Vì sao chọn acv đầu tư cảng hkqt long thành

Thảo luận tại hội trường ngày 12.11 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc chỉ định cho ACV thực hiện dự án liệu có đảm bảo tiến độ, nguồn vốn cũng như ảnh hưởng đến nợ công?...

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành [Đồng Nai] dự kiến có tổng mức đầu tư 3 giai đoạn khoảng 16 tỉ USD, năm 2021 khởi công, năm 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1 với số vốn khoảng 4,8 tỉ USD. Đáng chú ý, để đảm bảo an ninh hàng không, tiến độ dự án, năng lực đầu tư… Chính phủ trình Quốc hội [QH] chấp thuận cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam [ACV] làm chủ đầu tư 3/4 hạng mục của dự án này.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận khi xem trưng bày thông tin về sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội

Ảnh: Ngọc Thắng

Giao cho ACV, rủi ro nhà nước vẫn phải gánh chịu

Đáng nói là 4 năm qua kể từ khi QH thông qua chủ trương đầu tư, dự án triển khai rất chậm: mặt bằng mới giải phóng được hơn… 1%; hội đồng thẩm định quốc gia chưa có ý kiến cuối cùng về hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH, hiệu quả tài chính, công nghệ chính, quản lý vận hành, đào tạo nguồn nhân lực... nên nhiều đại biểu [ĐB] cho rằng chưa có đủ cơ sở để QH thông qua báo cáo khả thi lần này. Việc Chính phủ triển khai chậm, nhưng cứ thúc giục QH chỉ định thầu cho nhanh làm nhiều ĐB “rất không yên tâm”.

Với quan điểm QH không chỉ định thầu cho DN, dự thảo nghị quyết của QH về vấn đề này thiết kế theo hướng quy định các điều kiện giao Chính phủ chọn thầu. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng [Bình Dương] cho rằng: “Trong khoản 3 [của dự thảo nghị quyết], thực ra quy định như thế này chúng ta cũng ngầm hiểu là QH giao Chính phủ 4 điều kiện để chọn nhà thầu. Tôi nghĩ thực tế đây là cách chúng ta chỉ định thầu hoặc là chỉ duy nhất nhà đầu tư. Tôi cho rằng, nếu như thế này Chính phủ cũng không cần QH nữa, bởi vì trong tờ trình Chính phủ đề nghị QH giao cho ACV, không phải là đưa ra các điều kiện như thế này”. ĐB Hồng còn cho rằng thiết kế như dự thảo nghị quyết là “trói chân, trói tay Chính phủ”.

Sau phát biểu này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã lưu ý ĐB “làm đúng vai”. “QH rất tin vào Chính phủ và Chính phủ cũng rất cần đến QH. Đó là mối quan hệ hữu cơ. Tuy nhiên, chúng ta phải làm đúng vai. QH quyết định những gì đúng với vai của mình và Chính phủ làm cũng đúng quy định, chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng ta không nên đi quá sâu vào những vấn đề thuộc về trách nhiệm của Chính phủ đã giao trong luật. Tôi xin đề nghị các vị ĐB lưu ý vấn đề đó”, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

ĐB Hoàng Văn Cường [Hà Nội] cho rằng Chính phủ báo cáo giao cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư, tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian như khi tư nhân thực hiện. Ông Cường dẫn chứng ACV là doanh nghiệp [DN] cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm 95% cổ phần chi phối, theo luật DN nhà nước, vẫn phải làm rất nhiều gói thầu với hàng loạt thủ tục, còn tư nhân thì không. Đơn cử như sân bay Vân Đồn làm chỉ mất 2 năm khi không phải thực hiện các thủ tục đấu thầu như đầu tư công.

Tiếp tục phản biện, theo ĐB Cường, giao ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải huy động của các tổ chức tài chính quốc tế. Mặc dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục để tiến hành huy động vốn của một DN nhà nước sẽ phức tạp hơn rất nhiều, phải tuân thủ những quy định, nếu rủi ro nhà nước vẫn phải gánh chịu.

11 tỉ USD nữa ACV lấy ở đâu ?

Phân tích về năng lực tài chính của ACV, theo ĐB Nguyễn Lâm Thành [Lạng Sơn] tờ trình cũng như trong hồ sơ dự án nói rằng ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền.

“Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần”, ông Thành lo ngại.

Nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực rất lớn và khả năng huy động vốn rất linh hoạt, luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư. Điều này được minh chứng thông qua dự án đường cao tốc
Bắc - Nam, khi Chính phủ quyết định không mời thầu quốc tế cho đến nay đã có hơn 70 nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án này. Thêm vào đó chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm từ 12 đại dự án thua lỗ khi chúng ta giao cho các DN nhà nước đầu tư dự án có tính chất kinh doanh, chúng ta có e ngại rằng nếu chúng ta tiếp tục lại thực hiện cơ chế đó liệu lịch sử có lặp lại hay không.    

