Trách nhiệm của công dân trước đại dịch covid-19


 Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ các nguồn lực cho các địa phương phòng, chống dịch… Ðiều đáng mừng là công tác phòng, chống dịch ở nước ta thời gian qua luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự tham gia tích cực của mọi người dân trên cả nước, với những hành động thiết thực và cụ thể. Qua đó, góp phần để Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa tăng trưởng kinh tế dương.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch như: Không khai báo y tế, hay khai báo y tế không trung thực; trốn khỏi khu cách ly tập trung, khu điều trị; tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng; nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận…

Tất cả các vi phạm nêu trên đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự, với tội danh "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", "chống người thi hành công vụ"…

Ngành y tế dự báo, dịch Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành y tế, thì mỗi người dân Việt Nam cần là "một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh" bằng việc nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm công dân trước cộng đồng và đất nước trong việc thực hiện nghiêm các quy định mà ngành y tế đưa ra vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Người dân đang sinh sống tại các khu vực có dịch hoặc bị phong tỏa, cách ly cần tuân thủ việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; từng hộ gia đình trong cộng đồng bảo đảm không giao lưu, không ra khỏi nhà, trừ trường hợp có việc cần thiết và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, nhất là các trường hợp đến, đi từ các vùng có dịch.

Người dân hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung đông người, giữ khoảng cách tại các khu vực công cộng; kiểm tra thân nhiệt hằng ngày, thông báo kịp thời các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở; thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (Bluezone), ứng dụng khai báo y tế (NCOVI); bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên tập thể dục, thể thao trong điều kiện cho phép...

Bên cạnh đó, người dân trong độ tuổi quy định cần chủ động tham gia tích cực Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phát động, nhất là tránh tâm lý "trông chờ", "lựa chọn" các loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà; tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông người… Các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định…

Theo nhandan.vn

Trách nhiệm công dân nhìn từ đại dịch Covid-19

Một trong những yếu tố căn bản để Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, số người nhiễm bệnh và tử vong không cao là nhờ vào sự chấp hành tốt các quy định phòng dịch của người dân. Khi cơ quan y tế khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì đa số người dân thực hiện. Khi chính quyền ra lệnh cách ly xã hội, hầu như người dân tuyệt đối chấp hành. Ðó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch.

Chưa kể, việc chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch còn thể hiện trách nhiệm công dân toàn cầu. Mỗi một công dân biết tự bảo vệ mình là cộng đồng được an toàn, một quốc gia an toàn thì giúp cho thế giới được an toàn.

Không chỉ chấp hành phòng dịch, nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện tinh thần công dân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Những hoạt động như ATM gạo, tặng khẩu trang trên đường, góp thực phẩm cứu trợ người dân vùng sâu, vùng xa tạo nên một sinh khí dập tắt sự u ám của dịch bệnh. Cùng với việc giúp đỡ lẫn nhau, nhiều cá nhân, doanh nghiệp gửi quà tặng, nước uống, thực phẩm tặng y sĩ, bác sĩ ở các tâm điểm cứu người. Trên tuyến đầu chống dịch, các thầy thuốc cảm thấy ấm lòng, tự tin và quyết tâm hơn khi thấy bà con gửi gắm niềm tin và sự quý trọng đối với mình.

Ða số người dân Việt Nam thể hiện tinh thần công dân trong việc phòng, chống đại dịch, nhưng vẫn còn không ít người vứt bỏ điều này. Họ không cùng xông ra mặt trận "chống dịch như chống giặc", mà lùi về phía sau như một kẻ đào ngũ, thậm chí còn phản bội lại cộng đồng.

Có không ít người ngồi cắm mặt vào bàn phím "chém gió". Có những kẻ tỏ ra hả hê khi có thêm ca bệnh mới, rồi vui sướng viết chữ "toang". Có những kẻ share những tin bịa đặt, tiêu cực, cho rằng Việt Nam giấu dịch, gây hoang mang, sợ hãi cho người dân. Trong những người đưa tin sai sự thật đó, có người vì vội vàng, cẩu thả dẫn đến sơ suất, nhưng có người cố ý và đầy ác tâm.

Cùng với những anh hùng bàn phím "tay nhanh hơn não" là những người không chấp hành các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Nhiều người ra đường không mang khẩu trang, không rửa tay, tụ tập nhóm đông người ăn nhậu.

Ngang ngược hơn, có những kẻ chống lại những người thi hành công vụ, đi nhắc nhở đeo khẩu trang, cấm tập trung đông người. Ðiển hình, người đàn ông ở Quảng Nam dùng cào lúa hành hung cán bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19, đã bị kết án 9 tháng tù giam. Hoặc một Phó Chủ tịch HÐND huyện ở Bình Phước không chấp hành quy định ở chốt kiểm soát dịch Covid-19, sau đó bị cách hết tất cả chức vụ trong Ðảng.

Chống lại các quy định phòng dịch, chửi bới, hành hung cán bộ phòng dịch là có hành vi vi phạm pháp luật, đương nhiên là không có tinh thần công dân. Nhưng còn có nhiều người có những vi phạm khác, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vì thiếu trách nhiệm công dân, không có tinh thần công dân, có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Ðại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, hậu quả vô lường. Ðề cao tinh thần công dân, dẹp bỏ những hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần công dân chính là cách để vượt qua thử thách thế kỷ mà chúng ta đang phải đối diện.

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Bản quyền thuộc về: UBND HUYỆN AN LÃO TỈNH BÌNH ĐỊNH - PEOPLES COMMITTEE OF AN LAO DISTRICT.Địa chỉ: Thôn 2 – Thị trấn An Lão – Huyện An Lão Tỉnh Bình Định. ĐT: 02563875638 Email:  

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà

Phạm Thị Lệ Thùy - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão
Số điện thoại đường dây nóng thông báo các sự cố về ATTT: 0909097808
Người chịu trách nhiệm: Phạm Thị Lệ Thùy - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão