Thăng bình là ở đâu

Huyện Thăng Bình là một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam. Phía Bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và Hiệp Đức.

Sưu Tầm

Di tích văn hoá, di tích lịch sử: ở Thăng Bình có Tháp Đồng Dương nay là Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, ao vuông (Bình Định); có mộ người Chiêm ở Trà Sơn (Bình Trung), Hưng Mỹ (Bình Triều), Giếng Tiên (Bình Đào), có bờ đập Hời ở Lạc Câu (Bình Dương);… và nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng nằm rải rác khắp các địa phương trong huyện như: bia Văn thánh; đình làng Hà Lam, Lạc Câu, Hưng Thạnh Đông, Hưng Thạnh Tây, Phước Ấm; địa đạo Bình Giang; căn cứ địa cách mạng Linh Cang – Cao Ngạn; chiến khu rừng Bồng; tượng đài Hà Lam – Chợ Được; lăng mộ Tiểu La – Nguyễn Thành,…
.
TênMã bưu chính vn 5 số (cập nhật 2020)SL Mã bưu chínhDân sốDiện tích (km²)Mật độ Dân số (người/km²)
Thành phố Hội An
513xx205
89.716 61,51.459
Thành phố Tam Kỳ
511xx308
107.924 92,61.165
Huyện Bắc Trà My
525xx77
38.218825,546
Huyện Đại Lộc
516xx159
145.935587,1249
Thị xã Điện Bàn
514xx188
197.830214,7921
Huyện Đông Giang
517xx95
23.428812,629
Huyện Duy Xuyên
515xx94
120.948 299,1404
Huyện Hiệp Đức
522xx70
38.001494,277
Huyện Nam Giang
519xx65
22.990 1.842,886712
Huyện Nam Trà My
524xx44
25.464 825,531
Huyện Nông Sơn
520xx32
31.470455,9 69
Huyện Núi Thành
528xx139
137.481534257
Huyện Phú Ninh
527xx87
84.863251,47337
Huyện Phước Sơn
523xx66
22.5861.141,320
Huyện Quế Sơn
521xx109
82.216250,8 328
Huyện Tây Giang
518xx70
16.53490318
Huyện Thăng Bình
512xx131
176.783385,6458
Huyện Tiên Phước
526xx10868.877454,4152

 (*) Vì sự thay đổi phân chia giữa các đơn vị hành chính cấp huyện , xã , thôn thường diễn ra dẫn đến khoảng biên độ mã bưu chính rất phức tạp . Nhưng mã bưu chính của từ khu vực dân cư là cố định  , nên để tra cứu chính xác tôi sẽ thể hiện ở cấp này  số lượng mã bưu chính

TênMã bưu chính vn 5 số
(cập nhật 2020)
Mã bưu chínhMã điện thoạiBiển số xeDân sốDiện tíchMật độ dân số
Thành phố Đà Nẵng50xxx55xxxx236431.046.8761.285,4 km²892 người/km²
Tỉnh Bình Định55xxx59xxxx56771.962.2666850,6 km²286 người/km²
Tỉnh Khánh Hoà57xxx65xxxx58791.192.5005.217,7 km²229 người/km²
Tỉnh Phú Yên56xxx62xxxx5778883.2005.060,5 km²175 người/km²
Tỉnh Quảng Nam51xxx - 52xxx56xxxx235921.505.00010.438,4 km²144 người/km²
Tỉnh Quảng Ngãi53xxx - 54xxx57xxxx55761.221.6005.153,0 km²237 người/km²

     Nếu Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống đặc trưng của đông đảo nhân dân làm nông nghiệp thì Lễ hội Cầu Ngư lại là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cư dân sống bằng nghề sông nước. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Cá Ông của người Việt, cư dân vùng biển Thăng Bình lấy ngày mồng một tháng tư (ngày Bác Hồ về thăm làng cá) làm ngày tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Thường lễ hội kéo dài từ 2-3 ngày (tùy vào tình hình làm ăn kinh tế của địa phương trong năm) với các lễ chính: Lễ vọng, Lễ Nghinh Ông Sanh, Lễ tế Cô hồn, Lễ Chánh tế, Lễ xâu chầu Bả Trạo. Hát Bả Trạo là bộ phận chính của nghi lễ, là một trò diễn xướng nghi lễ tổng hợp vừa múa, vừa hát với đạo cụ là mái chèo, nội dung dàn trải suốt quá trình diễn xướng, là ca ngợi đức Cá Ông, xót thương người quá cố, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của con người trước sóng to, gió lớn, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của ngư dân vùng biển. Phần Lễ long trọng, trang nghiêm và rất mực thành kính bao nhiêu thì phần hội càng vui vẻ, càng náo nức bấy nhiêu. Lễ Cầu Ngư là sự thể hiện lòng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, được mùa biển để cuộc sống ấm no, mọi nhà luôn an khang thịnh vượng, vạn vật phát triển, sinh sôi…

     Bên cạnh các Lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng, ở Thăng Bình còn rất nhiều những di tích văn hóa, di tích lịch sử…
     Thời đại Chiêm Thành, Quảng Nam còn lại nhiều di tích, gồm các thành quách, tháp cổ, tượng đá như: Thành cổ Trà Kiệu, các Tháp cổ Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ… Ở Thăng Bình có Tháp Đồng Dương nay là Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, ao vuông (Bình Định); có mộ người Chiêm ở Trà Sơn (Bình Trung), Hưng Mỹ (Bình Triều), Giếng Tiên (Bình Đào), có bờ đập Hời ở Lạc Câu (Bình Dương);…. và nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng nằm rải rác khắp các địa phương trong huyện như: Bia Văn thánh, Đình làng Hà Lam, Lạc Câu, Hưng Thạnh Đông, Hưng Thạnh Tây, Phước Ấm, Địa đạo Bình Giang, Căn cứ địa cách mạng Linh Cang – Cao Ngạn, Chiến khu rừng Bồng, tượng đài Hà Lam – Chợ Được, Lăng mộ Tiểu La – Nguyễn Thành,…

      Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc; các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng luôn được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo nên khi nói đến Thăng Bình tất cả đều biết, đều nghĩ đến một miền quê êm ả, thanh bình với những câu lý, điệu hò, với những nét văn hóa đặc trưng nổi bật khẳng định giá trị của một vùng đất anh hùng.

Diễn trình lịch sử vùng đất
     Năm 1306, khi lấy công chúa Huyền Trân – con vua nhà Trần của Đại Việt, vua Chiêm là Chế Mân đã dâng hai châu, châu Ô và châu Lý (Ri) cho Đại Việt làm sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi tên châu Ô là Thuận Châu, châu Lý là Hóa Châu.
     Kể từ thời điểm ấy, Chiêm Thành luôn đưa binh đánh với Đại Việt. Năm 1376 vua Trần Duệ Tông tiến quân vào Chà Bàn (Bình Định) bị chết trận, đến năm 1377, 1378 Chiêm Thành phản công, mang quân đánh Thăng Long-kinh đô Đại Việt. Trong liền hai năm 1382, 1383 và nhiều năm sau, quân Chiêm đánh Thanh Hóa, Quang Oai… khiến vua Việt trốn khỏi kinh đô. Quân Chiêm dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga khiến từ vua đến quan, dân Việt đều kinh sợ. Năm 1390 Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần tiêu diệt, thế lực Chiêm Thành suy yếu.
