Đảo nợ tiếng Anh là gì

Đảo nợ là gì? Đảo nợ có vi phạm pháp luật?

  • 1. Đảo nợ là gì?
  • 2. Đảo nợ ngân hàng là gì?
  • 3. Quy định pháp lý về đảo nợ ngân hàng
  • 4. Đảo nợ ngân hàng có vi phạm pháp luật?
  • 5. Thủ tục đảo nợ ngân hàng
  • 6. Lãi suất cho vay là gì?
  • 7. Trả lãi tiền vay như thế nào khi quá hạn trả tiền gốc và lãi?
  • 8. Nợ quá hạn là gì?

Thưa luật sư, tôi thấy bố mẹ tôi khi vay tiền tại ngân hàng và đến hạn trả nợ mà không thanh toán được thường sẽ được nhân viên ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục “đảo sổ”, thực tế là để vay 1 khoản mới trả cho khoản nợ cũ, và vẫn sẽ nợ 1 khoản như khoản vay ban đầu. Vậy luật sư cho tôi hỏi, pháp luật có quy định về vấn đề này không? Và việc làm này có hợp pháp hay không? Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn! [Ngọc Thụy – Điện Biên]

Cơ sở pháp lý:

- Nghị định 94/2018/NĐ-CP

- Thông tư 39/2016/TT-NHNN

1. Đảo nợ là gì?

Theo như thông tin bạn cung cấp về vấn đề "đảo sổ" chúng tôi nhận định bản chất chính là thực hiện việc "đảo nợ" theo quy định của pháp luật. Trên thực tế vẫn thường sử dụng thuật ngữ "đảo sổ".

Đảo nợ [hay đảo sổ] ngân hàng là cách chuyển một khoản vay cũ tại ngân hàng đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền trả của một cá nhân hoặc doanh nghiệp thành một khoản vay mới. Khoản vay mới này vay tại chính ngân hàng này hoặc từ ngân hàng khác.

Theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 94/2018/NĐ-CP quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công có giải thích thuật ngữ “đảo nợ” như sau:

“Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ”.

Còn hiểu một cách đơn giản đảo nợ là việc thực hiện một hợp đồng vay vốn mới, dùng khoản tiền vay mới để trả cho hợp đồng vay cũ.

2. Đảo nợ ngân hàng là gì?

Đảo nợ ngân hàng là cách chuyển một khoản vay cũ tại ngân hàng đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền trả của một cá nhân hoặc doanh nghiệp thành một khoản vay mới. Khoản vay mới này vay tại chính ngân hàng này hoặc từ ngân hàng khác.

Bản chất của đảo nợ trong ngân hàng là ngân hàng yêu cầu khách hàng tìm cách trả hết khoản nợ cũ, sau đó vay lại khoản mới, thực chất là tiếp tục khoản nợ cũ.

Những năm qua việc đảo nợ ngân hàng diễn ra khá phổ biến dù Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm việc này. Nhưng do chưa có quy định pháp lý rõ ràng nên việc này vẫn diễn ra. Nhưng từ 15/3/2017 khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực, việc đảo nợ chính thức bị cấm và chỉ có một số trường hợp ngoại lệ được thực hiện.

3. Quy định pháp lý về đảo nợ ngân hàng

Dựa trên giải thích thuật ngữ “đảo nợ” tại Nghị định 94/2018/NĐ-CP, có thể thấy Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có quy định về vấn đề này. Tuy không trực tiếp sử dụng cụm từ “đảo nợ” nhưng về bản chất đó chính là hành vi đảo nợ. Tại điều 8 đã có quy định cụ thể về trường hợp được đảo nợ và không được đảo nợ như sau:

Điều 8. Những nhu cầu vốn không cho vay

Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:

1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

4. Để mua vàng miếng.

5. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a] Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

b] Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

c] Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo đó, tại khoản 5, 6 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định chi tiết về một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thứ nhất, không được cho vay “Để trả nợ khoảncấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, không được cho vay “Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:a] Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; b] Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; c] Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

4. Đảo nợ ngân hàng có vi phạm pháp luật?

