một nhà báo nhiệt tình, trọn đời hy sinh, cống hiến tài năng với tâm đức cho đất nước.

Chính quyền Pháp đã nhiều lần tìm bắt để trục xuất Bác sĩ. Các bác lính thợ Grenoble đưa Bác sĩ trốn tránh an toàn.

Năm 1992, ai cũng vỗ tay hoan nghênh khi biết tin cuốn sách « Việt Nam, une longue histoire » của Bác sĩ được giải thưởng Francophonie của Viện hàn lâm Pháp trao tặng.

Sau những năm 1980, mỗi lần về nước hợp tác với các Đại học Bách khoa hay Công ty Điện lực, tôi không quên ghé thăm Bác sĩ và chị Nhất ở Hà Nội. Căn nhà vô cùng nghèo nàn làm tôi rất xúc động.

Theo tôi, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một nhà cách mạng có một không hai, đáng được chúng ta kính phục và thương tiếc. »

                                                                       ***

Là người hoạt động tích cực, tận tâm, và là Tổng thư ký Hội liên hiệp Việt kiều tại Pháp, ông Nguyễn Khắc Viện quan tâm đến bà con Việt kiều, gần gũi và chia sẻ cùng đồng bào của mình. Ông không chỉ là lãnh đạo của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp trong 9 năm [1953-1962], mà trước đó, sau đó và mãi mãi, ông vẫn luôn đồng hành nhiệt huyết với tâm thế xông pha cùng cả phong trào, luôn gắn bó với lòng yêu thương chân thành nhất. Ông vẫn tự xem mình là một trong những thành viên may mắn được gặp phong trào Việt kiều và được đào luyện từ đó: « Giá thử không có phong trào Việt kiều, không được các bạn dìu dắt, bồi dưỡng phê phán, tạo ra bầu không khí sôi nổi đấu tranh, thân mật làm việc, gắn chặt tình cảm với đồng bào trong nước, học tập với nhau, chắc ngày nay tôi cũng đã chôn mình vào giữa xã hội Pháp, lạc lõng ngớ ngẩn Đông chẳng ra Đông, Tây chẳng ra Tây. » [trích Thư gửi lại bà con khi Nguyễn Khắc Viện phải về nước năm 1963].

Qua đó để ta thấy sự gắn bó sâu sắc của nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện với Pháp, nơi ông đã trải qua 26 năm tuổi trẻ của mình để học tập, tham gia cộng đồng, trải qua những lần thập tử nhất sinh trong bệnh viện, rồi sau đó, có thể nói, tái sinh với một tâm hồn, tính cách, tài năng rực rỡ đại diện cho lòng tự hào của bao thế hệ Việt Nam tại Pháp, cũng như của đất nước Việt Nam.

Theo chia sẻ cuả ông Võ Sĩ Đàn, cựu Chủ tịch Hội NVNTP, về kỷ niệm với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện : Lúc ấy, ông Võ Sĩ Đàn là sinh viên, vừa qua Pháp không lâu, bắt đầu tìm hiểu và muốn tham gia hoạt động phong trào Việt kiều. Khi ông liên hệ thì nhận được trả lời của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về thời gian sinh hoạt anh em.

Về ấn tượng lần đầu gặp Nguyễn Khắc Viện, ông Võ Sĩ Đàn vẫn còn nhớ rất rõ dù đã hơn 50 năm. Lúc ấy, ông hơi ngạc nhiên vì bác sĩ ăn mặc rất giản dị, người gầy, thái độ ấm áp, thân tình, trao đổi rất chu đáo.

Sau một thời gian, ông Võ Sĩ Đàn, bị chính quyền Việt nam Cộng hòa cắt chuyển ngân của gia đình từ Việt nam sang Pháp. Lúc đó, chính bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết bài trên báo Pháp để phản đối.

Một nhân cách sáng ngời, một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa tinh tế :

Theo bà Yvonne Capdeville, ông Nguyễn Khắc Viện không những là một nhà Sử học lớn mà còn là một nhà Văn hóa tinh tế, sâu sắc. Bà đã viết:

« Je suis une militante Vietnam de longue date, ayant milité pour le Vietnam dès les années 1960 dans le cadre de l’association médicale franco-vietnamienne animée par le Dr Henri Carpentier, puis dans le cadre du Collectif Intersyndical Universitaire d’Action Vietnam, Laos, Cambodge, mis sur pied par le Physicien, Henri Van Rogemorter. C’est en 1970, dans une réunion organisée par Henri Van Regemorter, que j’ai eu l’occasion de rencontrer Nguyen Khac Vien. Henri Van Regemorter et Nguyen Khac Vien étaient de très anciens amis, Nguyen Khac Vien ayant vécu en France pendant plus de vingt ans.

