Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số

MAI AN

Lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng

Những năm qua, ngành văn hóa luôn coi việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Qua thời gian đầu triển khai còn bỡ ngỡ, đến nay ngành văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều nhiệm vụ đã từng bước đi vào chuyên sâu. Công tác bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, biến nhiều di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thành các giá trị tài sản, bảo đảm đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào.

Song theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch [VHTT&DL] Trịnh Thị Thủy, còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Đó là việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội có nơi làm tốt nhưng cũng có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc, không đúng định hướng các giá trị. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng lớp trẻ ngày nay không còn ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình…

GS, TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có việc tôn trọng lịch sử, tiếng nói, chữ viết và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc, trên tinh thần coi văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, cần có kế hoạch tổ chức khẩn trương, dứt điểm trong việc đầu tư kinh phí, nhân lực có chuyên môn để khảo sát, thống kê, phân loại, nghiên cứu đồng bộ lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Tiếp đó các địa phương cần làm tốt việc dạy song ngữ ở các trường dân tộc thiểu số [tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa], tập trung vào các dân tộc có số lượng dân cư đông đảo…

Cùng chung nhận định này, TS Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều gắn bó với văn hóa miền núi, đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở nghiên cứu ở vùng Tây Bắc. Theo đó, phải tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng các dân tộc, không coi tôn giáo tín ngưỡng là mê tín dị đoan, cấm học chữ cổ, cấm lễ cấp sắc... Những hành động bài trừ này đã làm đứt đoạn văn hóa…

Bảo tồn song song kinh tế, làm du lịch

PGS, TS Phạm Văn Lợi nêu quan điểm: Mọi thành tố văn hóa của mọi dân tộc đều mang giá trị riêng, xứng đáng để bảo tồn. “Tuy nhiên chúng ta có nên phát huy các thành tố văn hóa đó hay không thì phải xem nó còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế văn hóa xã hội nữa không”, ông nói. Cộng đồng dân tộc thiểu số chịu tác động lớn của hội nhập, công nghiệp hóa cho nên chúng ta phải chấp nhận một số thành tố văn hóa có thể mất đi nếu chúng trở nên lạc hậu.

Thử làm phép tính: chục năm qua có cả trăm hội thảo, tọa đàm từ quốc tế và quốc gia tới cấp địa phương, GS, TS Bùi Quang Thanh nhận thấy từ lý thuyết tới thực tiễn còn cả khoảng trống bất cập. “Tôi nghĩ vấn đề bảo tồn suy cho cùng nằm ở con người. Chúng ta lúng túng ở hai cách thức gọt chân vừa giày hay đóng giày cho vừa chân”, ông nói. Ông cho rằng không nhiều người “cầm cờ” văn hóa ở Sở, Phòng Văn hóa - Thông tin địa phương lăn lộn với văn hóa, hoặc xuất thân từ cộng đồng đồng bào nên chưa thật sự hiểu rõ về văn hóa cộng đồng.

Trăn trở về bảo tồn, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Di sản cho hay, các nghiên cứu do UNESCO tiến hành mấy chục năm qua khẳng định phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa. Từ đó suy ra bảo tồn văn hóa cũng phải đặt ra mục tiêu gắn kết giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế song song phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản của phát triển. TS Đặng Văn Bài cũng đưa ra mô hình bảo tồn làng văn hóa bản Quyên của người Tày ở Định Hóa [Thái Nguyên] gắn với phát triển du lịch cộng đồng hay mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa của người Tày trong khu sinh thái Thái Hải [Thái Nguyên] là thí dụ điển hình cho mối quan hệ tương hỗ này. Trong 30 ngôi nhà sàn cổ, hơn 100 người là vợ chồng, con cái bà con dân tộc được mời hoặc tự nguyện về làng vừa cấy cày, trồng rau, nuôi cá vừa làm du lịch, đã thu hút du khách bởi chính nếp sinh hoạt truyền thống họ đang gìn giữ.

