Những vấn đề chính của giáo dục tiểu học ở Việt Nam

Tài liệu trích chọn từ các bài viết truy cập trên mạng trong hai năm 2003 - 2004

Xin cảm ơn sự đóng góp công sức và trí tuệ của

các chuyên gia, trí thức, các nhà giáo, các nhà báo

và của mọi người có tâm huyết đối với nền giáo dục của đất nước.

Xin mọi người có sự thông cảm về những thiếu sót vì đã  không trích đăng

được tất cả những ý kiến quý giá do chưa truy cập được đầy đủ.

Trong tài liệu này có nhiều ý kiến trái ngược nhau; chúng tôi 

chỉ trích lọc nhưng vẫn dành cho các nhà quản lý giáo dục trách nhiệm

chọn lọc những ý kiến có giá trị nhất để áp dụng cho công cuộc

cải cách giáo dục trong thời gian tới.

Lời nói đầu

Nền giáo dục của Việt Nam đã từng có những thành tích quan trọng, không những trong giai đoạn chiến tranh, mà cả trong một thời gian đất nước xây dựng trong hoà bình. Tuy nhiên, những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam đi vào khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Tất cả những ai nặng lòng với tương lai của đất nước đều rất lo lắng vì những vấn đề bất cập của giáo dục và những vấn đề nổi cộm trong nhiều năm không những không giải quyết được mà ngày càng trầm trọng hơn.

Để giúp cho những nhà quản lý giáo dục Việt Nam có điều kiện nhìn rõ hơn về hiện trạng, hiểu rõ hơn về nguyên nhân của các vấn đề giáo dục hiện nay, và chọn lựa được những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như xây dựng hướng đi vững chắc cho tương lai, chúng tôi nghĩ rằng xây dựng một tập tài liệu trích lọc các bài viết của các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo, các nhà báo và của mọi người có tâm huyết đã thường xuyên trăn trở về vấn đền này, có thể là một công việc làm cần thiết và hữu ích.

Tập tài liệu này được thực hiện theo từng giai đoạn 2 năm, trong những năm gần đây nhất. Tài liệu gồm ba phần:

I. Thực trạng của ngành giáo dục;

II. Phân tích các vấn đề;

III. Những đề nghị, kiến nghị về giải pháp.

Trong mỗi phần, chúng tôi chia thành 6 mục:

1.      Những vấn đề chung;

2.      Những vấn đề nổi cộm hiện nay;

3.      Vấn đề tài chính và quản lý nhà nước về giáo dục;

4.      Về hệ thống giáo dục;

5.      Về phương pháp đào tạo;

6.      Về chất lượng giáo dục.

Trong mỗi mục, chúng tôi chọn lựa và trích lọc một số đoạn văn, tài liệu và sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý, để người đọc có thể dễ dàng nghiên cứu. Các đoạn văn, các tài liệu trích lọc được gán cho một tiêu đề để có thể tìm thấy trong Bảng Mục lục ở đầu tài liệu. Do thời gian quá cấp bách, chúng tôi chưa viết được phần tổng hợp cho các ý kiến đã trích dẫn. Sau này, khi thời gian bớt cập rập, chúng tôi sẽ bổ sung phần tổng hợp cho mỗi mục. Chúng tôi hy vọng tài liệu này sẽ phục vụ kịp thời cho các nhà quản lý giáo dục cũng như những nhà nghiên cứu về giáo dục hiện nay.

Trần Hà Anh

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM - kỳ 2

  • I. Thực trạng của ngành giáo dục
  • I.1. Những vấn đề chung

    Đầu tư cho giáo dục quá tràn lan

    … “Buổi sáng nay, tôi có tranh thủ nghe ông Nguyễn Minh Hiển đọc báo cáo trước Quốc hội. Có vấn đề là ông Hiển vẫn chưa giải thích được nguyên nhân vì sao hàng năm ngân sách đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng nhưng hiệu quả giáo dục thì... chưa được như mong muốn!

