Các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021

Kết thúc năm 2021, VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng gần 36% so với cuối 2020, HNX-Index đạt 473,99 điểm tăng hơn 133%, UPCoM-Index đạt 112,68 điểm tăng hơn 51%.

Năm 2021, dù Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, nhưng thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021 sau hơn 20 năm vận hành, và đạt đến đỉnh cao mới ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm.

Một dấu ấn nổi bật trong năm qua là việc chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) kể từ đầu tháng 7/2021. Với hệ thống giao dịch mới, thanh khoản thị trường đã được cởi trói và xác lập những kỷ lục mới.

Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng; đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỷ đồng/phiên, trong đó ngày 19/11/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.105 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so bình quân năm 2020.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong 11 tháng đầu năm đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng.

Có thể nói, năm qua, chứng khoán là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư trong tương quan với các kênh đầu tư đại chúng trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, nhiều kênh đầu tư khác gặp trở ngại do dịch bệnh đã khiến thị trường chứng khoán gia tăng lực hấp dẫn đối với dòng tiền. Thị trường chứng khoán nhờ đó có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2021.

Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, tính đến ngày 28/12/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020-2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.

Năm 2021 cũng chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản, tăng 47,3%.

Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.

Trong năm, quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cũng cao kỷ lục. Theo các báo cáo ước tính, năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021.

Nền móng vững chắc từ chặng đường 25 năm

Ngày 28/11/2021, ngành Chứng khoán Việt Nam chính thức tròn 25 năm xây dựng và phát triển (28/11/1996 - 28/11/2021). Như vậy, trải qua 25 năm thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hơn 21 năm vận hành thị trường chứng khoán, dù chặng đường chưa thực sự dài và dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành quả đạt được của ngành Chứng khoán là rất đáng tự hào.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, Việt Nam đã tạo lập được một thể chế thị trường chứng khoán đúng định hướng và phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ; từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. (Ảnh: Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán)

Ông Trần Văn Dũng đánh giá, về quy mô, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, thì đến nay đã có trên 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa tương đương 109% GDP.

Thị trường trái phiếu chính phủ mới chính thức ra đời được hơn 10 năm nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, hỗ trợ cho việc huy động trái phiếu chính phủ được nhiều hơn, chủ động hơn, kỳ hạn ngày một dài hơn đến 30 năm và với mức lãi suất huy động liên tục năm sau giảm hơn so năm trước, góp phần hiệu quả vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ, tăng tính bền vững cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 4 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.

Thị trường chứng khoán hiện phát triển đa dạng các loại sản phẩm. Không chỉ bao gồm các sản phẩm đầu tư truyền thống như trước đây là cổ phiếu, trái phiếu, thị trường còn có nhiều sản phẩm mới, sản phẩm cơ cấu như các chứng chỉ quỹ, sản phẩm đầu tư và phòng ngừa rủi ro như chứng quyền và phái sinh…, - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán cũng đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2005 đến nay 2 Sở Giao dịch Chứng khoán đã tổ chức trên 1.000 cuộc đấu giá để cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi đấu giá cổ phần hóa đã lên sàn chứng khoán và tiếp tục phát triển hiệu quả hơn.

Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, thanh tra, giám sát đã được củng cố, tăng cường theo nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường được nâng cấp dần từ Nghị định năm 1998 lên Luật Chứng khoán năm 2006, 2010. Và năm 2019 vừa qua Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng được sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính đồng bộ trong môi trường đầu tư.

Theo ông Trần Văn Dũng, tại chiến lược 10 năm vừa được trình Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước và hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững.

