Thực trạng sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi

Thời gian qua, ngành NN và PTNT đã nỗ lực ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Mục tiêu tiếp theo là kiểm soát căn bản vấn nạn sử dụng bừa bãi kháng sinh dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu ngành chăn nuôi trong nước, không đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, vấn đề quản lý về kinh doanh thuốc thú y và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Hiện nay, trên thị trường có hơn 6.000 loại thuốc thú y của trên 90 nhà sản xuất có trong danh mục được Bộ NN và PTNT cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Qua tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi, kháng sinh đa số được dùng với mục đích phòng bệnh, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Song có trường hợp người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ nhất định không nhằm chữa bệnh mà để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc bảo đảm điều kiện kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… Đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y tại 39 cơ sở, lấy 13 mẫu thuốc thú y để kiểm định chất lượng; kết quả có 1 mẫu thuốc thú y kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn như đăng ký. Đoàn thanh tra đã phạt hành chính 1 đơn vị sản xuất và 1 đơn vị kinh doanh thuốc thú y với tổng số tiền gần 12 triệu đồng. Chi cục cũng kiểm tra thường kỳ 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại các huyện, thành phố. Nhìn chung, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên đã cơ bản nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y như: có giấy đăng ký kinh doanh do UBND huyện, thành phố cấp; có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, chứng chỉ hành nghề do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp; các sản phẩm thuốc thú y tại các cơ sở kinh doanh này cơ bản đã có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo đúng theo quy định về nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng…

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh còn gặp khá nhiều khó khăn. Số cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh nhiều, với 516 cơ sở, sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại; nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa tổng hợp, trong đó có cả thuốc thú y; một số Cty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phân phối bằng cách cho nhân viên tiếp thị trực tiếp mang hàng xuống các trang trại chăn nuôi quảng cáo và bán thẳng cho người chăn nuôi… nên cơ quan chức năng rất khó quản lý kiểm soát các loại thuốc được cung ứng. Theo Luật Thú y, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y cần có đủ điều kiện về cơ sở vật chất; chủ cơ sở kinh doanh phải có bằng Trung cấp chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản trở lên. Thực hiện Luật Thú y, căn cứ các quy định về điều kiện trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y cho 266 cơ sở, chiếm 51,5% tổng số cơ sở đang kinh doanh trên toàn tỉnh. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, phân tích mẫu còn hạn chế nên số cơ sở được kiểm tra và số mẫu lấy kiểm tra chất lượng các loại thuốc bán còn ít. Quản lý việc kinh doanh thuốc thú y kháng sinh đã khó, nhưng quản lý việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó hơn. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật cho chủ cơ sở kinh doanh và đội ngũ Trưởng thú y các xã, thị trấn. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc thú y chỉ quan tâm đến bán được hàng chứ chưa quan tâm đến việc hướng dẫn người mua sử dụng các loại kháng sinh đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng chưa kiểm soát được việc hành nghề của đa số thú y viên các xã và những người hành nghề thú y tự do. Do trình độ chuyên môn yếu nên khi chữa bệnh cho vật nuôi họ thường sử dụng kháng sinh liều cao hơn quy định, phối hợp nhiều loại kháng sinh không đúng nguyên tắc. Ngoài ra do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu [chiếm trên 70%] nên việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phần lớn các hộ chăn nuôi sử dụng kháng sinh còn tùy tiện, ít chú ý đến quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất trong điều trị. Tình trạng sử dụng kháng sinh “3 không”: không đúng bệnh, không đúng liều lượng, không đúng lộ trình… khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người chăn nuôi do tốn chi phí mua thuốc, sản phẩm tồn dư kháng sinh lớn, khó tiêu thụ... Đặc biệt, kháng sinh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi có hại cho người sử dụng; gây ra hiện tượng kháng kháng sinh khi vi khuẩn “nhờn thuốc”, ảnh hưởng đến cả công tác phòng chống dịch bệnh chung.

