Nêu suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên

Nêu cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long

Có những câu chuyện mà khi nghe kể, được đọc lấy, mà cứ ngỡ đang được sống, được hòa mình vào những người, những cảnh trong ấy. Nó thật sống động, thật gần gũi làm sao. Lặng lẽ Sa Pa chính là một câu chuyện có sức lay động như thế. Qua cây bút cần mẫn, nhiệt thành của Nguyễn Thành Long, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã khắc họa nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng với biết bao phẩm chất cao đẹp về lý tưởng và lẽ sống đáng quý của con người.

Nguyễn Thành long là một trong những tác giả nổi tiếng chuyên viết truyện ngắn và kí của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có sức sống lâu bền và giá trị nghệ thuật cho văn hóa nước nhà. Tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” ra đời năm 1970 giữa lúc miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Mỗi người dân miền Bắc ý thức sâu sắc vai trò của bản thân mình đối với sự nghiệp chung của đất nước: sống đẹp, sống có ích để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và nhân vật anh thanh niên trở thành biểu tượng đẹp cho những con người tích cực, trách nhiệm như thế.

Dù là một cây bút chuyên viết truyện ngắn nhưng Nguyễn Thành Long không dùng ngòi bút của mình để phân tích những xung đột, mâu thuẫn, những điều dữ dội mà lại nghiêng về phản ánh cuộc sống bằng nghệ thuật giàu chất thơ, trong trẻo nhẹ nhàng nhưng lại có chiều sâu âm vang. Hình ảnh anh thanh niên cũng thế. Nhà văn đã để anh thanh niên xuất hiện trong câu chuyện đường dài của bác lái xe kể cho bác hoạ sĩ và cô kỹ sư trong chuyến hành trình trở về thành phố từ đỉnh Yên Sơn. Và cũng trong chuyến đi ấy, bác hoạ sĩ và cô kỹ sư đã có cuộc gặp gỡ 30 phút với anh thanh niên. Trong thời gian ngắn ngủi này, anh thanh niên đã mời họ uống chè, tặng hoa cho cô kỹ sư, tâm sự về cuộc sống và công việc của mình. Bác hoạ sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh từ chối vì nghĩ người khác xứng đáng hơn. Anh thanh niên đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các vị khách. Bác hoạ sĩ hứa sẽ quay lại thăm anh sớm nhất.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba từ điểm nhìn của bác hoạ sĩ để từ đấy anh thanh niên trong truyện hiện lên sinh động từ ngoại hình, lời nói đến suy nghĩ, tính cách. Điểm nhìn của một người làm nghệ thuật và từng trải sẽ khiến cho hình tượng anh thanh không chỉ hiện lên đẹp đẽ mà còn ẩn chứa nhiều triết lý về cuộc đời.

Với vẻ ngoài của một chàng trai bình thường nhưng cái bình thường ấy chỉ là vỏ bọc cho nội tâm sâu sắc và tính cách cao đẹp bên trong. Ở anh, ta bắt gặp một con người có lý tưởng sống, hết mình cống hiến vì công việc. Cũng như bao thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương, anh thanh niên tự nguyện gắn bó đời mình trong vai trò một kỹ sư làm công tác khí tượng. Anh thanh niên rời đô thị, rời cuộc sống rực rỡ ánh đèn, nhiều niềm vui của tuổi trẻ để đến đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m không một bóng người, quanh năm chỉ có mây mờ che phủ. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ chiến đấu và sản xuất cho đồng bào ta. Công việc ấy phải đòi hỏi tính tỉ mỉ, cần mẫn, nghiêm túc thực hiện. Tuy gian khổ là thế nhưng điều anh ngại không phải là công việc gian khổ mà là trong cái lạnh lẽo của không gian vắng bóng con người. Có lẽ vì thế mà anh thanh niên đối diện với cảm giác “thèm người”.

Ở người thanh niên này, ta tìm thấy những vẻ đẹp về lý tưởng và phẩm chất ngời sáng như một ngôi sao xa không chịu thu mình trước mây mù. Trước hết, anh thanh niên là chàng trai có lý tưởng sống đúng đắn, có lẽ sống cao đẹp. Lý tưởng sống như ánh đuốc soi đường, như kim chỉ nam để anh bước những bước vững chắc trên con đường mình đã chọn. Anh không sợ hiểm nguy, noi gương theo bao lớp người đi trước, anh đã viết thư để xin được vào chiến trường, cầm súng mà giết giặc. Tuy nhiên vì hai bố con cùng xin vào mặt trận nên kết quả anh phải ở lại. Niềm tin của tuổi trẻ vào sức mạnh cống hiến thôi thúc anh chọn một công việc nhiều ý nghĩa, một cuộc sống có chút buồn tẻ nhưng lại có thể đóng góp vào lao động, vào chiến đấu. Lý tưởng đã giúp anh ý thức được giá trị mà công việc mình mang lại. Vì thế mà anh thanh niên đã không quản gian khổ, không chút hối hận vì mình đã xin đến nơi này. Lẽ sống đã hun đúc tinh thần anh thêm cứng cỏi, đã rèn luyện ý chí anh thêm mạnh mẽ và cho anh một suy nghĩ đẹp về sự cống hiến thầm lặng.

