Ông ích khiêm là ai

Là người nhỏ tuổi nhất thi đỗ Hương tiến [cử nhân] thời nhà Nguyễn, Ông Ích Khiêm lập được công lớn khi đánh dẹp được nạn thổ phỉ hoành hành ở nhiều nơi. Tuy nhiên ông tính tình nóng nảy, nói năng làm tổn hại người khác, không tuân lênh thượng cấp nên bị thăng giáng thất thường. Cuối đời ông lấy bài học của mình để răn dạy con cháu.

[Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online]

Đỗ cử nhân khi mới chỉ 15 tuổi

Ông Ích Khiêm xuất thân là người miền núi ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đến tuổi đi học ông tới ở với chú mình là Ông Văn Trị, vừa chăn trâu nhổ cỏ vừa học, dù vất vả nhưng rất thông minh và chăm chỉ.

Khoa thi năm 1847 dười thời vua Thiệu Trị, Ông Ích Khiêm cùng chú mình vượt qua kỳ thi Đầu xứ ở địa phương. Cả hai chuẩn bị lều chõng đến trường ở Bình Định để tham dự kỳ thi Hương.

Ông Ích Khiêm năm ấy mới chỉ 15 tuổi. Chủ khảo trường thi năm ấy là Trạng Bồng Vũ Duy Thanh khi xem bài đã chấm đỗ với lời phê: “Bài này tuy lời văn không được chải chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế”. [Theo “Truyện hay nhớ mãi” của Thái Vũ]

Khi danh sách sĩ tử đỗ đạt trình lên, vua Thiệu Trị thấy có sĩ tử mới 15 tuổi thì cảm thấy lạ, liền cho người đưa Ông Ích Khiêm đến để thi ngay trước mặt vua. Đầu đề nhà vua đưa ra là “thiếu niên đăng cao khoa” có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Dù lần đầu vào triều, lại phải diện kiến và làm bài thi trước mặt nhà vua, cậu thiếu niên vẫn không hề sợ hãi.

Sự kiện này được ghi chép trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” như sau: “Ông Ích Khiêm đỗ hương tiến mới 15 tuổi. Vua Thiệu Trị cho mời vào điện cho thử lại bằng bài thơ lấy đầu đề là ‘Thiếu niên đăng cao khoa’. Bài làm của ông được vua ban khen”

Đỗ cử nhân, Ông Ích Khiêm được cử làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Cách chọn vợ lạ đời

Ông Ích Khiêm đỗ Hương tiến khi mới 15 tuổi, là người nhỏ tuổi nhất thi đỗ cử nhân thời nhà Nguyễn, nên rất nổi tiếng. Nhiều người vai vế có ý định gả con gái, trong đó có ông Tú Quyết họ Tr­ương ở làng Châu Lâu, Điện Bàn.

Ông Tú Quyết có hai cô con gái, nhưng Ông Ích Khiêm lại muốn xem mặt và tính tình trước mới quyết định. Vốn tinh nghịch nên Ích Khiêm quyết định vào làng Châu Lâu, cố ý vào bẻ trộm vườn mía nhà ông Tú Quyết, để đám tuần phu bắt được dẫn vào trong nhà, hôm sau giải lên cho quan xét xử.

Hai cô con gái ông Tú Quyết cũng tò mò muốn xem kẻ nào dám to gan đột nhập vào vườn mía. Cô chị có lời khinh bỉ và dặn gia nhân phải bỏ đói cho chừa thói ăn trộm. Trong khi đó cô em có phần thương cảm, lén đưa cơm nước cho tên trộm ăn. Từ việc này mà Ông Ích Khiêm chọn được vợ.

Sáng hôm sau, trước khi dẫn tên trộm lên huyện xét xử, ông Tú Quyết cho người báo cho các hương chức biết để cử một vị đến nghe.

Vị Hương chức đến nơi, thấy Ông Ích Khiêm bị trói giữa sân, liền vội sụp lạy mà nói “Tại sao quan Cử lại đến như thế này”. Lúc này mọi người mới biết kẻ trộm là ai, vội vàng cởi trói và xin lỗi rối rít, hỏi rõ mới biết ngọn ngành câu chuyện.

