Ngọa hổ tàng long nghĩa là gì năm 2024

Tuyến truyện của Ngọa hổ tàng long có thể chia làm hai vòng, Tú Liên – Mộng Bạch, đan cài với Long – Hổ, tựa như hai vòng sóng lan từ trung tâm giang hồ ra phía mép ngoài con sông. Vòng trước nhỏ hơn vòng sau, vòng sau nhạt hơn vòng trước. Bên ngoài người xem không kiềm nổi xao động trong lòng.

Ngọa hổ tàng long nghĩa là gì năm 2024

  1. Tính thiền và tính thơ

    Nói đến Ngọa hổ tàng long, không thể bỏ qua tính thiền và tính thơ của tác phẩm. Tôi không biết người khác quan niệm như thế nào về giang hồ, nhưng từ nhỏ, tôi đã luôn tâm niệm về cái triết lý, đạo đức của thứ gọi là giang hồ, cái gọi là võ công. Võ công, cũng như kiếm đạo, cờ đạo, trà đạo, đều là con đường khổ luyện theo các chiêu thức truyền thừa, rèn luyện tâm khí, trí tuệ, tính tình, để đạt đến cảnh giới nhận thức tột cùng. Nó còn gần với Đạo hơn các môn còn lại, vì người tập võ phải tái khởi tạo toàn bộ cơ thể – thần điện trời ban, cũng là con đường vật chất duy nhất không thể thiếu nếu muốn thoát thai hoán cốt khỏi cõi tục. Bộ phim mở đầu bằng lời bộc bạch về ánh sáng trắng sắc lạnh, u buồn nơi cửa ngõ vào cõi vô biên mà Lý Mộ Bạch chợt thấy khi đang bế quan luyện công.

    Lý An diễn đạt câu hỏi về tình và Đạo, vĩnh cửu và khoảnh khắc, rất xuất sắc, thông qua cặp đôi Mộng Bạch-Tú Liên. Mộng Bạch nói rằng, anh ta thấy buồn, nhang nhác một nỗi buồn sầu muộn trong lòng, khi bước chân đến cảnh giới trời đất hợp nhất, thiên địa biến mất, không-thời gian tiêu giản, chớp lóe vô ngã. Nếu kiên trì đi tiếp, anh ta sẽ quên mất mình là ai, bỏ lại luôn cả tình yêu khó nói nên lời đã bao năm nay với Tú Liên, tu thành chính quả. Lúc ấy, không khí sẽ trở thành kiếm của anh ta, lòng anh ta sẽ dung cùng trời đất. Anh ta sợ điều ấy, vì tương tư, vì vướng bận tình nhi nữ. Nói theo cách nhà Phật, anh ta quá sân si. Bản thân Mộ Bạch cũng nhận ra điều này, nên anh ta quyết định ngừng tu luyện, rửa tay gác kiếm. Anh ta chọn tình. “Chích tiện uyên ương bất tiện tiên” – nguyện làm uyên ương không làm tiên. Còn gì thơ hơn vậy nữa? Con người bé mọn ngước lên vạn trượng trông chẳng rõ mặt Phật, chê người lạnh lùng vô tình, luyến tiếc cảm xúc trong lòng mình. Thật ra thì đương nhiên, ấy là bởi anh ta sân si. Giả chăng kiếp người dài ra ngàn năm, hay trăm lần chuyển thế chẳng mất đi ký ức tiền kiếp, sớm muộn con người cũng sẽ chán ngán tình cảm, và giật mình, hỡi ôi, từ bao giờ bản thân trông đã giống Phật thế này. Tôi nghĩ vậy. Đó là lí do đời người thường chưa đến trăm năm, để chúng ta trở thành loài hữu tình, để chúng ta chỉ có thể hữu tình, để ta khao khát hữu tình. Thật ra, con người, khác với vạn loài, leo được tới ngày hôm nay, đứng giữa tam giới, là do ta có tình. Descartes nói, “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”, còn tôi lại cho rằng, ta cảm thấy, nên ta tồn tại. Và Mộng Bạch có lẽ cũng vậy, viễn cảnh phải đoạn tuyệt ái tình, tịch liêu tọa ủng thiên hạ, khiến anh ta thấy cô đơn rợn ngợp, một cái giật mình ngơ ngác phóng mắt bốn phương trời không thấy bóng ai. Cảm giác ấy, giống như lần đầu bạn biết buồn vậy, đứng giữa trăm người vẫn thấy cô đơn, là khoảnh khắc nhận ra tính cá biệt của mỗi cá thể, rằng mình và người cách nhau cả Vạn Lý trường thành dẫu đã đầu gối tay kề. Lý Mộ Bạch nhận ra bản chất cuộc sống trong sát na trắng xóa đó.

