Du học ở đâu miễn học phí

Du học sinh VN tại Phần Lan. Đây cũng là một quốc gia có nhiều ưu đãi về học phí cho du học sinh - Ảnh: CTV

Tuy nhiên, có một số lưu ý dành cho các bạn sinh viên từ những người trong cuộc.

Vì được ưu đãi học phí, một số du học sinh VN khi đến Pháp chọn bừa một ngành một trường nào đó. Đến lúc không thích hoặc không tìm được việc làm sau khi ra trường lại chuyển sang học thêm một ngành khác rất mất thời gian, công sức

TRẦN MINH ĐỨC

Miễn học phí mọi cấp học

Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa [ĐH Quốc gia TP.HCM] và có thời gian làm việc tại VN, Trần Văn Ngọc Tân [29 tuổi] hiện đang là sinh viên năm 3 ngành CNTT ĐH Olso, Na Uy. 

"Lúc vào học tôi cứ tưởng mình lớn tuổi nhất lớp nhưng thật ra số người trên 25 tuổi học ĐH ở Na Uy chiếm đến 50%. Phân nửa trong số đó là người trên 30. Những sinh viên này đã có ít nhất một tấm bằng ĐH muốn học thêm hoặc chuyển ngành" - Tân kể.

Thu hút nhiều người theo học ĐH như vậy là nhờ Chính phủ Na Uy miễn học phí cho tất cả các trường công ở mọi cấp học. Đáng chú ý, sinh viên nếu có người thân sinh sống hoặc làm việc tại Na Uy còn được cho vay 10.000 NOK/tháng, tương đương khoảng 1.050 euro. 

"Khoản tiền này cộng với thu nhập từ công việc bán thời gian nhẹ nhàng có thể giúp sinh viên tạm đủ tài chính suốt thời gian học ĐH và thạc sĩ. Sinh viên cũng được ưu đãi thuê nhà chỉ bằng 1/2 giá thị trường, được hỗ trợ phí đi lại phương tiện công cộng bằng một nửa phí thông thường" - Tân nói thêm.

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Minh [26 tuổi] vừa hoàn thành chương trình luật của ĐH Toulouse [Pháp] chia sẻ khi đang học năm 2 ở Trường ĐH Luật TP.HCM, Minh nhen nhóm ý định du học Pháp và bắt đầu theo học tiếng Pháp từ con số 0. 

Một số quốc gia khác tại châu Âu như Pháp, Đức cũng có chính sách hỗ trợ học phí tối đa cho sinh viên theo học bằng tiếng bản địa và một số ít chương trình dạy bằng tiếng Anh. 

Chuyển sang tiếng Pháp, Ngọc Minh nhanh chóng lấy được bằng B1 chỉ trong 14 tháng và 12 tháng sau đó Ngọc Minh có luôn chứng chỉ B2. Minh chia sẻ: "Tôi chọn Pháp thay vì Đức là do văn hóa Pháp có nét tương đồng với văn hóa VN, lại có rất đông người Việt sinh sống, khoảng 400.000 người".

Cần lưu ý rào cản ngôn ngữ

Ngôn ngữ cũng là một rào cản không hề nhỏ trong các chương trình học miễn học phí. Các chương trình này rất ít dạy bằng tiếng Anh mà bằng tiếng bản địa như Pháp, Đức hay Na Uy. Điều này đồng nghĩa với việc du học sinh phải bắt đầu theo học một ngôn ngữ mới. 

Theo Ngọc Tân, du học bậc ĐH ở Na Uy bằng tiếng Na Uy rất khó khăn với người VN sống tại VN vì chuẩn ngôn ngữ ĐH ở đây rất cao. Trong khi đó, rất hiếm nơi dạy và tổ chức khảo thí tiếng Na Uy ở VN. 