Cùng chung chia sẻ này, TS Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh: Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền phát triển du lịch. Trong đó, cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng. Tôn trọng người dân làm du lịch, không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà có thể tiến hành song song hai hoạt động; làm du lịch theo hướng trải nghiệm; phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Đổi mới phương thức bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

[ĐCSVN] - Văn hóa các dân tộc thiểu số [DTTS] là một bộ phận quan trọng cấu thành nên văn hóa Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân, văn hóa các DTTS hiện đang đứng trước xu hướng biến đổi, mai một dễ dẫn đến sự tiếp nhận không có chọn lọc, khập khiễng với văn hóa truyền thống. Do vậy, rất cần có tư duy và phương thức mới trong bảo tồn văn hóa DTTS.

Nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS

Với quan điểm coi văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện nhân cách con người, trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia đa dân tộc.

Quán triệt quan điểm của Đảng, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc DTTS đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Nhiềulàng, bản, buôn của 26 DTTS đã được bố trí bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương luân phiên, định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; giao lưu văn hóa các dân tộc: Thái, Mường, Chăm, Khmer, Dao, Mông…; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái…

Tại các ngày hội, giao lưu văn hóa, nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, làn điệu dân ca do các nghệ nhân, diễn viên là người DTTS thể hiện bằng tiếng dân tộc đã được đông đảo đồng bào tán thưởng, đón nhận, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã thực hiện hàng trăm dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Đã có 145 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

35 làng, bản, buôn của 26 DTTS và 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu DTTS cũng đã được bố trí bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS ngày càng được chú trọng. Hiện nay, 67 đài phát tranh, truyền hình cùng gần 100 báo giấy, báo điện tử và hơn 200 trang thông tin điện tử tham gia tuyên truyền sâu rộng về công tác dân tộc.

Các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức sản xuất nhiều phim tài liệu, chuyên đề về phong tục tập quán, những lễ hội, bản sắc đặc trưng của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần phổ biến bản sắc văn hóa độc đáo của các DTTS…

Thách thức từ xu hướng biến đổi văn hóa DTTS

Theo TS. Đặng Thị Hoa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn bản lĩnh và bản sắc dân tộc là những vấn đề có ý nghĩa quyết định. Tuy vậy, hiện nay, văn hóa DTTS đang có xu hướng biến đổi.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân qua nghiên cứu các DTTS ở miền Bắc đã nhận thấy sự biến đổi văn hóa trên nhiều mặt.

Do các DTTS cộng cư lẫn nhau và cộng cư với người Kinh nên có sự biến đổi về văn hóa vật chất như kiến trúc nhà cửa, trang phục hàng ngày. Chẳng hạn người Thái, người Tày từ cư trú nhà sàn chuyển sang ở nhà đất, nhà xây bằng các vật liệu công nghiệp gạch, ngói, xi măng, có các công trình phụ tương tự như nhà ở của người Kinh.

Hay phụ nữ dân tộc Mường chuyển từ trang phục truyền thống áo cánh ngắn - váy đen dài sang mô thức áo ngắn - quần của người Kinh để phù hợp với điều kiện sống, trình độ học vấn và nghề nghiệp hiện đại. Trang phục truyền thống chỉ còn được mặc vào dịp lễ hội.

Trong các thành tố của văn hóa dân tộc thì ngôn ngữ làm nên nét đặc trưng riêng của dân tộc. Mất ngôn ngữ là mất đi tài sản lớn của văn hóa dân tộc, kéo theo sự mai một của văn hóa nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, luật tục…

Nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Yên - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy, người Ơ Đu ở Nghệ An hiện nay giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ của đồng bào Khơ Mú, Thái. Từ cách ăn mặc đến các thực hành văn hóa cũng ảnh hưởng rất đậm nét phong tục tập quán của người Khơ Mú, người Thái.

Một dân tộc bị hòa tan về ngôn ngữ, trang phục, nhà cửa… có nghĩa dân tộc đó đã đánh mất sắc thái văn hóa dân tộc mình - PGS.TS. Nguyễn Thị Yên cảnh báo. Nếu văn hóa truyền thống bị mai một, đứt gãy, hệ quả của nó là vai trò của già làng, tính cộng đồng làng bản, những tri thức luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quan hệ giữa người và người có nguy cơ biến đổi theo hướng tiêu cực.

Lúc đó, các yếu tố văn hóa bên ngoài càng có điều kiện thâm nhập, có thể dẫn đến sự tiếp nhận không có chọn lọc, khập khiễng với văn hóa truyền thống. Giữ gìn văn hóa của dân tộc chính là một cách để khẳng định sự tồn tại của dân tộc đó trong xã hội.