    Có lẽ với thực trạng giáo dục hiện nay, Việt Nam chúng ta còn lâu mới bắt kịp được nền giáo dục đào tạo thế giới, thậm chí là một vài nước trong khu vực. Điều tôi băn khoăn là: đầu tư cho giáo dục hiện nay quá tràn lan, không có trọng điểm. Chẳng hạn đầu tư nhiều tiền vào cải tiến sách giáo khoa, nhưng vẫn sai sót, tụt hậu. Đầu tư vào xây dựng cơ bản nhưng trường lớp vẫn xuống cấp…tiêu cực trong đầu tư vẫn còn, v.v...

    Ngoài ra, tôi còn băn khoăn là hiện nay chủ trương xã hội hóa giáo dục [huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển giáo dục] làm chưa được như mong muốn. Số lượng các trường dân lập, tư thục – sau nhiều năm khuyến khích - vẫn chưa nhiều và chất lượng đào tạo cũng rất khác nhau. Tôi có đứa cháu học ở trường ĐH dân lập M, tốt nghiệp loại khá nhưng hai năm rồi vẫn chưa xin được việc làm, nhiều người bạn của cháu cũng vậy. Có phải xã hội còn “dị ứng” với đào tạo dân lập, hay chất lượng đào tạo của lọai hình trường lớp này có “vấn đề”?!”

    [Nguyễn Thanh Hoàng - Q.10, TPHCM]

    Thử lượng hoá thành tựu

    … “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, giáo dục đã đạt được trình độ phát triển mới. Việt Nam đã đạt chuẩn về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, bắt đầu phổ cập trung học cơ sở trong các thành phố và tỉnh. Nhà nước đã dành đầu tư thích đáng là 15% cho giáo dục đúng như Nghị quyết Trung ương 2 đã đề ra. Cơ sở vật chất cho giáo dục đã được tăng cường. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng cũng đã phát triển. Hệ thống các trường đào tạo nghề, trường sư phạm được củng cố. Các trường dân tộc nội trú được mở rộng, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đi học. Đội ngũ nhà giáo lớn mạnh hơn. Trong toàn bộ xã hội, sự quan tâm đến giáo dục ngày càng rõ nét hơn.”

    [Mùa thu hoạch này ước gì cho mùa gặt sau? - NetNam – PV]

    Những yếu kém bất cập

    Trong quá trình thực hiện, giáo dục cũng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc. Quy mô, số lượng học sinh tiểu học, THCS dần dần ổn định nhưng sức ép số lượng ở cấp THPT và đại học còn rất lớn do khả năng phân luồng học sinh hạn chế; sự phát triển kinh tế và nhu cầu nguồn nhân lực không đồng đều ở các vùng miền cho nên có nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm; phát triển các trường lớp ngoài công lập, phi chính quy, dạy thêm học thêm... chưa theo quy hoạch và thiếu quản lý chặt chẽ dẫn đến giảm sút chất lượng, có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân và xã hội; xuất hiện sự mất cân đối, mâu thuẫn, không hài hòa, chưa tương xứng giữa quy mô, chất lượng và điều kiện đáp ứng của nền kinh tế trong khi công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt hiệu quả mong muốn.

    Học sinh có xu hướng học lệch, học tủ, phụ huynh muốn con em học thêm nhiều vì mục tiêu trước mắt, chạy theo những bộ môn khoa học tự nhiên, coi nhẹ các bộ môn khoa học xã hội và những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chạy theo những ngành nghề dễ kiếm việc làm, sớm có thu nhập và thu nhập cao... Vì vậy, khả năng phân luồng và định hướng nghề nghiệp kém hiệu quả. Nội dung kiến thức phổ thông có phần quá tải, nặng lý thuyết kinh viện, thiếu thực hành ứng dụng; thời lượng học trên lớp và làm bài tập ở nhà quá nhiều, học sinh thiếu thời gian để rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí và ứng dụng vào thực tế những điều đã học, ít có điều kiện hòa nhập cuộc sống cộng đồng, xã hội. Chất lượng giáo dục phổ thông chỉ có thể đánh giá chủ yếu trên kết quả xếp loại, kết quả thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào CÐ, ÐH; thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong khi đó hình thức thi cử, kiểm tra đánh giá còn nặng nề, chú trọng đầu vào, thả lỏng đầu ra, chưa theo một quy trình chặt chẽ nghiêm túc, khoa học, khách quan cho nên trong một số trường hợp cho ta một số kết quả theo lối chạy theo thành tích, chưa đánh giá đúng thực tế chất lượng học sinh.

    Kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông chỉ theo những tiêu chí chung, chưa chú ý đặc điểm vùng, miền, điều kiện kinh tế - xã hội, quan điểm chỉ đạo, khả năng tổ chức thực hiện, nhất là chưa nắm bắt được thông tin chính xác, hệ thống về thành quả đạt được sau khi tốt nghiệp, bước vào cuộc sống. Những tác động khách quan của giáo dục gia đình và tâm lý xã hội cũng góp phần gây nhiễu trong việc xác định và đánh giá chất lượng giáo dục.

    Những nhân tố liên quan chất lượng giáo dục đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu như: chương trình, sách giáo khoa chậm đổi mới; giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu; cơ sở vật chất trường lớp, sách thiết bị còn thiếu thốn, chưa kiên cố, chuẩn hóa và hiện đại hóa; công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục còn bất cập; nguồn lực và động lực cho giáo dục phát triển hạn chế, chủ yếu là sự đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục kém hiệu quả và chưa thật sự đi vào cuộc sống.” [Giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển quy mô và bảo đảm chất lượng - Nhà giáo Ưu tú, TS. HOÀNG HUY LẬP - Giám đốc Sở GD-ÐT Thừa Thiên - Huế]

    I.2. Những vấn đề nổi cộm hiện nay

    Tính gian dối tràn ngập ngành giáo dục

    … “Quả thật gian dối là một biểu hiện của vô đạo đức. Đáng lý ngành giáo dục phải nêu một tấm gương về việc chống lại thói gian dối đang ngày càng thâm nhập vào mọi mặt của xã hội ta, nhưng hình như nó bất lực! Một chỉ thị của cấp tỉnh để chỉ đạo tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh phổ thông trong tỉnh là điều không hiếm có, mà trong trường hợp đó, Giám đốc sở giáo dục không thể không nghe. Cũng không ít thư tay của các quan chức gửi hiệu trưởng đề nghị chiếu cố em này em khác... và hiệu trưởng cũng không thể không "nghiên cứu cẩn thận"... Đó là cơ chế hiện nay dạy người ta nói dối! Lecmôntốp đã nói rất hay, đại ý: Lúc nhỏ tôi chỉ nói thật, nhưng nói thật không ai nghe thành ra phải nói dối.”

    [Đạo đức thầy cô không xuống cấp - Giáo sư Văn Như Cương]

    Ảnh: Minh họa

    Có nơi, lò luyện thi giảm 80%

    Với cách ra đề thi như năm nay, việc luyện thi ở các lò không còn tác dụng, có nơi giảm 80%, 60%... Dần dần, thí sinh không nên đến các lò luyện thi mà chỉ cần học trong chương trình bởi đề thi vừa sức học sinh, nằm trong chương trình và đảm bảo sự phân hoá [40% cán bộ ra đề thi là giáo viên phổ thông và 60% là giáo viên ĐH trên toàn quốc đại diện các vùng miền].

     Kỳ thi ĐH năm nay, có trên 2.300 thí sinh bị điểm 0 cả ba môn [ít hơn năm ngoái] và có 39 học sinh thi đạt 30/30 [nhiều hơn năm ngoái]. Việc cải tiến tuyển sinh tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh nhìn nhận đúng thực lực con em mình. Với công tác cải tiến, việc phân luồng học sinh là rất tốt và cần thiết, ví như ĐH Bách khoa Hà Nội ba năm trước có tỷ lệ "chọi" là 7,7 nhưng vừa qua chỉ còn 2,4; hay việc tổ chức thi vào ngày thứ bảy và chủ nhật đã giúp tránh sự ách tắc giao thông ở TP.HCM và Hà Nội... 