C’est grâce à Nguyen Khac Vien que j’ai pu appréhender le Vietnam d’une façon sensible et approfondie, Nguyen Khac Vien étant un grand historien et un très fin lettré. Il m’a éduquée en quelque sorte, par de longues conversations avec lui en décembre 1972 à Hanoï, où je me trouvais pour faire un enseignement de génétique à l’hôpital Bach Mai, séjour où il a été coïncidé par les bombardements de B52 sur Hanoï. Cette éducation s’est affinée avec la lecture de son remarquable livre « Histoire du Vietnam » qui m’a permis de pénétrer et d’appréhender sur la durée et dans la globalité l’histoire du Vietnam et ainsi de mieux comprendre les Vietnamiens.

Je lui suis très reconnaissante de ce travail initiatique et garde en mémoire son esprit lumineux et sa grande culture. »

Chúng tôi tạm dịch : « Nguyễn Khắc Viện,

« Tôi là một nhà hoạt động cho Việt Nam từ nhiều năm nay, từ những năm 1960, trong lĩnh vực hợp tác y tế Pháp-Việt, do Bác sĩ Henri Carpentier khởi xướng, sau đó, trong lĩnh vực Liên công đoàn các trường đại học hành động vì Việt nam, Lào, Căm-Pu-Chia, do nhà Vật lý Henri van Regemorter đặt nền móng. Vào năm 1970, trong một cuộc họp do Henri van Regemorter tổ chức, tôi đã có dịp gặp Nguyễn Khắc Viện. Henri van Regemorter và Nguyễn Khắc Viện là bạn bè rất lâu năm của nhau, Nguyễn Khắc Viện đã sống ở Pháp hơn 20 năm.

Nhờ Nguyễn Khắc Viện, tôi đã có thể hiểu Việt Nam một cách nhạy cảm và sâu sắc hơn, Nguyễn Khắc Viện không chỉ là một nhà Sử học lớn mà còn là một nhà Văn hóa tinh tế. Ông đã dạy tôi thông qua những cuộc hội thoại dài vào tháng 12 năm 1972, ở Hà Nội, thành phố nơi tôi đã ở để tham gia giảng dạy bộ môn di truyền tại Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian đó trùng với đợt ném bom B52 ở Hà Nội. Cách trao đổi giảng giải của ông cùng với việc đọc cuốn sách trứ danh ông đã viết : « Lịch sử Việt nam », đã cho phép tôi đi sâu và nắm bắt tổng thể lịch sử Việt Nam và chính như vậy, tôi đã hiểu hơn những con người Việt Nam.

Tối rất biết ơn ông về công việc ban đầu này và giữ mãi trong bộ nhớ của mình trí tuệ uyên bác và vốn văn hóa đồ sộ của ông. »

Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước CHXHVN đã để lại bút tích trong cuốn sách « Đạo và đời » của ông Nguyễn Khắc Viện vào ngày 10 tháng 5 năm 2002:

«Là người có nhiều kinh nghiệm tuyên truyền đối ngoại, Nguyễn Khắc Viện đã viết hàng loạt tác phẩm bằng tiếng Pháp, giới thiệu đất nước, lịch sử, nền văn hóa, truyền thống  và con người Việt nam, đặc biệt là giới thiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta với đông đảo bạn bè thế giới.

Là nhà khoa học, Nguyễn Khắc Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp dưỡng sinh, về y học, về tâm lý học, về tâm bệnh lý trẻ em và đã chủ biên nhiều bộ từ điển chuyên ngành.

Nguyễn Khắc Viện là học giả, nhà văn, nhà báo với nhiều cuốn sách và bài viết vừa đậm đà phong cách văn học, vừa mang tính chính luận sâu sắc và bản sắc dân tộc.

Trong vốn trước tác đa dạng và phong phú đó của Nguyễn Khắc Viện, nhiều tác phẩm đã được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đó là những đóng góp có giá trị vào nền văn hóa, xứng đáng được lưu giữ lâu dài… »

Ông Hoàng Tùng – nguyên Bí thư Trung ương Đảng – đã viết về ông Nguyễn Khắc Viện ngày 20 tháng 9 năm 2006 :

« Nguyễn Khắc Viện, một nhà bác học lỗi lạc, một con người giàu nghị lực.

Khi vào đời, Nguyễn Khắc Viện chuẩn bị cho mình nghề thầy thuốc. Số phận lại hướng Ông vào nhiều nghề khác và là một nhà y học có uy tín. Là nhà bác học, Ông giống Lê Quý Đôn. Là nhà y học, Ông giống Lê Hữu Trác.

Cậu ấm con trưởng một Ông quan án [sau hàm Thượng thư], đỗ đầu khoa Thi Hội, không muốn làm quan. Chuẩn bị làm một bác sĩ, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh gây nên trắc trở, không nhận được tiền nhà gửi, phải sống kham khổ và mắc bệnh lao phổi, phải mổ cắt phổi và xương sườn, tưởng rằng khó tồn tại được, Ông nghiên cứu y học Đông Tây và tự rèn luyện.