Đây là câu chuyện lén xem mặt nổi tiếng được lưu truyền ở vùng quê nhà của Ông Ích Khiêm.

Năm 1861, Tạ Văn Phụng tự xưng là con cháu nhà Lê, dấy binh nổi loạn ở miền bắc nhằm lật đổ nhà Nguyễn. Quân nổi loạn chiếm đóng một vùng rộng lớn ở Quang Yên [thuộc Quảng Ninh ngày nay] và Hải Dương. Vua Tự Đức sai quân đánh dẹp, hao tổn binh tướng suốt 4 năm mà chưa dẹp được.

Năm 1865, Ông Ích Khiêm đưa quân phá được, dẹp yên nổi loạn, thu phục được Quảng Yên và Hải Ninh. Với chiến công này, ông được thăng làm Hồng lô tự khanh Biện lý bộ Lễ.

Năm 1867, vua Tự Đức thăng ông làm Thị lang bộ Binh. Lúc này ở Bắc Ninh có đám thổ phỉ từ Trung Quốc kéo sang, triều đình sung thêm cho ông chức Tiễu phủ sứ đến Bắc Ninh đánh dẹp. Ông đã dẹp đám thổ phỉ, giúp dân chúng nơi đây được bình yên, ông được gọi là Tiễu Phong Lệ hay Quan Tiễu.

Năm 1868, dư đảng Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn cho quân tấn công chiếm được Cao Bằng. Ông Ích Khiêm được phong làm Tán lý quân thứ Lạng Bình, cùng các tướng đưa quân đến Cao Bằng. Tại đây ông lập công, Ngô Côn thua trận phải chạy trốn.

Năm 1869, Ngô Côn cho quân bất ngờ vây chặt thành Bắc Ninh. Ông Ích Khiêm đang ở huyện Kim Anh [nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội] đưa quân đến ứng cứu, kết quả đánh bại và tiêu diệt được Ngô Côn.

Giai đoạn này đám phỉ ở miền bắc từ nhà Thanh tràn sang rất nhiều, suốt từ năm 1870 đến 1874, Ông Ích Khiêm cầm quân đánh phỉ các nơi, lập công trạng, bắt nhiều tướng phỉ, đặc biệt là chiến công đánh bại quân Cờ Vàng, bắt sống thủ lĩnh Hoàng Sùng Anh.

Ích Khiêm nổi tiếng là người văn võ song toàn, chính trực, làm tướng lắm mưu lược và yêu thương binh sĩ. Tuy nhiên ông là người chính trực, ghét xu nịnh, hơn nữa cách nói bốc đồng của ông làm tổn thương người khác, vì thế mà ông cũng thường không được ban thưởng xứng đáng.

Bài học lưu lại cho con cháu

Vua Tự Đức từng có lời phê Ông Ích Khiêm rằng: “Cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người và vâng theo mệnh người”.

Một vị quan cùng quê với ông là Phạm Phú Thứ cũng 2 lần tìm cách cứu Ông Ích Khiêm trước những lời tâu muốn hại ông. Sau này nhiều người ghét cái tính nóng nảy không nghe cấp trên của Ông Ích Khiêm mà vu oan khiến ông bị cách chức, đày đi an trí ở Bình Thuận.

Về cuối đời, Ông Ích Khiêm cũng biết rõ nhược điểm của mình là tính tình nóng nảy, dễ làm tổn thương người khác, nên trước khi mất ông di chúc rằng: “Hàng em, hàng con, mỗi người nên ngậm miệng, trói lưỡi, chớ có khinh dễ lạm dụng lời nói; hãy lấy ở ta mà làm gương soi sáng thì tránh xa tai vạ đấy”.

Dù nhiều người không ưa ông nhưng dân chúng đều nhớ đến công lao của ông, nhiều giai thoại vẫn được người dân quê ông truyền tụng cho đến ngày nay.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

15:38, 28/06/2020 [GMT+7]

Phạm Phú Thứ [1821-1882], người xã Đông Bàn, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 24 tuổi, ông đỗ Hội nguyên và đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Quý Mão [1843]. Ông là người biết trân trọng nhân tài và dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Sách Phạm Phú Thứ toàn tập [NXB Đà Nẵng, 2014] cho biết, ông đã hai lần “giải cứu” đồng hương và đồng liêu Ông Ích Khiêm.

Chân dung Phạm Phú Thứ. [Ảnh tư liệu]

“Giải cứu” bằng cách... khéo giáo hóa

Ông Ích Khiêm sinh năm 1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam [nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng]. Nổi tiếng thông minh khác thường so với bạn bè đồng song, ông đỗ Cử nhân khi mới 15 tuổi. Ông từng lập nhiều chiến công lừng lẫy, góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh của đất nước trên cương vị Tiễu phủ sứ ở Hải Dương và Tán lý quân thứ ở Cao Bằng.

Tài năng lỗi lạc, song do “cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người và vâng theo mệnh người” [lời phê trách của vua Tự Đức], Ông Ích Khiêm thường bị các quan lại, tướng lĩnh đương quyền ghen ghét, ám hại, nhiều lần bị vua cách chức, giáng chức. Lấy cớ có bệnh, năm 1873, ông xin về quê điều trị.

Biết rõ tài năng và tính cách của người đồng hương [cùng ở phủ Điện Bàn] và cũng là đồng liêu [cùng làm quan đương triều] kém mình 8 tuổi, Phạm Phú Thứ, lúc này là Thự Hải An Tổng đốc đã ra tay “giải cứu”. Nhân chuyến được vua cho về thăm cha mẹ, ông đã đích thân qua sông Cẩm Lệ thăm Ông Ích Khiêm. Khi về triều, Phạm Phú Thứ có ngay sớ tâu ngày 13 tháng 11 năm Tự Đức thứ 27 [1874] đề đạt nhà vua “phải có người để giữ vững bờ cõi ta, khiến cho thế của phỉ ngày càng cô lập, người Tây không thể xem thường”. Theo ông, “gần đây, tướng tài ở đất Bắc chỉ có bề tôi là Tôn Thất Thuyết và viên bị cách là Ông Ích Khiêm khá hơn cả”.

Phạm Phú Thứ mạnh dạn tiến cử Ông Ích Khiêm hàm Tán tương quân thứ Bắc Ninh coi việc quân giữ yên vùng giáp Đông Bắc và địa hạt Hải An để ông chuyên tâm lo việc dân chính, thương chính. Lý lẽ đưa ra khá thuyết phục: “Xét lời ông ta [tức Ông Ích Khiêm - NV] cùng với người thường dân ngồi trao đổi lâu thì hỏa tính giảm hẳn. Thần nhân hỏi về sự trạng gần đây, cứ lời ông ta nói là từ ngày đội ơn được về quê điều trị, ngày ngày nhắc nhở ơn vua và duy trì phương thuốc, từ đó bệnh ngày một giảm...

Khi trước, tỉnh quan đến hỏi, ông ta đã nguyện tăng gấp điều trị để sớm công hiệu mà báo đáp. Và như năm qua, khi Hà Nội xảy ra sự biến, ông đã từng đem việc nhà phó cho con, cháu để ngày tiếp ra Kinh xin đi, nhưng chứng bệnh chợt phát, cho nên nửa chừng lại thôi. Điều đó làng xóm đều biết. Lòng ông ta chưa quên báo đáp vậy. Nay thì bệnh ngày đã bớt, mà răng khuyển mã cũng ngày một dài, không ra mà báo đáp thì phụ ơn, phụ tấm lòng dâng lên vua”.

Lời tâu ngay thẳng của một bề tôi thân tín khiến vua động lòng và châu phê: “[Ông Ích Khiêm] sửa đổi hết sai lầm trước, không buông lung cho lính cướp bóc, không ỷ mạnh mà vô lễ, không khoe tốt che xấu... Giao cho ngươi [tức Phạm Phú Thứ - NV] khéo giáo hóa”.

