Nguyên nhân sinh ra kết quả như thể nào?

– Nguyên nhân là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong cùng một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra một hoặc hơn một sự biến đổi nhất định.

– Kết quả là sự biến đổi xuất hiện do sự tác động lẫn nhau của các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau.

Ví dụ: Sự tác động qua lại giữa chiếc dùi và mặt trống là nguyên nhân của tiếng trống kêu. Tiếng trống kêu là kết quả của sự tác động giữa chiếc dùi và mặt trống.

– Cần phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ.

Nguyên cớ là một sự kiện xảy ra ngay trước kết quả nhưng không sinh ra kết quả. Nguyên cớ có liên hệ nhất định với kết quả nhưng đó là mối liên hệ bên ngoài, không bản chất.

Ví dụ: Việc một phần tử Séc-bi ám sát thái tử đế quốc Áo – Hung chỉ là nguyên cớ của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Còn nguyên nhân thực sự của cuộc chiến tranh này là mâu thuẫn từ lâu giữa các quốc gia tham chiến.

– Điều kiện là tổng hợp những hiện tượng không phụ thuộc vào nguyên nhân nhưng có tác dụng đối với việc sinh ra kết quả. Ví dụ như áp suất, nhiệt độ, chất xúc tác…

Các điều kiện này cùng với những hiện tượng khác có mặt khi nguyên nhân gây ra kết quả được gọi là hoàn cảnh.

Nguyên nhân sinh ra kết quả như thể nào?
Nguyên nhân sinh ra kết quả như thể nào?
Ảnh minh họa: odclick.com

II. Một số tính chất của mối liên hệ nhân quả

1. Tính khách quan

Mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan của bản thân các sự vật. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không.

Vì mối quan hệ nhân quả là vốn có trong bản thân sự vật nên không thể đồng nhất nó với khả năng tiên đoán.

2. Tính phổ biến

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều được gây ra bởi những nguyên nhân nhất định.

Không có sự vật, hiện tượng nào không có nguyên nhân của nó. Vấn đề là chúng ta đã phát hiện, tìm ra được nguyên nhân hay chưa.

3. Tính tất yếu

– Tính tất yếu ở đây không có nghĩa là cứ có nguyên nhân thì sẽ có kết quả. Mà phải đặt nguyên nhân trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

Một nguyên nhân nhất định trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định chỉ có thể gây ra một kết quả nhất định. Đó là tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả trong những điều kiện nhất định.

– Nếu những sự vật, hiện tượng về cơ bản là giống nhau, tác động trong những hoàn cảnh tương đối giống nhau thì sẽ gây nên những kết quả giống nhau về cơ bản.

Nếu các nguyên nhân và hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì các kết quả do chúng gây nên càng ít khác nhau bấy nhiêu.

III. Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ qua lại như sau

1. Nguyên nhân sản sinh ra kết quả.

– Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả. Còn kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân xuất hiện và bắt đầu tác động.

Tuy nhiên, không phải sự nối tiếp nào trong thời gian của các hiện tượng cũng đều biểu hiện mối liên hệ nhân quả. Ví dụ: Ngày không phải là nguyên nhân của đêm và ngược lại.

– Cùng một nguyên nhân có thể gây ra nhiều kết quả khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, cùng một kết quả có thể được gây nên bởi những nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hoặc cùng một lúc.

– Nếu nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo cùng một hướng thì sẽ gây nên ảnh hưởng cùng chiều, đẩy nhanh sự hình thành kết quả. Ngược lại, nếu các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo các hướng khác nhau thì sẽ làm suy yếu, thậm chí triệt tiêu các tác dụng của nhau.

– Căn cứ vào tính chất, vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân loại nguyên nhân thành:

+ Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu.

+ Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.

+ Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

2. Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân.

Nguyên nhân sản sinh ra kết quả. Nhưng sau khi xuất hiện, kết quả không giữ vai trò thụ động đối với nguyên nhân, mà sẽ có ảnh hưởng tích cực ngược trở lại đối với nguyên nhân.