Hoàn cảnh lại hướng Ông vào hướng khác, hoạt động yêu nước và viết sách báo để truyền bá tư tưởng chính trị. Từ những năm 1950, Bác sĩ Viện trở thành một người hoạt động chính trị, một người Cộng sản Việt Nam trên đất Pháp, chống chủ nghĩa thực dân. Ông sử dụng tiếng Pháp như một nhà trí thức Pháp. Vì hoạt động chính trị, Ông bị trục xuất khỏi nuớc Pháp.

Từ 1963, về nước tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng ba hoạt động chính trị, văn hoá, báo chí nhằm vào đối tượng nước ngoài là chủ yếu. Phương pháp của Ông là thông qua các nhà trí thức các nước tác động đến hai loại người: Giới cầm quyền và giới quần chúng. Ông rất sở trường về phong cách văn chương do Ông linh hoạt với từng thể loại: Chính trị, văn hoá, y học… và không bao giờ viết theo kiểu văn thơ tuyên truyền; Ông nói và viết phù hợp với từng người đối thoại với mình.

Nguyễn Khắc Viện viết nhiều và đủ các thể loại đề tài. Di sản của Ông đồ sộ như một thư viện. « Việt Nam một thiên lịch sử » là một pho sử lớn viết gọn lại bằng tiếng Pháp rất Pháp, Nhà báo Diệu Bình dịch ra tiếng Việt do Nhà xuất bản Lao Động in và phát hành năm 2006, khổ 14,520,5, dày 536 trang mà đầy đủ từ thời đồ đá đến thời hiện đại. Khả năng nổi trội này của một nhà sử học không chuyên, Nguyễn Khắc Viện đã khái quát đủ tất cả những cái gì cần có của một công trình khoa học lớn. Quan điểm và phương pháp luận có cơ sở khoa học chặt chẽ. Cuốn sử này có ích đối với nhiều người: Nhà sử học, những người đọc bình thường, nhà giáo và sinh viên.

Nguyễn Khắc Viện chứng minh nghị lực to lớn của con người. Tự rèn luyện và anh dũng đương đầu với thần chết trên 40 năm, với sức vóc như vậy mà có nghị lực làm việc phi thường để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Vì nghĩa lớn, Ông sẵn sàng bỏ qua nhiều điều ngang trái không vui đối với Ông và gia đình.

Người đời quý trọng Nguyễn Khắc Viện về một trí tuệ, một tài năng, một con người và một tâm hồn lớn. »

Tình yêu thương trẻ em vô bờ bến :

Có lẽ tình yêu thương trẻ em đã được ươm mầm từ khi ông còn nhỏ. Ông đã được sinh ra, lớn lên và giáo dục trong một gia đình nhà nho yêu nước và có truyền thống khoa bảng. Điều này còn thể hiện ngay từ khi ông chọn học nghề Y, trong nghề y, ông chọn Nhi khoa, với mong muốn cứu giúp trẻ em bệnh tật. Và không chỉ phấn đấu trở thành bác sĩ nội trú giỏi, ông còn tự học, đọc nhiều sách, nghiên cứu sâu về tâm lý trẻ em.

Năm 1948, khi còn ở Pháp, Nguyễn Khắc Viện đã soạn hai cuốn sách « Lòng con trẻ » và « Giáo dục hoạt động » gửi về chiến khu. Sau này ông viết tiếp một loạt tác phẩm về trẻ em và tâm lý trẻ : « Ngây thơ”, “Nỗi khổ còn em”, “Tâm lý học sinh tiểu học”, “Tìm hiểu tâm lý con em ».

Khi về nước, trong tình trạng nước nhà thiếu giấy, thiếu tiền, ông đã vận động các bạn Thụy Điển in cho trẻ em Việt Nam 400 nghìn quyển truyện Tấm Cám. Ông đã khơi dậy phong trào đá cầu, thành lập ngành khoa học tâm lý trẻ em ở nước ta, kêu gọi thầy, cô giáo và người lớn chơi với trẻ em, hiểu trẻ em, bình đẳng với trẻ em, làm gương cho trẻ em để xây dựng một thế hệ tương lai cường tráng về sức khỏe và tinh thần.

Năm 1989, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em [Trung tâm NT], xuất bản tờ « Thông tin khoa học tâm lý », ông đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí, đặt nền móng cho ngành tâm lý học trẻ em, một ngành khoa học còn mới mẻ ở Việt Nam.

