Ổ dịch hải dương cơ bản được kiểm soát

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 19/2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

12/13 tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về diễn biến dịch bệnh trong cả nước và tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính đến trưa nay [19/2] trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận thêm 7 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trong đợt này tại tỉnh là 582 trường hợp tại 12/12 huyện, thành phố [tại Hải Dương có 5 ổ dịch lớn tại Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương]; trong những ngày Tết, các trường hợp mắc mới được ghi nhận ở địa phương này chủ yếu ở trong khu cách ly tập trung, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Nhận định tình hình chung, Bộ Y tế cho rằng, trong Việt Nam 13 tỉnh thành phố đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thì tình hình dịch bệnh tại 12 tỉnh, thành phố đã được kiểm soát [trừ tỉnh Hải Dương]. Tại tỉnh Hải Dương tình hình dịch bệnh cũng chỉ còn phức tạp ở huyện Cẩm Giàng.

Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng của 13 tỉnh, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực, cố gắng phòng chống dịch, nhiều anh em không có Tết, làm việc không kể ngày đêm. Đến nay, 12/13 tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trừ tỉnh Hải Dương vẫn cần tiếp tục tập trung.

Hải Dương thực hiện “phong tỏa trong phong tỏa”

 Nhận định tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TW Trần Như Dương cho biết, dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương vào ngày 27/1, đến nay ghi nhận tổng số 578 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại 2 ổ dịch lớn: Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam [có địa chỉ ở Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh]; huyện Cẩm Giàng.

Ngay từ đầu, ổ dịch Công ty POYUN đã được “đóng băng, khoá chặt”. Toàn bộ công nhân của công ty đã được đưa đi cách ly ngay trong đêm, ngày hôm sau đã cách ly xã hội TP Chí Linh. Những ngày gần đây các ca nhiễm mới ở TP. Chí Linh đều là các trường hợp F1, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đáng chú ý, nguồn lây nhiễm ở huyện Cẩm Giàng chưa được làm sáng tỏ. Ngay khi phát hiện 10 ca mắc COVID-19 vào ngày 5/2, xét thấy tính chất phức tạp của vùng dịch, tỉnh Hải Dương nhanh chóng quyết định phong tỏa Cẩm Giàng để chống dịch, đồng thời giúp giảm nguy cơ lớn cho các địa phương khác trong cả nước.

“Tất cả các điểm nóng dịch tễ đều được phong tỏa chặt, có nghĩa Hải Dương đang thực hiện ‘phong tỏa trong phong tỏa’ tại huyện Cẩm Giàng và một số điểm”- PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh; đồng thời cho biết, trên tinh thần xác định, Cẩm Giàng là “điểm dịch nóng, phức tạp”, toàn tỉnh Hải Dương đang tập trung toàn lực lượng để dập dịch tại đây.

Nhận định vùng dịch đáng chú ý tại TP Hải Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: “Đây không phải trọng điểm dịch, không phải là ổ dịch lớn nhưng cần thiết phải theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình sát sao trong những ngày tới, tuyệt đối không được chủ quan”.

Từ 2 ổ dịch lớn tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng đã làm làm liên quan dịch tễ đến 10 huyện khác trong tỉnh với các mức độ khác nhau, tùy theo vị trí giáp ranh với 2 ổ dịch [huyện Gia Lộc phát hiện 1 ca, huyện Thanh Miện 1 ca, Tứ Kỳ 1 ca, Thanh Hà 3 ca, Kim Thành 5 ca, huyện Nam Sách 29 ca, huyện Kinh Môn 64 ca…]. Trước quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội toàn tỉnh Hải Dương theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16/2.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế báo cáo trực tuyến với Ban Chỉ đạo.             Ảnh: VGP/Đình Nam

“Chúng tôi cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, kịp thời. Chống dịch ở Hải Dương không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà còn giữ an toàn cho cả nước”- PGS.TS Trần Như Dương nêu rõ.

Đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt chống dịch của đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương tăng cường năng lực xét nghiệm, từ 600-1.000 mẫu/ngày lên 30.000 mẫu/ngày; truy vết, cách ly tập trung hơn 14.000 người trong 24 ngày; lấy mẫu xét nghiệm 162.488 mẫu…

Theo PGS.TS Trần Như Dương: “Các lực lượng chống dịch tại Hải Dương, từ trên xuống dưới, đều gồng mình chống dịch, không ngừng nghỉ, dù rất mệt mỏi. Tỉnh đã truy vết, cách ly tổng cộng trên 14.000 F1 để tách nguồn lây khỏi cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm trên 160.000 mẫu, gần đây đều lấy trên 10.000 mẫu/ngày,… Đó là một sự nỗ lực rất lớn”.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cách ly khẩn cấp cho khoảng 2.500 người trong đêm. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc tổ chức cách ly trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thời gian đầu điều kiện cách ly tập trung còn khó khăn, biến thể mới lây lan nhanh nên việc lây nhiễm trong khu cách ly là có khả năng xảy ra, nhưng quan trọng là chúng ta đã khoanh được.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh tại TP Chí Linh hoàn toàn được kiểm soát, ổ dịch ở Cẩm Giàng cơ bản được kiểm soát, còn TP. Hải Dương cần tiếp tục theo dõi.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương lý giải: Những ngày gần đây, số ca dương tính phát sinh thêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát sinh từ nguồn F1 [đều đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng], số này chiếm 95%; chưa đầy 5% còn lại là các ca được phát hiện trong khu vực phong toả [cũng đã được khoanh vùng và triển khai xét nghiệm diện rộng]; chỉ có 3 ca là phát hiện qua giám sát trong cộng đồng và cũng đã được khoanh vùng.

Quy định rõ ổ dịch, vùng dịch, không “ngăn sông, cấm chợ”

Đáng chú ý, trong đợt dịch này, dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hoá [kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng] cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh;…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hoá, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”. Việc vận chuyển hàng hoá vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn [trừ hàng hoá thiết yếu]. Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hoá đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…

“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lưu thông hàng hoá, nông sản tại Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế,… vì vậy cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản”- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị.  

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Chính phủ chiều ngày 19/2      Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng cần phải nhận thức đúng để thông tin đúng đắn về tình hình dịch bệnh ở Hải Dương. Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, cũng không được thổi phồng lên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.

Ghi nhận các ý kiến phản ánh của địa phương, cơ quan quản lý và quan điểm của chuyên gia, Ban Chỉ đạo cho rằng về những bất cập trong lưu thông hàng hoá từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch. Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để tránh tình trạng ngăn sông, cấm chợ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Thái Bình

Nguồn: //suckhoedoisong.vn/chong-dich-covid-19-o-hai-duong-khong-chi-giu-an-toan-cho-tinh-ma-con-cho-ca-nuoc-n187055.html

Hải Dương sau 15 ngày căng mình chống dịch: Đã kiểm soát được tình hình

[ĐCSVN] – Ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 27/1, Hải Dương đã chủ động, quyết liệt, đi đúng hướng trong xử lý ổ dịch tại Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam ở khu công nghiệp Cộng Hòa [TP Chí Linh]. Nhờ đó đến nay, tình hình dịch được kiểm soát.

Hình ảnh lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm, kiểm tra, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch là hình ảnh quen thuộc trong thời gian này.

Đã cơ bản “quây” được các ổ dịch

Các chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, những người đã về giúp Hải Dương từ ngày đầu có dịch đến nay, cho biết tất cả các nguồn lây bệnh từ ổ dịch ở Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam đã được quây chặt, không còn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Chiều 10/2 [tức 29 Tết], tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND TPHCM và UBND tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá công tác chống dịch ở Hải Dương đang đi đúng hướng, đã kiểm soát được tình hình.

Tình hình dịch bệnh của Hải Dương đã được kiểm soát khá tốt. Cụ thể, ổ dịch ở TP.Chí Linh đã được kiểm soát hoàn toàn. Tình hình ở Cẩm Giàng, Kinh Môn cơ bản đến nay cũng đã kiểm soát tình hình. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở trong khu cách ly tập trung, không lây ra cộng đồng.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Hải Dương 2 việc. Thứ nhất, đối với người hết thời hạn cách ly tập trung, khi về cách ly tại nhà phải được giám sát y tế chặt chẽ.