Đấu tranh ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là quá trình khó khăn và phức tạp. Cơ quan chuyên môn không thể bao quát toàn diện, kiểm soát thường xuyên việc kinh doanh và sử dụng kháng sinh. Từ thực trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam, Bộ NN và PTNT đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”. Theo kế hoạch này, Bộ NN và PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp, nội dung thực hiện, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh cũng như nguy cơ hình thành kháng kháng sinh; giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm… Chủ trương của Bộ NN và PTNT sẽ dần hạn chế sử dụng, tiến tới cấm sử dụng kháng sinh cho mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình có những giải pháp hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi như sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược chăm sóc vật nuôi ở các xã: Xuân Ngọc [Xuân Trường], Trực Thái [Trực Ninh], Yên Lợi [Ý Yên]… Đây là nỗ lực và hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền để người chăn nuôi khi sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho vật nuôi cần tuân thủ theo đúng chỉ định ghi trên nhãn thuốc và hướng dẫn của cơ sở sản xuất, tuyên truyền tác hại của việc dùng thuốc sai quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu trong quản lý kinh doanh thuốc thú y. Người chăn nuôi khi sử dụng thuốc kháng sinh phải có kiến thức và được sự tư vấn của bác sĩ thú y, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tăng cường phát triển chăn nuôi theo phương thức sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và góp phần bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Theo Dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại 5 tỉnh [Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định năm 2015] của Cục Thú y cho thấy, có đến 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn; 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,4% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu. Cũng theo Cục Thú y có đến 100% các cơ sở sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng chỉ có 63% cơ sở tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình sử dụng kháng sinh và các tỉnh ở Đông Nam bộ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn các tỉnh phía Bắc.

TP Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cầm hiện đứng ở tốp đầu cả nước với đàn trâu. bò trên 170 ngàn con trong đó bò sữa gần 15 ngàn con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn gia cầm, thủy cẩm hiện có 25 triệu con. Vê các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, có tới 787 cửa hành buôn bán thuốc thú y trong đó cửa hàng buôn bán thuốc dược phẩm 545, cửa hàng buôn bán thuốc dược phẩm và vắc xin 218, cửa hàng buôn bán hóa chất 15. Có gần 100 công ty sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn. Với số lượng đàn gia súc gia cầm lớn, bên cạnh đó môi trường chăn nuôi còn bị ô nhiễm nên người dân vân dùng kháng sinh với lượng lớn. Đối tượng dùng nhiều kháng sinh để phòng bệnh là gia cầm từ 1 đến 35 ngày tuổi và lợn từ sơ sinh đến cai sữa.

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy hại chính của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi không đúng nguyên tắc, liều lượng, liệu trình dẫn đến vấn đề nhờn thuốc, tạo cơ hội cho vi sinh vật kháng lại thuốc. Lạm dụng kháng sinh gây ra sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm do sự tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.

Nguyên nhân tại sao người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh thì có nhiều song có mấy nguyên nhân cơ bản đó là phương thức chăn nuôi ở Hà Nội vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ nên ý thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là một nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, việc quản lý dịch bệnh khó khăn chính vì vậy để chủ động phòng bệnh người dân tuy đã dùng kháng sinh nhưng dùng luôn kháng sinh để phòng bệnh. Bên cạnh đó việc tập huấn nâng cao trình độ chăn nuôi hiểu sâu về tác hại của Kháng sinh còn hạn chế nhất định. Nhiều Doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y vì lợi nhuận vần tăng cường quảng bá để bán được hàng mà không giới thiệu sâu về những tác hại, cơ chế ảnh hưởng của kháng sinh để người dân hiêu. Về chủ quan trên thực tế người chăn nuôi cũng nhiều người biết tác hại song vẫn dùng cũng vì do lợi nhuận. Do nhiều loại kháng sinh trên thị trường khó quản lý và còn có sự chồng chéo trong công tác quản lý. Tất cả những nguyên nhân trên nếu không có giải pháp mạnh, hữu hiệu sẽ có hậu quả nghiêm trọng.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới đó là, trước mắt tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh doanh, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Quản lý hoạt động hành nghề thú y, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSTY và các hoạt động kinh doanh, buôn bán, hành nghề thú y theo quy định. Tập huấn phổ biến cho đội ngũ cán bộ thú y màng lưới từ huyện đến thú y thôn bản các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề sử dụng và hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh sự tồn dư các chất cấm, các kháng sinh tồn dư tại các lò mổ, lấy mẫu kiểm tra, phân tích các mẫu thức ăn chăn nuôi đóng  trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường hướng dẫn tới hộ chăn nuôi kỹ thuật chăn nuôi, tham mưu cac cấp chính quyền đầu tư kinh phí tập huấn cho các hộ chăn nuôi lớn. Các chính sách về hỗ trợ vác xin phòng bệnh để hạn chế dịch bệnh, người dân yên tâm không lo lắng dịch bệnh, không dùng kháng sinh để làm liều phòng, dần dần bỏ thói quen dùng kháng sinh đê phòng bệnh.