Một mình làm việc trên đỉnh núi cao, chấp nhận sống xa nhà, sống xa cộng đồng mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ, điều đó chứng tỏ anh phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, yêu quý công việc đến thế nào. Như những gì anh chia sẻ. Công việc của anh không khó nhưng gian khổ, “gian khổ nhất là lần ghi và báo lúc một giờ sáng. Rét, có cả mưa tuyết. Nửa đêm, chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão có vặn to đến mức nào cũng cảm thấy không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và cái im lặng bên ngoài chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Đâu chỉ có bao nhiêu, nhà văn sử dụng thêm biện pháp liệt kê và phép so sánh để thấy được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như đối đầu với con người.“Gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cánh mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được”. Tuy gian khổ là vậy, nhưng điều đáng quý ở anh là thái độ đối với công việc. Thái độ tích cực này được bộc lộ qua những chia sẻ của anh với bác hoạ sĩ khi bác ấy đề nghị anh kể về công việc. Chẳng than van, không kể khổ, anh say sưa, tự hào nói một cách chi tiết, cụ thể về công việc để thấy rằng anh đối với công việc không chỉ hoàn thành vì trách nhiệm mà còn vì sự gắn bó, yên thích. Anh xem công việc là niềm vui, là người bầu bạn, là ý nghĩa sống thiêng liêng của mỗi con người. Khi ta làm việc, ta mới thực sự trưởng thành, thật sự sống “lao động là vinh quang”. Ấy vậy mà anh không ngại chia sẻ “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ nếu cất nó đi cháu buồn chết mất”. Anh quan niệm rất rạch ròi về mối quan hệ giữa bản thân và công việc “khi ta làm việc ta với công việc là đôi”. Người con trai đầy bản lĩnh như anh hơn ai hết hiểu rằng mỗi con người, mỗi bàn tay, dù lao động ở bất cứ công việc nào chỉ cần mang đến lợi ích cho cuộc sống, góp phần giúp quân ta đánh giặc thì công việc ấy đáng tự hào. Vì lẽ thế mà anh thanh niên làm việc tự giác, bản thân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Yêu công việc là thế, anh thanh niên còn yêu quý cuộc sống mỗi ngày, anh tạo cho mình những niềm vui, có lối sống khoa học. Một thanh niên sống một mình chẳng cần bận tâm đến cái nhìn của người khác về mình, thế nhưng anh không lấy cớ đó mà cẩu thả, bề bộn. Mọi thứ xung quanh anh đều ngăn nắp, gọn gàng. “Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Như thế để thấy anh rất biết cách sống dung hòa giữa công việc và đời thường, giữa lý tưởng to lớn và vụn vặt hằng ngày. Niềm vui của anh nằm trong khu vườn đầy hoa, những chú gà mái cho quả trứng to tròn, những chú gà con tíu tít, những quyển sách chứa đựng biết bao điều thú vị. Bằng việc tự chăm sóc đời sống cá nhân, anh thanh niên đã vượt qua nỗi cô đơn để tìm thấy sự lạc quan, tươi mới.

Đâu chỉ có bao nhiêu, anh thanh niên là một người cởi mở, chân thành, hiếu khách và chu đáo. Anh quan tâm đến những người xung quanh mình. Biết vợ bác lái xe hay đau nhức, anh gửi củ tam thất cho bác ấy. Anh lịch thiệp dành riêng một bó hoa thật đẹp tặng cho cô kỹ sư nhân buổi đầu gặp gỡ. Không chỉ mời hai vị khách nước chè ấm, anh thanh niên còn đặc biệt biếu họ làn trứng để dùng trên xe đường dài. Quà tuy không phải to lớn nhưng tấm lòng anh dành cho mọi người đã thể hiện ra nét mặt vui tươi, cử chỉ nhanh nhẹn, cái nhìn ân cần. Bác hoạ sĩ, cô kỹ sư chỉ mới gặp gỡ anh lần đầu tiên nhưng chắc chắn trong lòng họ ấn tượng về anh rất tốt. Điều này được tạo nên do tình cảm chân thành mà anh đem đến. Tình cảm ấy là sợi dây gắn kết anh và mọi người để chỉ trong thời gian ngắn ngủi, bác hoạ sĩ đã “bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết”, bác hoạ sĩ đã tin chắc rồi mình sẽ còn trở lại.