     Năm 1400, sau khi lên ngôi Hồ Qúy Ly rồi Hồ Hán Thương phản công. Đường thiên lý dẫn đến phía bắc sông Thu Bồn được đắp, dọc đường lập làng xã, thị tứ và các trạm dịch. Quân Chiêm dâng đất Chiêm Động – miền đất “địa linh” của mình, nơi có kinh đô Trà Kiệu, Đồng Dương và thánh địa Mỹ Sơn – đất này sau gọi là Thăng Hoa (tức phần đất từ địa giới phía nam huyện Điện Bàn đến cuối tỉnh Quảng Nam ngày nay). Họ Hồ còn ép Chiêm Thành dâng luôn đất Cổ Lũy (Tư Nghĩa ,sau này là Quảng Ngãi).
     Như sử cũ đã ghi thì “Quảng Nam là đất quận Nhật Nam đời Hán bị nước Lâm Ấp (Chiêm Thành) chiếm giữ, nhà Nhuận Hồ đánh lấy được động Chiêm, động Cổ Lũy, chia đặt thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt các chức Thăng Hoa an phủ sứ lộ để cai trị, lại di dân đến ở”(1). Châu Thăng lại được chia làm ba huyện: Lệ Giang, Đỗ Hà và An Bị. Năm 1405 triều đình phái Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ kiêm Chế trí sứ trấn Tân Ninh và lộ Thăng Hoa.
     Thăng Hoa và phần đất phía nam Hóa Châu (nay là Điện Bàn) trải qua nhiều cuộc tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành bởi khi quân Minh sang đánh, người Chiêm Thành dựa vào quân Minh phản công lấy lại Thăng Hoa (1407), đánh Hóa Châu và cuộc giằng co giữa quân Việt, quân Chiêm “khi tiến khi lui suốt thời Hậu Trần”. Tiếp đến “cùng với cuộc kháng chiến của Lê Lợi, Hóa Châu (trong đó có Điện Bàn) lập nhiều công lớn và năm 1441, nhân Chiêm Thành ra đánh quân triều đình chưa tới, tự Hóa Châu xuất binh đánh bại Chiêm Thành, vua khen không hết lời. Tuy vậy, đất Điện Bàn và Thăng Hoa chưa hết xung đột với Chiêm Thành, nhất là Thăng Hoa, coi như vùng xôi đậu”(2), đất “ky mi” (vùng biên cương chưa phải thuộc địa).
     Năm 1471 vua Lê Thánh Tông mang đại quân thân chinh đánh chiếm lại bốn châu và chiếm thêm Vijaya (Bình Định ngày nay). Tháng 6-1471 vua nhà Lê lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, là đạo thứ 13 của Đại Việt, gồm vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả, chia làm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Mỗi phủ chia làm ba huyện.Phủ Thăng Hoa có ba huyện: Lệ Giang, Hà Đông, Hy Giang.Thăng Bình lúc ấy thuộc huyện Lệ Giang.
     Năm 1490 – đời Hồng Đức thứ 21, đạo Thừa tuyên Quảng Nam đổi thành xứ Quảng Nam. Năm 1520, đời Lê Trung Dực đổi thành Trấn Quảng Nam. Năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đổi thành Dinh Quảng Nam. Huyện Lệ Giang đổi thành huyện Lễ Dương. Huyện Hy Giang thành Duy Xuyên. Năm 1606, huyện Lễ Dương đổi thành Phủ Thăng Hoa,  Điện Bàn tách khỏi Triệu Phong, Thuận Hóa đổi thành Phủ Điện Bàn. Người  dân phủ nào lấy tên theo phủ ấy và gộp lại thì gọi là: người Thăng Điện – người Quảng Nam. Năm 1841 dưới thời Thiệu Trị (Thiệu Trị nguyên niên) nhà Nguyễn, Phủ Thăng Hoa có tên Phủ Thăng Bình. Từ đầu thế kỷ XX, Phủ Thăng Bình được chia làm 7 tổng với 170 xã. Năm 1906, triều Nguyễn cải huyện Hà Đông thành Phủ Hà Đông, sau đổi thành Phủ Tam Kỳ kiêm lý cả huyện Hà Đông, không thuộc Phủ Thăng Bình  nữa. Năm 1922, một số xã phía tây nam Phủ Thăng Bình được tách ra nhập với một số xã của phía tây Tam Kỳ (Hà Đông) thành lập huyện mới là Tiên Phước. Năm 1939 bốn xã: Đông An, Trung Ái, Hóa Quế, Cẩm Tú thuộc tổng Đông An sáp nhập vào huyện Quế Sơn. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, năm xã phía đông bắc của Thăng Bình nhập vào Duy Xuyên và Phủ Thăng Bình được đổi thành huyện Thăng Bình.
     Về địa lý tự nhiên
     Địa hình huyện thấp dần từ tây sang đông, bao gồm nhiều dạng địa hình của vùng đất Quảng Nam. Có thể thấy vùng đất phía tây (tính từ phía tây đường sắt Thống Nhất Bắc – Nam gồm các xã Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định, Bình Phú, Bình Quế…) là vùng đồi núi và bán sơn địa, vùng này chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn huyện, đất đai bạc màu hoặc bị laterit hóa.Vùng này có hệ thống núi chạy dọc theo ranh giới phía đông nam của huyện với các ngọn núi như La Nga, Chóp Chài, Đồng Linh, Phước Cang…, có hướng chủ yếu là tây đông, độ cao trung bình khoảng 500 m. Ngoài phần núi, đa phần diện tích còn lại của khu vực này là đồi gò thấp (cao trung bình 200m) chỉ có các loại cây như rang, sim, mua…mọc hoang, ít có các cây lớn vì thế đất dễ bị rữa trôi, bạc màu, laterit hóa. Xen giữa các hệ thống gò đồi là những cánh đồng chân núi nhỏ hẹp, cùng những làng xóm, đất thường bị chua, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa nhờ nước trời. Những năm gần đây nhờ các công trình thủy lợi nên nâng lên 2 vụ nhưng năng suất vẫn còn thấp do đất đai kém màu mỡ.
     Phía cực đông của huyện – nằm hai bên bờ sông Trường Giang là vùng ven biển.Vùng đông có bờ biển dài 25 km, thấp phẳng, phần lớn là cát trắng, nhiều cồn cát, nhiều bãi tắm đẹp (trong đó có bãi tắm Bình Minh). Vùng này mặc dù là dải đất nằm kẹp giữa một bên là sông, một bên là biển nhưng nhờ những bàu, hồ, sông nên người dân định cư lâu đời, tạo nên những làng mạc đông đúc – những làng chài kết hợp với trồng màu, nuôi trồng thủy sản, buôn bán.
     Đồng bằng Thăng Bình vốn là phần giữa của đồng bằng Quảng Nam vốn trước đây “là vụng biển cũ (trong thực tế là một đới địa máng cũ) cắm sâu vào giữa hai khối núi Hải Vân và Ngọc Linh như một cái nêm lớn. Sau khi nước biển rút, do vận động nâng lên của Trường Sơn Nam, sông Thu Bồn và các nhánh của nó đã bồi nên một vùng đất rộng 540 km2, diện tích này bao gồm cả vùng cửa sông Hội An, nằm dịch về phía biển. Đồng bằng này thu hẹp lại ở huyện Thăng Bình rồi mở rộng ra-tuy vẫn giữ dạng một dải đất phù sa chạy dọc sông Tam Kỳ – ở đồng bằng cũng mang tên ấy rộng 510 km2”(3). Dọc duyên hải, phía bờ nam sông Thu Bồn là những cồn, bãi cát trắng, phía bên trong là những cồn bàu dài và hẹp – di tích của những vụng biển cũ. Rìa phía sau những cồn cát từ Cửa Đại đi về phía nam, những đầm hồ “được cải tạo và nối lại thành con đường giao thông thủy nội địa mang tên sông Trường Giang”. Sông Trường Giang là thủy lộ nối vùng cực nam tỉnh Quảng Nam (vụng An Hòa) với Đà Nẵng – nối sông Bàn Thạch (Tam Kỳ) với sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện. Sông Trường Giang cũng là ranh giới khá mong manh giữa vùng đất phù sa và đất xám với vùng đất cát ven biển. Nếu lấy quốc lộ 1A làm tâm điểm thì đồng bằng Thăng Bình trải ra hai bên quốc lộ, là vùng đất phù sa tương đối màu mỡ, nhất là khu vực phía nam của huyện (các xã Bình Nguyên, Bình Tú, Bình Trung, Bình An…).
