Tại sao lại bị bệnh tổ đỉa

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh tổ đỉa [hay viêm da cấp tính lòng bàn chân bàn tay]: là bệnh đặc trưng bởi tình trạng nổi mụn nước, rất ngứa ở lòng bàn chân và bàn tay. Bệnh hay gặp ở người trẻ, tỷ lệ bệnh gặp ở nam và nữ ngang nhau.

Yếu tố nguy cơ là người có tiền sử bị viêm da cơ địa, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa gây kích ứng mạnh có thể bùng phát bệnh.

Căn nguyên gây bệnh hiện chưa rõ ràng, thường phối hợp của nhiều yếu tố như:

  • Tiền sử bị viêm da cơ địa
  • Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, chất tẩy rửa..
  • Bệnh tăng tiết mồ hôi tay chân
  • Hút thuốc
  • Tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím...

Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay, hoặc kẽ các ngón, rất ngứa. Mụn nước có thể riêng lẻ hoặc tập trung thành từng đám, kích thước có thể vài milimet đến những bọng nước to. Các mụn nước và bọng nước tồn tại nhiều tuần rồi tự vỡ sau đó bong da. Gây tình trạng viêm đỏ, bong, nứt da lòng bàn tay, bàn chân mạn tính. Bệnh nặng có thể gây loạn dưỡng móng. Trường hợp bội nhiễm tụ cầu vàng, dịch mụn nước, bọng nước đục.

Biểu hiện của bệnh tổ đỉa là xuất hiện các mụn nước tại kẽ các ngón

Bệnh thường biểu hiện khi thời tiết ấm áp. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng gồm:

  • Mụn nước, bọng nước căng nằm sâu dưới da vùng lòng bàn chân, bàn tay và kẽ các ngón
  • Rất ngứa
  • Bệnh biểu hiện đột ngột
  • Bệnh thường tái phát

3.1 Nguyên tắc điều trị

  • Tránh các yếu tố khởi phát bệnh: như hóa chất, chất tẩy rửa...
  • Điều trị tình trạng viêm
  • Phối hợp với các biện pháp chăm sóc da để giảm triệu chứng

Thuốc điều trị:

  • Thuốc bôi chứa corticosteroids: chỉ định cho trường hợp bị tổ đỉa nhẹ hoặc vừa. Lựa chọn các corticoid thuộc nhóm mạnh Betamethasone dipropionate 0.05% hoặc Clobetasol propionate 0.05%. Thuốc bôi 2 lần/ngày trong 2-4 tuần. Thuốc cần được bác sĩ chỉ định vì tác dụng phụ gây teo da, giãn mạch...
  • Thuốc ức chế Calcineurin đường bôi [Tacrolimus]: Do giá thành thuốc khá cao và tác dụng chống viêm kém hơn corticosteroids nên thường được dùng phối hợp với corticosteroids để tránh dùng kéo dài corticosteroids gây teo da. Mỡ Tacrolimus 0.1% được chỉ định dùng 2 lần/ngày đến khi ổn bệnh.
  • Thể nặng: có thể dùng một đợt ngắn ngày corticosteroids đường toàn thân, liều prednisone 40mg/ngày, cần giảm dần liều.
  • Trường hợp tổ đỉa có bội nhiễm tụ cầu vàng cần dùng kháng sinh trong 7 ngày.
  • Kháng Histamin [Desloratadine 5mg, Cetirizin 10mg..] để giảm triệu chứng ngứa.

Thuốc bôi chứa corticosteroids được sử dụng trong điều trị bệnh tổ đỉa

3.2 Các biện pháp chăm sóc da phối hợp

  • Tránh tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, hóa chất....
  • Không ngâm nước muối tự pha, không ngâm tắm các loại nước lá cây có thể gây tình trạng viêm nặng hơn.
  • Trong giai đoạn khô da, bong, nứt da cần phối hợp bôi các kem dưỡng ẩm để giảm triệu chứng ngứa và đau rát.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 [phím 0 để gọi Vinmec] hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

Tài liệu tham khảo:

