Yêu cầu và điều kiện của phương pháp học tập tích cực

Hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường đại học, cao đẳng là đòi hỏi cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đạo tào, rèn luyện năng lực tự học, kích thích niềm đam mê, sáng tạo cho sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta chỉ rõ: Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

Để đổi mới phương pháp dạy học ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay, cần phải lựa chọn, kết hợp, sử dụng linh hoạt, mềm dẻo, nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm của môn học, đối tượng học. Phương pháp dạy học phải mang tính gợi mở, hợp tác, tranh luận ngắn, nêu và tạo các tình huống có vấn đề trong hoạt động thực tiễn giáo dục để sinh viên có điều kiện giải quyết vấn đề độc lập, tự chủ, sáng tạo. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày một phát triển hơn đòi hỏi người giảng viên phải luôn thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học nói chung và hướng dẫn sinh viên lựa chọn các phương pháp học tập phù hợp nhằm nâng cao khả năng lĩnh hội kiến thức, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, sinh viên phải nhạy bén, linh hoạt khi lựa chọn phương pháp học tập, tích lũy chuyên môn, phương pháp làm việc phù hợp với xu thế của thời đại nhằm nâng cao hiệu quả của công việc sau này. Đẩy mạnh phương pháp học tập theo nhóm cho sinh viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn lực con người, đáp ứng xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Tổ chức phương pháp học tập theo nhóm cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau

- Mỗi buổi học sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên sẽ làm việc cùng nhau trong những nhóm nhỏ để hoàn thành mục đích học tập chung của cả nhóm đặt ra.

- Giảng viên sẽ chia sinh viên thành những nhóm học tập nhỏ phù hợp với điều kiện của lớp học và môn học. Giảng viên giao những chủ đề nhỏ liên quan đến nội dung bài học cho sinh viên cùng nhau nghiên cứu. Giới hạn thời gian cho sinh viên.

- Đặt yêu cầu đối với mỗi thành viên trong nhóm học tập phải vừa có trách nhiệm tự học tập, vừa có trách nhiệm hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm hoàn thành mục tiêu học tập chung của cả nhóm.

- Cả nhóm cùng nhau nghiên cứu về nội dung nhóm đảm nhận. Trao đổi và thảo luận giữa các nhóm với nhau.

- Giảng viên giám sát hoạt động học của từng nhóm, quan sát, lắng nghe, nhắc nhở.

- Các nhóm trình bày kết quả nghiên cứu.

- Giảng viên tổng kết, đánh giá.

Ưu điểm của việc tổ chức học tập theo nhóm

Phương pháp học tập theo nhóm được tổ chức và điều khiển một cách khoa học và hợp lý sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể:

- Thứ nhất, thúc đẩy sự tích cực suy nghĩ của cá nhân, xây dựng tinh thần đồng đội, mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên trong nhóm. Trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh và đòi hỏi sinh viên phải giải quyết xung đột. Từ đó sinh viên sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này. Tinh thần học tập và khả năng lắng nghe người khác cũng chính là điều mà sinh viên cần phải tiếp thu, học hỏi. Học tập theo nhóm còn giúp sinh viên rèn luyện được khả năng thuyết trình trước đám đông - điều mà đa số sinh viên hiện nay còn rất yếu.

- Thứ hai, Phát huy cao độ tính tích cực học tập của sinh viên, thong qua thảo luận nhóm sinh viên có sự bàn bạc, tranh luận để tìm ra nội dung đúng dựa trên những nguồn thông tin mà mọi thành viên trong nhóm tìm hiểu. Mọi thành viên được tự do phát biểu quan điểm của mình về chủ đề thảo luận, từ đó phát triển tư duy độc lập và trao đổi lẫn nhau trong nhóm.

Học tập theo nhóm sẽ tập hợp được những ý kiến sáng tạo của từng cá nhân, từ đó sản phẩm học tập sẽ giàu tính sáng tạo. Những phương pháp tối ưu nhất sẽ được lựa chọn từ những ý kiến được nêu ra. Những ý kiến được lựa chọn sẽ là những ý kiến dành được sự chấp thuận của nhiều thành viên trong nhóm. Sản phẩm học tập lúc này cũng sẽ là kết quả của tất cả các thành viên. Từ đó giúp các thành viên hiểu và nhớ kiến thức lâu hơn.

- Thứ ba, Tạo cơ hội cho mọi thành viên rèn luyện các kỹ năng như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chứcĐây là những kỹ năng rất quan trọng, cần thiết cho quá trình làm việc sau này, vì vậy đây sẽ là tiền đề để mỗi sinh viên biết cách làm việc trong môi trường tập thể.

- Thứ tư, Giúp tăng khả năng hòa nhập, có thêm tinh thần học hỏi, biết lắng nghe người khác cũng như khả năng phản biện thông qua phần trình bày của mình và sự phản hồi của những người xung quanh. Qua sinh hoạt nhóm, tình đoàn kết sẽ được tăng lên nhờ thông hiểu nhau. Và cũng qua đó, các thành viên trong nhóm sẽ biết tuân thủ các qui định, trước hết là của nhóm.