     Thăng Bình có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua huyện, đường 106 – Quốc lộ 14E – đường liên xã, liên huyện nối thị trấn Hà Lam với các xã phía tây, nối Thăng Bình với các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Phước Sơn… và các tỉnh (Đường Hồ Chí Minh).
     Thăng Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa có pha chút nhiệt đới cận xích đạo của phương Nam. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25,8 độ C, thường  không có tháng nào nhiệt độ dưới 200C, số giờ nắng từ 1.800 đến 2.200 giờ/ năm. Lượng mưa hàng năm khá lớn, đạt 2.100 mm, độ ẩm trung bình trên 80%, khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 với những trận mưa có cường suất lớn, có khi lên đến gần 500 mm (thường vào tháng 10) gây ngập úng trên diện rộng các xã phía đông. Mưa thường đi đôi với bão chủ yếu các tháng 8-10. Mùa khô bắt đầu từ tháng 1 kết thúc vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 với nắng nóng, độ ẩm thấp, thường ảnh hưởng thêm gió phơn Tây Nam (gió Lào) từ tháng 5 đến tháng 8 với số ngày chỉ 15-25 ngày/năm.
     Người Thăng Bình trong lịch sử
     Ngay vào thời nhà Hồ (1400-1407) và gần nửa thế kỷ sau đó, vùng đất này từng diễn ra các cuộc tranh chấp Việt – Chiêm liên miên. Vùng đất này được coi là vùng “xôi đậu”, là đất “ky mi”- vùng đất biên vực, chưa thực sự là thuộc địa của Đại Việt. Đây vừa là đất “phên giậu” của đất nước vừa là “bàn đạp” để mở rộng cuộc Nam tiến của dân tộc ta. Dưới góc nhìn địa – nhân văn, chính đặc điểm vùng đất là môi trường góp phần quan trọng hình thành nên tính cách con người, con người xứ Quảng nói chung, con người vùng đất Thăng Hoa nói riêng.
     Những lưu dân Việt từ đồng bằng sông Mã, sông Lam hay sông Hồng đi vào Nam tuyệt đại đa số là nông dân (trừ một số ít thợ thủ công, buôn bán, binh lính…) buộc phải thích nghi với việc vừa khai phá, sản xuất lương thực vừa chiến đấu bảo vệ cương vực đất nước như “Chiếu bình Chiêm” của vua Lê đã nêu và gọi họ là những người “tòng binh lập nghiệp”. Đó là “những người từng xông pha trận mạc, trí dũng đều có, dám nghĩ dám làm, nhất là hàng tướng lĩnh”(4).
     Ngoài việc khai thác vùng đồng bằng phù sa nằm giữa dải cồn bãi ven biển và vùng đồi gò phía tây, thích ứng với nghề trồng lúa nước, trồng rau màu của người Chiêm, cư dân Việt ở Thăng Hoa chắc chắn đã học được cách khai thác, chế biến lâm thổ sản quý, nghề nuôi tằm , ươm tơ, chế biến đường từ mía, chế biến cá mắm từ cá biển,  cách đóng ghe bầu…vốn là “sở trường” của người Chiêm trên vùng đất mới.
     Một lực lượng lưu dân nữa đáng lưu ý là những tội đồ như sử cũ đã ghi “Năm Hồng Đức thứ 5 (1474) nhà vua sắc chỉ rằng tù xử tội lưu di đi cận châu thì sung vào vệ Thăng Hoa; đi ngoại châu thì sung vào vệ quân Tư Nghĩa; đi viễn châu thì sung vào vệ quân Hoài Nhơn. Tội nhân được tha chết cũng được sung vào vệ quân Hoài Nhơn”(5). Trong số tội đồ hẳn có những phần tử bất hảo nhưng “không hẳn tất cả bọn họ đều là người xấu, những kẻ bỏ đi”(6). Nơi vùng đất mới, với những điều kiện mới, họ có năng lực khởi tạo cuộc đời mới, tư duy thoát khỏi lối cũ vốn bị “kiềm hãm” để sáng tạo các cách thức ích dụng mới tương thích với môi trường mới “Để đẩy mạnh sản xuất, tích trữ lương thực trong nước cho được dồi dào, ngoài việc nới lõng thuế khóa cho nông dân, năm 1481, Lê Thánh Tông đã ban chiếu lập đồn điền ở những nơi xung yếu, có nhiều đất hoang, theo chế độ “động vi binh, tịnh vi dân” (có động thì là lính, yên tĩnh là dân), theo Thiên Nam dư hạ tập thì thời ấy cả nước đã thiết lập được 43 cơ sở đồn điền, trong đó có ghi sở đồn điền Thăng Hoa ở trấn Quảng Nam”*(7).
     Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nguyên là đất địa đầu của Champa (Chiêm Thành) được vua Chế Mân cắt dâng làm sính lễ cho nhà Trần từ 1306. Năm 1570 Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cho kiêm lĩnh cả trấn Quảng Nam (Tổng Trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán là vị tướng, vị quan có tài, mất năm 1568. Nguyễn Bá Quýnh được cử lên thay. Khi Nguyễn Hoàng được cử kiêm lĩnh Quảng Nam thì Nguyễn Bá Quýnh được điều về làm tổng trấn Nghệ An). Nguyễn Hoàng đã ra sức dẹp yên các cuộc nổi loạn của thổ hào, kiến thiết, xây dựng hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam phồn thịnh như Lê Quý Đôn đã viết “Cai trị hơn mười năm chính sự khoan hòa, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản hộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thương yêu, tín phục, cảm nhận, mến đức, dời đổi phong tục. Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng. Thuyền buôn ngoại quốc đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang. Ai cũng cố gắng, trong cõi an cư lạc nghiệp”(8). Cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến Lê – Mạc đã có đợt di dân thứ hai vào vùng đất mới phương nam từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII “là hệ quả tất yếu của chính sách thống trị của tập đoàn Lê-Trịnh trên bước đường suy thoái, là sự phản ứng mang tính chất mở đường cho dân tộc chuyển sang một bước phát triển mới về chất, vượt qua khủng hoảng”(9).
