Câu văn nào thể hiện rõ nhất cảm xúc của nhân vật tôi khi nhớ về ngày đầu tiên đi học?

Bài phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh sẽ cùng các em tìm hiểu và phân tích tâm trạng, cảm xúc của nhân vật tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.


Đề bài: Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học

I. Dàn ý Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học (Chuẩn)

1. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Thanh Tịnh, truyện ngắn "Tôi đi học", nhân vật "tôi" trong buổi tựu trường

2. Thân bài:

- Tâm trạng khi cùng mẹ tới trường:
+ Thấy mình đã lớn và đứng đắn hơn
+ Cảm thấy trang trọng và chững chạc
- Tâm trạng khi đứng giữa sân trường:
+ Lo sợ, ngại ngùng và hồi hộp
+ Cảm thấy bơ vơ, nhỏ bé...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ýPhân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học tại đây.

II. Bài văn mẫuPhân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học

Ai trong số người học sinh chúng ta đều có cho mình kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên, đó mãi là những kỉ niệm đẹp nhất, sâu sắc và in đậm nhất trong tâm trí mỗi người. Nhà văn Thanh Tịnh - một nhà văn trữ tình với những vẻ đẹp đằm thắm, êm dịu và trong trẻo đã mang đến cho chúng ta truyện ngắn "Tôi đi học" (in trong tập "Quê mẹ"), người đọc như được sống lại với chính kỉ niệm của mình với tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" trong buổi tựu trường đầu tiên.

Nhân vật "tôi" nhớ lại kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường và gọi đó là "những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng". Tiết trời cuối thu đặc trưng với những buổi sáng dày sương và gió heo may lạnh, cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay đi trên con đường làng tới trường dự buổi tựu trường đầu tiên. Bước đi trên con đường quen thuộc nhưng nhân vật "tôi" lại cảm nhận được những thay đổi lớn, cảm thấy bản thân mình đã lớn, đã chững chạc và đứng đắn hơn, "cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn", "trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn". Cậu nhìn những cậu nhỏ khác nhí nhảnh trao sách vở cho nhau xem mà "thèm", đó là nỗi khao khát của một cậu bé cũng có sách vở mới nhưng chưa có bạn, cậu cẩn thận và nâng niu giữ chặt hai quyển vở mới của mình. Bước vào trong sân trường, nhân vật "tôi" có phần ngỡ ngàng trước cảnh tượng "dày đặc cả người" bởi cậu nhớ lại lần cậu ghé trường "trước mắt tôi trường Mĩ Lí trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp...".

Trước khung cảnh có phần khác lạ ấy, cậu bé đâm ra lo sợ những nỗi sợ vẩn vơ, cùng với sự bỡ ngỡ cậu trở nên rụt rè, khép nép bên người thân "chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ". Nỗi lo lắng, e dè và lo sợ của cậu khiến cậu ước muốn được là những người học sinh cũ, đã quen thầy, quen trường và quen lớp không còn rụt rè trước cảnh xa lạ như bây giờ. Cậu cảm thấy những người học trò mới "như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ". Tâm trạng bơ vơ, lạc lõng và lúng túng nhất chính là lúc nhân vật "tôi" nghe tiếng trống vào lớp, khi xung quanh các học sinh cũ đã xếp hàng vào lớp cả thì các học trò mới như cậu không đi, không biết đi và không muốn đi "hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi như đá một quả banh tưởng tượng". Nghe tiếng đọc tên của ông đốc mà cậu bé cảm thấy "quả tim tôi ngừng đập", "quên cả mẹ tôi đứng sau", khi nghe đến tên lại giật mình lúng túng, quả thực đó chính là những phản xạ tự nhiên vô điều kiện đã xảy đến với cậu. Tuy có phần nhút nhát và lo sợ nhưng cậu vẫn cảm nhận được sự hiền từ và tận tình của ông đốc, đã vơi đi phần nào sự bỡ ngỡ với trường với thầy.