Công việc dù mang lại nhiều lợi ích chi lao động và chiến đấu. Anh đã từng được tuyên dương khi nhờ vào sự phát hiện của mình về một đám mây khô mà không quân ta đã hạ được nhiều máy bay của địch. Thế nhưng ta tìm thấy ở người con trai này một nét đẹp của lòng khiêm tốn, giản dị. Biết bác hoạ sĩ vẽ mình, anh đã lịch sự chối từ. Anh nghĩ rằng bản thân không xứng đáng, còn có biết bao người anh từng biết giỏi giang, cống hiến nhiều hơn anh, chịu thiệt thòi nhiều hơn anh. Anh đã giới thiệu ông kỹ sư vườn rau, nhà nghiên cứu sét để bác hoạ sĩ có thể vẽ. Riêng anh, những điều bản thân làm được anh chỉ xem đó là nhỏ bé, bình thường. Thái độ sống ấy mới thật sự xứng đáng với trọng trách lớn lao mà dân tộc đã đặt lên vài thế hệ trẻ. Cũng như nhà thơ Thanh Hải đã ước nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ để “lặng lẽ dâng cho đời”. Và cũng như hàng triệu anh hùng không tên của dân tộc đã hy sinh mà chẳng để lại gì cho bản thân, họ mới là những người làm nên đất nước.

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Câu chuyện đơn giản là thế. Vậy mà khi đọc từng câu văn, những cảnh thơ mộng, những người mộng mơ đều hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc. Dường như trong chuyến xe ấy, mỗi con người đều đang tìm cho mình những điều thật giản dị nhưng cũng thiêng liêng. Có thể nói, đây là cuộc hành trình đầy khát khao và háo hức mà mỗi người đều bắt gặp niềm say mê ngời sáng như nụ hoa tìm thấy ánh mặt trời trong giá lạnh. Vẻ mặt rạng rỡ đầu tiên chúng ta nhìn thấy đến từ bác lái xe vui tính. Thông qua cái nhìn thân thiện, trìu mến dành cho anh thanh niên, bác lái xe tốt bụng đã là nhịp cầu kết nối câu chuyện, đóng vai trò là người dẫn chuyện thú vị. Bác lái xe đã tìm được gì ở anh thanh niên? Một con người trẻ trung nhưng tử tế, cô độc nhất thế gian mà vẫn sống lạc quan, biết quan tâm đến mọi người. Thế đấy nên bác lái xe giới thiệu cho những vị khách quý của mình về anh thanh niên bằng niềm tự hào, tin tưởng. Thế còn bác họa sĩ già từng trải? Ngoài trái tim đang đập trong lồng ngực, ông còn một quả tim nữa vì nghệ thuật mà khao khát được tìm thấy một hình tượng đẹp, một gương mặt rạng ngời. Bác hoạ sĩ đã tình cờ bắt gặp nơi người thanh niên này và lòng bác dấy lên niềm xúc động. Sự yêu mến, cảm phục trước lối sống, nhân cách và công việc của anh thanh niên khiến bác hoạ sĩ nhất định vẽ anh cho kỳ được. Ở bác hoạ sĩ, chúng ta tìm thấy được một cây đại thụ, một nghệ sĩ chân chính, một con người có đời sống nội tâm phong phú. Đấy chính là đại diện cho thế hệ người đi trước. Chính nỗi xúc động và bao điều suy tư của ông họa sĩ đã làm cho chân dung anh thanh niên sáng đẹp hơn lên và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng.

Đặc biệt nhất chính là cô kỹ sư trẻ soi chiếu vào cái đẹp của anh thanh niên để người đọc hiểu thêm về cuộc sống tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới những con người như anh. Đây chính là thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện mình.

Với tình huống truyện hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên từ điểm nhìn của bác họa sĩ, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã khắc họa thành công hình ảnh đẹp của người lao động bình thường. Anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao, anh không có tên, chỉ gọi một cách khái quát là thanh niên với cách gọi nói lên sức trẻ, lý tưởng, nhiệt huyết cùng mong muốn hiến dâng mọi thứ tuyệt vời cho đất nước. Đâu cần tên riêng, đâu phải lúc nào cũng cống hiến vì để được người khác tôn vinh. Người anh hùng trong chiến đấu hay trong lao động đều là những người hi sinh thầm lặng. Chính anh, chính những người không để lại cái tên riêng hay dòng địa chỉ mới là thế hệ đã dựng xây non nước. Để đất nước này là đất nước của nhân dân, đất nước của những người sống lặng lẽ nhưng luôn cần mẫn như con ong gom trăm hoa thành mật ngọt.

“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới đáng quý”. Câu nói ấy của A. Einstein khiến người ta suy nghĩ về lý tưởng và lẽ sống của con người trong thời đại ngày nay. Sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận đã phác họa hình ảnh anh thanh niên – người trai lý tưởng mang lẽ sống cao đẹp của cuộc sống thời đại lúc bấy giờ. Đó là những con người lặng thầm, làm những công việc lớn lao hiến dâng cho cuộc sống. Anh thanh niên đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Phải chăng sống và cống hiến âm thầm mới là điều đáng quý nhất? Và điều tuyệt vời thứ hai đó chính là lẽ sống. Sống cần phải xây cho mình lý tưởng và lẽ sống để có một phương hướng đúng đắn trong đời. Không chỉ vậy thế hệ trẻ muốn gánh vác được non sông cần phải hội tụ những đức tính tốt đẹp từ anh: cần mẫn, hòa đồng, trách nhiệm, biết yêu thương, san sẻ, biết khiêm tốn và biết sống giản dị, đam mê lao động.