Ví dụ về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

(ĐHVHHN) - Một ngôn ngữ nhất định tồn tại luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn cảnh văn hóa - xã hội. Nếu người tham gia giao tiếp không chú ý tới yếu tố văn hóa trong ngôn ngữ, rất khó để giao tiếp thành công ngôn ngữ đó. Chính vì lí do này, bên cạnh khả năng ngôn ngữ, người học ngoại ngữ phải hiểu ngôn ngữ đó được sử dụng thế nào trong các bối cảnh văn hóa - xã hội cụ thể. Để hiểu rõ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là ngôn ngữ và văn hóa.

            Định nghĩa về Ngôn ngữ

            Khi nghiên cứu về ngôn ngữ, Bromit (1995) nhận định, ngôn ngữ là một trong những hệ thống biểu tượng quan trọng nhất trong bất kì nền văn hóa nào. Emmitt & Pollock (1990) cho rằng, “Ngôn ngữ là một hiện tượng phức tạp và trừu tượng mà có thể được nhận biết thông qua các mã bằng lời nói và không bằng lời nói”.

            Theo Bell (1981, tr. 22), ngôn ngữ không chỉ bao gồm kiến thức ngôn ngữ mà còn gồm kiến thức xã hội để tạo ra các hành động giao tiếp không chỉ đúng về ngữ pháp mà còn phù hợp với ngôn cảnh xã hội.

            Halliday (1985), phân loại ngôn ngữ thành ba chức năng chính:

        -  Chức năng tư tưởng (ideational function): liên quan đến trải nghiệm của người nói hoặc người viết về thế giới thực;

        - Chức năng liên nhân (interpersonal function): để thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau;

        - Chức năng ngôn bản (textual function): liên quan đến các ngôn bản nói hoặc viết phù hợp với một tình huống cụ thể.

            Như vậy, cho dù khái niệm về ngôn ngữ được đưa ra khác nhau nhưng rõ ràng, ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp, truyền đạt nghĩa tới người nghe, thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa con người.

            Đặc trưng ngôn ngữ

            Theo từ điển Longman Dictionary (1990), ngôn ngữ có bốn đặc trưng. Thứ nhất, ngôn ngữ là biểu tượng: nó phản ánh thực tại. Cùng một thực tại có thể được thể hiện bởi các biểu tượng khác nhau. Hệ thống ngôn ngữ khác nhau sử dụng các biểu tượng khác nhau để thể hiện cùng một thực tại. Thứ hai, ngôn ngữ là một qui tắc chi phối. Mỗi cấu trúc ngôn ngữ đều được qui định bởi các qui tắc ngữ pháp riêng và những qui tắc ngôn ngữ  là không phổ quát. Thứ ba, ngôn ngữ là chủ quan. Nghĩa của ngôn ngữ nằm trong tư duy của con người, chứ không nằm ở ngôn từ. Nghĩa của ngôn ngữ phụ thuộc vào trải nghiệm văn hóa, không  phụ thuộc vào ngôn từ (The meanings of the language are dependent on cultural experience rather than the words themselves). Thứ tư, giống như cuộc sống loài người, ngôn ngữ là năng động và có chu kì riêng. Không một ngôn ngữ nào là ổn định; để tồn tại, mọi ngôn ngữ  luôn phải trải qua những thay đổi và biến thể. Thay đổi trong ngôn ngữ được dựa vào khái niệm về thời gian. Khi thời gian thay đổi, ngôn ngữ cũng thay đổi. Biến thể liên quan tới sự khác nhau trong phát âm, đánh vần hay việc sử dụng cùng một ngôn ngữ bởi những nhóm người khác nhau.

            Định nghĩa về Văn hóa

            Từ văn hóa bắt nguồn từ chữ cultus trong tiếng Latinh, xuất hiện từ thời cổ đại La Mã, có ý nghĩa là “trồng trọt”:  “trồng trọt ngoài đồng” (cultivation in the field) .Về sau, theo phương thức tư duy ẩn dụ xuất hiện ý nghĩa phái sinh (generative meaning) liên quan đến sự hoàn thiện của con người: “trồng trọt tinh thần” (spiritual cultivation).

