Nhu mô gan HPT là gì

U gan được chia thành:

U lành tính: không phải ung thư, chẳng hạn u mạch máu gan [hemangioma]. Đây là trường hợp u lành tính rất thường gặp trên người bình thường khi được làm siêu âm kiểm tra gan.

Hình minh họa: Bướu máu gan [hemangioma]

U ác tính: ung thư gan. Đây là sự phát triển một cách vô tổ chức, không kiểm soát được của các tế bào gan bất thường, lâu ngày sẽ dẫn tới chèn ép các tế bào gan bình thường, xâm lấn các nội tạng xung quanh, thậm chí di căn tới các cơ quan khác, kết cục là tử vong sớm nếu không được điều trị.

Hình minh họa: ung thư gan

Như vậy, không phải tất cả những khối u được phát hiện trong gan đều là ung thư gan.

UNG THƯ GAN LÀ GÌ ?

Ung thư gan được chia thành 2 loại:

Ung thư gan nguyên phát: khối u có nguồn gốc tại gan. Về bản chất tế bào thì người ta chia ra nhiều loại, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan [hepatocellular carcinoma, viết tắt HCC].

Ung thư gan thứ phát: [còn gọi là ung thư di căn gan] nếu khối u xuất phát từ những cơ quan khác [dạ dày, phổi, vú, đại tràng,...] rồi sau đó di chuyển đến gan. Cách điều trị những trường hợp ung thư di căn gan có nguyên tắc là vừa điều trị khối u tại gan, vừa phải tìm đúng nguồn gốc của tế bào ung thư để điều trị theo đúng nguồn gốc thì mới tránh được tái phát [chẳng hạn, đối với ung thư đại tràng di căn gan thì cần điều trị theo phác đồ điều trị ung thư đại tràng, đối với ung thư phổi di căn gan thì phải điều trị theo phác đồ ung thư phổi]

Những nội dung tiếp theo trong bài này chúng tôi chủ yếu đề cập đến ung thư biểu mô tế bào gan [HCC], sẽ gọi tắt là ung thư gan để cho bạn đọc dễ hiểu.

Ai có nguy cơ bị ung thư gan?

Ung thư gan thường là biến chứng của tình trạng viêm gan mạn tính [diễn tiến bệnh âm thầm trong nhiều năm] do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là viêm gan virus B, viêm gan virus C, viêm gan do rượu. Ngoài ra, tình trạng gan nhiễm mỡ với tăng men gan kéo dài [sau hàng chục năm] cũng có thể dẫn tới ung thư gan nhưng ít gặp hơn. Một số loại hóa chất, độc tố [ví dụ Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus flavus thường có ở hạt ngũ cốc để lâu ngày] có thể gây ra ung thư gan.

Ở độ tuổi nào có thể ung thư gan?

Theo thống kê cập nhật lần cuối vào tháng 11/2014 của Hội Ung Thư Hoa Kì [American Cancer Society] có thể dùng để tham khảo thì: độ tuổi trung bình của người bệnh khi được chẩn đoán ung thư gan là 63. Khoảng hơn 95% người được chẩn đoán ở độ tuổi từ 45 trở lên. Khoảng 3% người được chẩn đoán bệnh trong độ tuổi 35-44, còn 2% bệnh nhân trẻ hơn 25 tuổi.

Có phải người bị xơ gan dễ bị ung thư gan hơn hay không?

Đúng.

Xơ gan là hệ quả của tình trạng tổn thương viêm gan lâu ngày, do nhiều nguyên nhân khác nhau [để hiểu rõ hơn, xin đọc bài Thắc mắc thường gặp về xơ gan. Người bị xơ gan có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn những người chưa bị xơ gan. Do đó, những người đã được chẩn đoán xơ gan cần được làm các xét nghiệm tầm soát ung thư gan định kì [mỗi 3-6 tháng]

Triệu chứng của ung thư gan ?

Ung thư gan ở giai đoạn sớm thì thường không biểu hiện triệu chứng. Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn thì một số bệnh nhân mới bắt đầu có những biểu hiện như đau vùng dưới sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân,

Vì sao cần tầm soát ung thư gan ?

Như đã đề cập, ung thư gan thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Theo một thống kê tại khoa U gan của BV Chợ Rẫy năm 2015 thì khoảng 50% số bệnh nhân khi phát hiện ung thư gan thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, ít có khả năng can thiệp điều trị hiệu quả. Vì vậy, những bệnh nhân viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, hoặc xơ gan [do bất cứ nguyên nhân nào] đều phải được tầm soát ung thư gan định kì ở cơ sở y tế để phát hiện ung thư gan khi còn sớm.