Các địa phương phải quản lý chặt địa điểm đông người. Người dân phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá công tác chống dịch ở Hải Dương đang đi đúng hướng, đã kiểm soát được tình hình.

Những ca phát hiện mới đều trong khu vực đã được khoanh vùng

Trong những ngày qua, những ca dương tính với Hải Dương ghi nhận trên địa bàn đều đã được cách ly tập trung, do đó công tác khoanh vùng được xác định nhanh chóng để dành thế chủ động trong công tác phòng, chống COVID-19.

Tính đến 6 giờ 30 ngày 11/2, toàn tỉnh có tổng số 356 ca mắc COVID - 19, các ca mắc mới phát sinh những ngày gần đây chủ yếu từ ổ dịch Chí Linh và đây đa phần là những trường hợp đã được cách ly tập trung, được kiểm soát chặt chẽ nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Từ khi phát hiện các ca bệnh mới xuất hiện trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, tỉnh nhận định mức độ phức tạp qua khai thác dịch tễ của các ca bệnh nên đã quyết định phong toả, cách ly toàn bộ huyện Cẩm Giàng, triển khai mô hình phong toả trong phong toả như đã áp dụng tại Chí Linh để “khoá chặt” các nguồn lây, giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Chống dịch không ngừng, không nghỉ

Ghi nhận của phóng viên trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ngày 29, 30 Tết, lịch của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương vẫn dày đặc các điểm đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Các sở, ban, ngành liên quan cũng có lịch trực 24/24. Toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa phương có các ca dương tính với COVID-19 đều đang căng mình chống dịch.

Tinh thần chống dịch không ngừng, không nghỉ được tất cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương thực hiện trong những ngày này.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Chí Linh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và đồng chí Bí thư Thành ủy Chí Linh đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho phép trở về địa phương để kịp thời chỉ đạo chống dịch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã có những buổi họp trực tuyến từ Hà Nội để chỉ đạo hằng ngày.

Chỉ trong 1 đêm khi quyết định phong tỏa, 938 tổ chống COVID-19 cộng đồng tại TP Chí Linh được thiết lập với gần 2000 thành viên. Họ là các cán bộ tổ khu, dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố, đoàn thanh niên... đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà soát, trao đổi, phổ biến yêu cầu chống dịch.

Tinh thần chống dịch không ngừng, không nghỉ được thực hiện và duy trì cho tới nay khi cái Tết cận kề.

Vừa lo phòng, chống, vừa lo cho người dân vùng dịch nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung có một cái Tết an toàn là áp lực lớn dồn lên vai các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong thời gian này. Do đó, việc nhận định đúng tình hình để khoanh vùng chính xác là yêu cầu cao nhất để người dân các vùng chung quanh được đi lại mua sắm, đón Tết an toàn.

Tại các điểm chốt chặn, lực lượng công an tỉnh Hải Dương đã chia quân ngày đêm thực hiện nhiệm vụ. Theo Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, không quản ngày đêm, bất chấp thời tiết để cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19. Theo sự phân công của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã ứng trực 100% quân số, sẵn sàng làm nhiệm vụ tại các vùng có dịch, chủ động xác minh truy vết các trường hợp F1, F2, vận động nhân dân chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, phối hợp đưa các trường hợp F1 đi cách lý tại các trung tâm theo quy định.

Ngoài làm nhiệm vụ tại đây, Lực lượng Công an còn hỗ trợ người dân trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, đồng thời vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt phần mềm Bluezone để kịp thời cảnh báo các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm khi tiếp xúc gần.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Tuấn Hưng, Trưởng Công an Thành phố Hải Dương, trong dịp Tết này, nhiều đồng chí không được về nhà đón Tết, nhất là những đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ tại các chốt chặn, các điểm khoanh vùng khi hết nhiệm vụ cũng vẫn phải thực hiện xét nghiệm và cách ly cho tới khi nào đủ điều kiện mới được trở lại công việc bình thường và về nhà. Tuy nhiên, chúng tôi đều xác định rõ nhiệm vụ được giao trong giai đoạn đặc biệt này và động viên cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại các điểm phát hiện có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, lực lượng y tế tiến hành phun thuốc, khử trùng tất cả các khu vực nơi ở, nơi làm việc, nơi mà bệnh nhân đã từng đến, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngày đêm truy vết các F để phân loại cách ly.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật [CDC] tỉnh Hải Dương, toàn bộ cán bộ tốc lực ngày đêm thực hiện xét nghiệm mẫu và trả kết quả theo yêu cầu “thần tốc”, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Theo CDC Hải Dương, từ ngày 7/2 đến nay, đơn vị đã thực hiện được việc xét nghiệm mẫu và trả kết quả trong ngày. Ngày 10/2, đơn vị đã xét nghiệm, trả kết quả được trên 6.726 trường hợp; có 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 12 trường hợp đã cách ly, không có khả năng lây ra cộng đồng.