     Vùng đất Thăng Bình cũng như Quảng Nam mặc dù trải qua cuộc chiến giữa  nhà Lê, nhà Mạc, rồi hai thế lực Trịnh – Nguyễn (Đàng Ngoài – Đàng Trong) từ giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII chịu không ít lần tàn phá bởi chiến tranh, thế nhưng vùng đất Thăng Bình vẫn là đất tụ cư của lưu dân đến từ phía bắc .Và khi Nguyễn Hoàng lập dinh trấn Thanh Chiêm (1602) thì cùng với Điện Bàn, vùng đất này vừa là căn cứ địa vững chắc để đối đầu với họ Trịnh ở phía bắc, vừa là bàn đạp cho công cuộc mở rộng hậu phương về phía nam. Vùng cảng thị phía bắc huyện là Hội An cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII – nơi hội tụ của nhiều thuyền buôn và kiều dân ngoại quốc, trong đó có Nhật Bản, Trung Hoa..đã có tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế – văn hóa của người Thăng Bình. Nhân tài,vật lực của vùng đất Quảng Nam – vùng Thăng Điện được các sử gia ghi nhận: “Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ… ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp”(10). Cư dân Việt vùng đông Thăng Bình ngoài nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, trồng khoai, trồng màu, thời kỳ này có thêm nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa khắp các nơi với nhiều chợ dọc sông Trường Giang, sông Kế Xuyên (hiện nay chỉ còn là con suối) như Chợ Trung Phường, Chợ Bà, Chợ Được, Tiên Đỏa, Kế Xuyên…Cư dân vùng tây phát triển các nghề thủ công như gốm, mộc, nề, đá ong, đá chẻ…, các nghề chế biến, khai thác lâm thổ sản, trao đổi hàng hóa với các huyện trong tỉnh qua các chợ như Hà Lam, Vinh Huy, Việt An…
     Ở thế kỷ XVII, XVIII địa bàn Thăng Bình đã giữ một vai trò quan trọng trong việc mở đất về phía nam và định hình lãnh thổ bởi Quảng Nam ngoài hình thế núi sông hiểm yếu, lại nằm chính giữa trục Quan lộ Nam – Bắc mà còn vì – kể từ phủ Điện Bàn đến Phú Yên – là cái kho nhân tài, vật lực hết sức hùng hậu. Quảng Nam trong đó có Thăng Bình là “bàn đạp” trong công cuộc mở nước, trong đó có việc chuẩn bị một lực lượng cư dân tiếp tục hành trình về phương nam khai thác vùng Đồng Nai, Gia Định sau này.
     Khi viết về vùng đất Thuận Quảng, sách “Ô châu cận lục” thời nhà Mạc có luận “Từ khi có trời đất, liền có ngay núi sông này, có ngay nhân vật này. Vì sau khi trời đất đã mở mang thì núi sông mới xuất hiện, núi sông đã có sẵn thì nhân vật mới sản sinh. Nếu không có núi sông thì không thấy rõ được cái công kiến thiết của trời đất, và không có nhân vật thì không thấy rõ được cái khí hun đúc của núi sông. Cứ xem thế thì biết nhân tài quan hệ ở phong thổ, mà phong thổ quan hệ ở khí vận, lẽ ấy đã rõ ràng lắm thay”(11). “Địa linh” sinh “nhân kiệt”. Người Thăng Bình kế tục truyền thống kiên cường, mưu trí, khả năng tương thích với hoàn cảnh khắc nghiệt của cha ông thời “mở đất”, “giữ đất” suốt trường kỳ lịch sử, vì thế đời tiếp đời, Thăng Bình là một trong những vùng văn vật của tỉnh Quảng Nam.
     Vùng đất văn hóa, lịch sử đặc sắc
     Đất Thăng Bình, theo tài liệu lịch sử cho biết vốn từng là kinh đô của người Chăm vì “năm 875 khi người Chăm chuyển đô từ Virapura-vùng đất nam Champa ra vùng đất phía bắc, họ đã định đô tại đây với tên kinh đô mới là Inđrapura. Cho đến nay chưa có sự giải thích được tại sao khi chuyển đô về vùng đất cũ người Chăm không sử dụng lại địa điểm kinh đô xưa Simhapura (Trà Kiệu) mà lại chọn địa điểm này”(12).Theo bia ký để lại ở Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) cho biết: “Thành phố rực ánh hào quang của thành phố Inđra…sáng lên hoa sen trắng, tô điểm bằng những bông sen đẹp nhất, do Bhrgu lập nên từ xa xưa…gọi tên là Campa giữ ở đây hạnh vận vô địch của mình”(13). Tổng hợp các tư liệu cho ta thấy “trước tiên kiến trúc Đồng Dương thờ ba vị thần Bà la môn và các sakti của họ với quần thể kiến trúc bộ ba (hay bộ sáu). Đến thời điểm 875 sửa chữa lại thành tu viện Phật giáo, chuyển thành kiến trúc một tháp đồng thời vẫn bảo tồn một số đền thờ cũ cũng như tượng thờ cũ, hình thành cái mà G.Coedès gọi là thờ Siva-Bút đa (Civa-Buddha)”(14). Đồng Dương đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Chăm vì “chính ở đây vào thế kỷ IX ta thấy sự gặp gỡ những yếu tố văn hóa vùng Panduranga, nơi tộc Cau cư trú với những yếu tố văn hóa vùng Amaravati, nơi tộc Dừa cư trú. Chắc chắn hai tộc đã thông qua hình thức hôn nhân để thống nhất. Ta còn lại tư liệu về vua Cri Harivarman IV có mẹ thị tộc Cau, cha thị tộc Dừa là một trong những bằng chứng. Đồng Dương là nơi kết hợp Phật giáo với Bà la môn giáo thể hiện trong hình thức kiến trúc rõ rệt nhất và là nơi có niên đại 875 được các nhà nghiên cứu nhất trí thừa nhận”(15). Ngoài di tích Đồng Dương được xây dựng quy mô dài gần 2 km đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại nặng nề, Thăng Bình còn có mộ người Chăm ở Trà Sơn (Bình Trung), Hưng Mỹ (Bình Triều), Giếng Tiên (Bình Đào), có Bờ đập Hời ở Lạc Câu (Bình Dương)…
     Người Thăng Bình ở vùng đất mới đã linh hoạt trong việc dung hợp hai yếu tố văn hóa Việt – Chăm để hình thành nên một dấu ấn văn hóa đặc thù trong đó “có sự hỗn dung hình tượng người mẹ của quê hương cho phù hợp với những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và rõ nhất, sự kết hợp giữa hình tượng nữ thần Pô Inư Nagar (Nữ thần Mẹ xứ sở) của người Chăm với Bà Chợ Được của người Việt, đã tạo nên một giá trị văn hóa chung cho hai tộc người”(16). Sự gặp gỡ giữa nữ thần Pô Inư Nagar và Bà Chợ Được còn rõ nét qua những sự tích lưu truyền trong dân gian như Bà Pô Inư  Nagar được “sinh từ mây trời và từ bọt biển”, Bà Chợ Được “sinh tại nơi khuê các nhưng lại có bụi mù mịt, mây trắng bềnh bồng, dáng người khỏe mạnh, trắng như tuyết, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng…”(17)Hình tượng của hai bà đã đi vào đời sống tinh thần của nhân dân và được bảo lưu, phát huy các giá trị văn hóa qua lễ hội Bà Chợ Được vào mùa xuân hàng năm.
     Về phương diện văn hóa vật chất, cư dân người Việt học được từ người Chăm một số kỹ thuật sản xuất như việc chế tác những chiếc cày khỏe, chắc chắn cho phép chỉnh góc và cày sâu, kỹ thuật lấy “nước muội” ở các cánh đồng chân núi để tưới ruộng, kỹ thuật đóng ghe bầu để chuyên chở hàng hóa đi xa….Trong nghệ thuật ẩm thực thì việc làm mắm là một tuyệt kỹ của người Chăm mà  “một trong những đặc điểm của món mắm là nó thích hợp với mọi đối tượng trong xã hội, từ người nghèo khổ đến bậc vương giả”(18).