Năm 1992, khi được trao giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp, ông đã cống hiến phần lớn khoản tiền thưởng 400.000 FF, cho Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em [Trung tâm NT], nhằm xây dựng thêm chi nhánh của Trung tâm tại nhiều địa phương, đi sâu tìm hiểu thực trạng trẻ em Việt Nam, vận dụng những vấn đề lý thuyết phương Tây một cách thích hợp…

Cuộc sống riêng tư :

Trong cuốn « Tự truyện » [NXB Khoa học – Xã hội] ông đã viết khá đầy đủ về cuộc sống tình cảm của mình khi ông ở Pháp và khi trở về Việt Nam

Mối tình 8 năm với cô sinh viên Y khoa người Pháp

Ông kể lại : Thời sinh viên, một hôm sau khi ông trình bày bệnh án được giáo sư khen, lúc ra về có một cô sinh viên Pháp chạy lại bảo : « Này anh ạ, anh cho tôi mượn cái bệnh án của anh hôm qua ấy, hay quá, có vài điểm tôi chưa hiểu rõ, để tôi xem lại và nhờ anh giải thích cho. »

Đó là lần đầu tiên ông ngồi gần một người bạn gái. Và lúc đó ông mới biết tên cô là Monique. Từ đó, hai người quen nhau, có gì khó, Monique lại đến hỏi ông, hai người tham gia học tập cùng nhau rồi thân nhau. Quan hệ ngày một thân thiết, ông đã có những lần đi dạo cùng cô bên bờ sông Seine và gia đình cô đã nhiều lần mời ông đến ăn cơm. Nhưng rồi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ông nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp ông trở về nước và không thể về cùng cô được vì hoàn cảnh chiến tranh và vì cô là người Pháp sẽ không dễ dàng chấp nhận. Một mặt, ông không thể quên lời căn dặn của người cha trước khi ông lên tàu sang Pháp du học : « Thầy chỉ dặn một điều là nhất định đừng lấy vợ đầm ». Thấy không thể kéo dài chuyện tình cảm, ông quyết định chia tay cô.

Nhưng rồi ông bị mắc bệnh lao phổi nặng. Biết ông bị bệnh, Monique đến thăm ông ngay. Nhưng do chiến tranh, mỗi người ly tán một nơi. Mãi đến khi nước Pháp giải phóng, họ mới gặp lại nhau. Nhưng vì nghĩ mình bị bệnh, khó qua khỏi, ông khuyên Monique đi lấy chồng nhưng cô không chịu.

Ông viết : « Đến năm 1947, sức khỏe khá lên chút ít, tôi về Paris, Monique nhắn tôi lại chơi. Hôm đó, tôi nghỉ lại nhà Monique. Lần đầu tiên, chúng tôi ăn nằm  với nhau sau hơn 8 năm trời bị một ngăn cách lạ lùng… Sáng hôm sau dậy hai đứa có một sự thanh thản rất lạ lùng. Hôm ấy, tôi nói : « Giờ Monique đi lấy chồng nha » rất dễ dàng, thốt ra một cách bình thản và Monique cũng chấp nhận. Chúng tôi đã trả cho nhau được một cái nợ, thành ra bây giờ có thể dứt khoát mỗi người đi một đường ».

Mối duyên tình 30 năm đằm thắm, bền chặt

Đó là mối tình của ông Nguyễn Khắc Viện cùng bà Nguyễn Thị Nhất [vợ trước của ông Trần Đức Thảo]. Ông gọi mối tình đó là « mối tình đầu thứ hai của ông » vì lần đầu tiên ông có một người yêu là người Việt Nam. Năm 1952, ông Nguyễn Khắc Viện và bà quen nhau tại Pháp và cùng nhau hoạt động trong một nhóm. Nhưng lúc đó bà Nhất đã đính ước cùng ông Trần Đức Thảo và sau khi hai người về nước [ông Thảo về trước tham gia kháng chiến], họ đã kết hôn. Nhưng do sống với nhau không hợp nên đã chia tay nhau trước khi ông Nguyễn Khắc Viện về nước, năm 1963.

Gặp lại bà Nhất, ông vẫn cảm mến bà nhưng do chưa biết tình hình sức khỏe của mình ra sao và công việc trong nước thế nào nên phải mãi đến năm 1967, ông mới tổ chức đám cưới với bà. Lúc đó, bà đã 41 tuổi và ông đã vượt quá tuổi « ngũ thập nhi tri thiên mệnh ». Hơn thế, sức khỏe của cả hai ông bà đều rất hạn chế, lấy nhau cũng có nghĩa là phải hy sinh cho nhau. Tuy nhiên, cuộc sống của hai ông bà lại hòa hợp về phong cách, cách sinh hoạt, ăn ở, đối xử. Họ có thể trao đổi với nhau về vấn đề tâm lý trẻ em bởi bà làm công tác mẫu giáo và ông lại rất quan tâm vấn đề này. Ông lại cũng hiểu sự hy sinh của bà. Nhân dịp bà tròn 70 tuổi, ông làm một bài thơ tặng bà : Bà là bà Nhất/ Chị là chị Hai/ Dâu là dâu cả/ Tuổi Trâu tích cực/ 70 không già/ Hai vai gánh vác/ Việc nước việc nhà/ Việc dòng việc họ/ Chuyện phố chuyện phường/ Thêm một ông chồng/ Kiệt sức hết hơi/ Vẫn lắm trò chơi/ Sách sách vở vở/ Hết văn lại võ/ Khách khứa sớm chiều/ Chỉ được một điều/ Trải bao năm qua/ Từ nơi đất khách/ Về đến quê nhà/ Khi gần khi xa/ Ngày sướng ngày khổ/ Tơ lòng gắn bó/ Không bao giờ dứt/ Trước sau như một/ Coi bà là Nhất… 