"Ngoài ra, chương trình phổ thông Na Uy dài đến 13 năm. Do vậy học sinh VN sau khi tốt nghiệp THPT vẫn chưa đủ điều kiện theo học ĐH ở Na Uy mà phải học thêm ít nhất một năm ĐH tại VN mới đủ chuẩn tối thiểu..." - Tân chia sẻ thêm.

Ngọc Minh kể đóng học phí thấp nhưng vẫn cần một khoản tiền kha khá để bước đầu ổn định cuộc sống tại Pháp bao gồm chi phí ứng tuyển, tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm, tiền đặt cọc nhà, tiền nhập học... Tất cả tốn khoảng 2.000 euro, tương đương trên 50 triệu đồng. 

Dẫu vậy, chi cố định hằng tháng cho tiền nhà, tiền ăn và các khoản khác sau khi được hỗ trợ từ Chính phủ Pháp là khá rẻ, với Ngọc Minh chỉ khoảng 550 euro. Do đó du học sinh hoàn toàn có thể tự mình chi trả khoản tiền này nhờ vào các công việc làm thêm bán thời gian trong năm, cũng như những giai đoạn làm toàn thời gian như 3 tháng hè hay các dịp nghỉ lễ...

Miễn phí nhưng... lưu ý khả năng tài chính

Du học miễn phí đa phần là chỉ miễn học phí. Nên khi quyết định du học dưới hình thức này cũng cần lưu ý chính vẫn là khả năng tài chính cho các khoản học ngoại khóa, CLB, ăn ở, sách vở tư liệu thực hiện đồ án... rất cao. Từ đó dẫn đến học sinh, sinh viên đi làm thêm nên việc hoàn thành chương trình đôi khi khó như ý muốn.

Du học cũng có khi khó tránh khỏi chuyện kỳ thị, không thích nghi môi trường văn hóa, lại xa nhà nên rất dễ dẫn đến trầm cảm. Thời tiết cũng là đáng lưu ý, không được xem thường. Sức khỏe hơi kém không nên chọn học ở những vùng lạnh hoặc nóng quá để tránh việc học bị dang dở. Cuối cùng là cần chú trọng đến năng lực viết. Trường nước ngoài bài thi chủ yếu viết luận, nên cần đầu tư sớm kỹ năng này cho con đường du học miễn phí được trơn tru.

Bà Lê Thị Thùy Trâm [giám đốc điều hành Công ty INNEDU]

Đừng lấy "miễn phí" để quyết định

Ngoài những nước ưu đãi học phí còn có những trường miễn học phí một phần, toàn phần ở Mỹ để thu hút du học sinh. Tuy nhiên với các trường này, để miễn phí 100% rất hiếm, điểm và những tiêu chuẩn khác đòi hỏi cực cao.

Thường các trường này miễn phí với hai mục đích: trường mới thành lập cần tạo danh tiếng hoặc trường có đơn đặt hàng của các nơi có nhu cầu lao động. Rồi còn có trường miễn phí hoàn toàn năm đầu, những năm sau phải đóng phí với lý do không đủ điều kiện xét.

Còn có những trường miễn 30-50% là những trường ở những bang rất xa xôi, hẻo lánh. Tôi có người cháu du học miễn 50% học phí ở Mỹ, nhưng khi nhập học thì đến nơi là trường rất xa xôi. Đó là chưa kể một nửa học phí còn lại phải nộp là hơn 1 tỉ đồng/năm, hóa ra cao hơn các trường ở những bang khác, như thế thì đã bị "hố" vì hai từ miễn phí.

Du học miễn phí cũng là... "vàng thau lẫn lộn" nên điều đầu tiên cần chú ý trường đó là trường gì, xếp loại theo bang, hay xếp loại theo ngoại ngữ... Điều quan trọng nữa cần lưu ý: đừng lấy tiêu chí miễn phí là sự quyết định cho du học mà là kỹ năng thế kỷ 21 như đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa tính cách để thích nghi; kỹ năng sống, tự quản lý nhận thức, đồng cảm người bản xứ... để tránh khỏi những hệ lụy du học.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên [chuyên gia giáo dục toàn cầu của Micorosoft]

Du học sinh Việt làm gì khi Pháp tăng học phí 16 lần?