“Giải cứu” khỏi cảnh ngục tù

Ấy là sau khi tiễu phỉ thắng lợi ở Mỏ Diêm [thuộc Bắc Ninh], Ông Ích Khiêm rút binh về, đóng nghỉ ở Bố Hạ, Hữu Lũng. Tổng đốc Tôn Thất Thuyết do có hiềm khích cá nhân từ trước, lấy cớ Ông Ích Khiêm đánh giặc thương tổn nhiều, tự tiện thu quân về không theo lệnh tướng, liền bắt giam ông.

Hay tin, Phạm Phú Thứ có ngay sớ tâu vua. Ông hết mực bênh vực cho người đồng hương vong niên không may bị tai họa: “Ích Khiêm từ khi nhậm chức đến nay đã thắng nhiều trận, trước đã thu hồi đủ, khi thắng trận trở về tỉnh cũng thường mở tiệc ăn mừng. Việc thắng trên kéo quân về chỉnh đốn xét ra cũng thường có. Đến khi thắng ở Mỏ Diêm, khi trở về bên này [tức bên Tôn Thất Thuyết - NV] lại nói không triệu, bên kia [tức bên Ông Ích Khiêm - NV] bảo là đã trình. Mà xét vì bọn phỉ tan, dịch lệ dấy lên nên trở về, ban đầu không hỏng việc quân, còn lỗi ở trận không biết có không”.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Phạm Phú Thứ không e ngại tâu vua về nỗi lòng, nỗi lo của Ông Ích Khiêm khi nhậm chức: “Ích Khiêm lúc mới tới, có ghé tỉnh Đông của thần, ngụ ở công quán..., có nói với chúng thần rằng: Tính tình tôi vốn thô lỗ, sợ người không thể dung. Chúng thần đã tuân chỉ lấy việc giữ khí bình hòa mà khuyên. Vừa mới tháng hơn, báo tiệp liên tiếp mà lại xảy ra việc này”.

Phạm Phú Thứ thẳng thắn cho rằng, sự việc này chẳng qua chỉ do hiềm khích cá nhân giữa Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết mà thôi: “Vả lại, Ích Khiêm từ chân thư sinh theo việc quân mười mấy năm thân trải qua hơn một trăm mấy chục trận, thắng bại ít nhiều mà chưa từng thiện tiện giết một hiệu, một ngũ. Vì thế, khi sánh với người [tức Tôn Thất Thuyết - NV], khiến người không thể không tức giận. Huống chi, lời nói lại nhiều khi không kiềm chế khiến mất lòng người”. Ông còn lên án hành động tự tiện giam cầm Ông Ích Khiêm của Tôn Tổng đốc: “Do hiềm khích gì mà không đợi chỉ, lại vội giam cầm như một loài giặc dữ”.

Cuối bản tấu, Phạm Phú Thứ không quên đề cao uy tín và vai trò không thể thiếu được của danh tướng Ông Ích Khiêm trong việc tiễu phỉ - một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của triều đình lúc bấy giờ: “Bọn phỉ ở Bắc Kỳ vốn sợ tên này [tức Ông Ích Khiêm - NV]. Hào dũng các tỉnh phần nhiều vui sướng được dùng. Cho nên khi đánh thường thắng. Nay không vì lỗi lớn, chỉ vì một việc kéo quân về, đã vội thiện tiện giam cầm, nếu viên ấy uất lên mà chết, tướng hiệu vì đó mà giải thể. Bọn côn đồ nghe được không khỏi lại thêm nhiều việc”. Ông khẩn khoản nhà vua ân chuẩn “phái bậc đại viên công bằng chính trực nhanh đến tra rõ để chính tội danh và phòng trở ngại”.

Nhờ tài thuyết phục của “trạng sư” Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm được “giải cứu” lần thứ hai!

VÂN TRÌNH

Video liên quan

Chủ Đề