     Năm 1865 Văn Thánh Hà Lam được xây dựng.Văn Thánh thờ Khổng Tử và các học trò. Ngoài ý nghĩa tôn vinh đạo Tam cương theo học thuyết Khổng Tử được nhà nước phong kiến duy trì, Văn Thánh đồng thời đề cao sự học, nêu cao gương hiếu học của người xưa. Văn Thánh là di tích văn hóa – lịch sử đặc sắc của huyện (đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp) hiện còn 9 tấm bia, 7 tấm khắc tên các vị khoa bảng,  một tấm bia khắc tên các bậc công thần của triều đình,  quả phụ tiết nghĩa. Văn bia là một minh chứng sinh động về một Thăng Bình – đất khoa bảng của Quảng Nam.
     Trong lĩnh vực giáo dục, thời xưa theo thông lệ, ở tỉnh có trường đốc, phủ có trường giáo, huyện có trường huấn cùng các lớp học dân lập trong các thôn xóm. Trường giáo phủ Thăng lúc đầu đặt ở Trà Kiệu, sau chuyển vào Hà Lam (1848). Suốt 13 triều vua, trải qua 123 năm, tính từ triều vua Gia Long thứ mười hai (Gia Long thập nhị niên), Quý Dậu 1813, cho đến khi chấm dứt việc thi cử khoa bảng dưới triều Nguyễn – Bảo Đại thập nhị niên, Bính Tý 1936, văn bia Văn Miếu Hà Lam ghi nhận có 164 vị khoa bảng trong đó có 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 31 cử nhân (hương cống), 129 tú tài (sinh đồ).
     Bia chí khắc tên các bà tiết nghĩa của phủ Thăng Bình khắc tên 7 tiết phụ được các triều vua Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại phong tặng các danh hiệu “Tiết phụ khả phong”, “Tiết hạnh khả phong”, “Tiết hạnh danh văn”, đặc biệt có người được phong danh hiệu “Lạc quyên nghĩa phụ”, “Hảo nghĩa khả gia” (Ngoài tiết hạnh còn có công lạc quyên, phát chẩn cho dân khi đói kém, đóng góp cho việc xây trường học, tu bổ đền miếu…) như các bà Trương Thị Phẩm, Nguyễn Thị Phẫn, Nguyễn Thị Hoàng (cả 3 bà đều có công đóng góp tiền của cho Văn Hội).
     Về thi cử, thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong tuy có thi cử nhưng tổ chức chưa đều, quy chế chưa chặt chẽ, hệ thống học vị chưa rõ ràng, chỉ từ năm 1813 triều Nguyễn mở hai trường thi ở xứ Đàng Trong cũ – đó là trường Quảng Đức (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày nay) và trường Gia Định ( dành cho sĩ tử từ Ninh Thuận đến miền cực nam đất nước ta hiện nay). Năm Kỷ Mão (1819), trường Quảng Đức đổi tên gọi là trường Trực Lệ và năm Ất Dậu (1825) đổi là trường Thừa Thiên, tên này giữ mãi cho đến ngày chấm dứt chế độ thi cử Nho giáo ở nước ta.
     Theo “Quốc triều Hương khoa lục”(19) của Cao Xuân Dục, có thể biết được cụ thể các nhà khoa bảng của tỉnh và các huyện. Trong số 1.250 người đỗ cử nhân của trường Thừa Thiên có 36 người của huyện Thăng Bình. Sau khi đỗ cử nhân trường Hương, các sĩ tử tiếp tục thi Hội tổ chức ở kinh thành Huế. Đất Thăng Bình có 4 người đỗ từ phó bảng trở lên. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tuệ (Tổng An Thái trung, xã Tuần Dưỡng, nay là xã Bình An) đỗ khoa Tân Sửu năm 1841. Các Phó bảng Võ Đăng Xuân (Tổng An Thái trung, xã Phố Thị, nay là xã Bình Tú) đỗ khoa Kỷ Dậu 1849, Phó bảng Nguyễn Thuật (Nguyễn Công Nghệ – Tổng Phú Mỹ trung, xã Hà Lam, nay là thị trấn Hà Lam) đỗ khoa Mậu Thìn 1868, Phó bảng Võ Vỹ (Tổng An Thịnh hạ, phường An Phú, nay là xã Bình Giang) đỗ khoa Tân Sửu 1901.
     Bia ký (bia số 1) từng vinh danh học trò Doãn Văn Đỗ, người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ, anh của Văn Xuân (Doãn Văn Xuân), là sinh đồ đầu tiên của huyện (khoa Quý Dậu Gia Long năm thứ 12). Doãn Văn Xuân là Hương cống đầu tiên của huyện đến tỉnh Định Tường làm quan Án sát sứ, là người được tặng Lễ bộ Thị lang …
     Đến đầu thế kỷ XX các trường quốc ngữ mở ra, nhiều trường công hương, liên hương được lập nhưng rất hạn chế do chính sách ngu dân của thực dân Pháp chỉ 40 trường/170 xã toàn huyện, nhiều xã chưa có trường. Đến năm 1937 huyện mới có được một trường tiểu học hoàn chỉnh ở Thanh Ly, xã Bình Nguyên, năm 1940 thêm một trường nữa ở Kế Xuyên, xã Bình Trung. Cuối năm 1930 cả Quảng Nam, Đà Nẵng không có trường trung học công lập mà chỉ có hai trường tư thục cấp II, một ở Hội An, một ở Đà Nẵng.
     Truyền thống đấu tranh yêu nước, học để làm người yêu nước, thương dân
     Kế thừa truyền thống kiên cường, mưu lược trong công cuộc nam tiến của cha ông, đồng thời cũng là truyền thống yêu nước không ngại hy sinh vì nước của dân tộc, người Thăng Bình đã tham gia chiến đấu chống giặc hết sức kiêu dũng, anh hùng. Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược, người Thăng Bình luôn đứng ở tuyến đầu đánh giặc. Trong phong trào Nghĩa Hội – Cần Vương (1885-1887) nhân dân Thăng Bình đã đứng trong đội ngũ kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu cùng quê Thăng Bình, các lãnh tụ cùng tỉnh Quảng Nam.
     Khi kinh thành Huế thất thủ (5-7-1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở, Quảng Trị và ban chiếu Cần Vương. Tại Quảng Nam, Nghĩa hội được thành lập (9/1885) do Tiến sĩ Trần Văn Dư, Chánh sứ sơn phòng Quảng Nam làm Hội chủ, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu làm Hội phó. Trần Văn Dư kêu gọi “Các sĩ phu, thứ dân toàn hạt, không kể quan quân, xuất quỹ nuôi quân, lập trường luyện võ, nhất nhất mưu đồ khởi nghĩa để đánh đuổi quân thù, giành lại quyền lợi cho thứ dân, tôn phò xã tắc lâu dài”(20). Nghĩa Hội được những nhân sĩ yêu nước Thăng Bình hưởng ứng tích cực phong trào. Nổi bật nhất là cao điểm phòng thủ La Nga-Cao Ngạn-Phú Lâm (tức vùng núi Ngang giáp giữa hai xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước và xã Bình Lãnh huyện Thăng Bình hiện nay) án ngữ phía tây – bắc để bảo vệ khu căn cứ phía tây huyện Hà Đông của Nghĩa Hội do Tán tương Nguyễn Hàm (Tiểu La Nguyễn Thành) cùng Hồ Đức Học xây dựng. Nghĩa Hội do Trần Văn Dư chỉ huy đã tái chiếm sơn phòng Dương Yên, cùng lúc các cánh quân của Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Nguyễn Hanh, Ông Ích Thiện…từ nhiều hướng tiến quân về tỉnh thành La Qua, vây chiếm tỉnh thành. “Nghĩa Hội Quảng Nam là bộ phận duy nhất của phong trào Cần Vương cả nước làm cho bộ máy Nam triều tan rã hoặc bị cô lập trong đồn bót, huyện lị”(21). Nguyễn Thành (1863-1911) là một yếu nhân của phong trào Cần Vương, ông là người văn võ kiêm toàn, một tướng tài của Nghĩa Hội Nam – Ngãi, người khiến cho tên tay sai Nguyễn Thân phải khen ngợi “Nghĩa Hội Nam Ngãi chỉ Nguyễn Thành là biết dùng binh”.  Phan Bội Châu – trong thư gởi Phan Châu Trinh-có viết “Trước đây tôi có đi qua quý tỉnh, những người tôi đã được cùng nói chuyện đều là người tốt nhưng về tài năng thì không ai bằng Nguyễn Thành” (22). Nguyễn Thành chỉ huy nghĩa quân đánh thắng nhiều trận nổi tiếng như Vu Gia, Thu Bồn, cửa ngõ Đà Nẵng…Ông từng kéo quân vào Bình Định hợp sức với Mai Xuân Thưởng, nhằm liên kết mở rộng phong trào Nghĩa Hội.