    Tư tưởng thiền này thể hiện rõ ràng nhất qua kiếm pháp của anh ta. Long dẫu cầm Lục Mệnh trong tay vẫn không thắng nổi một Lý Mộ Bạch nhặt bừa cành cây dưới chân. Nhìn vào Long và Lý Mộ Bạch, phải thấy được cái vòng tròn muôn thuở của đời, Long – Mộ Bạch – Long. Trước khi thành Mộ Bạch như bây giờ, anh ta đã từng là Long, và sau Mộ Bạch của hiện tại, lại là vô số Long. Kiếm pháp hoa mỹ nặng nề có thể đánh bại tôm tép, nhưng ở những tầng tu vi cao hơn, sự điêu luyện từng sở hữu ấy, lại biến thành sắc tướng phải tiễu trừ, để quay về với nhất nguyên. Sắc tướng là ảo ảnh của vọng niệm nắm bắt thế giới, huyễn ảo ma chướng u mê đầu óc, còn nhất nguyên là chân lý ban sơ, tính Không vang vọng chấn động lại ngỡ như chẳng-có-gì. Nếu bạn để ý, có một phân cảnh, Long đuổi theo Mộ Bạch trên thân một cây trúc. Mộ Bạch nương theo chuyển động của trúc, không dụng lực, không tác động, không gán ép cái ngã của bản thân lên nó, mà trở thành một thể với nó, còn Long, mờ mắt bởi sân si, bước chân nặng nề đè thân trúc xuống để rồi nhận lại phản lực từ nó, thân trúc trơn nhẵn khó mà đặt chân, cô dao động nghiêng ngả, không thi triển được chiêu thức gì, trong khi Mộ Bạch đứng nơi ngọn trúc, thong dong, phiêu diêu tự tại, nhẹ như cánh én. Ngọa hổ tàng long còn có một chi tiết lẩy lại truyền ngôn tu tập thiền, “Dĩ tâm truyền tâm” – chính là phân đoạn Mộ Bạch lấy hai ngón tay chỉ thẳng vào mi tâm Kiều Long. “Dĩ tâm truyền tâm” vốn bắt nguồn từ một công án Phật giáo, kể rằng, hôm ấy, trong một pháp hội trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn mới cầm lấy một nhánh hoa chìa ra trước thiên thượng địa hạ tám vạn bốn nghìn đại chúng; duy chỉ tôn giả Ca Diếp mặt mày rạng rỡ, mỉm cười đón lấy, mới được Đức Thế Tôn truyền kinh điển cho. Hiểu sơ thì công án này ý chỉ rằng, ngộ tính, không thể dùng lời mà truyền, phải dùng tâm mà lĩnh hội.

    Đỉnh cao của thiền-thơ là phân cảnh Mộ Bạch và Tú Liên ngồi trong đình uống trà nghỉ ngơi khi đang trên đường đuổi theo Long. Mộ Bạch phân trần, sư phụ bảo trên đời vạn vật đều là không, bản thân anh ta cũng đã từng nghiệm qua cảm giác ấy. Tú Liên, bèn áp tay mình vào mặt Mộ Bạch, hỏi rằng “Chẳng lẽ tay em cũng không phải là thật sao?”. Câu hỏi lớn của triết học, gút mắc một đời người, cứ thế hiện lên, thật tự nhiên, thật hài hòa, xuất sắc đến mức khiến tôi phải bật cười tâm phục khẩu phục. Ngày ấy, giả chăng Trang Chu cũng có một Tú Liên, liệu câu chuyện Trang Chu mộng hồ điệp có còn cơ truyền lại cho hậu thế không, ai mà biết được. Lý trí cảnh tỉnh ta yêu thương rồi cũng sẽ trôi qua, như mây trôi nước chảy, nhật nguyệt xoay vần, nhưng con tim thì thổn thức bởi hơi ấm của người tình.

