Làm sao để được tiêm vaccine covid ở việt nam

  • Luật sư Đặng Đình Mạnh
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

16 tháng 9 2021

Làm sao để được tiêm vaccine covid ở việt nam
Làm sao để được tiêm vaccine covid ở việt nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ và diện bao phủ tiêm vaccine để phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng

Khi thế giới bắt đầu phải đối diện với cơn đại dịch, tôi xác định ngay việc phải tiêm ngừa vaccine khi có điều kiện mà không hề do dự. Thế nên, tôi đã chủ quan khi cho rằng phần lớn ai cũng suy nghĩ như mình.

Tôi biết một vài bạn có suy nghĩ khá độc lập về vấn đề này khi quyết định lựa chọn cách không tiêm ngừa vaccine. Trong số ấy, có bạn tin vào những thuyết âm mưu, cho rằng virus Corona chỉ là sản phẩm giả tưởng mà thôi, hay đấy là cái bẫy đưa thế giới vào cú áp-phe tầm vóc thế kỷ với gần 8 tỷ người trở thành con tin của thế lực mafia đội lốt các tập đoàn dược phẩm cung cấp vaccine.

Hoặc, cũng có bạn đã có những trải nghiệm không tốt về vaccine từ gia đình, nên cũng có quyết định tương tự là không tiêm ngừa vaccine.

Covid-19 ở Hà Nội: ‘Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép tiêm’

Covid-19: Việt Nam bối rối ‘thẻ xanh’, ‘thẻ vàng’

Anh sẽ tiêm vaccine Covid cho trẻ em 12-15 tuổi

Trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phương Tây, số lượng người từ chối tiêm ngừa vaccine chiếm tỷ lệ khá cao. Ở Mỹ, ước tính có lúc đến 20% người dân được hỏi đã thẳng thừng từ chối tiêm ngừa vaccine. Trong quân đội Mỹ, ghi nhận có đến 1/3 quân nhân từ chối tiêm ngừa vaccine.

Ở Việt Nam, cần nhìn nhận rằng việc tiêm ngừa vaccine hiện nay là hoàn toàn tự nguyện, không mang tích cách cưỡng bách. Thế nên, việc số các bạn này không tiêm ngừa vaccine là quyền của họ, hoàn toàn hợp pháp về phương diện pháp lý.

Đối với các trường hợp này, về số lượng, tôi vẫn nghĩ mang tính cá biệt.

Điều bất ngờ và đối diện tình hình thế nào?

Chụp lại video,

Không muốn tiêm vaccine Trung Quốc, từ chối có bị xử phạt?

Nhưng trong vài ngày gần đây, khi thảo luận về những điều kiện để giải tỏa giãn cách xã hội, rất bất ngờ khi phát hiện ra số lượng người quyết định không tiêm ngừa vaccine nhiều hơn là tôi tưởng. Trong đó, bao gồm cả những người không phản bác việc tiêm ngừa vaccine, nhưng chưa tiêm vì chưa có loại vaccine mà họ mong muốn.

Thế nên, một khi việc giải tỏa giãn cách xã hội được thực hiện, thì những bạn không tiêm ngừa vaccine sẽ phải đối diện với việc ấy như thế nào ?

Trước hết, việc giải tỏa giãn cách xã hội là điều tất nhiên không cần phải bàn cãi. Vì không thể có một quỹ an sinh xã hội nào đủ dồi dào, dài hơi để có thể chịu đựng nổi việc phong tỏa nền kinh tế quá lâu ngày được. Thế nhưng, trong bối cảnh không thể loại trừ hẳn virus Corona ra khỏi đời sống xã hội được, thì việc giải tỏa phải tính đến các điều kiện an toàn nhất cho từng địa phương và người dân.

Với địa phương, chắc chắn chính quyền phải lựa chọn một ngưỡng được xem là an toàn, có giá trị là trạng thái xã hội bình thường mới để thực hiện giải tỏa giãn cách xã hội.

Ví dụ : Tỷ lệ ca lây nhiễm hàng ngày không quá 200 ca. Tỷ lệ tử vong không quá 1% số ca lây nhiễm. Tỷ lệ người lây nhiễm đang theo dõi và điều trị dưới 2% dân số thành phố. Tỷ lệ tiêm ngừa vaccine đạt mức 75% - 80% dân số địa phương... Để khi công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, hội đủ các điều kiện theo ngưỡng của trạng thái xã hội bình thường mới ở địa phương nào, thì chính quyền ban hành quy định giải tỏa giãn cách xã hội trong phạm vi địa phương đó.

