Tác phẩm lịch sử nước ta chuyện thành phim đó Ái thực hiện

Nhìn ra các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc, hầu hết điện ảnh nước nào cũng thực hiện có hệ thống các đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử và từ lâu được coi là trọng điểm sáng tác. Các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử của những nước này không chỉ thu hút sự chú ý của công chúng trong nước mà còn có sức lôi cuốn với cả khán giả nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Không ít bộ phim về đề tài lịch sử của họ đã để lại ấn tượng cho người xem Việt Nam như: "Truyền thuyết Ju Mông"; "Vô ảnh kiếm"; "Tư Mã Thiên"; "Thủy Hử"; "Ngọa hổ tàng long"; "Thập diện mai phục"...

Ở Việt Nam, năm 1971, bộ phim Trần Quốc Toản ra quân đã đặt nền móng đầu tiên cho dòng phim lịch sử của điện ảnh nước ta. Từ đó đến nay, chúng ta cũng có được một số bộ phim về đề tài lịch sử như: Ðêm hội Long Trì; Ðường về Thành Thăng Long; Thái sư Trần Thủ Ðộ; Lý Công Uẩn; Tây Sơn hào kiệt; Khát vọng Thăng Long; Long thành Cầm Giả Ca, v.v. Gần đây, khán giả còn có dịp đón nhận hình ảnh nhân vật lịch sử cận đại Hồ Chí Minh qua bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công và Vượt qua bến Thượng Hải. Tuy nhiên, nhìn lại thực tiễn sáng tác nhiều năm qua, có thể nhận thấy, ở mảng đề tài lịch sử, điện ảnh Việt Nam luôn trong "trạng thái ngập ngừng". Ðể sản xuất một bộ phim lịch sử đúng tầm, chúng ta còn hạn chế nhiều mặt như kinh phí, trường quay, trang thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là chưa có nhiều kịch bản hay về đề tài này. Nhiều ý kiến cho rằng, một số phim Việt Nam về đề tài, nhân vật lịch sử chỉ quan tâm đến mục tiêu như "góp phần tăng cường sự hiểu biết về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc" hay "Giúp thế hệ sau để ghi nhớ, tự hào, biết ơn với những giai đoạn và con người làm nên lịch sử"... mà coi nhẹ ý nghĩa khái quát, những bài học và triết lý mang tính nhân văn. Chính vì lý do đó, phim về đề tài lịch sử thường không lâu bền và khó vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhà biên kịch Lê Phương khẳng định: Ở mảng phim đề tài lịch sử, cần chọn mặt gửi vàng, phải đầu tư cho người có tài.

Một trong những lý do nữa khiến cho mảng phim về đề tài lịch sử chưa thật sự được quan tâm trong sáng tác, dàn dựng chính là sự thiếu tin tưởng. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sự thiếu tin tưởng ở đây không phải của công chúng mà của chính những người hoạch định chính sách của ngành điện ảnh nói riêng, của lãnh đạo ngành văn hóa nói chung. Ngành văn hóa và điện ảnh Việt Nam chưa có chiến lược dài hơi cho phim lịch sử. Vậy phải làm thế nào để điện ảnh nước ta tiến tới một quy trình sản xuất phim ngày càng chuyên nghiệp hơn. Chúng ta rất cần một trường quay chuyên dụng cho phim lịch sử cùng với hệ thống phục trang, đạo cụ được quản lý và khai thác đúng cách, là cơ sở để mỗi dự án sau lại được chiết giảm kinh phí hơn dự án trước đó.

Ðể nhận xét về một bộ phim lịch sử, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, công luận, báo chí hãy phân tích sự thành công, thất bại về mặt chuyên môn của tác phẩm chứ đừng chỉ nhằm vào vấn đề tài chính của dự án đó, hay thời điểm phát sóng, phát hành chiếu rạp, số vé bán được là bao nhiêu. Sự ồn ào mang hơi hướng tiêu cực từng khiến cho một nhà đầu tư có khát vọng tạo nên một dòng phim lịch sử cho điện ảnh Việt Nam đành ngậm ngùi "cất" kỹ cái khát vọng ấy. Ðó là một trong những nguyên nhân khiến một dòng phim mới manh nha những bước đi chập chững đã dừng bước và có xu hướng lụi tàn.

Cùng chung suy nghĩ trên, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nhận xét: "Chúng ta chưa hình thành dòng phim lịch sử và luôn gặp phản biện. Có những phản biện không chỉ làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này, mà còn khiến các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim không dám mở hầu bao".