Tại Bệnh viện dã chiến số 2 đang điều trị cho 137 bệnh nhân, theo chia sẻ của các chuyên gia y tế và các bác sỹ, hầu như mọi người đều quên đi khái niệm về thời gian để dồn sức điều trị và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho chính mình cùng các sinh viên và các lực lượng chức năng được phân công thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương – nơi được thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 cũng huy động 100% lực lượng để cùng vào cuộc. Nhà trường đã kêu gọi trên 500 sinh viên của trường phát huy tinh thần xung kích, hỗ trợ tỉnh trong công tác lấy mẫu xét nghiệm…

Chạy đua dành thế chủ động để khoanh vùng, dập dịch

Chia sẻ với chúng tôi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, trước sự nguy hiểm, phức tạp, khó lường của dịch bệnh, công tác chống dịch COVID-19 được tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị số một hiện nay. Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát và có ca nhiễm đầu tiên ở tại TP Chí Linh, chúng tôi đã chỉ đạo rất kịp thời, quyết liệt, thần tốc với nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế.

Tùy theo mức độ phức tạp của dịch bệnh mà chúng tôi quyết định các giải pháp phù hợp, với phương châm: truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, phong tỏa cách ly y tế thật gọn để ảnh hưởng ít nhất tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Niềm vui vỡ òa khi các bệnh nhân khỏỉ bệnh.

Trong đó, yếu tố tốc độ xử lý các công việc đóng vai trò quyết định vì loại virus biến thể ở Anh lần này lây lan với tốc độ rất nhanh. “Nếu chúng ta không chạy đua với tốc độ của virus thì việc dập dịch sẽ thất bại.” – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ.

Để thần tốc tìm ra những người có liên quan đến các ca nhiễm, chúng tôi đã sử dụng biện pháp truy vết thần tốc bằng công nghệ rất hiệu quả.

Với phương châm “4 tại chỗ” tại các khu cách ly tập trung, khu vực phong toả và lực lượng phòng chống dịch bệnh, Hải Dương đã khẩn trương huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp… cùng linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhận diện sớm nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh, từ đó có những biện pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Quang Phúc, ngay từ khi phát hiện dịch bùng phát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó thống nhất kích hoạt hệ thống chính trị của tỉnh vào trạng thái khẩn cấp và mức độ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cao nhất với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: "Bình tĩnh, tự tin, chủ động, quyết liệt, thần tốc và 4 tại chỗ". Từ đó, chúng tôi nhất quá tư tưởng và chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch.

Công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng bệnh, không hoang mang lo lắng, nhưng không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều hình ảnh đẹp trong công tác phòng, chống dịch đã được phản ánh trên báo chí. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế việc đi thăm, chúc Tết nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021.

Niềm vui lớn nhất ngày cuối năm là sáng 11/2 [30 Tết], đã có thêm 27 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 đã được xuất viện. Đây là những tín hiệu đáng mừng, là những kết quả của sự nỗ lực, tận tụy ngày đêm của tập thể các y, bác sỹ, của sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chỉ còn vài giờ nữa là bước sang năm mới 2021, tỉnh Hải Dương vẫn đang trang thủ từng giờ để chống dịch. Một thử thách mới, áp lực mới với Đảng bộ và chính quyền tỉnh ngay từ những tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm và sự đoàn kết của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng, Hải Dương sẽ sớm vượt qua được khó khăn để thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa dập dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội./.

Hoa Hiền

Video liên quan

Chủ Đề