Ví dụ: Nhúng một thanh sắt vừa mới nung đỏ vào chậu nước nguội, thì nhiệt độ của nước trong chậu sẽ tang lên. Sau đó, nước trong chậu do tăng nhiệt độ sẽ kìm hãm tốc độ tỏa nhiệt của thanh sắt.

3. Sự thay đổi vị trí giữa nguyên nhân và kết quả

Điều này xảy ra khi ta xem xét sự vật, hiện tượng trong các mối quan hệ khác nhau. Một hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân thì trong mối quan hệ khác là kết quả và ngược lại.

Một hiện tượng nào đó là kết quả do một nguyên nhân nào đó sinh ra, đến lượt mình sẽ trở thành nguyên nhân sinh ra hiện tượng thứ ba… Và quá trình này tiếp tục mãi không bao giờ kết thúc, tạo nên một chuỗi nhân quả vô cùng tận. Trong chuỗi đó không có khâu nào là bắt đầu hay cuối cùng.

IV. Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

Từ việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả, ta rút ra ý nghĩa phương pháp luận trong nhận thức và hoạt động thực tiễn như sau:

1. Trong nhận thức

– Vì mối liên hệ nhân quả tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí con người nên chỉ có thể tìm nguyên nhân của hiện tượng trong chính thế giới của hiện tượng chứ không thể ở bên ngoài.

– Do nguyên nhân luôn có trước kết quả nên khi tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần tìm trong những mặt, những sự kiện, những mối liên hệ đã xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.

– Bởi dấu hiệu đặc trưng của mối liên hệ nhân quả là nguyên nhân sinh ra kết quả, nên khi xác định nguyên nhân của hiện tượng cần đặc biệt chú ý dấu hiệu đặc trưng này.

– Vì một hiện tượng có thê do nhiều nguyên nhân sinh ra nên trong quá trình tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần hết sức tỉ mỉ, thận trọng, vạch ra được kết quả tác động của từng mặt, từng sự kiện, từng mối liên hệ cũng như từng tổ hợp khác nhau của chúng. Từ đó ta mới có thể xác định đúng về nguyên nhân sinh ra hiện tượng.

– Vì một hiện tượng trong mối quan hệ này là kết quả, trong mối quan hệ khác có thể là nguyên nhân, nên để hiểu rõ tác dụng của hiện tượng ấy, cần xem xét nó trong những mối quan hệ mà nó giữ vai trò là nguyên nhân cũng như trong những quan hệ nó là kết quả.

2. Trong hoạt động thực tiễn

Vì mối liên hệ nhân quả mang tính tất yêu nên ta có thể dựa vào mối liên hệ nhân quả để hành động thực tiễn. Khi hành động, ta cần chú ý:

– Muốn loại bỏ một hiện tượng nào đó, cần loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh ra nó.

– Muốn cho hiện tượng xuất hiện, cần tạo ra nguyên nhân cùng những điều kiện cần thiết. Vì hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân tác động riêng lẻ hoặc đồng thời nên cần tùy hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp thích hợp.

– Trong hoặt động thực tiễn cần dựa trước hết vào các nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong. Vì chúng giữ vai trò quyết định trong sự xuất hiện, vận động và tiêu vong của hiện tượng.

– Để đẩy nhanh hay kìm hãm, loại trừ sự biến đổi của một hiện tượng xã hội nào đó, ta cần làm cho các nguyên nhân chủ quan tác động cùng chiều, hay lệch hoặc ngược chiều với chiều vận động của mối quan hệ nhân quả khách quan.

8910X.com

 

Xin mời các bạn đưa ra một vài bình luận để bài viết có thể hoàn thiện hơn.

Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn hãy để lại câu hỏi ở phần comment để mình có thể giải đáp khi thời gian cho phép nhé!