Ðối với các nhà biên kịch, đạo diễn, để thực hiện một bộ phim đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử, bên cạnh việc đặt câu hỏi về các chứng cứ lịch sử luôn phải đặt dấu hỏi về những giai thoại thêu dệt và cả những tình tiết đang nằm trong trí tưởng tượng của mình về nhân vật muốn mô tả. Những hư cấu đưa vào phim có ý nghĩa, tác dụng gì với hình tượng nhân vật. Mọi thay đổi và sáng tạo trong phim phải thích hợp với ngữ cảnh chung của hoàn cảnh lịch sử bộ phim mô tả. Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng cho rằng: Ngoài tính nghề nghiệp, tính chuyên môn của bản thân, quy trình làm phim truyện lịch sử còn đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn (theo kiểu các nhà nghiên cứu) của bản thân biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, nhân viên hóa trang...

Theo tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Ðiện ảnh: Phim lịch sử Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu cũng do sự lưu trữ hoặc do sự bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta không được toàn vẹn. Khi không có chất liệu lịch sử, các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, hóa trang... sẽ khó hình dung ra một cách cụ thể để đưa vào tác phẩm của mình. Nếu không hội tụ một vốn liếng văn hóa nói chung, vốn liếng lịch sử sâu sắc nói riêng, không có cách đối xử công phu, thận trọng và khách quan, v.v. thì những người làm phim truyện lịch sử khó có thể tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao.

Theo Báo Nhân Dân điện tử

Bác Hồ không phải là nhà thơ làm thơ cách mạng mà là một nhà cách mạng làm thơ, bởi vậy với Người, văn thơ là một phương tiện để tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên làm cuộc đổi đời, giành cơm no áo ấm. Từ những ngày đầu hoạt động trên đất Pháp cho tới giờ phút ngồi viết bản Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ luôn dùng ngòi bút sắc bén, đa dạng, rất tài hoa của mình để viết nên bao tác phẩm bất hủ với nhiều thể loại từ báo chí, chính luận, tới văn, thơ, kịch… Riêng lĩnh vực thơ, Bác viết rất nhiều, đáng chú ý là Người rất thành thục các thể Đường thi và thơ dân tộc. Trong thể lục bát, chúng ta đã được thưởng thức nhiều bài thơ đậm đà tình cảm của Người với quê hương, đất nước và con người Việt Nam suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới một bài thơ lục bát dài của Bác, đó là tác phẩm Lịch sử nước ta.

Tác phẩm lịch sử nước ta chuyện thành phim đó Ái thực hiện

Vào khoảng thời gian cuối năm 1941, đầu năm 1942, sau khi Nhật vào Đông Dương, dân ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” vô cùng khốn đốn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII đã nêu rõ “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Chính trong không khí sôi sục đó, Hồ Chí Minh đã tranh thủ thời gian viết nên bài thơ dài Lịch sử nước ta nhằm mục đích nhắc lại truyền thống vẻ vang của cha ông và kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Bài thơ gồm 208 câu lục bát; tiếp sau đó là niên biểu nước ta được Người đặt dưới tên gọi Những năm quan trọng, gồm 30 cột mốc, bắt đầu từ Hồng Bàng – năm 2879 trước Tây lịch và kết thúc là cái nhìn đầy tính dự báo tài tình của lãnh tụ cách mạng: Việt Nam độc lập – 1945.

Lịch sử nước ta do Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản lần đầu vào tháng 2-1942, tại căn cứ Cao Bằng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần của bài thơ vẫn tươi rói trong lòng bạn đọc. Mỗi lần đọc lại, ta lại thấy dạt dào tình yêu nước được nâng lên từ tấm lòng của Bác qua những vần thơ vừa giản dị, vừa sâu lắng như chính đó là hồn dân tộc từ ngàn xưa nhắn gọi.