  1. Fitzpatrick’s clolor atlas and synopsis of clinica Dermatology 8e edition
  2. Acute palmoplantar eczema [dyshidrotic eczema]. David R Adám, MD, PharmD, James G Marks, Jr, MD.UptoDate Aug2020
  3. Bệnh học da liễu. PGS.TS. Nguyễn Văn Thường. Bộ môn da liễu, Đại học Y Hà Nội. NXB Y học,2017

XEM THÊM:

Chàm tổ đỉa hay bệnh tổ đỉa là một vấn đề da liễu tương đối thường gặp trong cộng đồng. Tuy không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tổng thể nhưng bệnh chàm tổ đỉa khiến nhiều người trở nên kém tự tin hơn rất nhiều. Một số người cũng lo ngại liệu bệnh tổ đỉa có lây không. Dưới đây, bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh chàm tổ đỉa.

1. Thế nào là tình trạng bệnh tổ đỉa?

Bệnh chàm tổ đỉa [hay ngắn gọn hơn là bệnh tổ đỉa] là một bệnh thuộc viêm da cơ địa đặc biệt, được biểu hiện tương đối rõ rệt với hàng loạt mụn nước hình thành ở lòng bàn tay cũng như lòng bàn chân. Các nốt mụn này đôi khi sẽ có chứa dịch bên trong, do đó bên ngoài phồng rộp và có thể bị vỡ nếu có tác động mạnh. Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện ở khu vực bàn tay và bàn chân, nhưng nếu không được điều trị, bệnh sẽ lan đến các vùng da rộng hơn xung quanh.

Cũng theo mức độ tiến triển của bệnh, nốt mụn ban đầu sẽ xuất hiện với kích thước nhỏ, nhưng sau đó sẽ từ từ phát triển thành những nốt mụn to, gây đau và ngứa. Khi đó, tình trạng ngứa sẽ khiến người bệnh gãi và khó chịu, làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng.

Một ảnh hưởng tiêu cực khác của bệnh tổ đỉa là các nốt mụn thường mọc thành từng đám, khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền phức trong đời sống hàng ngày và khiến việc giao tiếp của bệnh nhân cũng có nhiều cản trở, thiếu tự tin.

Xem ngay: Nên làm gì khi bị bệnh tổ đỉa hơn 1 tuần?

2. Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa?

Nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc phải bệnh chàm tổ đỉa rất đa dạng và phong phú, trong đó, đặc biệt phổ biến như sau:

  • Do yếu tố di truyền: nếu như gia đình của bạn có người thân bị tình trạng viêm da cơ địa hoặc mề đay thì nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa của bạn sẽ cao hơn.
  • Người có chứng rối loạn thần kinh giao cảm thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm da, bao gồm chàm tổ đỉa, cao hơn.
  • Nếu như phải làm việc trong môi trường có điều kiện khắc nghiệt và nóng ẩm, da thường phải tiết nhiều mồ hôi hơn, khiến các vấn đề về da dễ xảy ra hơn. Tương tự như vậy, người tiếp xúc nhiều với hóa chất và chất tẩy rửa cũng có thể mắc bệnh tổ đỉa.
  • Những người có cơ địa dễ bị dị ứng cũng có khả năng mắc bệnh.
  • Người sống trong môi trường độc hại, khói bụi, ô nhiễm.
  • Dị ứng với thực phẩm, đặc biệt là các món ăn lạ hoặc hải sản.
  • Chàm tổ đỉa cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh.

Giải đáp bệnh tổ đỉa có lây không?

3. Phân loại bệnh chàm tổ đỉa

Chàm tổ đỉa thường được phân thành các loại chính sau:

  • Chàm tổ đỉa thể giản đơn: đây là dạng tổ đỉa chỉ hình thành mụn nhỏ trên da, thường gây ngứa và có thể lan rộng dần, xuất hiện đầu tiên ở khu vực lòng bàn tay.
  • Chàm tổ đỉa nhiễm khuẩn: đây là dạng bệnh tổ đỉa nguy hiểm hơn, thường có biểu hiện là các nốt mụn to, bên trong chứa mủ.
  • Chàm tổ đỉa dạng bọng nước: dạng tổ đỉa này thường gặp ở trường hợp bệnh nhân tổ đỉa do dị ứng với hóa chất, biểu hiện là nốt mụn thường có kích thước nhỏ bằng hạt đậu, bên trong có chứa dịch nước, dễ vỡ.
  • Bệnh chàm tổ đỉa thể khô: ở dạng bệnh này, các nốt mụn thường mọc thành từng đám ở dạng khô, không chứa nước bên trong, tuy nhiên thường gây ngứa và tróc vảy da.