     Sau khi phong trào Nghĩa Hội tan rã bởi lần lượt Trần Văn Dư bị triều đình Huế và Pháp sát hại (13-12-1885), Nghĩa Hội do Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo với nhiều chiến thắng cho đến năm 1887 thì bị hãm vô thế cùng, nhất là sau tổn thất trận An Lâm (nay thuộc xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước), các thủ lĩnh phải giải giáp lực lượng nhằm bảo toàn lực lượng để mưu đồ về sau. Đến năm 1904,  Nguyễn Thành cùng với Phan Bội Châu sáng lập Duy Tân Hội, dấy lên phong trào Đông Du.
     Nguyễn Thành đã lấy Nam Thịnh sơn trang của mình ở Thăng Bình để thành lập tổ chức cách mạng mới. Cuộc họp có hơn 20 chí sĩ từ cả nước tụ hội như Cường Để, Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Thái Phiên, Tăng Bạt Hổ, Châu Thượng Văn… Cường Để được suy tôn làm Hội chủ.
     Khi Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật để cầu viện nhưng bất thành, Nguyễn Thành cùng Châu Thượng Văn lãnh đạo phong trào trong nước bằng việc liên kết trên 70 cơ sở thương hội, vận động tài chính cho tổ chức. Đến giữa năm 1906 số du học sinh sang Nhật lên đến 200 thì thực dân Pháp câu kết với chính phủ Nhật trục xuất du học sinh và Phan Bội Châu ra khỏi Nhật.
     Trong phong trào xin sưu chống thuế của nhân dân tỉnh Quảng Nam năm 1908 do là chỗ thân tín, đồng chí hướng với Phan Bội Châu và các lãnh tụ Duy Tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…, Nguyễn Thành bị thực dân Pháp và triều đình tay sai kết án 9 năm tù, dày đi Côn Đảo. Nguyễn Thành do lao nhọc vì dân vì nước và chế độ lao tù nên lâm trọng bệnh, qua đời tại Côn Đảo vào năm 1911. Tài dùng binh của ông được Phan Bội Châu ca ngợi:
                                        “…Kiếm mã khởi đầu xanh khởi nghĩa
                                       Tuổi hai mươi đã nức tiếng tri binh
                                       Phong vân khi tay trắng chống trời
                                       Sau trăm trận vẫn bền gan sát tặc”
                                                                              (Văn tế Tiểu La)
     Trước khi trút hơi thở cuối cùng – theo cụ Huỳnh Thúc Kháng – cụ Tiểu La trăng trối “Thời cuộc xoay vần, cơ hội sẽ đến, guồng máy Đông Á sau này còn nhiều cuộc biến đổi. Anh em hãy gắng lên”. Ngoài lời trăng trối, ông còn để lại một bài thơ như một “di ngôn” đầy tâm sự:
                                       Nhất sự vô thành mấn dĩ ban
                                       Thử sinh hà diện kiến giang san
                                       Bổ thiên vô lực đàm thiên dị
                                       Tế thế phi tài tị thế nan?
                                       Thời cục bất kinh vân biến huyễn
                                       Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan
                                       Vô cùng thiên địa khai song nhãn
                                       Tái thập niên lai thi nhất quan    

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:
                                        Một việc chưa thành tóc nhuộm màu
                                        Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu
                                        Vá trời thiếu sức bàn nghe dễ
                                        Cứu thế không tài tránh ở đâu?
                                        Cuộc biến ngại gì mây đổi sắc
                                        Tình người e nỗi sóng thêm sâu
                                        Mở toang hai mắt xem trời đất
                                        Ngắm thử mười năm vẫn thế ru!
     Cụ Phan Bội Châu suy tôn Nguyễn Thành là “Ông tổ mở lối Duy Tân Hội và phong trào Đông Du chính là Tiểu La Nguyễn Thành”(23) . Trong sách “Quảng Nam xưa và nay” do cử nhân Hồ Ngận viết có đoạn “Tiểu La thật xứng đáng là một trong số Tứ Hùng của tỉnh Quảng Nam (gồm Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng)”(24).Trong bốn người “chỉ có Tiểu La mới chỉ đỗ trường ba, chưa đỗ tú tài – nhưng họ đều là người xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình) và như vậy cái danh xưng Tứ Hùng có từ hồi đó”(25).
     Tham gia phong trào Nghĩa Hội còn có cụ Nguyễn Uýnh, người Hà Lam. Nguyễn Uýnh đỗ cử nhân văn khoa và võ khoa, làm lãnh binh thời Tự Đức. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông lĩnh chức Tán tương quân vụ trong Nghĩa Hội Quảng Nam, lập được nhiều chiến công. Ông bị địch phục kích và hy sinh tại Quảng Ngãi.Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu làm câu đối tiếc thương cụ Uýnh:
Nhị huynh tại nhĩ văn chi quân dĩ đương trường lưu chính khí
Tam quân hành tắc thùy dữ ngã đương chế khỗn phạp lương tài.
     Dịch là:
Hai anh tận tai nghe Người đã hy sinh, giữa trận tiền nêu cao chí khí
Ba quân đang gặp khó, ai kẻ lương tài cùng ta chế ngự vượt gian nguy.
     Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thành, Nguyễn Uýnh, nhân dân các xã ở địa phương đã lập các Nghĩa quân đoàn, có xã đoàn phụ trách, người dân không phân giàu nghèo đều góp tiền ủng hộ nghĩa quân, đặc biệt  các nhà hào phú góp nhiều nhất. Điển hình như bà Nguyễn Thị Hường, con gái tri phủ Nguyễn Đức Hiền (Hòa Vang) về làm dâu một gia đình ở Hà Lam, do chồng bà làm Chủ sự sơn phòng Quảng Nam nên nhân dân thường gọi là bà Chủ.Bà Chủ ra sức ủng hộ nghĩa quân về lương thảo nên được nghĩa quân tặng bà danh hiệu “Nữ Tiêu Hà” (Tiêu Hà là quan lo việc lương thảo thời Đông Chu, giúp Hán Cao Tổ đánh bại Hạng Võ (Sở Vương). Bà cũng tiếp tục giúp phong trào Đông Du (1904-1907)Năm 1939 bà mất, Phan Bội Châu có đôi câu đối viếng:
“Hận ngã bất vương tôn quốc sĩ vị thường thanh cựu nhãn
Phùng nhân đàm Phiếu Mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch sơ tâm”
     Dịch là:
Hận mình đâu phải vương tôn, đôi mắt tinh tường nhìn quốc sĩ
Gặp người tụng ca Phiếu Mẫu, tuyền đài kính trọng gởi ân nhân.