    Còn đỉnh cao của thơ, theo tôi, lại nằm ở cặp Long-Hổ. Ngay từ đầu, đây đã là một chuyện tình nên thơ mang âm hưởng ngàn năm Trung Hoa, của nào những lầu vàng cất người đẹp, của nào những Ninh Thái Thần – Tiểu Thiện, Ngưu Lang – Chức Nữ, rồi cả “Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi/Tòng thử quân vương bất tảo triều”. Hình ảnh cô tiểu thư quyền quý chịu cảnh cá chậu chim lồng, nuôi một giấc mộng giang hồ tự do như gió như mây, gặp gỡ chàng thổ phỉ hào hiệp chốn sa mạc, hiện lên sắc nét, đẹp đẽ qua những khung hình sa mạc trải dài, phục sức nhã nhặn, diễn biến nhịp nhàng. Cảnh chàng chòng ghẹo nàng bằng cách cướp đi cây lược nàng yêu thích chẳng rời trên tay, với ánh mắt đong đầy ý tình, như thách thức, lại như mời gọi. Trương Chấn diễn rất tròn vai Tiểu Hổ này. Chương Tử Di chẳng chịu kém phần, nét mi đầu mày ngạo ý bất khuất kiên cường chẳng giấu nổi, nàng cứng đầu đuổi theo chàng qua biết bao núi đồi, bất chấp cả tính mạng, lễ nghĩa gia giáo khuê nữ, chỉ tâm tâm niệm niệm một điều: lấy lại chiếc lược. Không khỏi khiến chúng ta nhớ tới câu ca dao:

    “Yêu nhau mấy núi cũng trèo

    Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”

    Nhưng hơn cái thơ này lại nằm ở chính cái tên phim, cũng là tên hai nhân vật – ngọa Hổ tàng Long. Từ “ngọa” này vốn chỉ trạng thái nghỉ ngơi, đôi khi mang hàm nghĩa dưỡng thương, khác với “phục”, đơn thuần là nằm xuống, thậm chí còn mang đôi phần ý tứ khuất phục. “tàng” thì chẳng ai xa lạ gì, tàng thư các, tàng bảo các, tàng trữ, mang ý cất giấu. Ngọa hổ tàng long vừa để chỉ thế trận hiểm nguy trùng trùng, không biết từ đâu kẻ địch sẽ xổ ra tấn công, bản thân sẽ mất mạng lúc nào, mỗi bước đi phải ngàn bước tính, gợi lên không khí căng như dây đàn, nhưng đặt trong bối cảnh bộ phim, còn có ý chỉ tình yêu của Long và Hổ. Đằng sau Tiểu Hổ bi thương vì mất người tình ẩn hiện bóng dáng một nàng Kiều Long đã gieo mình từ đỉnh núi Võ Đang xuống. Đằng sau mỗi người đàn ông giang hồ phong trần là một mối tình bi thương với nàng kiều nữ nao.