TRỌNG NHÂN - THẢO TÂM

Nếu bạn không đủ học lực để xin học bổng toàn phần hoặc không đủ tài chính để đi du học tự túc, bạn hãy nghĩ ngay đến một hướng khác khả thi hơn là tìm những nước có chính sách miễn giảm học phí hoặc tặng học bổng cho sinh viên quốc tế như các nước: Đức, Na Uy, Áo, Phần Lan, Thụy Điển…

Hiện nay, Đức đang là điểm du học thu hút chỉ đứng sau Mỹ, Anh nhưng lại cực kỳ có nhiều ưu điềm về du học mà không quốc gia nào sánh bằng. Về mặt chất lượng đào tạo, Đức sở hữu hơn 40 đại học trong bảng xếp hạng QS, trong đó 2 thành phố Munchen và Berlin thuộc top 20 thành phố có chi phí tiết kiệm nhất theo BXH QS Best Student Cities 2017.

Về sinh hoạt phí, trung bình một du học sinh ở Đức tiêu khoảng 750-1.100 Euro/tháng và con số này sẽ cao hơn nếu bạn sống ở những thành phố lớn như Frankfurt hoặc Munchen. Nhưng nếu du học sinh theo học chương trình cao đẳng, đại học thực hành thì được nhà nước hoặc các doanh nghiệp hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt ăn và được doanh nghiệp xếp làm thêm 10h/tuần. Chính vì vậy, du học sinh không gặp khó khăn nhiều trong sinh hoạt hàng ngày.  

Theo nguồn tin Internationale-studierende.de, các trường đại học công lập ở Đức không thu bất kỳ học phí nào cho các chương trình cử nhân và thạc sĩ đối với tất cả sinh viên, bao gồm sinh viên quốc tế. Ở một số bang, các chương trình đại học chỉ thu phí đóng góp hàng kỳ [khoảng 50 EUR] và/hoặc phí quản lý hành chính [khoảng 50 EUR, tương đương 1.400.000VND] nhằm phục vụ bảo trì cơ sở vật chất cùng các tiện ích trên khu học xá…

Cơ cấu học phí này có thể thay đổi trong tương lai. Đôi khi cũng có chính sách học bổng riêng cho từng bang. Ví dụ bang Baden-Württemberg thu học phí 1,500 EUR/kỳ cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ, các chương trình cấp bằng và kiểm định quốc gia đối với sinh viên không thuộc khối Liên minh Châu Âu từ học kì mùa đông 2017-2018.

Phần Lan: Nhiều trường miễn học phí, cấp học bổng hào phóng

Theo thông tin của studyinfinland.fi, học phí cho sinh viên từ các quốc gia không thuộc khối Liên minh châu Âu được áp dụng từ mùa thu năm 2017 cho các chương trình cử nhân và thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh. Mức học phí tối thiểu cho sinh viên quốc tế là 1.500 EUR/năm học và có mức học phí trung bình rơi vào khoảng 10,000 - 25,000 EUR/năm, trong đó Đại học Helsinki là trường có mức phí cao nhất.

Tin vui là các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Phần Lan và Thụy Điển vẫn được miễn học phí. Riêng ở trình độ tiến sĩ, sinh viên được miễn học phí bất kể quốc tịch.

Các trường đại học Phần Lan và các trường thuộc UAS mang đến cho sinh viên xuất sắc từ các quốc gia không thuộc khối EU/EEA nhiều cơ hội học bổng khác nhau để chi trả học phí cho các chương trình cử nhân và tiến sĩ. Chương trình EDUFI Fellowships giúp sinh viên theo học bậc tiến sĩ chi trả phí sinh hoạt cho tối đa một năm học. Hơn nữa, mỗi trường đại học có các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính. Bạn có thể tìm hiểu thông tin trong mục Học phí và Hỗ trợ tài chính tại trang web của trường. Nhiều trường yêu cầu ứng viên đăng ký học bổng cùng lúc với quá trình ứng tuyển nhập học.

