Đánh giá tình hình xuất nhập khẩu tỉnh vĩnh phúc năm 2024

Tuy nhiên, những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Tình hình cụ thể như sau:

  1. CÁC CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh

1.1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh

Ước tính cả năm 2023, tốc độ tăng GRDP của tỉnh tăng 2,37%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,29%; khu vực công nghiệp xây dựng giảm 0,34%; khu vực dịch vụ tăng 8,61%.

- Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Giá trị tăng thêm (GTTT) khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý IV ước tăng 4,42%, cả năm 2023 tăng 5,29%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng GRDP của tỉnh. Ngành chăn nuôi trong năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả một số sản phẩm như thịt gia cầm, thịt lợn bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng của dịch bệnh… GTTT ngành chăn nuôi tăng 4,34% so cùng kỳ (thấp hơn tốc độ tăng 5,6% năm 2022). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 129,5 nghìn tấn, tăng 2,84% so với cùng kỳ, trong đó, thịt lợn hơi tăng 3,07%; thịt gia cầm tăng 3,49%. Các sản phẩm chăn nuôi khác tăng khá: sản lượng trứng gia cầm tăng 9,50%; sản lượng sữa bò tăng 8,38%. Ngành trồng trọt 6 tháng đầu năm tăng cao 12,05%, nguyên nhân chính do vụ xuân năm 2022 bị ảnh hưởng của ngập úng gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp. Sáu tháng cuối năm, năng suất các cây trồng vụ mùa đều đạt mức tăng khá, nhưng do diện tích gieo trồng ngày càng giảm, nên GTTT ngành trồng trọt chỉ tăng 0,75%, ước cả năm 2023 tăng 7,82%. Ngành lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục sản xuất ổn định, tăng lần lượt là 3,39% và 3,97% so với cùng kỳ.

- Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng: GTTT khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,34%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm tăng trưởng của tỉnh, mức giảm duy nhất trong giai đoạn 2013-2023.

Ngành công nghiệp: Năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động của kinh tế thế giới, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Mặc sù có sự phục hồi vào 6 tháng cuối năm nhưng mức độ phục hồi còn chậm. Tính chung cả năm 2023, GTTT ngành công nghiệp giảm 1,07%, làm giảm 0,48 điểm phần trăm tăng trưởng của tỉnh.

Trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành sản xuất linh kiện điện tử chịu tác động mạnh của thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghệ giảm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh. GTTT cả năm của ngành tăng 8,72%. Tuy là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng với cơ cấu chiếm tới 47% GTTT ngành công nghiệp toàn tỉnh, ngành linh kiện vẫn là động lực chính đóng góp tới 1,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh. Ngành sản xuất xe có động cơ từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Xu hướng tiêu dùng xe động cơ điện tăng lên, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc liên tục giảm giá để cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã ảnh hưởng đáng kể đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh như Toyota và Honda. Ước tăng trưởng ngành sản xuất ô tô giảm 20,21% làm giảm 0,80 điểm phần trăm tăng trưởng của tỉnh. Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,51%, làm giảm 1,09% điểm tăng trưởng của tỉnh do thị trường đang ở giai đoạn bão hòa, một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển sang các sản phẩm xe máy điện đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm. Một số ngành ngành công nghiệp khác cũng có mức giảm sâu, làm giảm tăng trưởng chung: ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 23,52%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,71%; ngành sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 5,25%; ngành sản xuất kim loại giảm 2,39%...

Ngành xây dựng: Tuy nguồn vốn đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, song khu vực dân cư do kinh tế khó khăn nên người dân hạn chế đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà cửa dẫn đến tăng trưởng thấp. Tăng trưởng ngành xây dựng năm 2023 đạt mức tăng 5,82%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh.