Những năm trở về nước, ông tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là nhà văn hóa lớn, là Giám đốc NXB Ngoại văn, tác giả nhiều đầu sách

Năm 1963, ông bị trục xuất về nước do các hoạt động chống chiến tranh.

Từ năm 1964-1984, ông là ủy viên Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, sáng lập và chủ biên tạp chí đối ngoại « Nghiên cứu Việt Nam » bằng tiếng Pháp và tiếng Anh [Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies] và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn [nay là Nhà xuất bản Thế giới]. Ông dịch tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Pháp. Ông giới thiệu Tuyển tập Văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XX [bằng tiếng Pháp]. Ông viết cuốn « Việt Nam một thiên lịch sử » bằng tiếng Pháp và nhiều sách, báo tiếng Việt.

Năm 1984, ông nghỉ hưu và được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Năm 1989, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tâm lý và Bệnh lý trẻ em [La Fondation N-T], xuất bản tờ « Thông tin khoa học tâm lý » và nhiều tác phẩm về tâm lý học.

Năm 1992, ông nhận giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp dành cho người nước ngoài sử dụng tích cực và có hiệu quả tiếng Pháp.

Ông soạn kịch bản và cộng tác với Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương sản xuất một số phim giới thiệu đất nước và về tâm lý giáo dục trẻ em.

Năm 1997, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Ngày mồng 10 tháng 5 năm 1997, ông qua đời tại Hà Nội sau một thời gian bị ốm nặng và cầm cự bằng phương pháp dưỡng sinh.

Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai dịch Hà Nội.

Ngày 1 tháng 9 năm 2000, Chủ tịch nước Việt Nam đã truy tặng ông Giải thưởng Nhà nước cho cuốn « Việt Nam, một thiên lịch sử. »

Theo Giáo sư Hoàng Như Mai : « Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Khắc Viện tuân thủ trung thực và trung thành một Đạo Sống rất đẹp, vốn là cái truyền thống muôn đời của trí thức Việt Nam: Yêu nước, lo dân. »

Để hiểu thêm về ông trong ba lĩnh vực mà ông đã hoạt động suốt cuộc đời : Sức khỏe, Tư tưởng và văn hóa. Ba lĩnh vực này cũng có thể lần lượt được khái quát hóa thành 3 khái niệm: Dưỡng sinh – Tu thân – Xử thế. Chính ba khái niệm này tạo thành đạo lý sống của ông [bài của GS. Nguyễn Quý Đạo]. Những bài viết sẽ cho chúng ta hiểu thêm về tâm tư và tâm thế sống của ông [bài của GS. Nguyễn Ngọc Trân],  những áng văn sử khảo cứu công phu [bài của nhà văn Trần Thị Hảo], cùng một vài tư liệu hình ảnh, bút tích của ông…

ĐẠO LÝ ĐƯỜNG ĐỜI

                                                           Giáo sư Nguyễn Quý Đạo [05/2017]

Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện.

[Học không biết chán, Dạy không biết mỏi]

Đây là hai câu viết trong cuốn Luận ngữ của Khổng phu tử mà một người bạn của anh Nguyễn Khắc Viện đã tặng mừng nhân ngày lễ thọ bát thập của anh. Anh đã vui nhận bức trướng thêu tám chữ nho ấy và đã bình lại rằng đó đúng là một trong những tư thế về cuộc sống của mình mà anh vẫn cố gắng theo đuổi từ trước tới nay.

Anh Viện sang Pháp du học từ năm 1937, lúc ấy anh học xong năm thứ ba ở Đại học Y khoa Hà Nội. Anh sang Pháp tiếp tục học ngành Y tại Đại học Y khoa Paris cho tới khi tốt nghiệp, chuyên nhi khoa, năm 1941. Nhưng ngay sau đó, năm 1942, vì chiến tranh, vì thiếu thốn, anh bị mắc bệnh lao. Cho tới những năm 1960, bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm tới tính mạng bởi vì ngành Y chưa khám phá ra những thuốc kháng sinh điều trị công hiệu. Hồi ấy, để chữa bệnh lao phổi, các bác sĩ phải đưa bệnh nhân đến các viện điều dưỡng, nằm trên những ngọn núi cao để có được những không khí trong lành. Nếu bệnh không lành thì phải mổ để cắt bỏ những phần bị nhiễm trùng và đây là một cách chữa duy nhất nhưng lại làm giảm đi rất nhiều sức khỏe của bệnh nhân. Anh Viện chẳng may bị mổ vì bệnh tái phát. Anh bị mất hẳn một lá phổi.