    [Ngô Kim Khôi Vụ phó Vụ ĐH và Sau ĐH ]

    Cải tiến đề thi, nhưng chưa thật hay

    … “Trước hết, đó là năm nay, việc tổ chức thi cử do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cơ quan chuyên lo việc thi cử của Bộ Giáo dục và Ðào tạo mới được thành lập, chịu trách nhiệm chính, có sự phối hợp của các vụ chức năng, trong đó tổ chức ra đề thi là một công việc lớn. Các đề thi phải đạt được ba yêu cầu:

    1- Bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cả quá trình từ lúc ra đề thi, in sao đề thi, vận chuyển đề thi đến tận giờ phát đề thi cho từng thí sinh.

    2- Ðề thi nằm trong chương trình [lớp 12], tuyệt đối chính xác, tường minh về chuyên môn, không sai sót.

    3- Bảo đảm yêu cầu đổi mới, vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản, kỹ năng vận dụng của học sinh, chống cách học vẹt, học tủ, học thuộc mà không hiểu.

    Một điểm mới nữa trong việc ra đề thi là năm nay, từng môn thi đều có bộ phận phản biện, tránh tình trạng sai sót, hoặc phải đính chính, hoặc để thí sinh phải hỏi lại về đề như trước đây.

    Ðến thời điểm này, hai yêu cầu trên của đề thi đã đạt được. Các đề thi sao in rõ ràng, không sai sót, không phải đính chính, bảo đảm an toàn, bí mật. Riêng có một số thông tin về rò rỉ đề thi ở nơi này, nơi khác mà báo chí đã đặt câu hỏi tại cuộc họp báo tối 4-6, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi, chỉ có thể nói sẽ điều tra xem xét về thông tin này, khi làm việc với cơ quan chức năng và địa phương đó, chưa thể khẳng định rõ ràng điều gì.

    Còn về yêu cầu đổi mới [thực chất là cải tiến] cách ra đề thi, theo ý kiến của giới chuyên môn, và học sinh ở cơ sở, đề thi Toán ra khá chuẩn, đề thi Hóa, đề thi Văn... đều ít nhiều cập nhật yêu cầu cải tiến. Riêng đề Hóa, cần rút kinh nghiệm ở cách trình bày, bố cục sao cho khoa học hơn, vì nếu không, học sinh có thể sẽ nhầm, không làm bài tập bắt buộc [do xếp sau hai câu hỏi lý thuyết - yêu cầu chọn một] khiến một số nơi các giám thị coi thi nguyên là giáo viên Hóa, khi phát hiện ra, đã phải lưu ý thí sinh tránh thiệt thòi cho các em.

    Tuy nhiên, có thể đây là năm đầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng tổ chức ra đề thi, mọi việc còn khá mới mẻ, việc chọn đề thi cần bảo đảm "an toàn" cho dù chưa thật hay theo yêu cầu đổi mới.

    Cũng có thể các đề thi năm nay tuy có cải tiến, nhưng lại chưa đủ độ như yêu cầu, chưa thật hay hoặc Bộ Giáo dục và Ðào tạo, do lưu ý trước yêu cầu của một số địa phương tại hội nghị tổng kết thi năm ngoái về độ đồng đều trong cách ra đề giữa các môn thi, mà tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo thận trọng khi nhận xét về chất lượng các đề thi, cho rằng, chỉ có thể đánh giá chính xác sau chấm thi, dựa trên cách làm bài của thí sinh.

    Cũng có thể, tuy chủ trương đổi mới cách ra đề thi là chủ trương đúng đắn, hay, nhưng với cách dạy - cách học thụ động khô cứng thầy đọc - trò chép phổ biến như hiện nay, thì kết quả làm bài không thể cao. Vì thế, năm nay, không có đề thi nào có sức hấp dẫn, gây sự chú ý như đề thi Toán, rồi Vật lý hai năm trước đây.

    Dù sao, phải khẳng định rằng đổi mới cách ra đề là chủ trương cần thiết, đúng đắn, ngành giáo dục và đào tạo cần kiên trì mục tiêu này, bởi nó góp phần tích cực điều chỉnh và đổi mới cách dạy - cách học của thầy trò các trường.”

