Phuong an trong danh sách lao động là gì năm 2024

Theo phản ánh của Tổng Công ty Bến Thành (TPHCM), việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động khi thực hiện cổ phần hóa hiện nay đang căn cứ theo Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty gặp một số vướng mắc sau:

Một số công ty thành viên của Tổng Công ty hiện là công ty TNHH MTV do được chuyển đổi từ chi nhánh, hoặc hợp nhất, hoặc sáp nhập, hoặc chia, hoặc tách và các công ty này đã giải quyết chính sách lao động dôi dư.

Nay các công ty thành viên phải tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, vậy người lao động đang làm việc tại các công ty này có tiếp tục được hưởng các chính sách đối với người lao động dôi dư theo Nghị định 63/2015/NĐ-CP hay không?

Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn hiện cũng gặp vướng mắc tương tự Tổng Công ty Bến Thành về việc giải quyết chế độ lao động dôi dư do các đơn vị thành viên của Tổng Công ty cũng đã thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH MTV và đã từng giải quyết chính sách lao động dôi dư khi chuyển đổi. Do vậy, Tổng Công ty Văn hóa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, có văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung nêu trên.

Thời điểm nào phải tổ chức Hội nghị người lao động?

Khi tiến hành cổ phần hóa hiện nay đang có 2 thời điểm chốt danh sách theo Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH, Tổng Công ty Bến Thành muốn được biết, thời điểm nào dưới đây là thời điểm sẽ phải tổ chức tiến hành Hội nghị người lao động:

- Phải tổ chức hội nghị người lao động trong khoảng thời gian từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến trước thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.

- Chỉ được tổ chức sau thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (do lúc đó mới chốt được danh sách theo quy định của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH) đến trước thời điểm trình Phương án cổ phần hóa.

Và nếu không phải các khoảng thời gian trên thì Tổng Công ty sẽ phải tổ chức hội nghị người lao động trong khoảng thời gian nào?

Có cần tổ chức 2 lần Hội nghị người lao động?

Công ty Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng đang trong quá trình cổ phần hóa. Do thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là thời điểm sau và có khoảng cách với thời điểm có quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, Công ty Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng muốn biết, Công ty có thể hiểu phải đợi sau khi qua thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mới tiến hành xây dựng được phương án sử dụng lao động mà việc đầu tiên là lập danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa không?

Trong khi tiến hành dự thảo cả 2 phương án sử dụng lao động của Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH và Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH, với các mẫu biểu khác nhau và thời điểm lập danh sách lao động của 2 thông tư là khác nhau, như vậy Công ty phải:

Lần 1: Tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí dự kiến để giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (với thời gian sử dụng để tính toán chế độ đối với từng người lao động được xác định đến ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động theo danh sách tại Mẫu 5) theo quy định tại Bước 4 Phụ lục II Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH.

Lần 2: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và tính chế độ đối với người lao động dôi dư tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp và cũng dự kiến kinh phí theo các Mẫu 6,7,8,9 của Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH.

Vậy để triển khai Công ty phải sử dụng khoảng thời gian được xác định từ mốc ngày đầu tiên làm việc đến ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động để tính toán chế độ đối với từng người lao động dôi dư hay chỉ từ mốc ngày đầu tiên làm việc đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp để tính toán chế độ và xác định nguồn kinh phí dự kiến có đúng không?

Công ty có cần tổ chức 2 lần Hội nghị người lao động để phê duyệt từng phương án sử dụng lao động không? Khi trình phê duyệt phương án, Công ty sẽ được duyệt danh sách lao động và nguồn kinh phí dự kiến theo phương án sử dụng lao động của Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH hay theo phương án sử dụng lao động của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH?

Căn cứ theo số lao động dôi dư tại thời điểm nào?

Liên quan đến giải quyết chế độ với lao động dôi dư, Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang lại băn khoăn, việc xin ý kiến Hội nghị người lao động, cũng như việc phê duyệt dự toán kinh phí dôi dư và quyết toán kinh phí dôi dư trong phương án sử dụng lao động sẽ căn cứ theo số lao động dôi dư tại thời điểm nào? Thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp theo Mẫu 10 của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH hay theo quy định tại Bước 4 của Phụ lục 1 Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH với danh sách lao động dôi dư tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp?

Khi xin ý kiến Hội nghị người lao động, cũng như việc phê duyệt dự toán kinh phí dôi dư và quyết toán kinh phí dôi dư trong phương án sử dụng lao động thì việc xác định thời gian làm việc, thời gian để tính trợ cấp mất việc làm (từ cột 2 đến cột 13), tiền lương bình quân (cột 15), mức hỗ trợ theo tháng lương cơ sở (cột 17) tại Mẫu biểu 7 của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH được tính đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp hay thời điểm có thông báo kế hoạch cổ phần hóa hay tính đến thời điểm người lao động dôi dư nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động như quy định tại Bước 4 của Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH?

Các phản ánh, kiến nghị nêu trên của doanh nghiệp đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, trả lời doanh nghiệp, đồng thời gửi kết quả để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.