Mất bao nhiêu sức lực và anh đã phải nằm ở viện điều dưỡng St Hilaire du Touvet trên một đỉnh của rặng núi Alpes gần thành phố Grenoble, gần tám năm trời.

Đây chắc chắn là điều chẳng may cho anh Viện, nhưng tôi nghĩ là bất cứ việc gì, đối với những người có tài có chí, thì họ vẫn có thể thay đổi tình thế, chuyển chuyện không may thành chuyện tốt.

Vì biết mình đã nhiễm bệnh hiểm nghèo, anh Viện đã dùng thời gian nằm viện điều dưỡng để tìm hiểu những phương pháp tự chữa thêm cho mình. Đã có sẵn bản lĩnh của một gia đình nho giáo, anh đã tự học thêm chữ Hán, nghiên cứu sâu về các đạo giáo như đạo Tin lành, đạo Khổng, đạo Lão, cùng những phương pháp tu tâm luyện trí cũng như các lối hô hấp dưỡng sinh. Anh đã nghiên cứu về Thiền, về Yoga, về những phương pháp rèn luyện thân thể như Thái cực quyền, vừa giúp ích cho sức khỏe vừa tạo cho mình một « đạo lý » riêng. Đạo lý của anh là một hình tam giác với ba đỉnh là Dưỡng sinh, Tu thân, Xử thế. Anh đã đổi câu « Tiên học lễ, hậu học văn » thành câu « Tiên học võ, hậu học văn ». Chữ võ ở đây có nghĩa là thể thao, là võ thuật để giữ gìn sức khỏe. Con đường tu thân của anh Viện, một « truyền phái » mới do anh đã tìm thấy, thâm thúy ở chỗ là anh đã hòa hợp được những lối sống tinh túy của phương Đông cùng với những văn minh hiểu biết khoa học của xã hội phương Tây.

Cũng vì đó, có thể nói anh Viện là một bác sĩ khoa nhi nổi tiếng, một nhà sử học xuất sắc, một nhà triết học thâm thúy, nhà tư tưởng học sâu sắc, cùng rất nhiều danh hiệu vô song khác nữa, song tóm lại, anh chính là một « nhà văn hóa » [homme de culture] của thế kỉ thứ XXI theo như định nghĩa của UNESCO khi cơ quan này trao tặng danh hiệu đó cho Nguyễn Trãi cách đây không lâu.

Tháng 5 năm nay là đúng 20 năm, anh Nguyễn Khắc Viện đã vĩnh viễn ra đi.

Những người Việt kiều sinh sống ở Pháp đều biết tới anh Viện, nhớ tới anh, không phải vì anh là một trí thức Việt kiều lâu năm sống tại Paris mà vì chính anh đã nhiều năm nắm giữ trách nhiệm của Hội người Việt Nam tại Pháp, là Tổng thư ký của Liên hiệp Việt Kiều tại Pháp ngay từ năm 1956, khi một hội của người Việt Nam được công khai thành lập tại Paris, cho tới ngày 27 tháng 4 năm 1963, trước khi trở về nước, với cương vị Chủ tịch hội Liên Hiệp Việt Kiều tại Pháp, anh để lại một bức tâm thư dặn dò các anh chị em Việt kiều tiếp tục đoàn kết và đấu tranh cho đất nước Việt Nam ngày trở lên hùng mạnh thêm. Cả một cuộc đời cống hiến cho Việt Nam, cho nhân loại.

Đọc lại những bài viết của anh, rất phong phú về mọi phương diện cũng như về các đề tài, chúng ta có thể nhận thấy là anh Viện là một nhà tư tưởng học và từ những suy nghĩ rất thâm thúy và uyên bác, anh đã tạo ra một con đường để tu thân tích đức trong suốt cả cuộc đời không chỉ để riêng cho cá nhân mình mà còn để cống hiến cho cả xã hội con người.

THEO DÒNG HỒI ỨC VỀ ANH

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân [04/2017]

Tôi đến Paris du học cuối năm 1959. Trước đó không lâu Hội Liên hiệp Việt kiều [LHVK] bị cấm hoạt động. Tôi được biết anh Nguyễn Khắc Viện chỉ trong 3 năm 4 tháng trước khi anh rời nước Pháp về Việt Nam. Năm 1976, tôi cùng gia đình hồi hương. Tôi có dịp gặp lại anh tại Hà Nội trong nhiều năm, từ tháng 7.1980 khi tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Trung ương nhận công tác đến tháng 5.1997 khi anh qua đời. Theo dòng hồi ức, xin được ghi lại mấy kỷ niệm về Anh.