Nếu ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn còn sớm thì điều trị rất hiệu quả.

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư gan ?

Siêu âm bụng là phương pháp thường được dùng để tầm soát phát hiện ung thư gan. Đây là phương pháp rẻ tiền, không tốn nhiều thời gian thực hiện, không xâm lấn và có thể làm nhiều lần mà không gây hại.

Nếu siêu âm phát hiện một vùng tổn thương nghi ngờ u gan, tiếp theo có thể sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính [CT] hoặc chụp cộng hưởng từ [MRI] vùng bụng để có thể đánh giá chính xác hơn. Các khối ung thư gan thường có đặc điểm hình ảnh khá đặc trưng, nhờ đó, các phương pháp chụp CT hoặc MRI có thể giúp chẩn đoán ung thư gan khá chính xác.

Mặc dù không có xét nghiệm máu nào có thể chẩn đoán chính xác ung thư gan, chỉ số AFP [alpha-feto protein] nếu tăng cao thì cũng chỉ ra nguy cơ bị ung thư gan.

Có phải chỉ số xét nghiệm AFP trong máu tăng cao là chắc chắn bị ung thư gan ?

Không phải.

Chỉ số bình thường của AFP trong máu là < 6 ng/ml. AFP là một protein được sản xuất trong bào thai, do đó chỉ số AFP có thể tăng ở phụ nữ mang thai, hoặc ở trẻ sơ sinh bình thường.

Một số trường hợp uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc có thể bị viêm gan cấp tính do thuốc, chỉ số AFP khi đó có thể tăng cao.

Đối với một bệnh nhân mắc bệnh lý gan mạn tính [viêm gan B, C, xơ gan, ] thì khi chỉ số AFP tăng cao sẽ gợi ý nguy cơ người bệnh bị ung thư gan. Khi đó, cần phải áp dụng các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, CT, MRI để tầm soát xem có ung thư gan hay chưa.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp ung thư gan lại có chỉ số AFP trong giới hạn bình thường, do có một số loại ung thư gan mà các tế bào ung thư không tăng sản xuất AFP.

Một số trường hợp bệnh nhân bị viêm gan mạn tính có tăng AFP nếu được điều trị đúng nguyên nhân thì chỉ số AFP có thể giảm và thậm chí trở về bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân này cần chú ý tầm soát ung thư gan định kì.

Ung thư gan có thể chữa được hay không?

Ung thư gan có thể điều trị rất hiệu quả nếu như được phát hiện sớm [khi khối u có kích thước còn nhỏ, có ít khối u, khối u chưa xâm lấn vào mạch máu [huyết khối tĩnh mạch cửa] và các cơ quan xung quanh gan].

Có những phương pháp nào để điều trị ung thư gan?

Hiện nay có nhiều phướng pháp khác nhau để điều trị ung thư gan:

Đốt khối u: Sử dụng sóng cao tần [phương pháp RFA] hoặc vi sóng [phương pháp MWA] để đốt cháy khối u

Hình minh họa: Đốt khối u gan bằng sóng cao tần [RFA]

Phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư: nếu kích thước khối u càng nhỏ thì càng dễ phẫu thuật. Với sự phát triển của y học, các bác sĩ phẫu thuật hiện nay có thể cắt bỏ được những khối u có kích thước lớn [chiếm tối đa 75% thể tích gan]

Thuyên tắc mạch máu nuôi khối u kết hợp bơm thuốc diệt khối u [TOCE hay TACE]. Đặc biệt hữu ích trong trường hợp khối u nằm ở vị trí khó phẫu thuật. Hiện nay, đây có thể là một bước điều trị trung gian trước khi phẫu thuật [khối u gan lớn] hoặc chờ ghép gan.

Hình minh họa: Phương pháp TOCE

Hóa trị liệu [Sorafenib]: Giúp làm chậm tiến triển của khối ung thư gan, tuy nhiên giá thành còn đắt, đáp ứng điều trị còn rất khác nhau tùy bệnh nhân, một số nghiên cứu cho thấy có thể kéo dài thời gian sống thêm khoảng 3 tháng, có một vài trường hợp [hiếm] thì bệnh nhân có đáp ứng tốt.