Đất Thăng Bình còn có những gia đình “dòng dõi phẩm hạnh nhân nghĩa” (Đại Nam liệt truyện) như gia đình cụ Nguyễn Đạo với các người con như Nguyễn Tạo, Nguyễn Thuật, Nguyễn Uýnh….Nguyễn Tạo làm quan đến chức sơn phòng sứ Quảng Nam, sau làm Giáo thụ Thăng Bình, rồi lại quyền Đốc học, khi chết được truy thụ Hàn Lâm viện thị giảng, được sử quan triều Nguyễn nhận định “là người thanh liêm, giỏi giang, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt”(26). Nguyễn Thuật (hiệu Hà Đình) là em trai Nguyễn Tạo, đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn (1868) làm quan trải qua nhiều chức từ Thị lang tại nội các đến Chánh sứ sang Trung Quốc, Tuyên úy xử trí đại thần đối với hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi Tổng đốc Thanh Hóa, Thượng thư Bộ Lại, Hiệp biện đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Khi Nghĩa Hội Quảng Nam thất bại, nhiều người bị bắt, với chức Tuyên úy xử trí đại thần, ông đã tư Viện Cơ mật xin cho những người thuộc giáo chức, lại dịch, binh dân, người già yếu được chuộc tội bằng bạc và xin bỏ lệ phạt tiền đối với các tổng lý địa phương nơi có người tham gia Nghĩa Hội. Nhờ vậy, ông đã cứu không chỉ anh và hai em trai ông thoát vòng lao lý mà còn cứu đến 865 người khỏi bị giam cầm, tra khảo, được cho về quê làm ăn.Nguyễn Thuật cũng có công xin miễn thuế cho nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa trong năm đầu của triều Đồng Khánh(27).. Theo lời tự thuật của Cường Để thì Nguyễn Thuật cùng với Trần Đình Phác, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thảng, Đào Tiến, Phạm Tấn và Đốc vận Hiền “đều là những người trong quan trường và có đầu óc trung quân ái quốc” gia nhập vào tổ chức Duy Tân Hội lập tại nhà Nguyễn Hàm (Tiểu La Nguyễn Thành) ở sơn trang Nam Thạnh (nay thuộc xã Bình Quý huyện Thăng Bình) vào năm 1904(28). Em trai Nguyễn Thuật là cử nhân Nguyễn Úynh làm Tán tương quân vụ của Nghĩa Hội Quảng Nam do Trần Văn Dư, rồi Nguyễn Duy Hiệu làm Hội chủ. Em thứ hai của ông là Nguyễn Tiến cũng tham gia Nghĩa Hội và làm Bang tá Trà My.
     Sau khi Duy Tân Hội ra đời, bộ ba Quảng Nam gồm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp cùng nhiều sĩ phu yêu nước đề xướng phong trào Duy tân với mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, thực hiện chấn hưng thực nghiệp, tự lực khai hóa, lập hội buôn, hội nông, hội học, mở hiệu buôn, lập doanh điền, phát triển thủ công nghiệp, cổ động dùng hàng nội hóa, xu hướng theo tân học, bỏ lối học từ chương, văn chương bát cổ (tám vế), mở trường dạy chữ quốc ngữ, vận động cắt tóc ngắn, vận Âu phục, vận động chống đồi phong hủ tục, phản đối sưu cao thuế nặng, chống chế độ quân trị, chống cường hào, vua quan thối nát, vận động cải lương hương chính, bỏ khăn đen áo dài…Phong trào lan rộng khắp nơi mà “trường thực hành”  là địa phương Quảng Nam.
     Năm 1906 Trần Quý Cáp nhận chức giáo thọ ở phủ Thăng Bình. Với danh nghĩa này ông mời giáo viên đến dạy Việt ngữ, Pháp ngữ tại trường phủ. Ông đi khắp các nơi trong phủ cổ súy cho phong trào Duy Tân “buổi diễn thuyết người đông như hội”. Ông sáng tác thơ, hò vè để cổ động phong trào:
                                            “…Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
                                            Phải đem ra tính trước dân ta
                                            Sách Âu Mỹ, sách Chi na
                                            Chữ kia nghĩa nọ dịch ra tỏ tường”.
     Phong trào lập trường học mới được lập trong nhiều phủ, huyện. Quảng Nam có những trường lớn như Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm. Phú Lâm được lãnh đạo bởi ông Lê Cơ (một người bà con, cháu bên ngoại  của cụ Nguyễn Thuật) lý trưởng làng. Phú Lâm là trường kiểu mẫu của phong trào. Ông Lê Cơ đã biến Phú Lâm-một làng bán sơn địa miền tây Thăng Bình thành một làng kiểu mẫu nông thôn mới đầu thế kỷ XX của Quảng Nam.
     Khổ vì sưu cao thuế nặng, năm 1908, khởi từ Đại Lộc, cuộc biểu tình xin xâu (sưu), chống thuế lan rộng khắp tỉnh. Tháng 3-1908 hàng ngàn người dân huyện Đại Lộc, Điện Bàn kéo đến Tòa sứ Hội An đòi giảm xâu, thuế. Công sứ Pháp ra lệnh đàn áp, lập tức hàng vạn người từ các huyện lân cận kéo về bao vây Tòa sứ trong nhiều ngày cho đến khi Tòa sứ chịu nhượng bộ, hứa hẹn, mọi người mới giải tán. Nhân dân Thăng Bình tích cực tham gia biểu tình khi kéo về tỉnh đường La Qua, rồi cùng nhân dân Điện Bàn bắt tri phủ Trần Văn Thống (từng là cựu tri phủ Thăng Bình, do hà hiếp dân, tham nhũng bị đổi đi, làm tri phủ Điện Bàn) lên xe giải về Hội An trả cho công sứ. Khi đoàn đến bến đò Phú Triêm thì bị đàn áp, anh Túy trong đoàn bị tên thiếu úy Pháp bắn, hy sinh tại chỗ. Ngày 26-3-1908 nhân dân Thăng Bình do cụ Nguyễn Quần – người làng Đồng Thới (còn gọi là Đồng Thái) chỉ huy kéo đến vây phủ đường Thăng Bình đòi giảm xâu, giảm thuế. Tri phủ Lê Bá Đằng hoảng sợ bỏ trốn. Giặc Pháp đưa quân đến đàn áp, bắn chết cụ Mục Cò tại chỗ, cụ Nguyễn Hàn (Vĩnh Huy) bị chúng đem đi thủ tiêu.
     Phong trào bị đàn áp dã man. Lê Cơ bị đày đi Lao Bảo, Trần Quý Cáp bị xử tử ở Diên Khánh, Nha Trang. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Hương Quần (Nguyễn Quần – hương chánh làng Đồng Thới), Hương Cảnh (Nguyễn Cảnh – hương chánh làng Hà Lam), Trương Bá Huy… bị đày đi Côn Đảo. Cùng số phận với Tiểu La. Nguyễn Quần mất ở Côn Đảo vì bệnh dịch năm 1909.