    [Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT:Những câu hỏi qua một kỳ thi - TÔ VƯƠNG và KIM DUNG]

    Nhiều Hội đồng thi THCS để lọt đề ra ngoài 

    … “Sáng 26/5, tại Hội đồng thi tốt nghiệp THCS trường Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà [tỉnh Hà Tĩnh], đề thi môn Toán đã bị lọt ra ngoài. Gần 200 người đã tìm cách ném bài giải vào phòng thi. […] Người nhà thí sinh đã leo lên tầng hai của trường để ném bài giải. Một số người còn ném đá vỡ cả cửa kính phòng thi để ném bài giải vào. Công an địa phương phải can thiệp giải quyết và bắt giữ 5 người. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THCS, Hà Tĩnh có 4 giám thị vi phạm quy chế thi, 24 thí sinh bị đình chỉ thi do quay cóp.

    Tại Quảng Nam, chỉ 15 phút sau khi học sinh làm bài, đề thi Toán đã “có mặt” tại nhiều điểm photocopy ở thị xã Tam Kỳ. Tại Hội đồng thi tại trường Lý Tự Trọng [thị xã Tam Kỳ], hàng trăm người đã tụ tập trước cổng trường, nhiều người đã ném đá làm vỡ cửa kính một số phòng thi. Tại Hội đồng thi Lê Quý Đôn [huyện Duy Xuyên] cũng xảy ra tình trạng tương tự.

    Một số Hội đồng thi ở Quảng Bình cũng rất lộn xộn. Buổi thi môn toán sáng 26/5, chưa đầy 15 phút, tại các địa điểm thi ở xã Cảnh Dương, xã Cảnh Từng [huyện Quảng Trạch] và xã Thanh Trạch, xã Hải Trạch [huyện Bố Trạch] đề thi đã được đưa ra ngoài để giải. Hàng trăm người vây kín các địa điểm thi tìm cách đưa bài giải vào phòng thi. Trước tình hình phức tạp trên, tỉnh Quảng Bình phải tăng cường lực lượng bảo vệ cho các điểm thi .

    Tại Quảng Ngãi, sáng 26/5, môn Toán mới bắt đầu 20 phút, các Hội đồng thi tại trường THCS Quảng Phú, Trần Phú, Nghĩa Dõng, Chánh Lộ [thị xã Quảng Ngãi] đã bị lọt đề ra ngoài. Nhiều phụ huynh tụ tập giải đề thi và leo tường xông vào phòng thi để đưa tài liệu. Ở Trường THCS Nghĩa Dõng, hàng trăm phụ huynh tụ tập vây quanh các bức tường. Phụ huynh và trẻ em xông vào phòng thi bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ.

    Sáng nay, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục [đơn vị chịu trách nhiệm về kỳ thi THCS] cho biết, trong bản báo cáo chiều qua, các tỉnh trên đều báo cáo tình hình an toàn, không có sự cố. Chiều nay, các địa phương trên phải gửi báo cáo tình hình vi phạm về Bộ GD&ĐT. Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới nhận được báo cáo của hơn 40 tỉnh, thành. Nhiều địa phương có điều kiện liên lạc thuận lợi như Hải Phòng, Hải Dương nhưng vẫn chưa chịu báo cáo công tác tổ chức thi tốt nghiệp THCS. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 16h30' hôm qua, các địa phương phải gửi báo cáo.

    Cũng trong sáng nay, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng cho biết, tại Hội đồng thi Trần Cao Vân, thành phố Huế đã phát hiện 1 trường hợp thi hộ. Thí sinh nhờ người thi hộ là Nguyễn Văn Bảo Phước, sinh ngày 18/12/1988. Phước đã nhờ thí sinh Nguyễn Như Đài dự thi hộ môn Văn. Đài đã bị giám thị phát hiện khi đến dự thi và ngay lập tức bị lập biên bản, đình chỉ thi. Hiện nay, Nguyễn Như Đài đã được chuyển tới công an phường Thuận Hoà [TP Huế] giải quyết.”

    [X.H. tổng hợp]

    Dihoc.com.vn


    Video liên quan

    Chủ Đề