1960. Lần gặp đầu tiên. Tham gia đoàn văn nghệ của phong trào Việt kiều dự Festival do Union Nationale des Étudiants de France [UNEF] tổ chức tại Grenoble tháng 8.1960 về, tôi viết một bài tường thuật cho Bản tin của phong trào, quay ronéo lúc bấy giờ. Bài có tựa Tiếng sạp trên đất Grenoble. Tôi ngỏ ý và được anh Viện nhận lời đọc và góp ý cho phù hợp với Bản tin. Hai ngày sau, ở tầng trên của “Quán cơm Cụ Hồ”, số 4 rue Gît le Coeur, anh trao lại bài viết và nói: “Mình đã đọc và đã có sửa đôi chỗ. Nói chung tốt. Trân xem và viết sạch lại để mình chuyển cho các anh em phụ trách”. Tôi nhận thấy những chỗ điệp từ, điệp ý đã được lược đi. Gọn nhưng vẫn đầy đủ ý. Tôi cảm ơn anh vì bài ngắn và sáng ý hơn.

Tôi vẫn còn giữ tới hôm nay bản thảo đã được anh Viện sửa như một của quý, bài báo đầu tiên của tôi trên đất Pháp. Quý còn vì những ý kiến sâu sắc của anh. Anh khen ý của toàn bài nhưng đã sửa lại tôi viết từ góc độ của một sinh viên Việt Nam đang học tại Grenoble được thấy đoàn văn nghệ Việt Kiều từ Paris đến tham dự Festival.

Anh nói: với tư cách đó vẫn nói được những điều muốn nói, và tốt hơn cho công việc của Trân. Anh còn hỏi tôi học ngành gì và dặn dò tôi cố gắng học cho tốt, tiếp thu văn hóa của Pháp và tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa xã hội để khi cần lựa chọn, mình ý thức đầy đủ về sự việc.

Tôi không thể không nhớ đến ánh mắt, giọng nói và cách xưng hô của anh. Ban đầu, tôi gọi anh bằng chú vì cùng trạc tuổi với Ba tôi. Nhưng anh nói nhẹ nhàng Trân cứ gọi mình là anh và xưng tôi. Gần gũi, không ngăn cách, thứ bậc. Cách xưng hô được giữ cho đến mãi sau này.

Những năm 1980 đến 1991. Năm 1976, tôi và gia đình [Hồng, nhà tôi, hai con Hồng Vân 9 tuổi, Hồng Phương gần 5 tuổi] về nước. Tôi nhận công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng tại Bộ Công nghiệp Nhẹ, Phòng Máy tính tại Thành phố.

Tháng 7.1980, tôi ra Hà Nội, nhận công tác mới tại Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Cơ quan của Ủy Ban ở số 39 đường Trần Hưng Đạo, rất gần 12 đường Nguyễn Chế Nghĩa, và 40 đường Trần Hưng Đạo, nhà riêng và cơ quan của anh Viện. Tuy mỗi người một lĩnh vực hoạt động và công việc nhiều, chúng tôi cũng có dịp gặp nhau. 

Lần đầu tiên gặp lại, anh hỏi thăm tôi về gia đình, về công việc. Sự quan tâm này đã làm ấm lòng tôi. Anh tỏ vẻ vui khi thấy công tác của tôi nhìn chung thuận lợi, khi còn ở Trường Đại học Tổng hợp Thành phố, rồi tiếp theo trong hợp tác liên chính phủ về văn hóa, KHKT giữa Việt Nam – Pháp, trong ACCT [Francophonie], và trong công tác nghiên cứu khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thuật lại để anh yên tâm, lời dặn ân cần của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tôi mới từ Pháp về: “Công việc làm phải “bien délimité”; làm nhiều, nói ít; làm có kết quả rồi mới nói” và trước hết là “cái tâm đối với đất nước”; và rằng phong trào luôn ở trong tim tôi.

Tháng 3.1991, Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long được nghiệm thu cấp nhà nước. Tôi không quên tặng anh báo cáo tổng hợp của Chương trình mang tên Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển do tôi chủ biên với tư cách là chủ nhiệm Chương trình. Tháng 8.1991 Trung tâm nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long được thành lập để tiếp nối công việc của Chương trình phục vụ các tỉnh đồng bằng.

Năm 1992. Tháng 7.1992, tôi được bầu vào Quốc hội, khóa IX và được cử làm Chủ tịch Phân Ban Việt Nam trong Assemblée Internationale des Parlementaires Francophones [sau Hội nghị cấp cao 7 Pháp ngữ tại Hà Nội 1997, được đổi lại là Assemblée Parlementaire de la Francophonie], tiếp tục công việc chị Nguyễn Thị Bình để lại. Tháng 10.1992 tôi được chuyển công tác sang làm Trưởng Ban Việt kiều Trung ương trực thuộc Chính phủ. Những công tác mới này tạo cho tôi nhiều dịp gặp anh Viện.

