Lãi khoản vay vốn hóa với nguyên giá tài sản năm 2024

Lãi khoản vay vốn hóa với nguyên giá tài sản năm 2024
Hỏi:

Kính gửi Bộ Tài Chính! Công ty chúng tôi đã gửi câu hỏi liên quan đến vốn hóa chi phí lãi vay (mã câu hỏi: 260521-13) và nhận được câu trả lời từ Quý Cơ quan ngày 25/6/2021. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng câu trả lời này đang không nhất quán với các công văn cũng như căn cứ pháp lý khác bao gồm: (1) Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 : “Doanh nghiệp không được vốn hóa chí phí lãi vay để mua máy móc thiết bị mới và đưa ngay vào sử dụng”. (2) CV số 12568/BTC-CĐKT ngày 9/9/2015 về việc Giải thích nôi dung Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 trong đó có đề cập: "Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng”. Thông lệ quốc tế không quy định cụ thể về thời gian đối với việc xây dựng tài sản dở dang là trên hay dưới 12 tháng nên để đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp với thông lệ quốc tế là TSCĐ, BĐSĐT thường không phải là các tài sản sản xuất hàng loạt như hàng tồn kho. Vì vậy Thông tư 200 quy định vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng của tài sản dưới 12 tháng " Công ty chúng tôi hiểu rằng trường hợp của chúng tôi đang đúng như các công văn hướng dẫn trong đó các máy móc thiết bị mua về KHÔNG THỂ SỬ DỤNG ĐƯỢC NGAY phải trả qua quá trình lắp đặt chạy thử nghiệm thu thậm chí phải thuê một bên thứ 3 chuyên nghiệp để lắp đặt trong vòng 2 tháng. Trong các quy định trên, không có quy định về việc chi phí lắp đặt không phải là quá trình đầu tư xây dựng. Do đó, căn cứ vào thư trả lời chúng tôi hiểu rằng phải trên 12 tháng mới được vốn hóa là không hợp lý. Kính mong Bộ Tài Chính xem xét lại và sớm có hướng dẫn để Công ty chúng tôi có thể tuân thủ theo đúng quy định. Xin chân thành cảm ơn!

16/07/2021

Theo quy định tại các đoạn 07, 08 chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí đi vay (VAS 16) quy định doanh nghiệp chỉ được vốn hóa chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang. Trong đó tài sản dở dang là những tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.

Điểm d1 khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp (Thông tư 200) quy định: “Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm tài sản cố định đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ” .

Theo quy định tại Điều 46 Thông tư 200, Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang, có 3 tài khoản cấp 2 là 2411, 2412, 2413. Trong đó, Tài khoản 2411 - Mua sắm TSCĐ: Phản ánh chi phí mua sắm TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí mua sắm TSCĐ trong trường hợp phải qua lắp đặt, chạy thử trước khi đưa vào sử dụng (kể cả mua TSCĐ mới hoặc đã qua sử dụng). Nếu mua sắm TSCĐ về phải đầu tư, trang bị thêm mới sử dụng được thì mọi chi phí mua sắm, trang bị thêm cũng được phản ánh vào tài khoản này.

Điểm g Khoản 1 Điều 54 Thông tư 200 quy định: “Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau: Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng”.

Như vậy, chế độ kế toán hiện hành và chuẩn mực kế toán đã có quy định cụ thể về việc vốn hóa chi phí lãi vay đối với các trường hợp đầu tư xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, sản xuất tài sản dở dang hoặc mua sắm TSCĐ trong trường hợp phải qua lắp đặt, chạy thử trước khi đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp phải căn cứ bản chất của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại đơn vị để áp dụng các quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành cho phù hợp.

Chi phí đi vay được tính vào nguyên giá tscđ khi nào?

Chi phí lãi vay mua sắm tải sản cố định (Ô tô...) được đưa vào nguyên giá của TSCĐ tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, sau thời điểm này sẽ đưa vào chi phí.

Chi phí lãi vay được vốn hóa là gì?

Vốn hóa chi phí lãi vay là việc ghi nhận chi phí lãi vay vào giá trị của tài sản được đầu tư, thay vì hạch toán trực tiếp vào chi phí trong kỳ. Việc vốn hóa chi phí lãi vay chỉ được thực hiện trong trường hợp chi phí lãi vay phát sinh trực tiếp từ việc đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sản xuất tài sản dở dang.

Chi phí lãi vay không được vốn hóa khi nào?

Chi phí lãi vay sẽ tạm ngừng vốn hóa khi quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết và nằm trong kế hoạch ban đầu.

Giá trị tài sản đó đang là gì?

Tài sản dở dang: Là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần có một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.