Cấy hạt vi cầu phóng xạ: Dành cho những trường hợp không thể phẫu thuật.Đây là một cải tiến của TOCE thông thường. Hạt vi cầu được gắn đồng vị phóng xạ Yttrium [Y-90] có kích thước 20-40 micromet được bơm trực tiếp vào các nhánh động mạch nuôi khối u, từ đó tiêu diệt các tế bào ung thư.

Ghép gan: Cắt bỏ toàn bộ gan bị bệnh [có khối ung thư], thay bằng một phần hoặc toàn bộ lá gan khỏe mạnh [của người hiến tặng].

Có thể sử dụng 1 phương pháp, hoặc phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Tùy theo giai đoạn bệnh, số lượng và kích thước khối ung thư gan mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Bác sĩ nào giúp bệnh nhân điều trị ung thư gan?

Hiện nay tại các bệnh viện lớn đều có đơn vị hoặc khoa chuyên điều trị cho những bệnh nhân ung thư gan [thường gọi là khoa U gan]. Người bệnh được chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất nhờ các buổi họp hội chẩn của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa: bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ngoại khoa chuyên điều trị u gan, bác sĩ nội khoa Gan Mật, chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ [dành cho những trường hợp bệnh nặng giai đoạn cuối].

Sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ của các chuyên gia giúp cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Phẫu thuật có phải là phương pháp tốt nhất để điều trị ung thư gan ?

Phẫu thuật để cắt bỏ hoàn toàn khối ung thư gan là phương án được cọi là tốt nhất trong điều trị u gan. Tuy nhiên, hiện nay, nếu phát hiện ung thư gan thật sớm [khi chỉ có 1-2 khối u với kích thước còn nhỏ] thì hiệu quả của các phương pháp đốt khối u [RFA, MWA] cũng rất tốt trong việc tiêu hủy khối u gan. Ghép gan cũng là một cách điều trị để loại bỏ hoàn toàn ung thư gan [nếu ung thư chưa di căn].

Điều trị ung thư gan giai đoạn muộn như thế nào?

Có rất nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư gan ở giai đoạn đã muộn [do không có triệu chứng nên để bệnh diễn tiến âm thầm nhiều năm]. Các phương pháp cấy hạt phóng xạ, hóa trị liệu [Sorafenib] thường chỉ giúp làm chậm tiến triển của ung thư, kéo dài thời gian sống.

Ghép gan có thể áp dụng nếu chưa có di căn, chưa có xâm lấn mạch máu [huyết khối tĩnh mạch cửa]. Tuy nhiên chi phí còn đắt đỏ, và quan trọng là nguồn gan cho [hiến tạng] ở nước ta còn rất hiếm.

Đối với những trường hợp ung thư gan giai đoạn cuối, điều trị chủ yếu là nâng đỡ cơ thể, giảm triệu chứng [đặc biệt là giảm đau] để kéo dài thời gian sống, và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Điều này được thực hiện nhờ công tác chăm sóc điều dưỡng tốt, bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ.

Phòng ngừa ung thư gan như thế nào ?

Cần chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan virus B, C để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời

Cần tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B, đặc biệt là cho tất cả trẻ em sơ sinh theo chương trình tiêm chủng quốc gia

Cần tái khám và tầm soát định kì [3-6 tháng một lần] đối với những người đã bị viêm gan mạn tính [viêm gan virus B, C] hoặc xơ gan.

Bệnh nhân viêm gan C mạn cần điều trị tiệt trừ virus viêm gan C [đọc thêm bài Thắc mắc thường gặp về viêm gan C]

Bệnh nhân viêm gan B cần theo dõi và điều trị bằng thuốc kháng virus khi cần thiết [đọc thêm bài Thắc mắc thường gặp về viêm gan B]

Bệnh nhân mắc các bệnh viêm gan mạn tính khác [ ví dụ bệnh Wilson, bệnh tích lũy sắt, bệnh viêm gan tự miễn, ] đều cần được điều trị bằng các phác đồ đặc biệt theo đúng nguyên nhân.

Hạn chế rượu bia. Tất cả các bệnh nhân bị viêm gan mạn tính [đặc biệt bệnh nhân viêm gan do rượu] cần phải tuyệt đối kiêng cữ rượu bia.

Nguồn tin : [Copyright@ Hội Gan Mật TP HCM]


Video liên quan

Chủ Đề