Phát triển bền vững và minh bạch

Chia sẻ về những định hướng năm 2022, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính, với vai trò chỉ đạo, tổ chức xây dựng những chính sách, quản lý, giám sát thị trường sẽ tập trung đưa thị trường phát triển một cách ổn định bền vững với mục tiêu cao nhất là minh bạch chuyên nghiệp rõ ràng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán)

“Với tinh thần trách nhiệm từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường… chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định bền vững, công khai, minh bạch và minh bạch hơn nữa. Nếu phát sinh những vẫn đề rủi ro, khó khăn cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ chủ động có giải pháp cụ thể để giảm thiểu rủi ro, thị trường chứng khoán trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ phát triển liên tục, an toàn, ổn định và bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng yêu cầu các đơn vị ngành Chứng khoán cần kiên quyết triển khai, rõ ràng trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị để tái cấu trúc hiệu quả thị trường chứng khoán theo lộ trình đã được phê duyệt.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2022 là phải hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán (KRX), Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải quyết liệt triển khai và xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và báo cáo Bộ theo hàng tháng để hệ thống này đi vào vận hành sớm nhất.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành Chứng khoán phải tăng cường cả chất lượng và diện đào tạo kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư tham gia. Đây là công việc thường xuyên liên tục nhưng phải rất quan tâm chú trọng để nhà đầu tư được trang bị cơ bản về kiến thức đầu tư, giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

“Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo Bộ Tài chính rất quan tâm tới thị trường chứng khoán. Với nền tảng xây dựng và trưởng thành 25 năm qua, tôi tin tưởng chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực, đoàn kết đưa thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, bền vững, an toàn, công khai, minh bạch” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

BẢO MINH - KHÁNH GIANG

20 năm hình thành và phát triển có thể không phải là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử của thị trường chứng khoán thế giới, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã dần phát triển và định hình vai trò của mình với nền kinh tế nước nhà. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hành trình 20 năm đầy biến động này:

Bắt đầu vào thời điểm ngày 28-11-1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ. Và chỉ 2 năm sau đó, ngày 11-7-1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh theo Nghị định số 48/CP của Chính phủ. Đồng thời, Chính Phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, đặt cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28-7-2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với 2 mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên là REE và SAM.

Các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 8/3/2005 Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội cũng chính thức ra mắt, trở thành trung tâm niêm yết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trải qua quãng đường 20 năm, có không ít những biến động đã xảy ra. Trong giai đoạn đầu tiên (2000 – 2005), đây là giai đoạn chập chững bước những bước đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP, gần như không có thay đổi gì nhiều.

Tuy nhiên kể từ năm 2006 khi khi Luật Chứng khoán được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2007, thị trường chứng kiến rất nhiều sự thay đổi khi những bất cập, những xung đột với các văn bản pháp lý được giải quyết, chúng ta có khả năng hội nhập hơn với các thị trường vốn quốc tế và khu vực.

Năm 2006, quy mô thị trường có bước nhảy vọt mạnh mẽ, đạt 22,7% GDP và chạm đến con số trên 43% vào năm 2007. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu xấu đi vào năm 2008, do ảnh hưởng của thị trường tài chính và nền kinh tế trong nước và thế giới, chúng ta chứng kiến một năm "kinh tế buồn" với mức vốn hóa thị trường giảm mạnh, xuống còn 18% GDP.

Các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Khi khó khăn dần qua đi, năm 2009 chứng kiến sự phục hồi nhẹ với vốn hóa thị trường đạt 37,71% GDP và các công ty niêm yết trên thị trường tăng dần. Sản phẩm mới Chứng quyền có đảm bảo (Cover Warrant - CW) được ra đời từ ngày 28/6. Ngày 18/11/2019, HoSE cho ra mắt bộ chỉ số mới Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFin Select) làm tiền đề cho sự ra đời của các quỹ ETF, qua đó giải quyết bài toán tại các doanh nghiệp đã hết room ngoại.Trong vài năm trở lại đây, mức vốn hóa thị trường đã tăng thần tốc lên tới hơn 82% GDP, nhưng một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam lại chịu thêm thách thức từ đại dịch Covid-19. Những dấu hiệu phục hồi đã dần rõ ràng, tâm lí hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân đã dần giảm đi, sắc xanh đang trở lại trên thị trường.

Lời kết,

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động nhưng vẫn khẳng định được vai trò thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam của mình. Trong giai đoạn hiện nay, Chính Phủ Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế ổn định và vững chắc, đây là điều kiện tốt cho TTCKVN phát triển phù hợp với vị thế của thị trường và sánh vai với thị trường quốc tế.