Ước tính trung bình, mức phí sinh hoạt phí hàng tháng cho du học sinh Phần Lan rơi vào khoảng 700-900 EUR/tháng [19.000.000VND đến 22.000.000VND]

Áo: Học phí dưới 1,000 Euro/học kỳ

Áo là một trong những địa điểm du học còn khá xa lạ với sinh viên Việt Nam, nhưng xét về yếu tố tài chính, đây là cũng là điểm khiến các bạn du học sinh nên quan tâm. Chi phí khoảng 363,36 - 726,72 EUR một học kì, cộng thêm 19,20 EUR phí hội viên hội sinh viên “ÖH-Beitrag” và bảo hiểm tai nạn khi theo học tại các trường đại học công lập.

Nếu tham gia các chương trình trao đổi sinh viên và hợp tác giữa các trường đại học, hoặc đến từ các quốc gia kém phát triển, sinh viên còn được miễn học phí.

Để biết thêm thông tin chi tiết học phí, bạn có thể trực tiếp truy cập và tìm kiếm trên website của từng trường.

Về chi phí sinh hoạt tại Áo, bạn cần chuẩn bị một khoản chi tiêu xấp xỉ 950 EUR mỗi tháng, bao gồm ăn ở và chi tiêu cá nhân. Vienna, thủ đô của Áo, xếp thứ 16 trong BXH các thành phố tốt nhất cho du học sinh 2017.

Thụy Điển miễn giảm học phí tại các trường đại học

Sinh viên từ các nước không thuộc EU/EEA và sinh viên không phải công dân Thụy Điển phải trả phí đăng kí và học phí khi theo học các chương trình cử nhân, thạc sĩ ở Thụy Điển. Mỗi trường có mức học phí từ 9,000 – 15,800 EUR/năm.

Vị trí tiến sĩ ở Thụy Điển thường là các công việc được trả lương bởi các trường đại học hoặc các cơ quan bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc nếu sở hữu một suất học Tiến sĩ, bạn sẽ không phải trả phí và còn được nhận lương hàng tháng.

Các cơ sở giáo dục đại học ở Thụy Điển tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế bằng nhiều chương trình học bổng toàn phần hoặc bán phần. Bên cạnh website trường, bạn có thể tham khảo tại trang University Admissions.

Miễn học phí ở Na Uy

Theo thông tin từ Studyinnorway.no, các trường đại học công lập cũng như các cơ sở đào tạo trực thuộc đại học công lập tại Na Uy có quy định không thu bất kì khoản học phí nào từ sinh viên. Chính sách này áp dụng ở mọi cấp độ, từ các khóa học cử nhân đến các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ. Tuy nhiên, mỗi kì học, sinh viên phải trả một khoản phí khoảng 300-600 NOK. [800.000 đến 1.8000.000VND].

Lưu ý là phần lớn các chương trình cử nhân ở đây đều giảng dạy bằng tiếng Na Uy, trong đó từ cấp thạc sĩ trở lên, bạn sẽ có nhiều lựa chọn chương trình học bằng tiếng Anh hơn.

Lưu ý, một số trường đại học, cao đẳng công lập có thể thu học phí cho một vài chương trình đặc biệt, chủ yếu ở trình độ Thạc sĩ. Hầu hết các cơ sở đào tạo hệ tư thục sẽ yêu cầu sinh viên đóng học phí. Tuy nhiên, mức học phí thường thấp hơn hẳn so với học phí bạn phải bỏ ra để học tại các quốc gia khác [từ 7,000 - 10,000 EUR/năm].