Bước đến lớp, dường như bước đi của cậu không hề theo ý muốn "người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ", rồi bất chợt nghe đâu tiếng khóc, mọi cảm xúc dồn nén trong lòng cậu đã vỡ òa, tuôn trào ra "Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo". Rồi giây phút đó cũng qua đi, cậu trở lại với nhiệm vụ của mình - vào lớp, chấp nhận xa mẹ dù cậu đã từng xa mẹ cả ngày nhưng chẳng lần nào lạ như lần này. Ngồi trong lớp, nhân vật "tôi" cảm thấy cái gì cũng lạ và hay, bạn mới tuy chưa quen biết nhưng lại cảm thấy gần gũi "sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật". Tâm trạng cậu đan xen giữa những kỉ niệm trong quá khứ và hiện tại, tiếng chim và cánh chim gợi kỉ niệm đi bẫy chim còn tiếng phấn thầy gạch trên bảng là hiện thực về một chặng đường mới, giai đoạn mới - trở thành người học sinh.

Buổi tựu trường đầu tiên của nhân vật "tôi" đã được tác giả Thanh Tịnh tái hiện rất chân thực, sinh động và tràn đầy cảm xúc, từng trạng thái và diễn biến tâm trạng của nhân vật được thể hiện theo trình tự không gian, thời gian rõ ràng. Với mỗi không gian, thời gian tâm trạng ấy lại thay đổi, lại có những điểm nhấn riêng, chung quy lại tất cả những tâm trạng ấy đã làm nên một kỉ niệm sâu sắc, đẹp đẽ, khó có thể phai mờ trong tâm trí của nhân vật nói riêng và người đọc nói chung.

-------------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-tam-trang-cua-nhan-vat-toi-trong-buoi-tuu-truong-qua-truyen-ngan-toi-di-hoc-47513n.aspx
Tìm hiểu về những cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày tựu trường đầu tiên của cuộc đời mình, bên cạnh bàiPhân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học, các em có thể tham khảo thêm:Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh, Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học, Cảm nghĩ về những dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học, Cảm nhận của em về chất thơ trong truyện Tôi đi học.

Trong truyện ngắn Tôi đi học, nhân vật tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc phong phú, đó là sự hồi hộp, mong chờ, lo lắng, e dè trong ngày đầu tiên đến trường. Tóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học sẽ giúp các em thấy được sự thay đổi trong dòng cảm xúc của nhân vật.


Đề bài: Tóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2

Tóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học

1.Tóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học, mẫu số 1:

Những kí ức trong trẻo của buổi tựu trường trong tâm hồn trẻ thơ đã được Thanh Tịnh ghi lại qua cảm xúc của nhân vật "tôi" trong văn bản Tôi đi học. Nhân vật "tôi" cảm thấy bồi hồi xúc động, bâng khuâng, xao xuyến vô cùng khi cảnh vật chung quanh có sự thay đổi lớn. Đó là lần cùng mẹ tới trường trên con đường quen thuộc nhưng với "tôi" dường như hôm ấy thật lạ. Trong bộ trang phục là chiếc áo vải dù đen, "tôi" thấy mình trưởng thành và đứng đắn biết bao, "tôi" đã lớn thật rồi! Trên đường đến trường, "tôi" thèm thuồng hình ảnh trao nhau cuốn sách tập bút của những học sinh trạc tuổi mình.

Khi nhìn thấy ngôi trường Mỹ Lý rộn rã tiếng nói cười, sân trường dày đặc, ai ai cũng vui tươi sáng sủa, tôi thấy lạ vô cùng và lo sợ trong những suy nghĩ vẩn vơ khi phải rời xa vòng tay của mẹ. "Tôi" lúng túng, giật mình khi nghe tiếng ông đốc nhẹ nhàng gọi tên mình và hào hứng ngồi vào chỗ của mình. Trong bài học đầu tiên của cuộc đời, "tôi" có chút gì đó ngỡ ngàng nhưng lại vừa sung sướng, hạnh phúc và thấy quyến luyến, thân thuộc với lớp học, với những người bạn mới dù chưa quen. "Tôi" bắt đầu hành trình của đời mình, vòng tay lên bàn và chăm chú nhìn thầy viết, đánh vần những chữ cái đầu tiên.

Ngày đầu tiên đi học đã để lại trong "tôi" những cảm xúc chẳng thể nào quên được.

2.Tóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học, mẫu số 2:

Trong truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn trữ tình, giàu chất thơ, yếu tố cảm xúc của nhân vật đóng vai trò quan trọng. Dòng cảm xúc của nhân vật trong truyện ngắn được ví như linh hồn của tác phẩm. Thanh Tịnh được biết đến là một trong những tác giả có biệt tài xây dựng cảm xúc nhân vật rất tinh tế. Một trong những tác phẩm của tác giả thể hiện rõ điều này là văn bản “Tôi đi học”.