      Đặng Nguyên Cẩn (Phó bảng – người Nghệ An, cùng bị tù Côn Đảo năm 1908) có viếng Hương Quần đôi câu đối:
             “Ngũ Hành Sơn nhân vật kim thích Côn Lôn, mỗ gia nghĩa đảng, mỗ giả thân sĩ, mỗ giả hương chức xí hồ kỳ gian: phàm ngã đồng bào, khởi dĩ tôn ti phân đẳng cấp
     Trấp thế kỷ tân triều, hoành xung Á lục, hoặc dĩ thiệt chiến, hoặc dĩ bút chiến, hoặc dĩ lợi quyền tranh ư hạ, liên quân nhiệt huyết, vị thùy lưu lạc đáo thiên nhai”
     Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:
              “Nhân vật xứ Ngũ Hành nay ra Côn Lôn, này nghĩa đảng, này thân sĩ, này hương chức xen vào trong; đều nghĩa đồng bào, há lấy tôn ti phân đẳng cấp.
             Tân triều kỷ hai mươi, thẳng xông đất Á, hoặc đánh lưỡi, hoặc đánh bút, hoặc vì lợi quyền tranh ở dưới; cảm người máu nóng, vì ai lưu lạc đến ven trời”(29)
      Duy Tân Hội tiếp tục hoạt động sau khi Tiểu La mất mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo hào sĩ, dư đảng Cần Vương ủng hộ. Tại Thăng Bình các cụ Võ Kiền (Thái Đông), Ngô Đạm (Kế Xuyên) cùng cụ Huỳnh Thế Kỷ (Diên Phước) được giao nhiệm vụ cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Riêng cuộc vận động nhân dân tham gia, việc đóng góp vật lực, nhân tài cho cuộc khởi nghĩa giao cho các cụ: Trương Huy, Trương Hoành (Đức An), Nguyễn Thoại, Nguyễn Thuần (Ngọc Phô), Lê Diễn (Tiên Đỏa), Trương Bá Huy (Hưng Mỹ), Tú Vận (Tiên Mỹ), Nguyễn Lý Thản, Nguyễn Thưởng (Việt An), Dương Quang Tấn (Đông An)…
     Như kế hoạch định sẵn, giờ, ngày khởi sự là 1 giờ sáng ngày 3-5-1916 nhưng kế hoạch bị bại lộ vì có sự phản bội từ trong hàng ngũ binh lính đã được vận động theo phe khởi nghĩa. Địch đóng cửa các trại lính, tước vũ khí của binh sĩ người Việt, truy lùng những người yêu nước. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu… bị hành quyết, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion (Châu Phi), trên 300 sĩ phu và người yêu nước bị đày Côn Đảo, Lao Bảo. Các cụ Huỳnh Thế Kỷ, Lê Diễn, Huỳnh Hiến, Trương Bá Huy, Võ Kiều… là những sĩ phu yêu nước người Thăng Bình bị bắt, bị đày đi biệt xứ bởi cuộc khởi nghĩa này.
     Truyền thống yêu nước, vì dân vì nước, chiến đấu không mệt mỏi, luôn tìm cách giành bằng được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, cho dẫu hy sinh sinh mệnh – đó là  tính cách đặc trưng của người Thăng Bình, người Quảng Nam bởi con người ấy luôn “hằn sâu trong tư duy một ý thức trách nhiệm chính trị hầu như là tự nhiên đối với vận mệnh chung của đất nước” như các tác giả sách ‘Tìm hiểu con người xứ Quảng”(30) đã nhận định hay như nhận định của các sử quan triều Nguyễn là “họ sốt sắng việc công”, hễ thấy việc nghĩa, việc phải thì làm, đúng như cụ Phan Châu Trinh đã viết:
                                            Gặp việc nghĩa trăm thân không tiếc
                                            Làm việc gì chỉ quyết cho nên
                                            Lòng son dạ đá giữ bền

                                            Chẳng nề ai ghét chẳng phiền ai thương

Thạc sỹ Phùng Tấn Đông
(Ủy viên BCH Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam)

      Chú thích:

(1)- Nguyễn Siêu-Phương Đình dư địa chí (Ngô Mạnh Nghinh dịch)-NXB Tự Do, Sài Gòn 1959
(2)-Nguyễn Văn Xuân-Quảng Nam-Đà Nẵng 1307-1996- (sách Nguyễn Văn Xuân, sức sống văn hóa xứ Quảng (Nguyễn Cửu Loan, Hồ Sĩ Bihf biên soạn)-NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2011 tr.347
(3)-Lê Bá Thảo-Thiên nhiên Việt Nam-NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội 1990 tr.237
(4)-Nguyên Ngọc (chủ biên)-Tìm hiểu con người xứ Quảng-Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Nam xb-Tam Kỳ 2004 tr 19
(5) Phan Huy Chú-Lịch triều hiến chương loại chí (Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực dịch)-Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa xb, Sài Gòn 1970 tr.292
(6)Nguyên Ngọc (chủ biên)-Sđd-tr.24
(7) Khâm định Việt sử thông giám cương mục tr.1159.Dẫn theo ‘Tìm hiểu con người xứ Quảng” sđd tr.25
(8) Lê Qúy Đôn-Phủ Biên tạp lục (tập III) NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1997 tr.902
(9)-Nguyên Ngọc (chủ biên)-Sđd-tr.29
(10) Lê Qúy Đôn- Phủ Biên tạp lục-sđd-tr.337
(11) Dương Văn An (nhuận sắc và tựa, Bùi Lương dịch)-Ô châu cận lục-NXB Văn hóa Á châu, Sài Gòn 1961
(12) Lê Đình Phụng-Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Tháp ChămPa-NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005 tr.82
(13) Lê Đình Phụng-Sđd-tr.83
(14)Nguyễn Duy Hinh-Tháp cổ Việt Nam-NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2013 tr.121
(15) Nguyễn Duy Hinh-Sđd-tr.122
(16) Dương Văn Út- Chuyện về nữ thần Pô Inư Nagar và Bà Chợ Được-Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật (Bộ VH-TT&DL) số 344 tháng 2/2013
(17) Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Nam- Phong tục, tập quán. Lễ hội Quảng Nam-xb 9/1994 tr.282
(18) Phạm Hồng Việt (viết chung)-Một số nhân vật lịch sử Điện Bàn trước 1945-UBND Huyện Điện Bàn xb 2012 tr.32
(19) Cao Xuân Dục- Quốc triều hương khoa lục (Nguyễn Thúy Nga dịch) –NXB TP Hồ Chí Minh 1993
(20)Tập san nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành QN-ĐN (Sở VH và TT QN-ĐN) Số 3/1984 tr.16
(21) Lịch sử Đảng Bộ huyện Thăng Bình-NXB Chính Trị Quốc Gia. Hà Nội 2000 tr.21
(22) Lịch sử Đảng Bộ huyện Thăng Bình-sđd-tr.28
(23) Chương Thâu (sưu tầm, biên soạn)-Phan Bội Châu toàn tập-tập 4-NXB Thuận Hóa, Huế 1990-tr.281
(24) Hồ Ngận-Quảng Nam xưa và nay”-NXB Thanh Niên, Hà Nội 2004
(25) Trương Duy Hy- Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời Nho học-NXB Văn Học, Hà Nội 2004-tr.75
(26) Quốc Sử quán Triều Nguyễn-Đại Nam liệt truyện (Tập 4)-NXB ThuẬN Hóa, Huế 1997, tr.276
(27) Quốc Sử quán Triều Nguyễn- Đại Nam thực lục (Tập 9) NXB Giáo Dục, Hà Nội 2007-tr.359, 364,372,366,444
(28) Cuộc đời cách mạng của Cường Để-Nhà in Tôn Thất Lễ, Sài Gòn, 1957, tr.13-14
(29) Huỳnh Thúc Kháng-Thi tù tùng thoại-NXB Nam Cường, Sài Gòn 1951, tr.63-64 (30) Nguyên Ngọc (chủ biên)-Sđd-tr.123