Ngoài ra, giữa sinh viên quốc tế và sinh viên Na Uy cũng không có sự chênh lệch nhau về học phí như tại phần đông các quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tuy vậy, bạn nên cân nhắc khi chọn theo học tại quốc gia này bởi mức sinh hoạt phí ở đây cao hơn nhiều điểm đến du học khác tại châu Âu, rơi vào khoảng 1,000 - 1,800 EUR/tháng, và lên tới 2,000 EUR/tháng tại các thành phố lớn như Oslo.

Học tập ở Pháp: học phí chưa đến 18 triệu/năm

Trên thực tế, Pháp không miễn học phí. Tuy vậy, số tiền đăng ký nhập học và an sinh xã hội bắt buộc vào các trường công [giảng dạy bằng tiếng Pháp] là vô cùng nhỏ so với học phí của nhiều quốc gia trên thế giới. Trường công tại Pháp chỉ thu khoảng 200 - 650 Euro/năm, tùy vào cấp học [cử nhân/thạc sĩ] và chương trình học. Cụ thể bạn sẽ đóng khoảng 184 Euro/năm nếu học đại học và nhiều hơn nếu theo học chương trình dài hạn như: Y, Dược, Kỹ sư. Chẳng hạn, trung bình học phí ngành dược là 452 EUR/năm trong khi chương trình kỹ sư là 620 EUR/năm. Tất nhiên học phí cũng cao hơn ở các trường dân lập hay các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng mức học phí cũng chỉ rơi vào khoảng 1,500 - 6,000 EUR/năm.

Giống như Đức, hầu hết chương trình miễn giảm học phí học bằng tiếng Pháp và sẽ có nhiều chương trình tiếng Anh ở các bậc học cao hơn.

Mức sống ở Pháp cũng khá dễ chịu, khoảng €9,600 một năm, và sẽ cao hơn ở các thành phố lớn như Paris. Dù vậy, Paris vẫn có mức sống chỉ bằng một nửa so với London [theo Numbeo]. Chính những yếu tố này khiến Pháp vững chắc trong top 5 thành phố yêu thích của sinh viên quốc tế.

Du học gần như miễn phí ở Tây Ban Nha

Học phí tại các trường công lập cho sinh viên ngoài EU rơi vào khoảng 750 - 2,100 Euro một năm. Với hệ cử nhân, mức phí nằm trong khoảng 680 - 1.400 EUR/năm và 1,350 - 1,500 EUR/năm với hệ thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong khi đó, học cử nhân tại một trường tư thục ở Tây Ban Nha có mức phí 5,000 EUR - 12,000 EUR. Cấp thạc sĩ và tiến sĩ học phí được tính theo tín chỉ. Mỗi tín chỉ từ 22 - 36 EUR. Trung bình bạn sẽ chi trả 1,320 - 2,160 EUR/năm cho một chương trình thạc sĩ 60 tín chỉ.

Để sống thoải mái tại quốc gia này, bạn nên chuẩn bị khoảng 10,800 - 13,200 EURO một năm chi phí sinh hoạt. Madrid, Barcelona và Valencia đều là những thành phố nằm trong BXH QS Best Student Cities 2017, với Barcelona đứng ở vị trí 23.

Hungary, Ba Lan, Hy Lạp - học phí từ 1500 Euro/năm

Ba quốc gia kể trên không thu phí với sinh viên Châu Âu và học phí cực kỳ thấp với sinh viên các nước còn lại. Trung bình mỗi sinh viên ngoài khối EU/EEA chỉ phải chi trả 1,500 Euro/năm học.

Mức sống cũng thân thiện với túi tiền của du học sinh, dù là học phí hay chi phí sinh hoạt. Cụ thể chi phí sinh hoạt khoảng 300 - 500 EUR/tháng tại Ba Lan, 590 - 700 EUR tại Hungary và Hy Lạp.

Video liên quan

Chủ Đề