Trong văn bản, dòng cảm xúc của nhân vật tôi được thể hiện theo trình tự thời gian. Đây là một cách thể hiện cảm xúc nhân vật theo mô tip quen thuộc. Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật đi theo những sự việc được diễn ra vào ngày đầu tiên đi học, ngày khai giảng, tựu trường đầu đời của nhân vật tôi. Đầu tác phẩm, người đọc được hình dung về hình ảnh cậu bé nhỏ được mẹ cầm tay dắt đi trên con đường làng quen thuộc. Con đường ấy mọi hôm thấy rất quen thuộc nhưng lần này lại thấy có nhiều điều thật mới mẻ. Dòng cảm xúc ấy được trải dài từ khi cậu được mẹ dẫn đến trường, khi gặp các bạn và khi chia tay mẹ để vào lớp. Ban đầu, cậu cảm thấy có điều gì đó lạ lẫm và cảm thấy mình lớn lên. Rồi tiếp đó dòng cảm xúc được đẩy lên khi nhân vật tôi được gọi vào lớp, xếp hàng như các bạn học sinh khác. Cậu phải rời vòng tay mẹ để đến với thế giới mới. Đó là thế giới có một mình cậu nhưng là nơi cậu có thể khám phá thế giới tri thức. Xen lẫn với những dòng cảm xúc ấy là những chi tiết tả cảnh trữ tình vô cùng phù hợp, đặc sắc. Đó là cảnh thiên nhiên mùa thu. Mùa thu thường đẹp, dịu dàng, xen lẫn với cảm xúc buồn. Theo dòng kí ức của nhân vật tôi, hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá vàng rơi lại nhìn thấy mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ đến trường. Đó là một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.

Dòng cảm xúc của nhân vật tôi cứ thế men theo những cảm xúc rất đỗi tự nhiên, chân thật. Đó là dòng cảm xúc dịu nhẹ rất đúng với một cậu bé lần đầu tiên rời xa khỏi vòng tay mẹ để đến những chân trời mới. Nói đến điều này, không thể không ca ngợi tài năng khắc họa tâm lí nhân vật đặc sắc của tác giả Thanh Tịnh. Phải thực sự là một tác giả thấu hiểu tâm trạng nhân vật trẻ thơ và có sự rung cảm sâu sắc với thiên nhiên, cảnh vật, con người mới có thể có những dòng cảm xúc rất đỗi giản dị mà tinh tế đến như vậy.

Cho đến tận bây giờ, ngay cả khi ta gấp lại những trang sách đầy chất thơ của Thanh Tịnh, ta vẫn còn hình dung vẹn nguyên về từng chi tiết, từng dòng cảm xúc của nhân vật tôi. Đâu đây vẫn văng vẳng tiếng trống trường rộn rã, tiếng trống báo hiệu ngày khai trường đã đến. Tâm trạng ấy cũng chính là tâm trạng của rất nhiều người, một thời học sinh cắp sách đến trường. Bằng cách viết giàu chất thơ, đầy tính nhạc, tác phẩm như một bài nhạc nhẹ nhàng len lỏi vào từng dòng cảm xúc của mỗi con người. Thêm vào đó, sự kết hợp của các phương thức biểu đạt tự sự xen lẫn với biểu cảm, tạo nên một tác phẩm giàu cảm xúc. Bài văn cũng đã đưa người đọc đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau, khó tả. Khi thì rạo rực, hào hứng, khi thì bâng khuâng nhẹ nhàng, đầy chất thơ, lúc lại bồi hồi da diết. Tất cả đều là những cảm xúc rất đỗi chân thật và tinh tế.

--------------HẾT---------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/tom-tat-dong-cam-xuc-cua-nhan-vat-toi-trong-van-ban-toi-di-hoc-41557n.aspx
Sau khi tham khảo bàiTóm tắt dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong văn bản Tôi đi học, để tìm hiểu chi tiết về những cảm xúc của nhân vật tôi, các em có thể tìm đọc thêm:Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh, Phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh, Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học, Cảm nhận của em về chất thơ trong truyện Tôi đi học.