Vì sao gọi người nghệ an là dân cá gỗ

Cá gỗ là câu chuyện về người nghèo xứ Nghệ [Nghệ Tĩnh xưa, nay là Nghệ An, Hà Tĩnh], bữa cơm không có gì ăn, nên đã làm một con cá bằng gỗ, đến các bữa cơm thì lấy ra treo lên, hoặc đặt vào đĩa, và coi như là bữa đó có cá để ăn.

Có 2 câu chuyện như sau:


Câu chuyện 1: Gia đình nghèo
Có một gia đình nọ, như phần đông các gia đình nghèo, có nhiều con, nhà nghèo lắm, bữa ăn hàng ngày chẳng có gì ngoài một nồi cơm độn khoai, một ít rau luộc, và một bát nước mắm. Người cha nghĩ ra một cách là đẽo một con cá bằng gỗ, sơn phết vào trông y như con cá rán. Hàng ngày đến bữa cơm, ông treo con cá lên xà nhà, quy định với mấy đứa con, mỗi bát cơm chỉ được nhìn vào con cá, chép miệng 3 cái, coi như đã được ăn cá rán, và chỉ được chép miệng đúng 3 cái, không được hơn. Một hơm đứa con út của ông lỡ miệng chép 4 cái, thằng anh nó ngồi bên cạnh trông thấy vội mách bố:- Bố ơi, thằng Út chép miệng 4 lần.- Thằng này hư. Mày ăn mặn thế, cho mày chết khát, con nhá...

Câu chuyện 2: Cậu học trò nghèo và con cá gỗ


Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một cậu học trò xứ Nghệ học học giỏi lắm, nhưng nghèo lắm. Tuy nghèo, nhưng cậu vẫn quyết tâm đi thi đại học để mong kiếm lấy kiến thức về giúp quê hương. Nhà nghèo, mỗi lần từ quê lên thành phố học tập, cậu chẳng có tiền mua vé tàu, chỉ xin đi nhờ. Đến bữa, cũng chỉ có mo cơm trắng mẹ gói cho. Cậu bèn nghĩ ra một kế. Cậu lôi con cá gỗ do cậu đẽo lấy, đã được sơn phết trông như cá thật, bỏ vào cái đĩa, rồi cậu đi đến chỗ mấy người đang ăn cơm nói rất lễ phép:- Thưa bác, bác có thể cho cháu xin chút nước mắm để cháu ăn con cá rán này với cơm được không ạ!

Và cứ như vậy cậu đã học xong những năm tháng đại học vẫn với con cá bằng gỗ ấy....





Cá gỗ

Trước Sau

Câu hỏi chưa có trả lời Gửi câu hỏi của bạn

Like và Share Page Lazi để đón nhận được nhiều thông tin thú vị và bổ ích hơn nữa nhé!

Học và chơi với Flashcard

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Câu hỏi mới nhất:

Câu hỏi khác:

Bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu hỏi
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Lazi - Người trợ giúp bài tập về nhà 24/7 của bạn

  • Hỏi 15 triệu học sinh cả nước bất kỳ câu hỏi nào về bài tập
  • Nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác và miễn phí
  • Kết nối với các bạn học sinh giỏi và bạn bè cả nước

Phan Bá Hàm

Cá gỗ được xem là biểu tượng của ông đồ xứ Nghệ xưa

Ông đồ xứ Nghệ được nói đến khá nhiều trong văn học dân gian xứ Nghệ. Một trong những câu chuyện nổi bật đó là “Con cá gỗ”. Sau đây là bản kể của PSG Ninh Viết Giao.

“Đầu năm, các ông đồ xứ Nghệ thường khăn gói lên đường đi khắp bốn phương truyền bá chữ nghĩa của thánh hiền. Đường xa, các thầy thường mang theo mo cơm với “con cá gỗ”. Đến bữa ăn, thầy vào quán bên đường ngồi nhờ và xin chút nước mắm. Con cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, lại phết qua một lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm trông như cá rán mỡ đẹp mắt, ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, cá vẫn hoàn cá”. [Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, tập 3, trang 21, Nxb. Nghệ An, 1994]

Bình luận về ý nghĩa của truyện này, PGS. Ninh Viết Giao cho rằng: “Tiếng cá gỗ bắt nguồn từ câu chuyện cụ thể đó - chuyện bịa. Nhưng đã trở thành một truyện cười để châm biếm những người keo kiệt và bủn xỉn”. [Sđd].