Qua các quy định nêu trên và cụ thể là quy định tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có thể thấy việc hoạt động cho vay đảo nợ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, đối với 2 trường hợp sau đây sẽ được phép đảo nợ:

Thứ nhất, được vay để trả khoản nợ tại chính tổ chức tín dụng đã cho vay nếu thuộc trường hợp: Khách hàng dùng tiền của khoản vay mới để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, được vay để trả khoản nợ tại tổ chức tín dụng khác hoặc nợ nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện đó là: Khách hàng chỉ được dùng tiền của khoản vay mới để trả nợ trước hạn cho khoản vay thuộc 3 trường hợp sau:

+ Vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

+ Thời hạn cho vay không vượt thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

5. Thủ tục đảo nợ ngân hàng

Vì đảo nợ bị cấm nên thủ tục đảo nợ thực chất chính là hồ sơ đáo hạn khoản vay tại ngân hàng để được ngân hàng cho vay khoản mới.

Mỗi ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ có quy định riêng về hồ sơ thủ tục đáo hạn, tuy nhiên sẽ có những giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, sẽ có một số giấy tờ cơ bản sau đây:

+ Giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân còn hiệu lực, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn;

+ Hồ sơ vay ngân hàng bản sao;

+ Giấy tờ photo công chứng về các tài sản thế chấp như Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe ô tô,…;

+ Khách hàng là chủ doanh nghiệp thì cần có Giấy phép đăng ký kinh doanh, con dấu doanh nghiệp, giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân;

+ Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay;

+ Giấy ghi nợ.

6. Lãi suất cho vay là gì?

Lãi suất cho vay là lãi suất tính trên số vốn mà bên vay phải trả kèm theo gốc tiền vay.

Trong kinh doanh ngân hàng, lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất cho vay tại thời điểm kí kết hợp đồng tín dụng.

Lãi suất cho vay là giá cả của tiền vay thể hiện dưới hình thức tỉ lệ phần trăm trên số tiền vay theo khoảng thời gian xác định [tháng, năm]. Lãi suất cho vay là nội dung bắt buộc các bên phải thỏa thuận khi kí kết hợp đồng tín dụng.

7. Trả lãi tiền vay như thế nào khi quá hạn trả tiền gốc và lãi?

Thưa luật sư, tôi có vay ngân hàng 1 khoản tiền, hiện giờ đến hạn thanh toán mà tôi chưa có đủ tài chính để trả. Trường hợp của tôi sẽ phải trả thêm lãi như thế nào ạ? Mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định trả lãi tiền vay đối với khách hàng khi đến hạn thanh toán mà không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận như sau:

4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a] Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b] Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c] Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Theo đó, khi đến hạn thanh toán mà bạn không trả đủ nợ gốc và tiền lãi vay thì trước tiên bạn sẽ phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.

Trường hợp bạn trả không đúng hạn tiền lãi ở trên thì sẽ phải trả lãi chậm trả theo mức lại suất do hai bên thỏa thuận tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Trường hợp khoản vay bị chuyển nợ quá hạn thì bạn sẽ phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả.

8. Nợ quá hạn là gì?

Thưa luật sư, khi nào thì khoản vay tại ngân hàng bị cho là nợ quá hạn ạ? Nợ quá hạn bao lâu thì cho là nợ xấu ạ? Mong được luật sư giải đáp. Xin cảm ơn!

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về nợ quá hạn như sau:

Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Như vậy, nợ quá hạn là khoản nợ tổ chức tín dụng mà người đi vay [cá nhân hoặc tổ chức] khi đến ngày trả nợ theo hợp đồng nhưng lại không thể trả gốc và lãi đúng theo thỏa thuân

Tùy vào thời gian đóng trễ, nợ quá hạn sẽ được cập nhật trên CIC và phân chia vào các nhóm nợ xấu gây khó khăn khi khách hàng muốn vay ở nơi khác.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "đảo nợ là gì? Quy định pháp luật về đảo nợ? Đảo nợ có vi phạm pháp luật?"

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Bộ phận tư vấn pháp luật ngân hàng - Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề