Trung tâm phòng chống hiv thái bình năm 2024

Thái Bình đã có nhiều giải pháp xây dựng, cập nhật quy trình hỗ trợ kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả tư vấn, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn

(TTXVN) Thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) và tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 theo chiến lược quốc gia, những năm qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp xây dựng, cập nhật quy trình hỗ trợ kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả tư vấn, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Năm 2017, sau khi biết mình lây HIV từ bạn tình, chị V.T.H (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) gần như suy sụp hoàn toàn. Có lẽ đó là những tháng ngày đen tối nhất trong cuộc đời chị. Chị H chia sẻ, trong lúc khó khăn, hoảng loạn nhất, chị được cán bộ y tế địa phương và các đồng đẳng viên trong Câu lạc bộ những người nhiễm HIV giúp đỡ nhiệt tình, cung cấp kiến thức, các biện pháp chăm sóc, điều trị. Từ đó, chị dần vượt qua mặc cảm, sợ hãi, lấy lại được niềm vui trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội.

Không chỉ vậy, năm 2019, chị H cũng là một trong số những người nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh Thái Bình được khám, điều trị HIV/AIDS (bao gồm cả thuốc ARV) thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế. Chị H cho biết, bảo hiểm y tế đã giúp chị giảm gánh nặng về kinh tế. Nếu không được hỗ trợ, trung bình chị sẽ phải chi trả từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm để sử dụng thuốc ARV và các thuốc chống nhiễm trùng cơ hội khác. Trong khi điều trị bằng ARV là quá trình liên tục, suốt đời với người có H.

Trong hai năm 2020-2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị vẫn được sử dụng thuốc ARV đúng phác đồ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng và được các bác sĩ thực hiện xét nghiệm tải lượng virus HIV định kỳ, từ đó đánh giá hiệu quả việc điều trị và có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Bác sĩ Phạm Minh Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình) cho biết, toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS đặt tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa các huyện/thành phố. Đến hết tháng 9/2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn tỉnh là 2.263 người; 242/260 xã, phường, thị trấn ghi nhận có người nhiễm.

Thông qua hệ thống giám sát phát hiện ca nhiễm HIV tại Thái Bình cho thấy, 9 tháng năm 2022, số ca nhiễm mới phát hiện có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (9 tháng 2021 là 40 người, 9 tháng 2022 là 43 người), chủ yếu là nam giới (chiếm 65%). Đáng lưu ý, lây nhiễm HIV hiện nay tập trung trong nhóm quần thể nguy cơ cao và có xu hướng lan rộng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Qua hệ thống xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm mới có 42/43 có kết quả nhiễm HIV trên 12 tháng; độ tuổi tập trung chủ yếu trong nhóm trên 30 tuổi chiếm 77%; nhóm 16-30 tuổi chiếm 21%, nhóm dưới 15 tuổi chiếm 2%.

Bác sĩ Phạm Minh Quang cho biết thêm, một trong những hoạt động quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS được tỉnh Thái Bình quan tâm là Chương trình điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là hoạt động xuyên suốt bởi điều trị tốt là dự phòng tốt. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tập huấn về chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS cho đội ngũ nhân viên y tế. Tại các cơ sở điều trị, ngoài sự phối hợp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật với các bệnh viện còn có sự hỗ trợ tích cực của đồng đẳng viên trong các câu lạc bộ người nhiễm HIV, hạn chế người nhiễm bỏ điều trị.

Hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 1.360 người đang điều trị ARV (gồm 1.331 người lớn và 29 trẻ em). Tất cả người có H tuân thủ điều trị tốt, không phát hiện tai biến trong điều trị. Hiện, 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS cấp thuốc ARV qua Bảo hiểm y tế, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế đạt 98%. Riêng năm 2022, dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ cấp 425 thẻ, ngân sách địa phương cấp 131 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người có H với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS Phạm Minh Quang cho biết, khó khăn hiện nay là tình trạng một số người nhiễm HIV không muốn thông tin tình trạng của mình về địa phương, vì vậy ảnh hưởng đến công tác quản lý, thống kê, báo cáo ca mắc theo đúng quy định. Bên cạnh đó, dịch HIV/AIDS còn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV còn đan xen giữa các nhóm nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM). Độ bao phủ của các dịch vụ, hoạt động truyền thông và can thiệp về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tuy đã giảm, nhưng vẫn còn tương đối phổ biến, khiến người nhiễm và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm không dám tiếp cận các dịch vụ liên quan.

Thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS; đồng thời khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư dưới 0,3%. Mục tiêu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.400 người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận với chương trình can thiệp giảm hại; 400 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; trên 28.000 người được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV…/.