Hoặc, tùy mức độ để giải tỏa giãn cách phù hợp. Mở hé cửa một nửa bằng cách áp dụng Chỉ thị 15. Mở toang cửa bằng cách bảo đảm giữ 5K, kèm theo các biện pháp khai báo khi di chuyển, xét nghiệm khi tham gia một số loại hoạt động theo yêu cầu...

Khi giải tỏa giãn cách xã hội ở mức tối đa, tức mở toang cửa, thì mọi chuyện khá đơn giản. Chắc chắn mọi công dân dù đã tiêm ngừa vaccine rồi hay chưa, thì cũng đều có thể tái tham gia các hoạt động trong trạng thái xã hội bình thường mới.

Nhưng vấn đề sẽ phức tạp hơn khi giải tỏa giãn cách xã hội chỉ ở mức tối thiểu, tức mở cửa một nửa. Thì chắc chắn chính quyền sẽ phải có giới hạn về việc người dân tái tham gia các hoạt động bằng các điều kiện nhân danh bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Một trong số điều kiện ấy sẽ là người đã tiêm ngừa vaccine rồi hay chưa ?

Khả năng này xem ra là sự thiệt thòi cho những người không tiêm ngừa vaccine. Nhưng cũng khó trách cứ chính quyền. Vì lẽ, việc phải tiêm ngừa vaccine đã là nhận thức chung của chính quyền và của đại bộ phận dân số. Thế nên, nhận thức chung này cũng sẽ là cơ sở khi chính quyền ban hành các chính sách, quy định có hiệu lực áp dụng chung cho tất cả mọi người.

Chưa kể rằng, nếu chính quyền không giới hạn, nhưng việc những người không tiêm ngừa vaccine có thể tái tham gia đầy đủ các hoạt động, hay sử dụng các dịch vụ trong xã hội được hay không thì lại là điều không chắc chắn. Nó còn tùy thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ ấy. Ví dụ, dịch vụ chuyên chở, siêu thị, nhà hàng ... có thể từ chối phục vụ vì lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để tham khảo, ở một số quốc gia phương Tây đã có những nhà hàng, bar hay khu vui chơi công khai để bảng thông báo từ chối phục vụ khách chưa tiêm ngừa vaccine là một minh chứng.

Tương tự như thế về việc tham gia các tour du lịch, xin visa nhập cảnh vào các quốc gia khác...

Làn sóng phản ứng và 'cái giá phải trả'

Chụp lại video,

Mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine Sinopharm (Trung Quốc)

Không chỉ thế, người không tiêm ngừa vaccine có thể còn phải đối diện với làn sóng phản ứng của những người đã tiêm ngừa vaccine là thực trạng đang xảy ra tại Mỹ.

Thật vậy, khi dịch bùng phát trở lại nơi này vào tháng 06/2021 cho đến nay, chủ yếu lây nhiễm trong số những người không tiêm ngừa vaccine. Khiến nhiều địa phương đã phải tái áp dụng lại những biện pháp giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn, sinh hoạt chung, trong đó có những người đã tiêm ngừa vaccine. Điều này khiến họ tức giận khi việc trở về cuộc sống bình thường cũ bị người chưa tiêm ngừa kéo chậm lại.

Trong một bài phát biểu về kinh tế Mỹ gần đây, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cho biết sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch. "Vì vậy, xin quý vị vui lòng đi tiêm ngừa và đi tiêm ngừa ngay", ông Biden kêu gọi.

Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh thiếu thốn vaccine, tỷ lệ dân số được tiêm ngừa chưa cao thì chưa phát sinh khả năng phản ứng của người đã tiêm ngừa đối với người không tiêm ngừa như ở Mỹ.

Thế nhưng, hậu quả do đóng cửa nền kinh tế vì dịch giã thì lại quá rõ. Việc người dân không tiêm ngừa vaccine có khả năng kéo dài tình trạng dịch giã, chậm mở cửa lại nền kinh tế vốn đang như con bệnh "hụt hơi".

Thế nên, việc số ít người dân quyết định không tiêm ngừa vaccine hiện nay tuy là một quyền hợp pháp, nhưng nó đang đi ngược với nhận thức chung hiện có của chính quyền và đại bộ phận dân cư.

Do đó, bên cạnh sự rủi ro về sức khỏe và sinh mạng vì không tiêm ngừa vaccine, thì thực tế, người quyết định không tiêm ngừa vaccine sẽ còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi khác trong các hoạt động xã hội của mình.

Sự lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả cả, đôi khi không hề rẻ và người trả giá không giới hạn trong số những người không chích vaccine, mà cả cộng đồng cùng phải liên đới trả giá cho điều không phát sinh từ lựa chọn của mình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đang sinh sống và hành nghề tại Sài Gòn.