Mở đầu tác phẩm, Bác viết:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Đó chính là tâm huyết của nhà thơ trước một vấn đề tưởng ai cũng biết nhưng thực ra cho tới hôm nay, cũng không hẳn như vậy, bởi có người vẫn mơ hồ, lẫn lộn lịch sử, thậm chí không ít người hiểu biết lịch sử của một quốc gia nào đó qua phim ảnh hơn lịch sử chính dân tộc mình; chưa nói hồi bấy giờ, dân ta còn lạc hậu, phần lớn mù chữ thì việc nắm lịch sử nước nhà không phải chuyện dễ dàng. Từ cách nhìn dân ta phải “tường gốc tích nước nhà“, Bác đã lần lượt kể về bốn ngàn năm “Tổ tiên rực rỡ“, bắt đầu với “Hồng Bàng là tổ tiên ta“. Dằng dặc suốt trường kỳ hình thành của dân tộc trước công nguyên, tác giả chọn nêu hình ảnh Phù Đổng, người anh hùng thần thoại “dẹp loài vô lương” cứu nước. Kể từ năm 40 sau công nguyên trở đi, dồn dập có biết bao anh hùng đứng lên thay nhau chống ngoại xâm, chủ yếu là các thế lực đế quốc Trung Hoa.

Nước Tàu cậy thế đông người

Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam

Quân Tàu nhiều kẻ tham lam

Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?

Dù bao phen thất bại nặng nề nhưng chết nết không chừa, kẻ thù truyền kiếp luôn tìm cách thôn tính, lược đoạt, muốn biến nước ta thành một thứ quận huyện của chúng. Nhưng dân ta là dân tộc anh hùng nên đâu chịu cúi đầu. Hai Bà Trưng là tấm gương tiết liệt “Ra tay khôi phục giang sơn / Tiếng thơm đài tạc đá vàng nước ta“. Tiếp đó là một bậc nữ lưu tuổi đôi mươi gan vàng dạ sắt khởi binh đánh giặc. Đó là Triệu Ẩu, người con xứ Thanh “khởi binh cứu nước” từng “đánh đông, dẹp bắc” khiến kẻ thù mất vía.

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta được tiếp nối với Mai Hắc Đế, Ngô Quyền đã “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm” mang lại thời kỳ hoà bình với vai trò của các bậc anh hùng kiệt hiệt vừa dựng xây vừa chống ngoại xâm bảo vệ non sông gấm vóc. Bác Hồ đã lần lượt điểm qua những nhân vật tiêu biểu, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, và dừng lại khắc hoạ người anh hùng Lý Thường Kiệt:

Lý Thường Kiệt là hiền thần

Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành

Tuổi già phỉ chí công danh

Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Bác Hồ làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951 (Ảnh tư liệu tutuonghochiminh.vn)

Về vai trò nhà Trần trong lịch sử nước nhà, Bác Hồ đã dành ra 24 câu để mô tả một cách khái quát. Và thật tài tình, triều Trần với 175 năm oanh liệt đã được tác giả khắc hoạ với bao chiến công như còn hiển hiện:

Quân Nguyên binh giỏi tướng tài

Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu

Tung hoành chiếm nửa ÂAu châu

Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la

Lăm le muốn chiếm nước ta

Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ.

Mặc dù giặc Nguyên Mông đánh đâu thắng đó, nhưng khi đụng phải bức tường thép nước Nam, thì đã phải chuốc lấy thất bại. Những vần thơ viết về chiến thắng quân Nguyên của Bác Hồ thật hào sảng:

Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu

Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang

Mênh mông một giải Bạch Đằng

Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh.

Tiếp bước Hưng Đạo Vương là bậc anh hùng trẻ tuổi Quốc Toản “Mấy lần đánh thắng quân Nguyên” làm rạng rỡ non sông gấm vóc.

Triều hậu Lê cũng được tác giả dùng những lời lẽ cao đẹp để ngợi ca người anh hùng Lê Lợi nếm mật nằm gai mười năm chống giặc Minh đưa lại hoà bình:

Kìa Tụy Động, nọ Chi Lăng

Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành

Mười năm sự nghiệp hoàn thành

Nước ta thoát khỏi cái vòng nguy nan.

Tác giả dựng lại thời kỳ đen tối Nam – Bắc phân tranh khiến nước ta lần nữa rơi vào tay giặc với giọng xót xa, đau đớn rồi bỗng nhiên bừng lên, rực sáng với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu.

Đó là con người “chí cả mưu cao“, biết đoàn kết mọi người “cùng nhau một lòng” chiến đấu nên cuối cùng “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà“, đuổi quân xâm lăng ra ngoài bờ cõi.

Gần một nửa tác phẩm còn lại, Bác Hồ đã dành để viết về lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sự đầu hàng của vua quan nhà Nguyễn và đặc biệt khắc hoạ vai trò những người anh hùng nối bước cha ông đứng lên chống giặc Tây. Việc tập trung ngòi bút cho giai đoạn này là hoàn toàn đúng đắn, có trọng tâm, có điểm nhấn, bởi nhiệm vụ trước mắt, mục đích của cách mạng đang đặt ra là đánh đuổi giặc Pháp giành tự do, độc lập.