- Tăng trưởng khu vực dịch vụ: Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Các chính sách tăng lương từ 01/7, giảm thuế VAT, tăng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước đang trở thành động lực thúc đẩy tăng tiêu dùng trong dân cư và các ngành dịch vụ sử dụng ngân sách tăng. Tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2023 ước tăng 8,61%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung. Trong đó một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm nền kinh tế, cụ thể: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,62 điểm % vào mức tăng GRDP; Ngành vận tải kho bãi tăng 13,92%, đóng góp 0,22 điểm %; Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,24%, đóng góp 0,14 điểm %; Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị- xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc tăng 8,38%, đóng góp 0,15 điểm %...

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp: Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm 2023 tăng 2,23% so với năm 2022, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực; chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đã ảnh hưởng tới thu ngân sách và tác động tới tốc độ tăng thuế sản phẩm trong GRDP tỉnh Vĩnh Phúc.

1.2. Quy mô, cơ cấu kinh tế

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 158,01 nghìn tỷ đồng, tăng 4,94 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,23% so với năm 2022. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người, tăng 2,63 triệu đồng/người, tương đương tăng 2,05% so với năm 2022.

Năm 2023 có sự chuyển dịch cơ cấu giữa khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Tỷ trọng GTTT khu vực công nghiệp - xây dựng đã giảm từ 48,97% năm 2022 xuống còn 47,18% năm 2023; trong khi đó khu vực dịch vụ tăng từ 21,81% lên 23,58%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tỷ trọng tương đối ổn định chiếm 5,31%; thuế sản phẩm chiếm 23,93%.

  1. Tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực kinh tế

2.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc gặp một số khó khăn nhất định do thời tiết diễn biến phức tạp; giá cả một số sản phẩm chăn nuôi thấp, bấp bênh, không ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan... Song với sự chỉ đạo của các cấp, ngành, các địa phương, sự cố gắng của bà con nông dân, kết quả sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng khá; các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục được thực hiện hiệu quả; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực; các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như bò sữa, lợn, gà đều đạt mức tăng so với cùng kỳ; sản xuất lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định và hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm.

- Sản xuất nông nghiệp: Năm 2023, diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 84,5 nghìn ha, giảm 1,38% so với năm trước. Cây lúa tiếp tục là cây trồng chủ lực với diện tích gieo cấy cả năm đạt 52,5 nghìn ha, chiếm 62,18% tổng diện tích gieo trồng, giảm 1,03%. Lúa xuân gặp khó khăn với thời tiết bất thường, nhưng sản lượng vẫn tăng 18,66% so với năm 2022 (chủ yếu do vụ xuân 2022 bị thiệt hại nặng). Lúa mùa được đánh giá là được mùa nhất trong nhiều năm, với sản lượng tăng 1,43%. Sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chăn nuôi lợn. Những tháng cuối năm, giá lợn hơi liên tục giảm do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh khiến người chăn nuôi đã gia tăng lượng xuất chuồng. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 129,5 nghìn tấn, tăng 2,84% so với cùng kỳ, trong đó, thịt lợn hơi tăng 3,07%; thịt gia cầm tăng 3,49%. Các sản phẩm chăn nuôi khác tăng khá: sản lượng trứng gia cầm tăng 9,50%; sản lượng sữa bò tăng 8,38%.

- Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Ước tính cả năm 2023, sản lượng củi khai thác đạt 49.185 ste, giảm 0,31%; sản lượng gỗ khai thác đạt 48.593,3 m3, tăng 2,93%, sản lượng thủy sản ước đạt 24.806 tấn, tăng 3,16% so với năm 2022.