ĐB Hoàng Văn Cường [Hà Nội]

Thứ hai, báo cáo tiền khả thi xác định tổng vốn dự án 16 tỉ USD, trong giai đoạn 1 khoảng 4,8 tỉ USD. Chính phủ khẳng định, đã có các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng cho ACV vay 5 tỉ USD.

“Nhưng hiện chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu. Với số vốn dự kiến gần 5 tỉ USD có thể huy động được các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỉ USD tiếp theo khả năng sẽ như thế nào? Nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa với việc triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình”, ĐB Thành đề nghị làm rõ hơn vấn đề này.

Có ĐB đặt ra câu hỏi tư nhân làm được sân bay Vân Đồn, tôi đặt ra câu hỏi tại sao ACV không làm được hơn tư nhân.

Bởi vì chúng ta có nguồn lực, có QH, có Chính phủ, có sự chỉ đạo với tinh thần quyết tâm như thế tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được...

ĐB Nguyễn Thanh Hồng [Bình Dương]

Ông cũng so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng [Bắc Kinh], diện tích 4.700 ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu lượt hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỉ USD; sân bay Istanbul [Thổ Nhĩ Kỳ] thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỉ USD; trong khi Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư lên tới 16 tỉ USD.

Tiếp thu ý kiến của hơn 20 ĐB, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết về hiệu quả đầu tư, không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2. “Toàn bộ hạ tầng chúng ta đầu tư được khai thác rất hạn chế, nhưng riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vừa xong chúng ta đã đảm bảo được 20 - 25 triệu hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam bộ tới 85 triệu hành khách mỗi năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách mỗi năm. Chính vì thế, đánh giá của tư vấn hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Thể tự tin.

Chính phủ trình cả chỉ định thầu. Ví dụ, như về lý do quốc phòng, an ninh thì chúng ta chỉ định thầu. Luật Đấu thầu cũng quy định rất rõ đối tượng nào được chỉ định thầu trong trường hợp nào. Còn hai đường giao thông kết nối hơn 4.000 tỉ đồng, thì ACV có phải nổi trội trong làm đường giao thông không mà chúng ta cũng phải chỉ định thầu? Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về các loại dịch vụ không?

ĐB Tạ Văn Hạ [Bạc Liêu]

Liên quan đến năng lực của ACV, theo Bộ trưởng GTVT hiện ACV đã có khoảng 25.000 tỉ đồng chỉ để tập trung cho Long Thành. Ngoài ra, dù chỉ 8/21 sân bay có lãi, nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế, ACV vẫn còn lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng.

“Bộ cùng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã báo cáo Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025 ACV sẽ bỏ ra khoảng gần 30.000 tỉ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12.000 tỉ đồng cùng với 25.000 tỉ đồng để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37% [khoảng 1,5 tỉ USD]. Phần còn lại, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức, trong đó có trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao”, ông Thể báo cáo thêm.

Về tiến độ và chất lượng dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết, Chính phủ cũng đã báo cáo QH và nhận được sự đồng tình rất cao là cần phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư, bởi có nhà đầu tư thì mới bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo. Do đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021.

Tin liên quan

.

Cập nhật lúc: 08:53, 03/05/2022 [GMT+7]

Để xây dựng thành công thành phố sân bay Long Thành, Đồng Nai cần có tầm nhìn quy hoạch tổng thể dài hạn, ít là từ 20-30 năm. Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tổng thể đó, xây dựng những kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn.

Sân bay Long Thành sở hữu đầy đủ các tiềm năng để phát triển thành phố sân bay cũng như vùng đô thị sân bay Long Thành. Trong ảnh: Mô hình phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV

* Sân bay Long Thành là lợi thế so sánh của Đồng Nai

Đầu năm 2021, dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế [sân bay] Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công thực hiện. Theo dự kiến, tháng 9-2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác. Trong giai đoạn 1 của dự án, sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng với công suất khai thác 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi xây dựng hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thời điểm đó, sân bay Long Thành cũng sẽ trở thành sân bay lớn nhất của cả nước.

Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng như H.Long Thành đang thực hiện triển khai xây dựng mô hình thành phố sân bay. Việc xây dựng thành phố sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng và của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai có vị thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội khi nằm rất gần với trung tâm TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước. Đồng Nai cũng chỉ cách cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng cách chỉ 40km. Sắp tới, Đồng Nai sẽ có thêm sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất cả nước. “Đồng Nai có đầy đủ 5 phương thức về giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và phát triển giao thương hàng hải quốc tế” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Đối với sân bay Long Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng, không những kết nối Việt Nam với thế giới, mà còn kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Chính vì vậy, Đồng Nai xác định vị trí chiến lược của sân bay Long Thành cũng như tầm quan trọng của việc phát triển thành phố sân bay Long Thành là cần thiết, nhằm đưa tỉnh trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai.

Trong khi đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, sân bay Long Thành là lợi thế so sánh của Đồng Nai, bởi một địa phương vừa có sân bay, vừa có cảng biển là lợi thế hết sức to lớn.

“Đồng Nai đang nắm giữ một tiềm năng to lớn của quốc gia, một lợi thế so sánh quan trọng. Do đó, phải thúc đẩy để sân bay Long Thành phát triển xứng tầm và đô thị Long Thành phát triển xứng tầm” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.

* Thành phố sân bay là cốt lõi của vùng đô thị sân bay

Đánh giá về tiềm năng phát triển thành phố sân bay Long Thành, GS Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa Logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban Cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc, cho rằng sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay. Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai, một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.

Về vị trí, từ sân bay Long Thành đến TP.HCM, đô thị lớn của Việt Nam chỉ mất khoảng 40 phút. Đây là một điểm vô cùng thuận lợi của sân bay Long Thành. Do đó, nếu có quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Sân bay Long Thành sở hữu đầy đủ các tiềm năng để phát triển thành phố sân bay cũng như vùng đô thị sân bay Long Thành. Trong ảnh: Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách Sân bay Long Thành

“Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai cũng khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế” - GS Ha Hun Koo chia sẻ thêm.

Cũng theo GS Ha Hun Koo, không chỉ có thể phát triển mô hình thành phố sân bay, sân bay Long Thành có thể trở thành “hạt nhân” để phát triển mô hình vùng đô thị sân bay như mô hình mà Hàn Quốc đang thực hiện với sân bay Incheon.

“Vùng đô thị sân bay mà Hàn Quốc đang xây dựng có thành phố sân bay Incheon là cốt lõi. Các đô thị khác trong vùng đô thị sân bay có TP.Cheongna là trung tâm tài chính, thành phố giải trí; Song Do là thành phố tri thức tiên tiến và Young Jong là thành phố kinh doanh tốt nhất thế giới” - GS Ha Hun Koo chia sẻ.

Từ thực tế đó, GS Ha Hun Koo cho rằng, nếu phát triển mô hình thành phố sân bay và vùng đô thị sân bay đối với sân bay Long Thành thì H.Long Thành chính là thành phố sân bay “cốt lõi” của vùng đô thị sân bay Long Thành với phạm vi toàn Đồng Nai.

Với cách tiếp cận này, GS Ha Hun Koo cho rằng, để xây dựng thành công các mô hình nói trên cần phải có một quy hoạch tổng thể cho H.Long Thành nói riêng và toàn tỉnh Đồng Nai nói chung. Mục tiêu là khi sân bay Long Thành được hoàn tất xây dựng, đưa vào khai thác thì đồng thời, Đồng Nai cũng phải có được các cơ sở vật chất đi kèm như: hệ thống khách sạn; trung tâm hội nghị; các khu triển lãm giải trí; các khu công nghệ thông tin truyền thông; khu bán buôn, bán lẻ; các khu công nghiệp; trung tâm hàng hóa đa phương tiện…

Đề xuất về định hướng quy hoạch tổng thể, GS Ha Hun Koo cho rằng, quy hoạch cần có tầm nhìn lâu dài, ít nhất là từ 20-30 năm. Trong quy hoạch tổng thể mang tính lâu dài đó, cần đặt ra những kế hoạch cụ thể ngắn hạn hơn.

“Đầu tiên phải quy hoạch sân bay Long Thành trở thành một cửa ngõ hiệu quả rồi sau đó mới quy hoạch một trung tâm logistics, tiếp đến là trung tâm công nghiệp và cuối cùng thì trở thành một trung tâm thương mại xung quanh sân bay. Phải đặt ra lộ trình quy hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm và 30 năm. Cuối cùng nó mới trở thành vùng đô thị sân bay” - GS Ha Hun Koo chia sẻ.

Trong tầm nhìn quy hoạch, GS Ha Hun Koo cho rằng, việc quy hoạch phải căn cứ vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà Đồng Nai lựa chọn. Tỉnh đặt mục tiêu để phát triển những sản phẩm nào thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực thì dựa trên mục tiêu đó để có quy hoạch cụ thể hơn. Tầm nhìn quy hoạch cũng phải đưa ra các mục tiêu cụ thể trong việc phát triển sân bay, các cảng biển lên đẳng cấp thế giới để thu hút các trung tâm phân phối, các công ty đa quốc gia đến và đặt trụ sở trong thành phố sân bay hay vùng đô thị sân bay. Từ đó, thu hút được nguồn lực phát triển.

Phạm Tùng

Video liên quan

Chủ Đề