Nguyên nhân tiểu đêm nhiều

Tiểu đêm được định nghĩa khi cần thức dậy về đêm và đi tiểu (ngược lại với đái dầm ở trẻ em). Tiểu 1 lần trong đêm vẫn được xem là bình thường, thuật ngữ “tiểu đêm” là triệu chứng cắt nghĩa khi Bệnh nhân đi tiểu nhiều lần hơn bình thường (>1 lần/đêm).

- Tiểu đêm là một triệu chứng thường gặp ở cả nam lẫn nữ, do người bệnh phải thức dậy đi tiểu nhiều lần giữa đêm khuya nên thường dẫn đến những ảnh hưởng cho giấc ngủ từ đó phần nào cũng làm người bệnh mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng sống.

- Tại đây chúng ta cần lưu ý rằng:

+ Tiểu đêm là triệu chứng

+ Trong một số trường hợp tiểu đêm được đánh giá là triệu chứng của một số bệnh như: đái tháo đường, đái tháo nhạt ...

II. Các nguyên nhân gây tiểu đêm

1. Tiểu đêm do cân bằng dịch

- Tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm: Lượng nước tiểu >40ml/kg/24 giờ có thể do người bệnh

+ Uống quá nhiều nước, rượu, bia

+ Bị bệnh Đái tháo đường

+ Tăng canxi máu

+ Suy thận (thường gặp ở suy thận mãn nhiều hơn suy thận cấp)

- Tiểu nhiều về đêm :số lượng nước tiểu  về đêm >35% tổng số lượng nước tiểu 24 giờ có thể do các nguyên nhân sau

+ Uống nhiều nước, rượu, bia vào buổi tối

+ Uống thuốc lợi tiểu phụ thuộc vào thời gian uống thuốc

+ Biến đổi sự tiết hormone chống lợi niệu bình thường, thường do tuổi

+ Tái phân bố dịch về đêm gây tiểu đêm như: suy tim. Phù gây tiểu đêm như: ứ máu  tĩnh mạch

+ Ngưng thở về đêm (không rõ cơ chế)

2. Tiểu đêm do nguyên nhân thần kinh

Ở người bình thường, dung tích bàng quang từ 300- 400ml, khi nước tiểu bài tiết từ thận xuống đầy bàng quang cơ thể sẽ có phản xạ cần đi tiểu.   Bàng quang được kiểm soát từ não, tủy sống, đoạn S1,S2 và thần kinh ngoại biên. Vì thế có nhiều vấn đề thần kinh có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang. Tiểu đêm do nguyên nhân thần kinh có thể là triệu chứng bởi vì :

- Một số bệnh thần kinh gây tiểu nhiều lần như: Xơ cứng rải rác từng đám, chèn ép tủy sống cổ, Hội chứng chèn ép tủy sống

- Một số bệnh thần kinh có thể gây bí tiểu, tiểu không kiểm soát, tiểu đêm

- Các rối loạn thần kinh thông thường khác gây đi tiểu nhiều như: bàng quang thần kinh do Đái Tháo Đường, Parkinson……

Thông thường nếu bí tiểu xảy ra ở nữ >60 tuổi mà không chắc do tắc nghẽn bàng quang thì nguyên nhân thần kinh cần được nghĩ tới

3. Tiểu đêm do rối loạn đường tiểu dưới

- Nghẽn dòng chảy từ bàng quang: Bệnh tiền liệt tuyến, bệnh niệu đạo (Xảy ra ở cả nam lẩn nữ)

- Bàng quang hoạt động quá mức

- Người quá nhạy cảm

- Nhiễm trùng đường niệu,viêm bàng quang mô kẻ

- Bệnh lý ác tính

- Phụ nữ trong giai đọan có thai cũng có thể xảy ra triệu chứng tiểu nhiều

III. Đánh giá Bệnh nhân tiểu đêm

Tiểu đêm thường được quy cho do bệnh tiền liệt tuyến mà không xem xét những nguyên nhân khác. Đôi khi có nhiều nguyên nhân kết hợp gây tiểu đêm, những nguyên nhân gây tiểu đêm đươc xác đinh bởi: bệnh sử, khám lâm sàng, cận lâm sàng, theo dõi thời gian đi tiểu của Bênh nhân. Tại phòng khám, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh tiểu đêm, bác sĩ sẽ tiến hành

1. Hỏi Bệnh sử: bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi để làm sáng tỏ các triệu chứng của Bệnh nhân và hỏi các triệu chứng đường tiểu dưới khác

2. Khám lâm sàng

- Gõ vùng bàng quang xem có rỗng không ?

- Ấn xem có phù chân không ?

- Khám các cơ quan liên quan khi nghi ngờ :

+ Tim mạch

+ Thần kinh: Đặc biệt quan trọng nếu có bí tiểu mà không nghi ngờ nghẽn đường tiểu (Nữ>60 tuổi)

+ Khám trực tràng ở nam đánh giá tiền liệt tuyến, khám khung chậu ở nữ

3. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm nước tiểu: nhiễm trùng tiểu, tiểu máu, tiểu đạm, đường…

- Cấy nước tiểu

- Xét nghiệm máu: chức năng thận, ion đồ, đường huyết, canxi máu

- Đo chức năng bàng quang: đánh giá dòng chảy nước tiểu, thể tích tồn lưu nước tiểu.

- Đo áp lực bàng quang thông qua catheter niệu đạo

- Siêu âm bụng             

Sau khi đánh giá, tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây triệu chứng này từ đó các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả

IV. Một số lưu ý đối với bệnh nhân

- Đối với những người tiểu đêm do suy giảm thần kinh ở não, cần phải khắc phục bằng các biện pháp như :

+ Hạn chế uống nước vào buổi tối, trước khi đi ngủ nhớ đi tiểu.

+ Mặt khác, để tránh những tai biến não khi thức dậy nửa đêm, cần bình tĩnh ngồi dậy, tỉnh táo hẳn mới nên bước ra khỏi giường. Nếu không có công trình vệ sinh trong nhà nên dùng bô để đi tiểu chứ không nên mở cửa đi tiểu ngoài trời.

- Đối với những người do u xơ làm phì đại tuyến tiền liệt cần đi khám xem mức độ bệnh cụ thể để được điều trị. Để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là phòng ngừa được u ác tính ở tuyến tiền liệt, những người đàn ông trên 40 tuổi cần được đi khám tuyến tiền liệt hằng năm.

- Khi có dấu hiệu tiểu khó cần được thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và tránh nhiễm khuẩn đường tiểu.