4. Bệnh tổ đỉa có lây không?

Bệnh tổ đỉa có lây không? Câu trả lời là không.

Đại đa số các vấn đề ngoài da đều có thể lây lan, nhưng điều này không đúng với bệnh tổ đỉa. Về cơ bản, chàm tổ đỉa là vấn đề về cơ địa của từng cá nhân. Tuy rằng các nốt mụn tổ đỉa có thể lây lan từ vùng da này sang vùng da khác trên cùng một cơ thể, nhưng bệnh không lây sang cho người khác thông qua giao tiếp bình thường. Các bác sĩ da liễu cũng nhấn mạnh: ngay cả khi mụn nước bị vỡ ra và tiếp xúc dịch với da của người đối diện, bệnh cũng không lây cho họ.

Sử dụng thuốc chống nhiễm khuẩn bôi ngoài da khi mắc bệnh tổ đỉa

5. Chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?

Mặc dù là vấn đề ngoài da, nhưng khi không được điều trị dứt điểm, bệnh chàm tổ đỉa có thể diễn biến nặng nề hơn, gây ra tình trạng ngứa, sưng đỏ da và vô cùng khó chịu. Bệnh tổ đỉa càng lan rộng, các nốt mụn nhỏ sẽ phát triển lớn hơn, thường có đặc điểm phồng rộp, có thể vỡ ra dịch làm người bệnh đau rát.

Trong trường hợp khi vỡ nốt mụn, nếu bạn không có phương pháp xử lý phù hợp, chúng sẽ nhiễm trùng và làm quá trình điều trị kéo dài hơn, mất nhiều thời gian và hao phí tiền bạc, tạo ra tâm lý chán nản cho bệnh nhân.

6. Bệnh chàm tổ đỉa được điều trị bằng cách nào?

Như vậy, vấn đề bệnh chàm tổ đỉa có lây không đã được giải đáp, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi giao tiếp với người khác mà không lo lây bệnh cho họ. Tuy nhiên, nếu không điều trị bệnh, làn da của bạn sẽ gặp nhiều tác hại khôn lường.

6.1. Điều trị tại chỗ bệnh chàm tổ đỉa

Bệnh tổ đỉa trong trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại chỗ bằng một số phương pháp:

  • Ngâm vùng da bị bệnh vào dung dịch thuốc tím loãng với tỷ lệ pha được bác sĩ chỉ định.
  • Thoa BSI 1% - 3% vào vùng da có chứa nốt mụn.
  • Bôi thuốc chống nhiễm khuẩn ở các phần mụn mủ đã bị vỡ và nhiễm trùng. Đối với mụn tổ đỉa bọng nước, bạn có thể chích vỡ rồi thoa thuốc. Tuy nhiên, kỹ thuật chích cần được thực hiện bởi nhân viên y tế để hạn chế nhiễm trùng.

6.2. Thuốc điều trị bệnh tổ đỉa

Ở trường hợp bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn [mụn nhiễm trùng, có mủ bên trong...], bệnh nhân sẽ được chỉ định một số thuốc điều trị, bao gồm thuốc chống nhiễm khuẩn bôi ngoài da với thuốc kháng sinh, kháng viêm. Ngoài ra, các loại thuốc kháng nấm như Clotrimazol, Ketoconazol cũng sẽ được sử dụng trong điều trị.

Nói chung, vấn đề bệnh tổ đỉa có lây không đã có đáp án: bạn không cần lo ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh này. Tuy nhiên, nếu bạn đang mắc bệnh, cần nhanh chóng tìm bác sĩ để điều trị sớm nhất có thể.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 [phím 0 để gọi Vinmec] hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

XEM THÊM:

  • Tinh dầu tỏi có tác dụng gì?
  • Công dụng của cây lá lốt
  • Silkron là thuốc gì?

Video liên quan

Chủ Đề