Vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày xưa

Phụ nữ khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực hoạt động, như chính trị gia nổi tiếng, nhà lãnh đạo tài ba của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn, nhà khoa học xuất sắc, xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.


      Từ thuở sơ khai, địa vị của người phụ nữ đã được đề cao và coi trọng hơn hẳn so với người đàn ông, tiêu biểu là thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ. Trong xã hội này, quyền của người đàn bà được biểu hiện trước hết là quyền được phân công lao động trong gia đình và quyền điều hành những công việc chung của thị tộc. Vì thế, họ không những được bình đẳng, được tôn trọng mà còn có thể được bầu làm tộc trưởng, tù trưởng. Vì sao lại có sự tôn trọng đặc biệt dành cho người phụ nữ như vậy? Bởi vì, những đứa con được sinh ra bởi người phụ nữ; việc hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi lúc bấy giờ cũng được người phụ nữ đảm nhận; qua đó, họ nắm quyền chi phối về mọi mặt của xã hội, điều khiển công việc và điều hòa quan hệ giữa các thành viên.

      Theo dòng thời gian, lịch sử cũng dần thay đổi, xã hội thị tộc mẫu hệ nhường chỗ cho xã hội phụ hệ. Tiêu biểu cho xã hội này ở nước ta, đó là thời kỳ phong kiến, lúc bấy giờ quyền của người đàn ông là vô hạn. Từ quyền phân công lao động, cho đến quyền quyết định mọi vấn đề, biến những thành viên khác trong gia đình thành kẻ phụ thuộc, thậm chí thành nô lệ. Người đàn ông có quyền đánh đập. “bán vợ, đợ con”, xã hội xuất hiện sự bất bình đẳng. Người đàn ông nắm quyền lực chính trong gia đình. Vị thế người phụ nữ dần bị xem nhẹ, dù cho vai trò của họ vẫn là không thể phủ nhận đối với gia đình và xã hội.

      “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”

      Sự phục vụ của phụ nữ lúc bấy giờ bị xem như là một điều hiển nhiên và tất yếu. Không ai cảm thấy biết ơn cho sự hy sinh to lớn của họ, thậm chí, chính bản thân người phụ nữ cũng bị tư tưởng ấy đồng hóa mà quên đi giá trị đích thực của mình.

      Ngay ở thời kỳ này, trong những giai đoạn mà sử cũ gọi là “Bắc thuộc”, với những chặng đường vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm. 

      Vượt lên trên cái phận đàn bà “ba chìm, bảy nổi”, thoát ra khỏi cái lẽ “nữ nhi thường tình”, người phụ nữ Việt Nam nuôi giữ trong mình một ý chí sắt đá, một tinh thần quật cường bất khuất, càng được khắc họa rõ nét trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ từ những người mẹ, người vợ tảo tần sớm tối, bỗng chốc hóa thành người chiến sỹ chống ngoại xâm kiên cường, sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc oai hùng.

      Trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được xây dựng và lưu truyền: mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng; bà mẹ Gióng kiên trì nuôi đứa con “Chậm lớn, chậm đi” và giúp con lên đường đánh giặc; nàng Quế Hoa, cô gái dùng đá làm vũ khí, tung hoành giữa đám giặc Ân; Đó là hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu Thị Trinh, hay Bùi Thị Xuân,...trong thời kỳ chống Bắc thuộc; đó là Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế,...trong hơn 60 năm thực dân Pháp đô hộ...

      Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do người phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[1].

      Kế thừa tinh thần đó, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra những kế hoạch và chính sách thiết thực nhằm bồi dưỡng, nâng cao vị thế của người phụ nữ không chỉ ở gia đình mà còn trong xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế đã giúp cho người phụ nữ Việt Nam được tiếp cận với cơ hội giáo dục và đào tạo. Họ tham gia một cách tích cực vào công tác quản lý, lãnh đạo, chính trị, những công việc mà trước đây nam giới chủ yếu nắm giữ. Có thế kể đến, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một nữ chính khách, nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta; bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng bộ y tế; bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch Quốc hội,...

      Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta thuộc vào loại cao nhất thế giới. Các nữ trí thức là nhà khoa học, đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao, với số nữ Giáo sư chiếm tỷ lệ gần 4%, phó giáo sư hơn 6%, tiến sĩ khoa học hơn 5%, tiến sĩ gần 13%... Ngoài ra còn có gần 20 nữ Anh hùng lao động, và nhiều nhà khoa học xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

      Hiến pháp năm 2013, so với Hiến pháp năm 1992, đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của phụ nữ. Theo đó, mọi người (cả nam và nữ) đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Đặc biệt, nếu Hiến pháp năm 1992, Điều 63 chỉ quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, thì Hiến pháp năm 2013 quy định “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Tức là đã thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về bình đẳng giới, từ chỉ bình đẳng với giới nữ sang bình đẳng với cả giới nam và giới nữ. Chủ thể và nội dung quyền bình đẳng về giới, do vậy, đã được mở rộng và làm sâu sắc hơn. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

      Có thể khẳng định, Hiến pháp nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, luôn tôn trọng nguyên tắc “bình đẳng và ưu tiên” đối với người phụ nữ, xóa bỏ đi những sự bất công còn tồn tại và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát triển khả năng của mình, cũng như có thể hoàn thành tốt vai trò với gia đình và xã hội.

       Như vậy, dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, phụ nữ luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là những người giữ lửa của gia đình, và là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, là linh hồn của những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc xưa nay.

      Trong thời đại mới, người phụ nữ Việt Nam tiếp tục nâng tầm năng lực và phẩm chất của mình, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác và học tập để có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại mới_thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu, xứng đáng với tám chữ: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

[1] Bác Hồ viết trong thư gởi phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1952

20/10 là một trong những được phụ nữ Việt Nam mong chờ nhất. Không phải vì được đón nhận những món quà của chồng, con. Mà đây là ngày mà họ cảm thấy mình được trân trọng và yêu thương nhiều nhất.

Vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày xưa
Người phụ nữ Việt Nam luôn được yêu thương, trân trọng dù ở bất kỳ thời đại nào (Ảnh: Internet)

Cũng giống như ngày quốc tế phụ nữ 8/3 dịp đầu năm, ngày 20/10 luôn là ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những người phụ nữ tại Việt Nam. Đây là dịp vô cùng đặc biệt để cả xã hội có thể quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng với những người phụ nữ đặc biệt của mình. Một ngày dành cho cả gia đình “bù đắp” những vất vả, gồng gánh, trách nhiệm của bà, của mẹ là cực kỳ cần thiết.

Có thể không cần nói nhiều, mọi người đều nhận định rõ ràng được người phụ nữ trong xã hội xưa hay bây giờ đều có vai trò cực kỳ quan trọng. Không chỉ là người nội trợ chính trong gia đình, họ còn là người lao động kiếm tiền không kém gì các cánh “mày râu”. Đặc biệt, những người phụ nữ hiện nay cũng đóng vai trò rất lớn trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước.

Không những thế, với những người phụ nữ, gánh vác trách nhiệm sinh nở và nuôi dạy con trưởng thành là công việc cao cả hơn cả. Có thể nói: thành đạt, tự tin, đảm đang hay xinh đẹp không thể miêu tả hết những nỗi vất vả mà những người phụ nữ phải gánh vác trong xã hội hiện nay. 

Còn trong xã hội nguyên thủy, vai trò của người phụ nữ lại được đề cao. Khi đó, con người chủ yếu sống nhờ hái lượm, săn bắt. Người phụ nữ thời kỳ đó trở thành chủ gia đình, chủ dòng họ và có vai trò lớn lao trong việc phát triển kinh tế, xã hội và tinh thần. 

Người dân Việt Nam ta từ xa xưa đã luôn tự hào vì được sinh ra trong “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Công lao to lớn của mẹ luôn được truyền tụng hàng ngàn đời nay ở nước ta. Điều này chứng tỏ rằng mẹ chính là người “mang nặng đẻ đau” và cũng là người khai sáng cho nền văn hóa dân tộc. 

Còn trong xã hội phong kiến, nền văn hóa Việt Nam tiếp thu và giao lưu với nền văn hóa Trung Hoa và Đông Nam Á cổ nên vai trò của  người phụ nữ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người Việt vẫn giữ được bản sắc, mang đặc trưng riêng biệt của nền văn minh lúa nước.

Chính vì vậy, vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn này vẫn được đề cao và không bị trói buộc bởi những lễ nghi hà khắc như ở Trung Quốc hay các quốc gia khác. Ở Việt Nam, trong thời kỳ phong kiến này, người phụ nữ vẫn được tham gia vào các khâu lao động trong xã hội và gia đình, có tài sản riêng, được trả lương bằng với lương của người đàn ông,... 

Việc đề cao vai trò của người phụ nữ như vậy chứng tỏ rằng, người phụ nữ Việt Nam dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng được trân trọng và yêu thương.