1. Trong bài “Ông đồ Nghệ trong “con cá gỗ” là người keo kiệt?” [Văn hóa Nghệ An, số 105, ngày 25 tháng 7 năm 2007], tác giả Phan Đăng Nhật lại cho rằng đồ Nghệ trong câu chuyện cá gỗ không phải là hà tiện mà là lòng tự trọng lệch về tính sĩ diện-cá gỗ.

2. Trong bài “Lại nói về cá gỗ” trên Văn hóa Nghệ An, số 107, ngày 25 tháng 8 năm 2007, tác giả Hoan Châu cho rằng kịch bản sau đây dễ chấp nhận hơn kịch bản của PGS. Ninh Viết Giao. Kể chuyện này theo tác giả Đinh Hương Sơn, đặc san Công an Nghệ Tĩnh, 1990 thì có phẩn hợp tình, hợp lý hơn: “Ông đồ xứ Nghệ khi đi tìm nơi dạy học thường mang theo bọc một con cá nhỏ bằng gỗ, sơn màu cánh dán và khi vào quán thì chỉ mua suất cơm, xin ít nước mắm nói là để chấm cá rán, kỳ thực chỉ ăn cơm vơi chút nước mắm nhà hàng cho. Ăn xong lại cất cá gỗ vào bọc, đến quán cơm khác lại làm như vây”. Kịch bản thứ hai này dễ được chủ quán chấp nhận và hợp với tính hay giữ thể diện của ông đồ “hay chữ lại hay nghĩa” [Huy Cận].

Nhà báo Hữu Ngọc trong báo Le Couries du Việt Nam nói đến tính hà tiện huyền thoại [avarice légendaire] của người xứ Nghệ.

Nhưng nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã nói rằng người xứ Nghệ “tằn tiện đến cá gỗ”.

Vậy cần phân biệt hai khái niệm gần nhau nhưng khác nhau này để xác dịnh đúng tính cách của đối tượng. Hà tiện là tính ham tích trữ tiền bạc, của cải mà ngại phải chi tiêu, chỉ trường hợp thật cần thiết mới chi tiêu, ngay cả những trường hợp đáng chi tiêu. Còn tằn tiện là tính hạn chế việc chi tiêu, điều người tằn tiện tránh nhất là tránh phí của [dùng không hợp lý của cải] và tốn tiền [chi phí nhiều]. Như vậy, người có tiền của mới có thể hà tiện. Hà tiện là một khái niệm tương đối. Người giàu nứt đố, đổ vách mà tằn tiện cũng có thể bị người ta đánh giá là hà tiện. Còn người đồng tiền eo hẹp mà tằn tiện thì không thể gọi là hà tiện được. Anh đồ Nghệ thuộc loại này. Tính tằn tiện của nhân vật này là hợp tình, hợp lý vì nếu không tằn tiện thì làm sao có điều kiện tối thiểu để đèn sách học cho đến khi công thành danh toại được?

3. Trên Văn hóa Nghệ An, số 108, ngày 10 tháng 9 năm 2007, tác giả Nguyễn Khắc Thuần có bài “Lại bàn thêm về ông đồ Nghệ An và con cá gỗ. Người viết cho rằng đất Nghệ lắm nắng, nhiều mưa, lắm giông, nhiều bão, hạn hán chưa qua, lũ lụt lại về, đã thế giặc giã triền miên nên cái nghèo đeo bám dai dẳng vùng đất này. Cái nghèo làm cho người Nghệ luôn phải toan tính, chắt bóp kiệm cần, lo cho cái ăn, cái mặc, cái ở. Nhưng cái nghèo cũng góp phần giúp cho người Nghệ rèn cho mình đức tính hiếu học, chăm chỉ để mong tìm được “cái cần câu cơm nơi đất xứ người”. Gia cảnh người học trò xứ Nghệ “sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, khoai ba bữa” nhưng “con đỗ, cha đỗ, ông đỗ, đỗ cả nhà” đã làm cho bạn bè cả nước tôn vinh vùng đất này là “địa linh nhân kiệt”, hiếu học, học giỏi thành danh. Lịch sử khoa bảng Việt Nam đã chứng minh cho tinh thần hiếu học của cư dân vùng đất nghèo xứ Nghệ. Cho nên điều dễ nhận ra khi đọc truyện “con cá gỗ” chính là cái nghèo của ông đồ Nghệ. Nghèo nhưng dám đương đầu với cái nghèo để chăm lo cho sự nghiệp môn sinh. Đó là cái đức của ông đồ Nghệ. Cái đức này làm cho ông sáng danh với ông đồ Nam, đồ Thanh, đồ Quảng. Ông đồ Nghệ nghèo nhưng sống thanh đạm theo nếp Nho gia “quân tử thực vô cầu bão” [người quân tử không cần ăn ngon[1]]. Người thầy giáo dám đương đầu với khổ hạnh để đi truyền bá chữ nghĩa cho bàn dân thiên hạ mà lại phải chịu tiếng “hà tiện, bủn xỉn” thì thật oan cho ông quá!

4. Bác Hồ cũng là người thích thú với chuyện cá gỗ. Nguyễn Khắc Thuần trong bài báo đã dẫn có kể lại: “Ngày 10 tháng 5 năm 1980, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu IV, đồng chí Vũ Kỳ - người có nhiều năm được sống gần gũi bên Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Một lần Văn phòng Phủ Chủ Tịch tát ao, bắt được nhiều cá. Bác dặn con to thì biếu gia đình cụ Tôn, chú Ba, chú Trường Chinh, chú Giáp, cô Thập, chú Trinh, chú Lành… mỗi nhà một con, còn nữa thì nuôi tiếp để dành tiếp khách. Chủ nhà ăn cá “trắt”. Bác giải thích: Ở “quê choa” cá nuôi lâu mà không lớn thì gọi là cá “trắt”. Thịt chắc, cũng rất ngon. Chỉ tội nhìn vào đĩa không oai thôi mà!

Bữa trưa đó, Bác khao cá cả cơ quan Văn phòng cá “trắt” nên rất nhiều xương, Bác gắp một chiếc xương sống cá giơ lên rồi hỏi:

- Đố các cô, các chú biết có loại cá nào không có xương không?

Mọi người ngơ ngác không hiểu đó là loại cá gì? Có người hỏi Bác:

- Thưa Bác là cá biển hay cá sông?

Bác cười rất vui:

- Không phải cá biển, không phải cá sông mà cũng không phải là cá hồ.

Khi mọi người chịu thua không biết, Bác mỉm cười:

- Đó là con cá gỗ quê choa!

Đồng chí Vũ Kỳ còn kể : Một lần Bác đi thăm Cộng hòa dân chủ Đức, được bạn đưa đi chơi trên sông bằng du thuyền. Nhìn người dân Đức bắt cá trên sông, Bác nói với bạn Đức :

- Ở quê tôi có loài cá không sống dưới nước !

Không phải chỉ bạn ngơ ngác mà ngay anh em ta đi du thuyền đó cũng không hiểu đó là loại cá gì? Và Bác ung dung vui vẻ kể lại câu chuyện cười Việt Nam “con cá gỗ”.

Nghe hết câu chuyện, một nhà báo Cộng hòa dân chủ Đức thốt lên:

- Người Đức mới biết tiết kiệm một vài năm lại đây nhưng người Việt Nam đã biết điều đó từ xưa rồi !

Qua việc trình bày trên, xin rút ra những cách hiểu khác nhau về chuyện “con cá gỗ” rất độc đáo của ông đồ Nghệ như sau:

1. PGS. Ninh Viết Giao, nhà báo Hữu Ngọc tuy diễn đạt khác nhau nhưng đều cho là ông đồ Nghệ keo kiệt [hà tiện]. Phải chăng GS. Đặng Thai Mai cũng cùng quan điểm đó khi ông viết: “Nhân dân xứ Nghệ nổi tiếng về khá nhiều khuyết điểm tâm lý cũng như về một số đức tính: Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ!”[2]. Vậy “tằn tiện đến… cá gỗ” cũng là một khuyết điểm. Khi đã vượt qua giới tằn tiện thì dẫn đến keo kiệt.

2. Nguyễn Khắc Thuần cho là ông đồ Nghệ “sống thanh đạm”.

3. Hoan Châu cho là sống tằn tiện [theo lý giải của tác giả bài báo thì tằn tiện ở đây nghĩa như tiết kiệm].

Bác Hồ đã kể chuyện này cho người trong cơ quan và người nước ngoài. Dù không có bình luận gì nhưng qua thái độ vui vẻ của Người khi kể, Nguyễn Khắc Thuần trong bài báo đã dẫn phỏng đoán: “Phải chăng tinh thần tiết kiệm của ông đồ Nghệ đang vang lên trong tâm thức Bác?”. Nhà báo Đức cũng chung quan điểm này.

4. GS. Phan Đăng Nhật cho là ông đồ “sĩ diện”.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày toàn cảnh cuộc tranh luận. Xinh kính mời bạn đọc  Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An tham gia trao đổi.

Chú thích:                                                                     

[1] Đúng ra là: Quân tử thực bất cầu bão [người quân tử không cần ăn no

[2] Đặng Thai Mai, Thơ văn Phan Bội Châu, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1958.

Video liên quan

Chủ Đề