Những hạn chế của phương pháp học tập theo nhóm

Trong quá trình tổ chức giảng dạy theo nhóm tại Trường, tác giả nhận thấy phương pháp này còn bộc lộ hạn chế:

- Một số sinh viên thường thụ động, ỷ lại trong học tập, đùn đẩy công việc cho nhau, các thái độ và hành vi làm việc nhóm chưa thật sự tích cực;

- Một số cá nhân còn thiếu tinh thần trách nhiệm và lười biếng khi học tập nhóm;

- Giữa các nhóm không có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, thiếu đoàn kết, thiếu sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm;

- Một số cá nhân nhóm chưa thực sự hoàn thành nhiệm vụ của mình, quản lý thời gian kém, chưa thực sự tích cực và chủ động trong quá mình học nhóm;

- Nhóm càng nhiều thành viên thì sẽ càng nhiều ý kiến, khó thống nhất.

Vai trò của giảng viên trong việc tổ chức phương pháp học tập theo nhóm

Người giảng viên phải là người điều hành các nhóm nhỏ làm việc, quan sát và theo dõi hoạt động, công việc của từng nhóm để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Trong quá trình quan sát các nhóm làm việc, người giảng viên phát hiện các sai lầm mà các nhóm mắc phải khi tham gia nhóm, những sai lầm mang tính điển hình và chưa được sữa chữa để cuối phần thảo luận nhóm giáo viên có nhận xét, góp ý.

Ngoài những vấn đề mà các thành viên nhóm thảo luận tổng kết để báo cáo thì giảng viên phải đặt thêm những câu hỏi bổ sung để phát huy tính tích cực hoạt động của nhóm. Cần nhắc lại các ý kiến mà nhóm đã trình bày một lần nữa khẳng định lại ý kiến của nhóm để nhóm cần bổ sung ý kiến hay không.

Đồng thời, vai trò của giảng viên còn thể hiện ở việc tổng kết, chốt vấn đề. Nhấn mạnh các khái niệm, các ý quan trọng của bài học. Giảng viên tóm tắt, tổng hợp, liên kết các ý kiến của từng nhóm thảo luận theo thứ tự để nêu bật được nội dung bài học. Cuối cùng, người giảng viên là người hướng dẫn và giúp đỡ các nhóm nếu các nhóm có gặp khó khăn trong quá trình thảo luận.

Việc đẩy mạnh phương pháp học tập nhóm đã góp phần phát huy được tính tích cực, chủ động, tự giác, tính độc lập sáng tạo, khả năng giao tiếp và ứng xử của mỗi sinh viên. Làm thay đổi được cách làm việc của sinh viên: Chủ động nghiên cứu trước bài học, luôn đối chiếu bài giảng với bài tự soạn để bổ sung, luôn liên hệ với thực tế cuộc sống và nhà trường của mình. Tạo điều kiện để sinh viên được tranh luận, phát biểu chính kiến của mình, khẳng định trước tập thể, hỗ trợ nhau trong học tập, hạn chế những thói quen chưa tốt trong học tập và trong cuộc sống: Lười biếng, không chuẩn bị gì khi đến lớp, trên lớp chỉ biết nghe và ghi thụ động; thiếu tự tin, thiếu mạnh dạn trong tranh luận, nghiên cứu và trong giao tiếp nói chung.

Để nâng cao hiệu quả của việc học tập của sinh viên ngoài việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học cần chú trọng nhiều hơn nữa đến những mặt sau:

Thứ nhất, xây dựng phát triển đội ngũ những người Thầy có trí tuệ và nhân cách, giàu lòng yêu nghề, tâm huyết với thế hệ trẻ, mẫu mực trong hoạt động nghiên cứu, trong giảng dạy và trong cuộc sống, người giáo viên không ngừng học hỏi, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh điển, kiến thức thực tiễn, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, công tác tổ chức, quản lý, đánh giá, tổng kết quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập môn học phải thực hiện một cách khoa học và đúc rút những bài học kinh nghiệm. Thực hiện kiểm tra đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh, phối hợp các hình thức đánh giá khác như đưa thêm dạng câu hỏi, bài tập trắc nghiệm khách quan.

Thứ ba, cần quan tâm chú trọng hơn nữa trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí cho đào tạo, giảng dạy, học tập của sinh viên.

- Nhà trường cần phải tăng cường cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị như máy chiếu, micro,...phục vụ cho việc dạy và học.

- Thư viện trường cần có đủ sách giáo trình, báo, tạp chí,... cho sinh viên đọc tham khảo, nghiên cứu. Đây là việc làm hết sức cần thiết không những giúp sinh viên mở rộng thêm kiến thức mà còn giúp sinh viên thấy được ý nghĩa thực tiễn của môn học, từ đó góp phần nâng cao hứng thú học tập của sinh viên.

Tóm lại, việc đẩy mạnh phương pháp học tập nhóm vừa là nhu cầu thực tiễn vừa là động lực phát triển giáo dục đại học. Nó đòi hỏi mỗi giảng viên phải tự nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào các quá trình đổi mới phương pháp dạy học, góp phần tăng cường và phát huy tính chủ động của sinh viên. Giảng viên thực hiện đổi mới trên cơ sở phương pháp truyền thống, kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế bằng cách kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam [2011], Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia.
  2. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 khóa XI.
  3. Đặng Vũ Hoạt [2013], Lý luận Dạy học đại học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Nguyễn Thanh Bình [2007] , Giáo trình giáo dục kỹ năng sống, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

Video liên quan

Chủ Đề