2.2. Sản xuất công nghiệp

Năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp cả nước và tại Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn thách thức do tình hình kinh tế thế giới suy giảm. Lạm phát toàn cầu tăng cao, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chính của tỉnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) qua các quý so cùng kỳ cho thấy sự phục hồi nhưng mức độ còn chậm: Quý I giảm 4,91%, quý II và quý III giảm lần lượt 0,68% và 0,34%, quý IV tăng 3,27%. Tính chung cả năm 2023, IIP giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước

Trong các ngành công nghiệp cấp II, Có tới 11/25 ngành kinh tế cấp II có chỉ số IIP giảm, nhiều ngành có mức giảm 2 con số: Ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan ghi nhận giảm 19,33% do nhu cầu tiêu thụ thấp, lạm phát cao, người dân hạn chế mua sắm các mặt hàng không thiết yếu; Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim giảm 22,48% do người dân hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở và thị trường bất động sản chưa phục hồi; Ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải chưa phục hồi dù có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, IIP ghi nhận giảm lần lượt 17,60% và 14,76% nguyên nhân do kinh tế khó khăn và lãi suất cao trong khi đó các dòng xe nhập khẩu, xe động cơ điện liên tục giảm giá để cạnh tranh với xe sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp trong ngành.

Riêng ngành sản xuất linh kiện điện tử vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tuy nhiên chỉ tăng 8,48%, (quý I tăng 6,07%; quý II tăng 12,11%; quý III tăng 4,79%; quý IV tăng 10,66%); đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, do một số hãng công nghệ lớn như SamSung, Apple, Dell phải cắt giảm sản lượng, giảm lượng đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 giảm 7,75% so với năm trước. Chỉ số tồn kho tháng 12/2023 tăng 27,29% so với cùng thời điểm năm 2022.

2.3. Thương mại, dịch vụ

Năm 2023, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá sôi động; nhu cầu về đi lại du xuân, du lịch, ăn uống ngoài gia đình của người dân tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022; nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách thăm quan; các chính sách tăng lương từ 01/7, giảm thuế VAT, tăng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trở thành động lực thúc đẩy tiêu dùng trong dân cư và tăng trưởng các ngành thương mại, dịch vụ, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Ước tính cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng đạt 81,18 nghìn tỷ đồng, tăng 18,18% so với năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 69,14 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,17% tổng mức, tăng 15,93% so với năm 2022; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 7,27 nghìn tỷ đồng, tăng 43,18%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 4,77 nghìn tỷ đồng, tăng 20,01%. Mặc dù quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tiếp tục gia tăng, nhưng tốc độ so cùng kỳ qua các quý có xu hướng giảm dần cho thấy sức mua của nền kinh tế chậm lại.

- Hoạt động vận tải: Năm 2023, ngành vận tải phục hồi tốt, tăng khá ở cả loại hình vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Việc hoạt động trở lại 06 tuyến xe buýt trong quý IV đã cải thiện đáng kể việc di chuyển nội tỉnh của người dân. Ước tính, doanh thu hoạt động vận tải đạt 6,18 nghìn tỷ đồng, tăng 19,46% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1,05 nghìn tỷ đồng, tăng 17,48%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 4,76 nghìn tỷ đồng, tăng 20,12%. Tổng khối lượng luân chuyển hành khách năm 2023 ước đạt 1.485,3 triệu HK.km, tăng 28,64%; tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 4.047,3 triệu tấn.km, tăng 37,29% so với cùng kỳ.

II. CÁC CHỈ TIÊU VỀ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Thu, chi ngân sách

Năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm do khó khăn trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và tác động của các chính sách giảm, giãn thu của Nhà nước mới ban hành. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tính đến 15/12/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 27,2 nghìn tỷ đồng, giảm 24,51% so với cùng kỳ, bằng 84,22% so với dự toán đầu năm, giảm chủ yếu ở một số nguồn thu chủ lực như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 60% tổng thu) giảm 25,86%; các khoản thu về nhà, đất giảm 44,47%. Thu từ Hải quan đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, giảm 28,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2023 đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,11% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,59%; chi thường xuyên đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ.

2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm

- Hoạt động ngân hàng, tín dụng: Tổng dư nợ cho vay ước đến 31/12/2023 đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2022, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, chiếm 86,2%. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/12/2023 đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng 12,25% so với cuối năm 2022, tăng trưởng tốt ở nguồn tiền gửi dân cư với 81 nghìn tỷ, chiếm 65%, tăng 16,91%.

Trong năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng giảm dần so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi giảm từ 0,2%-1,5%/năm, phổ biến từ 0,2-7,5%/năm đối với từng kỳ hạn; lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%/năm, phổ biến từ 4-11%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng. Nợ xấu được quản lý chặt chẽ và kiểm soát ở mức an toàn, ước tính đến 31/12/2023 tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn là 0,74%.

- Bảo hiểm: Ước tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 1.157.526 người tham gia bảo hiểm các loại. Chia theo loại hình bảo hiểm: có 258.883 người tham gia BHXH, chiếm 45,3% lực lượng lao động (BHXH bắt buộc 234.484 người; BHXH tự nguyện 233.399 người); 226.982 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 1.134.127 người tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,03% dân số.

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 tăng khá, đặc biệt là vốn đầu tư khu vực Nhà nước, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhất nhưng là khu vực có đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, làm giảm nguồn vốn đầu tư thực hiện từ khu vực này.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 52,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,61% so với năm 2022, tăng mạnh ở những tháng cuối năm (quý I +4,35%; quý II +4,07%; quý III +8,58%; quý IV +11,40%). Trong đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước ước đạt 11,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,40%) tăng 20,61%; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,18%; vốn đầu tư thực hiện khu vực FDI ước đạt 18,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,77% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác xúc tiến, thu hút cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PARINDEX đều ở top đầu của cả nước. Kết quả thu hút đầu tư năm 2023 có nhiều khởi sắc. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 15/12/2023, tỉnh đã thu hút được được 604,24 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 30,76% so với năm 2022 và đạt 151% kế hoạch với 78 dự án (28 dự án cấp mới, 50 dự án điều chỉnh vốn). Đầu tư trực tiếp trong nước thu hút được 36 dự án (16 dự án cấp mới, 20 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21.727 tỷ đồng, tăng 75,63% so với năm 2022 và vượt 4,14 lần so với kế hoạch năm 2023.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Tính đến ngày 15/12/2023, toàn tỉnh có 1.488 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 11,6 nghìn tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 10.482 lao động, tăng 12,64% về số doanh nghiệp, tăng 5,20% về số lao động nhưng giảm 46,34% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 357 doanh nghiệp, giảm 8,93%. Trung bình mỗi tháng có 154 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 875 doanh nghiệp, tăng 38,67% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có 73 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

5. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/12/2023, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 10,34%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,64 tỷ USD, tăng 6,65% so với cùng kỳ. Nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử chiếm chủ yếu trong cơ cấu kim ngành xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Hải quan Vĩnh Phúc, với tỷ lệ 50,22% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 4,52% và 57,0% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 17,12% so với năm trước.

6. Chỉ số giá

Năm 2023, tình hình giá cả, cung cầu thị trường cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. CPI bình quân tăng 2,32% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 4,45% của năm 2022.

Tác động lớn nhất vào mức tăng của CPI là nhóm giáo dục tăng 4,56%, làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm do điều chỉnh tăng mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm học 2023-2024; giá gạo tăng cao và liên tục lập đỉnh qua các tháng đã làm chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,12%, tác động làm CPI tăng 0,23 điểm phần trăm. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế làm cho chỉ số nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 2,14% tác động làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới, mức lệ phí cấp giấy đăng ký xe và biển số định danh tăng theo Thông tư số 60/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, điều chỉnh tăng mức thu phí vệ sinh môi trường theo Quyết định của UBND tỉnh đã khiến chỉ số giá của nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,35%. Một số nhóm hàng hóa khác có mức tăng cao: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,43%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,3%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước…

Các yếu tố làm giảm CPI trong năm 2023: Nhóm giao thông giảm 3,96%, tác động làm CPI giảm 0,30% do giá nhiên liệu trong nước giảm 9,47% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới. Tính từ đầu năm đến nay đã có có 36 lần điều chỉnh giá xăng trong đó có 18 lần điều chỉnh tăng giá và 17 lần điều chỉnh giảm giá và 01 lần giữ nguyên, tính bình quân, giá xăng giảm 10,90%, dầu diezel giảm 13,39%. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,83% do giá điện thoại thế hệ cũ và máy tính bảng giảm, tác động làm CPI giảm 0,03 điểm phần trăm.