    1. Trường Giang sóng sau xô sóng trước

      Ngọa hổ tàng long không chỉ là câu chuyện về các cá nhân, nó còn là một giang hồ thu nhỏ, như phần mở lời tôi đã viết, với cấu trúc hiện tại – tương lai, quá khứ – hiện tại thể hiện qua các dây Mộ Bạch – Kiều Long, Kiều Long – Tiểu Hổ. Kiếm hiệp vốn là lãnh địa của nam giới, Hoàng Dung có tài giỏi đến đâu cũng chỉ đóng vai trò như quân sư chỉ điểm cho Quách Tĩnh. Nàng không luyện Giáng Long Thập Bát Chưởng. Trong Âm-Dương, người đời tôn sùng tính Dương, chỉ coi Âm như nét phẩy làm mềm tính hỏa dương cương trong hình tượng người anh hùng. Nhưng thực ra, còn một cách hiểu khác, của mẫu hệ đã lụi tàn từ lâu, lùi mình vào bụi mù dĩ vãng của văn hóa. Quan niệm ấy cho rằng nữ mạnh hơn nam. Hình tượng yoni gắn với sức mạnh vô hạn tiềm ẩn, dung chứa cả vũ trụ, cùng với khả năng thụ thai sản sinh sự sống ngang cùng tạo hóa. Ngọa hổ tàng long không khỏi khiến tôi liên tưởng đến quan niệm này, khi xây dựng hình tượng một Kiều Long võ công vượt trội, được Mộ Bạch chọn làm đệ tử, chân truyền võ công. Nó là sự truyền thừa, tiếp nối của thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Sự tương phản cũ-mới này được thể hiện rõ ràng qua tính cách đối lập giữa hai cặp đôi nói chung, và bài xích của Kiều Long dành cho Mộ Bạch nói riêng. Nếu Bạch-Liên là mẫu hình truyền thống, trọng lễ nghĩa, suốt hàng chục năm trời chẳng dám đến với nhau vì đạo làm vợ, nghĩa huynh đệ, gièm pha định đoạt của xã hội dù giữa hai người tình trong như đã mặt ngoài còn e, thì Long-Hổ lại đại diện cho tư tưởng nổi loạn, tự do, phá bỏ khuôn cách cũ của thế hệ trẻ – họ yêu nhau nồng nhiệt và hoang dại mặc kệ lễ tiết và ánh nhìn của thế nhân, họ làm chuyện yêu trước khi làm lễ cưới hỏi, họ khao khát vượt qua rào cản thân phận để đến với nhau chân sơ trong trẻo. Năm lần bảy lượt Mộ Bạch muốn dạy võ công cho Kiều Long, cũng là năm lần bảy lượt Kiều Long từ chối, bất phục. Tri thức của tiền nhân không đến được với hậu nhân, người đời sau chỉ khao khát vật-kết-nối, cũng là thanh Lục Mạch thần kiếm, vì Long tin vào võ công của mình. Âu cũng là điều dễ hiểu, tân thế giới chỉ được sinh ra khi cựu thế giới sụp đổ, không hậu nhân nào thấy an toàn khi tiền nhân còn kè kè trước mặt. Dường như cách giải quyết duy nhất là cái chết của một trong hai. Nó không chỉ là câu chuyện về sự kế thừa giữa hai thế hệ, mà còn là suy tư về nam và nữ trong xã hội. Có phải ý của Vương Độ Lư – Lý An rằng, nữ mạnh hơn nam, nhưng tất yếu, nữ mạnh, và thông minh, nên sẽ bị tiêu diệt bởi chính bản thân họ? Không phải ngọa long tàng hổ, mà phải là ngọa hổ tàng long.

      1. Nghệ thuật

        Bàn về một bộ phim, bên cạnh nội dung, không thể bỏ sót yếu tố “ngoại hình” được. Dàn diễn viên tên tuổi đảm bảo bộ mặt cảm xúc hài hòa cho Ngọa hổ tàng long. Nước phim cổ, sử dụng tông màu trầm, ánh sáng thấp, kết hợp với kĩ xảo: để nhân vật di chuyển trên background – khung nền cố định, giống như nghệ thuật rối nước, gợi nhớ đến cách làm phim cổ, đem lại khuôn mặt đàn bà cho bộ phim, ta như nhìn thấy ở đây một Trương Mạn Ngọc, một Vương Tổ Hiền. Lý An cho sử dụng nhiều tiếng kêu của muông thú, gợi ra vẻ hoang sơn dã lĩnh, đời sống cổ đại sơ sài, đây cũng là một điểm nhấn. Lối làm phim tựa như phim tài liệu và truyền hình, là đặc trưng phim Đài Loan mang lại cho tôi. Ống kính hướng vào từ bên ngoài cuộc sống chứ không phải từ nội tâm nhân vật phóng chiếu ra, đảm bảo tính khách quan, duy lý. Góc quay biến đổi đa dạng phô bày vẻ đẹp của các chiêu thức võ công mà không khiến người xem nhận ra bàn tay của kẻ thứ ba.

        Ngọa hổ tàng long tiếng Trung là gì?

        Ngọa hổ tàng long (tựa tiếng Trung: 臥虎藏龍; tựa tiếng Anh: Crouching Tiger, Hidden Dragon) là một bộ phim điện ảnh Đài Loan của đạo diễn Lý An thực hiện năm 2000, dựa theo nguyên tác tiểu thuyết võ hiệp cùng tên của nhà văn Vương Độ Lư.