Triển khai thực hiện Thông tư 06 của Bộ Nông nghiệp & PTNT ngày 31/5/2016 ban hành danh mục, hàm lượng, kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiếp tục thực hiện ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; các hộ chăn nuôi không sử dụng kháng sinh, chất cấm không được phép sử dụng.

Các giải pháp nêu trên phải thực hiện đồng bộ song phải có lộ trình thực hiện, vừa tăng cường quản lý vừa đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tăng cường phương thức tuyên truyên nguy cơ tác hại của việc lạm dụng kháng sinh để người chăn nuôi hiểu sâu và hạn chế áp dụng.

Trường hợp bất khả kháng vẫn phải dùng người chăn nuôi cần lưu ý một số nguyên tắc cơ bản đó là: Dùng kháng sinh càng sớm càng tốt: Nên dùng kháng sinh với liều cao ngay từ đầu, không được dùng liều nhỏ tăng dần để tránh hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc. Thuốc kháng sinh phải dùng đủ liều lượng, nếu dùng không đủ liều  sẽ không đủ lượng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Khi đó gia súc, gia cầm không những không khỏi bệnh và còn gây hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc, con vật kháng kháng sainh, lần sau sử dụng kháng sinh sẽ ít hoặc không có hiệu quả điều trị. Phải dùng kháng sinh ít nhất 3 ngày liên tục cho đến khi hết các biểu hiện nhiễm khuẩn, sau đó dùng thêm 1- 2 ngày nữa rồi mới ngừng thuốc. Trong thực tế có nhiều người theo thói quen trong điều trị là khi tiêm 1 -2 mũi kháng sinh, thấy con vật bắt đầu ăn trở lại là ngừng ngay việc dùng thuốc, như vậy vi khuẩn bị nhờn kháng sinh và rất có khả năng tái nhiễm bệnh. Nếu sau một liều trình dài 5 -6 ngày dùng kháng sinh mà không thấy  khỏi bệnh nên đổi loại kháng sinh khác hoặc xem lại việc chẩn đoán bệnh. Hiện nay có nhiều người khi thấy con vật bỏ ăn là dùng ngay kháng sinh, điều này sẽ rất nguy hiểm vì  chính kháng sinh có thể làm cho con vật biểu hiện triệu chứng nặng hơn. Cần phải có chẩn đoán chắc chắn con vật đó đang có biểu hiện bệnh, đặc biệt biểu hiện viêm nhiễm trong cơ thể mới nên sử dụng kháng sinh. Không nên phối hợp quá nhiều loại kháng sinh, chỉ nên dùng kết hợp 2 loại kháng sinh cùng lúc, nếu sử dụng phối hợp quá nhiều loại kháng sinh thì vừa không có hiệu quả điều trị lại vừa gây cho vi khuẩn nhờn thuốc. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh: Trong thực tế hiện nay do trên thị trường quá sẵn các loại kháng sinh nên nhiều người dùng tràn nan, tuỳ tiện, cứ thấy con vật ốm là dùng ngay kháng sinh mà không chú ý đến chẩn đoán đúng bệnh. Nhiều trường hợp dùng kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng bệnh, với liều phòng như vậy sẽ là nguy hiểm vì còn vật rơi vào trạng thái nhờn kháng sinh, hoặc chính kháng sinh đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con vật.  Điều quan trọng khi dùng káng sinh là phải kết hợp với chẩn đoán bệnh mới đảm ảo an toàn và có hiệu quả.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên mổ thịt gia súc gia cầm ngay sau khi dùng kháng sinh mà phải sau một thời gian để con vật thải hết lượng thuốc tồn dư trong thịt. Thời gian này khác nhau tuỳ thuộc loại kháng sinh theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Mặt khác khi con vật bệnh phải dùng kháng sinh sẽ gầy yếu, giảm cân nên phải có thời gian nuôi để con vật hồi sức trở lại trạng thái khỏe bình thường mới đưa vào giết mổ để vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa đạt được khối lượng tăng trọng khi xuất bán. Khi sử dụng kháng sinh cần kết hợp với bổ sung các loại Vitamim, các loại thuốc bổ trợ và đảm bảo khâu hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho con vật./.

Video liên quan

Chủ Đề