            Theo Bate (1990, tr. 84). “Văn hóa là một thể phức hợp bao gồm niềm tin, giá trị, phong tục, hành vi và đồ tạo tác (artifacts)  được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua việc học tập”. Hudson (1990) nhận định, “văn hóa là một loại tri thức mà chúng ta học được từ nguời khác thông qua việc hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng cách theo dõi hành vi của họ” (Culture is the kind of knowledge which we learn from other people, either by direct instruction or by watching their behaviour)

Ví dụ về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
           Một nghiên cứu khác cũng được công nhận rộng rãi chỉ ra rằng, “văn hóa giống như một đảo băng trôi” (Culture is like an iceberg). Ảnh hưởng của văn hóa vào từng cá thể có thể được trình bày như sau:

                                    Culture is like an iceberg (Levin, D, 1980)

            Văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần mà loài người đã tạo ra trong tiến trình lịch sử (Phùng Quý Nhân, 1975, tr. 7) (Culture is the system of spiritual and material values that human being has created throughout history).

             “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con nguời sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm, 1997, tr.27).

            Như vậy, văn hóa có thể được xem như là một thể phức hợp các kết quả và quá trình hoạt động xã hội của con người.Và rằng những người sống bên ngoài một nền văn hóa sẽ không thể diễn giải một cách hoàn chỉnh định nghĩa về văn hóa vì việc nhận thức về thế giới và xã hội đã ngấm sâu vào những thành viên sống trong một môi trường văn hóa cụ thể.

             Trong bài viết này, chúng tôi không dự định giới thiệu về đặc trưng văn hóa, chúng tôi quan tâm đến các yếu tố văn hóa được diễn đạt trong ngôn ngữ.

            được xác định một cách cụ thể là “vô cùng chặt chẽ, tới mức mà ta không thể hiểu và đánh giá đúng được cái này nếu không có kiến thức về cái kia” (Sapir, 1991). Theo Brown (1996), ngôn ngữ là một phần của văn hóa và văn hóa là một phần của ngôn ngữ, cả hai đan xen nhau để cái nọ không tách khỏi cái kia mà không mất đi ý nghĩa của ngôn ngữ hay văn hóa.

            Emmit & Pollock (1997) có cùng quan điểm và cho rằng, ngôn ngữ có nguồn gốc từ văn hóa và văn hóa được phản ánh và được chuyển tải bởi ngôn ngữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Allwringht Baily (1991) cho rằng, học một ngoại ngữ mới liên quan đến học một nền văn hóa mới.Và kết quả là: “Giáo viên ngoại ngữ cũng là giáo viên văn hóa” (Byram, 1989). Có thể nói, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa là mối quan hệ có tính tương tác qua lại, tác động hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Nói cách khác, ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải mọi kiến thức, trong ý nghĩa đó ngôn ngữ là một phần của văn hóa và tư duy.

            Theo quan điểm của Wenying (1989), ngôn ngữ và văn hóa được chuyển tải thông qua các ẩn dụ sau:

            - Từ quan điểm triết học

Ngôn ngữ          +          Văn hóa            => Cơ thể sống

Thịt                               Máu

            Ngôn ngữ và văn hóa tạo thành cơ thể sống: ngôn ngữ là thịt và văn hóa là máu. Không có văn hóa, ngôn ngữ sẽ chết, không có ngôn ngữ, văn hóa sẽ không được hình thành

           -Từ quan điểm giao tiếp:

Ngôn ngữ          +          Văn hóa             => Bơi (giao tiếp)

Kĩ năng bơi           Nước

            Giao tiếp là bơi, ngôn ngữ là kĩ năng bơi và văn hóa là nước. Không có giao tiếp ngôn ngữ thì vẫn tồn tại một lượng nước nhỏ; không có văn hóa, sẽ không có giao tiếp.

           - Từ quan điểm ngữ dụng

Ngôn ngữ          +          Văn hóa            => Giao thông ( giao tiếp)

Phương tiện                  Đèn giao thông

            Giao tiếp giống như giao thông: ngôn ngữ là phương tiện và văn hóa là đèn giao thông. Ngôn ngữ làm cho văn hóa dễ dàng hơn và nhanh hơn; văn hóa đôi khi thúc đẩy và đôi khi cản trở giao tiếp.

            Như vậy, nếu người tham gia giao tiếp không có kiến thức về văn hóa trong một ngôn ngữ nhất định, họ sẽ không thể sắp xếp đúng các mẫu ngôn ngữ theo ngôn cảnh tình huống chứ đừng nói đến việc ứng dụng chúng trong một ngôn cảnh phù hợp. Chẳng hạn, thành ngữ “Mưa như trút nước” trong tiếng Việt  được diễn đạt trong tiếng Anh là “It rains cats and dogs” (dùng mèo và chó để ví trời mưa như trút nước), “Im lặng như tờ” trong tiếng Việt được diễn đạt trong tiếng Anh là “It is as quiet as a mouse” (Im lặng như chuột), thành ngữ “như cá gặp nước” trong tiếng Việt được diễn đạt trong tiếng Anh là “như vịt gặp nước” (Like a duck to water) hay “Uống rượu như hũ chìm” được diễn đạt trong tiếng Anh là “Drink like a fish” (Uống rượu nhiều như cá).

            Nhận thấy, trong quá trình học ngoại ngữ, học viên Việt Nam học tiếng Anh thường diễn đạt quan điểm của họ từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ đích mà không nhận biết sự khác biệt về văn hóa. Những mẫu hội thoại sau cũng được cho là không phù hợp với văn hóa của nước Anh:

Conversation 1 (Hội thoại 1)

Yen: Hello, my name is Yen (Xin chào, tên tôi là Yen)

Joan: Hi, I’m Joan (Xin chào, tôi là Joan)

Yen: I really like your branded bag. How much does it cost? (Tôi rất thích chiếc túi hàng hiệu của bạn. Nó bao nhiêu tiền vậy?)

Joan: Well, uh. I do not remember for sure. (Ồ, ừ… tôi  không nhớ  là bao nhiêu)

Yen: Your trouzers are nice, too. How much were they? Did you get them on sale?

(Chiếc quần của bạn cũng rất đẹp. Bao nhiêu tiền vậy? Bạn có được khuyến mãi không?)

Joan: I have to be going now. See you later. (Tôi phải đi bây giờ. Hẹn gặp lại sau nhé)

Conversation 2 (Hội thoại 2)

English man: Your communication is so good! (Bạn giao tiếp rất tốt)

Vietnamese girl: Oh, no, I don’t think so. It is very bad. (Ồ, không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi giao tiếp tồi lắm)

English man: … (A big surprise)… (Người đàn ông Anh tỏ ra rất ngạc nhiên với cách hồi đáp như vậy)

            Tóm lại, khi tham gia giao tiếp với người nước ngoài, chúng ta không chỉ chú ý tới kiến thức ngôn ngữ mà còn phải chú ý tới văn hóa của đối tượng cùng tham gia giao tiếp để cuộc nói chuyện hiệu quả và không gây hiểu lầm.

Kết luận

            Ngôn ngữ và văn hóa là mối quan hệ có tính phản ánh, văn hóa là nội dung và ngôn ngữ là phương tiện để mô phỏng nội dung đó. Từ quan điểm trên, có thể nhận thấy  tầm quan trọng của kiến thức văn hóa trong giao tiếp là không thể phủ nhận. Giáo viên ngôn ngữ nên áp dụng phương pháp giao tiếp trong quá trình dạy và học và đồng thời bổ sung các tài liệu dạy có yếu tố văn hóa để cung cấp cho học viên những thông tin về ngôn ngữ xã hội.

G/V: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế

REFERENCE

1.     Bates, D.C.F. (1990). Cultural Anthropology. New York – Mc Graw – Hill.

2.     Bell, R.T. (1981). An Introduction to Applied Linguistic: Approaches and Methods in Language Teaching. Batsford Academic London.

3.     Brown, H.D.V. (1986). Learning a Second Culture in Culture bound – edited by Joyce Merrill Vaddes. Cambridge University Press.

4.     Damen, L. (1986). Cultural Learning. The 5th Dimension in the  Language Classroom. USA. Addition. Wesley Publishing Company.

5.     Emmit, M. & Pollock, J. (1990). Language and Learning. Oxford University Press. Oxford.

6.     Levin, D et al. (1980). Cross – Cultural Communication for English as a second Language. Prentice Hall Inc.

7.     Phùng Quý Nhân. (1975, tr. 7). Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Tp. Hồ Chí Minh.

8.     Richards, J., Platt, J., & Weber, H. (1990). Longman Dictionary of Applied Linguistics. Longman

9.     Sapir, E. (1991). Language. Harcourt. NewYork.

10.   Trần Ngọc Thêm. (1997, tr.27). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Tp. Hồ Chí Minh.

Admin2