Giá vàng và Đô la Mỹ: Bình quân cả năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 3,95%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,99 % so với cùng kỳ năm trước.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các chế độ, chính sách, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

1. Dân số, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Dân số: Dân số trung bình năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc ước tính 1.211,3 nghìn người, tăng 13.729 người, tương đương mức tăng 1,15% so với năm 2022, tăng cao ở khu vực thành thị (tăng 12,24%). So với năm 2022, cơ cấu dân số chuyển dịch theo xu hướng tăng dân số khu vực thành thị, giảm dân số khu vực nông thôn: dân số khu vực thành thị năm 2023 là 410,9 nghìn người, chiếm 33,93%; dân số khu vực nông thôn 800,4 nghìn người chiếm 66,07% (Tỷ lệ này năm 2022 lần lượt là 30,58% và 69,42%). Cơ cấu chia theo giới tính không có nhiều biến động so với năm 2022: dân số nam 604,7nghìn người, chiếm 49,92%; dân số nữ 606,6 nghìn người, chiếm 50,08% (năm 2022 là 49,94% và 50,06%).

- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính có 606,8 nghìn người, tăng 2,38% (14,1 nghìn người) so với năm 2022. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 597,2 nghìn người, tăng 2,20% (12,9 nghìn người) so với năm trước, chiếm 49,3% dân số.

- Công tác giải quyết lao động, việc làm: Ước tính năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới trong nước cho 19,7 nghìn lao động, vượt 18,8% so với kế hoạch và bằng 91,3% so với năm 2022.

- Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước tính giảm còn 0,61%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,38%.

2. Giáo dục

Các cơ chế, chính sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện. Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT với 7,219 điểm, tăng một bậc so với năm 2022; đứng thứ 5 cả nước về số điểm 10.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục đạt được ở mức cao: Năm 2023, tỉnh có 92 học sinh vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 79 em đoạt giải với 5 giải Nhất, 20 giải Nhì, 23 giải Ba, 31 giải khuyến khích, tăng 18,5% và tăng 17 giải so với năm học trước, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải, đứng thứ 3 về số lượng và xếp thứ 5 toàn quốc về chất lượng giải. Đặc biệt, tỉnh đã có 01 học sinh dự thi Olimpic Sinh học Quốc tế.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh cho Nhân dân: Công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh được quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu được triển khai có hiệu quả tại các Trạm y tế. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm xảy ra rải rác và được các cơ sở y tế thực hiện điều trị kịp thời, không để các dịch bệnh bùng phát xảy ra.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 01 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 14 người mắc tại Homestay Levent thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao năm 2023 được tổ chức với nhiều sự kiện lớn quan trọng của đất nước và của tỉnh. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các giải thi đấu thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; Các hội diễn, triển lãm, các chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá giới thiệu văn hóa, du lịch và con người Vĩnh Phúc được tổ chức với hiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ và bảo vệ môi trường

- Tai nạn giao thông: Tính đến ngày 15/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ tai nạn giao thông, làm 59 người chết và 117 người bị thương, so với cùng kỳ, số vụ tai nạn tăng 80 vụ, số người chết tăng 29 người, số người bị thương tăng 92 người.

- Cháy nổ: Theo báo cáo của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/12/2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 92 vụ cháy, trong đó có 9 vụ cháy rừng. Thống kê giá trị thiệt hại của 83 vụ là 3,2 tỷ đồng và 8 ha rừng (còn 9 vụ đang thống kê).