Mở đầu phần này, tác giả đã nêu quá trình đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn với những câu thơ rõ máu:

Từ năm Tân Hợi trở đi

Tây đà gây chuyện thị phi với mình

Vậy mà vua chúa triều đình

Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan

Nay ta nước mất, nhà tan

Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn!

Với giọng ngậm ngùi, đau đớn, tác giả nói về việc ta mất dần Nam kỳ, rồi Trung kỳ và Bắc kỳ vào tay giặc. Nhưng dân ta đâu chịu cúi đầu, các thế hệ lại nối bước đi lên với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và trước đó nữa, là phong trào Cần vương của ông vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi, và tiếp sau là các cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Yên Bái:

Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An

Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc khởi nghĩa đã đẩy lòng yêu Tổ quốc lên đỉnh cao trong cuộc đấu tranh một mất một còn:

Nam kỳ im lặng đã lâu

Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây

Bắc Sơn đó, Đô Lương đây

Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.

Bài thơ đến đây dồn dập, trùng điệp với vao hình ảnh cao đẹp khí thế ngút trời của dân ta trước bão táp cách mạng đang dâng lên cùng khắp năm châu chống đế quốc và chống phát xít…

Phần cuối, như một lời hiệu triệu, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tiên phong kêu gọi:

Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau

Bất kỳ nam, nữ, giàu, nghèo

Bất kỳ già, trẻ cùng nhau kết đoàn

Người giúp sức, kẻ giúp tiền

Cùng nhau giành lấy chủ quyền về ta…

Tinh thần lời kêu gọi này về sau lại được Người nhắc lại trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12-1946 với ngôn ngữ văn xuôi “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác…, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên…”. Tư tưởng toàn dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm xuyên suốt trong mạch văn của Người, lúc nào Người cũng nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do“, kiên quyết vùng lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào“…

Kết thúc tác phẩm, Bác đưa ta tới viễn cảnh huy hoàng trong niềm tự hào đã làm rạng rỡ truyền thống cha ông:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

Dân ta xin nhớ chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Về nghệ thuật, tác phẩm được viết theo thể lục bát vốn dễ đi vào lòng người đọc với vần điệu, tiết tấu rất quen với người Việt Nam. Hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc mang tính tuyên truyền cao, dễ phổ cập, nhất là trong điều kiện bấy giờ. Là người rất yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều, bởi vậy trong tác phẩm này Bác Hồ đã sử dụng có biến hoá nhiều ngôn từ, hình ảnh của tác phẩm bất hủ của nhà đại thi hào dân tộc. Nhiều câu, chữ phảng phất hình ảnh người anh hùng Từ Hải đánh Đông dẹp Bắc, như “Tài năng dũng cảm hơn người”, hoặc “Tài năng văn võ sức hơn muôn người“, hoặc “Tướng Tây Sơn, có một bà / Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân“. Có khi Bác dùng lại nguyên một câu thơ với nội dung hoàn toàn mới mẻ “Trên vì nước, dưới vì nhà/ ấy là sự nghiệp, ấy là công danh“. Ngoài ra tác giả còn sử dụng rất thành thục ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian vào trong tác phẩm, ví như “cõng rắn cắn gà nhà” để kể tội Gia Long, rồi “đánh đông, dẹp bắc“, rồi “giang sơn gấm vóc“, hoặc “con Rồng cháu Tiên“… Nhờ những hình thức nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc đó mà tác phẩm dễ dàng đi vào lòng người, đạt mục đích tuyên truyền, vận động cách mạng.

Bài thơ dài Lịch sử nước ta mãi mãi là một tác phẩm giàu tâm huyết, có tác dụng rất lớn trong mọi thời đại. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập rộng rãi, chúng ta càng không quên lịch sử bốn nghìn năm cha ông đã anh dũng đứng lên dựng nước và giữ nước; trong hành trang đi vào thế kỷ mới, mỗi chúng ta đều phải trang bị cho mình niềm tự hào truyền thống anh hùng, quật cường để vững vàng vượt mọi phong ba, thẳng tiến tới theo con đường mà Bác Hồ vô vàn kính yêu đã chọn.

Hoàng Thái Sơn

Nguồn: vanhaiphong.com
Vkyno (st)