Tháng 11.1992, Nguyễn Khắc Viện được Viện Hàn Lâm Pháp trao tặng Grand Prix de l’Académie Française.

Anh tặng tôi bài phát biểu của anh tại buổi lễ nhận giải tại Hà Nội. Trong 8 trang là một cuộc đời, một nghị lực, một tầm nhìn và một nhân cách. Tôi còn tìm thấy nhiều nội dung có ích cho hoạt động của Phân ban Việt Nam trong AIPLF/APF.

Xin trích một số đoạn anh viết rất tâm huyết :

“Il persiste cependant au fond de moi-même un sentiment d’inquiétude non pas vague, brumeux, mais qui se formule de façon bien précise: dans quelques années, quand la vieille garde ne sera plus là, la relève sera-t-elle assurée pour une francophonie de qualité? Est-ce là la nostalgie d’intellectuel, d’esthète, ou une nécessité voire un impératif pour notre avenir commun? On peut étudier l’anglais, sans se soucier de connaître la culture anglaise ou américaine, mais peut-on le faire au Vietnam à propos de la langue française? La question se pose aussi bien pour les Vietnamiens que pour les Français.”

[…] “Apparamment, les échanges culturels ne pèsent pas d’un grand poids face aux investissements économiques; je me risque cependant à penser que certains impondérables peuvent jouer un rôle sinon plus important du moins plus durable. En cette fin de siècle qui voit poindre tant d’espoirs comme se profiler l’ombre de désastres sans nom, peut-être pourrions-nous voir s’ouvrir dans cette voie de larges possibilités pour un avenir commun à tous les peuples.

Les hommes des quatre océans sont tous frères, disaient nos anciens. Liberté, Égalité, Fraternité, proclamaient des révolutionnaires français de 89.

Internationalisme est la devise première de tous ceux qui se réclament du socialisme. Utopie, diront certains. Pour ma part, en dépit des déchirements et bouleversements actuels, je m’en tiens à cette utopie qui n’avait jamais cessé de hanter les esprits depuis qu’il y a des hommes et qui pensent.

Vous serez certainement indulgents pour cette présomption d’un octagénaire qui n’a comme seule qualité que de croire à ce qu’il dit”.

Năm 1993. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ban Việt Kiều Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan của Chính phủ tổ chức Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu tại Thành phố Hồ Chí Minh. 103 kiều bào từ 24 nước trên khắp thế giới đã về dự hội nghị đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tham dự và phát biểu về Đoàn kết, hòa hợp dân tộc, động lực phát triển đất nước.

Năm 1993, anh Viện tròn 80 tuổi. Sau hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu, tôi đến thăm anh tại nhà. Quà sinh nhật là một quyển Kỷ yếu hội nghị. Anh cho biết có theo dõi báo đài về hội nghị và rất mừng. Tôi thì hỏi thăm anh về Trung tâm N-T. So với trước anh có phần yếu đi nhưng trong ánh mắt anh ngời lên một niềm vui. Dường như sinh khí của Đổi Mới đã tiếp sức cho anh!

1997 Vĩnh biệt. Tháng 5.1997 giữa lúc đi tiếp xúc cử tri cho lần bầu cử Quốc hội khóa X, tôi nhận được tin dữ: ngày 10.5.1997, anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Tuy đã biết việc gì ắt đến sẽ đến, tôi vẫn không khỏi cảm thấy hụt hẫng trước sự mất mát.

Đến viếng anh và chia buồn với chị Nhất, cháu Bình, tôi miên man suy nghĩ về cuộc đời anh.

Bất giác tôi nhớ đến một đoạn trong bài diễn văn nhận giải của anh:

“Au peuple vietnamien, chair de ma chair, sang de mon sang, je me suis appliqué à payer ma dette. […] Tout ce que je peux dire aujourd’hui, recevant cette récompense inestimable, c’est d’exprimer la grande satisfaction que j’éprouve au soir de ma vie, d’avoir payé mes dettes, avant de déposer le bilan”.

Và tôi đã ghi vào Sổ tang:

“Vô cùng thương tiếc anh. Anh thanh thản ra đi và yên nghỉ ở cõi Vĩnh hằng anh nhé. Kiều bào sẽ mãi nhớ Anh”./.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đúng là « một trong những trí tuệ sáng chói nổi bật nhất » như tiến sĩ sử học Charles Fourniau, cựu chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt đã nói. Chính vì vậy, việc ông được Viện Hàn lâm Pháp trao Giải thưởng Grand Prix de la Francophonie vào tháng 11/1992 và tác phẩm Việt Nam-Một thiên lịch sử được chủ tịch nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước vào ngày 1/9/2000, thật xứng đáng và đáng trân trọng.

Video liên quan

Chủ Đề