Phát huy vai trò người dân trong bảo tồn văn hóa DTTS

Ông Sầm Văn Dừn, nghệ nhân nhân dân ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dù đã 75 tuổi nhưng vẫn làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn hóa thôn. Với niềm đam mê bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, ông đã tập hợp con cháu vào đội văn nghệ; đồng thời sân khấu hóa các tiết mục biểu diễn trên cơ sở kết hợp với các nghi lễ truyền thống của dân tộc.

Từ năm 1998 đến nay, đội văn nghệ thôn Mãn Hóa đã có gần 30 tiết mục tham gia các hội thi, hội diễn từ địa phương tới toàn quốc và đoạt rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc… Nhiều bản dịch bài hát Sình Ca của ông Dừn đã cung cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang nguồn tư liệu để lập hồ sơ và được cấp có thẩm quyền công nhận Sình Ca của dân tộc Cao Lan là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bản thân ông Dừn hiện đã sưu tầm, lưu giữ được 200 đầu sách cổ và 8 tập sách hát Sình Ca cùng rất nhiều nhạc cụ truyền thống của của dân tộc Cao Lan. Ông được mệnh danh là “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc.

Những việc làm của ông Dừn cho thấy, người DTTS là chủ thể đặc biệt quan trọng trong bảo tồn văn hóa DTTS. Vì vậy, họ cần được hỏi ý kiến, được tư vấn, được đề xuất, thậm chí được phản biện trước mỗi chương trình, dự án liên quan đến văn hóa truyền thống của họ. Có như vậy mới giúp họ ý thức được vai trò chủ động của mình trong giữ gìn văn hóa tộc người, đồng thời tránh sự áp đặt bảo tồn một chiều từ phía chính quyền.

Bảo tồn văn hóa phải gắn với sinh kế của người dân thì mới nâng cao vai trò chủ động của đồng bào

Muốn phát huy vai trò chủ thể bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS, vấn đề tiên quyết là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, đồng bào có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố văn hóa hiện đại, phù hợp với văn hóa truyền thống.

Thứ đến là phải gắn được văn hóa với sinh kế của người dân. Như ở thôn Mãn Hóa, trước khi tham gia đội văn nghệ, các thành viên đều là hộ nghèo. Nhờ biết gắn kết văn hóa với du lịch cộng đồng đã tạo ra sinh kế mới cho các thành viên, giúp họ thoát nghèo. Do vậy, họ càng thêm gắn bó với hoạt động văn hóa, văn nghệ, đồng nghĩa với việc họ phải chủ động bảo tồn văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, đã có sự thay đổi tư duy của nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người dân về văn hóa. Từ một lĩnh vực bị xem chủ yếu là mang chức năng giáo dục, tuyên truyền, văn hóa đã được nhìn nhận là lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân và quảng bá du lịch dân tộc, vùng miền.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Đó chính là tài nguyên, là “đặc sản” cần được phát huy để đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc, mỗi địa phương và cả nước. Cách phát huy hiệu quả nhất là gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào.

Bên cạnh vai trò của người dân, quá trình bảo tồn văn hóa cần có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu và nhà quản lý thông qua việc lựa chọn hình thức thích hợp cho từng giá trị văn hóa. Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh - Đại học Khoa học Huế, có nhiều hình thức bảo tồn cho từng giá trị văn hóa như: bảo tồn động, bảo tồn tĩnh, bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn thích nghi, bảo tồn biến đổi…

Bảo tồn tĩnh là bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS ở ngoài môi trường sống của dân tộc đó như: bảo tồn trong bảo tàng, trong sách báo, trưng bày, triển lãm… Bảo tồn động là bảo tồn các di sản văn hóa trong chính môi trường xã hội mà nó nảy sinh và tồn tại. Bảo tồn nguyên trạng là bảo tồn nguyên gốc, không làm biến dạng di sản văn hóa đó. Bảo tồn thích nghi là bảo tồn trong xu thế biến đổi để phù hợp với môi trường mới, hoàn cảnh xã hội mới, nhu cầu mới…

Trong quá trình bảo tồn, cần linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp với thực trạng của từng đối tượng di sản văn hóa. Tuy nhiên, mọi hình thức bảo tồn nhất thiết đều phải thông qua cơ cấu xã hội làng, bản của người dân./.

Bài, ảnh: Phương Liên

Video liên quan

Chủ Đề