Tăng cường giám sát đánh giá đầu tư năm 2024

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định 02 khâu đột phá trong phát triển vùng là (i) phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và (ii) phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ. Theo đó, đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, Nghị quyết của Chính phủ đưa ra mục tiêu: Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La…

Đối với tỉnh Sơn La, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực này đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong ba khâu đột phá: “Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ giai đoạn 2021-2025.

Ngày 07/9/2022, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La ban hành Chương trình hành động số 1857/CTr-UBND về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 16/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đưa ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 7,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 8,5%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 120.000 tỷ và giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn so với GRDP lần lượt là 32,10% và 29,97%.

Các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La cho thấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được Đảng, Nhà nước và Tỉnh uỷ, UBND hết sức quan tâm và đề ra những mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện, trong đó tập trung vào việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Điều này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với các thiết chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của Nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực đối với các chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ trong quyết định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu tăng cường và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát Đầu tư cộng đồng, người dân trong giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Các dự án đầu tư nói chung và dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng trong quá trình thực hiện thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Trước nguy cơ và biểu hiện vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước, việc tăng cường giám sát - kiểm soát việc thực hiện các dự án này từ 02 phía nhà nước và xã hội là đòi hỏi khách quan, tất yếu; đồng thời, cũng là điều kiện quan trọng bảo đảm cho các dự án được triển khai có hiệu quả, đúng mục đích, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Hoạt động giám sát của cộng đồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì giám sát 4.131 cuộc giám sát; tham gia 2.475 Đoàn giám sát của cấp uỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các cấp, trong đó:

Cấp tỉnh: Chủ trì giám sát được 15 cuộc (13 cuộc thành lập Đoàn giám sát; 02 cuộc nghiên cứu văn bản) theo chương trình, kế hoạch đối với UBND tỉnh, Ban thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố, 02 cơ quan cấp tỉnh, 03 cá nhân người đứng đầu UBND cấp huyện (Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp); với 10 nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở...

Cấp huyện: Chủ trì giám sát được 1.158 cuộc (298 cuộc thành lập Đoàn giám sát; 860 cuộc nghiên cứu văn bản), đối với các xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thành phố và một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo chương trình, kế hoạch. Nội dung giám sát, cơ bản theo kế hoạch giám sát hằng năm của các Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (09 nội dung) và lựa chọn 28 nội dung.

MTTQ Việt Nam cấp xã: Xây dựng kế hoạch tiến hành 2.958 cuộc giám sát (1.490 cuộc thành lập Đoàn giám sát; 1.468 cuộc nghiên cứu văn bản), tham gia 1.803 Đoàn giám sát; Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường thị trấn tiến hành 1.516 cuộc giám sát. Nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam cấp xã là những vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân trên địa bàn.

Đối với hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), từ năm 2018 - 2022, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tiến hành 3.094 cuộc giám sát. Thông qua các hoạt động giám sát, đã phát hiện sự bất cập của một số quyết định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư so với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch liên quan và kế hoạch đầu tư trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật; phát hiện vi phạm, bất cập trong chấp hành các quy định của chủ đầu tư; những việc làm xâm hại đến lợi ích cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; bất cập trong việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình đầu tư…

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động như:

(i) Cơ sở pháp lý bảo đảm cho hoạt động giám sát của cộng đồng nói chung và của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nói riêng còn nhiều bất cập.

(ii) Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc phát huy vai trò giám sát của cộng đồng nói chung và của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nói riêng;

(iii) Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại một số phường, xã, thị trấn hoạt động còn lúng túng; một số thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn e dè, chưa mạnh dạn, tự tin trong hoạt động giám sát và phản ánh những bất cập qua quá trình giám sát;

(iv) Chủ đầu tư và một số cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của cộng đồng;

(v) nhiều thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không có trình độ chuyên môn và kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với nội dung giám sát;

(vi) Việc thiếu phương tiện kỹ thuật và thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng dẫn đến hoạt động giám sát còn mang tính trực quan, cảm tính, chưa hiệu quả ở một số nơi;

(vii) Thiếu cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của cộng đồng với hoạt động của các thiết chế nhà nước chuyên trách như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát của Hội đồng nhân dân trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và xử lý kết quả giám sát dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý kết quả giám sát chưa triệt để....

Quan điểm chỉ đạo và giải pháp nâng cao hiệu quả

Để thực hiện tốt yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực GSĐTCCĐ đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; đề xuất một số quan điểm chỉ đạo sau:

Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của GSĐTCCĐ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban GSĐTCCĐ đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở cơ sở; chú trọng việc nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, quy trình, cơ chế, chính sách hoạt động GSĐTCCĐ đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai: Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong chỉ đạo và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền duyệt quy hoạch, dự án; các chủ đầu tư; các đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chế cung cấp thông tin và công khai dự án, thông tin, tài liệu liên quan đến dự án; tạo điều kiện để Ban GSĐTCCĐ hoạt động theo đúng thẩm quyền quy định.

Thứ ba: Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để Ban GSĐTCCĐ hoạt động theo đúng quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho thành viên của các Ban GSĐTCCĐ nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm và năng lực chuyên môn trong hoạt động giám sát các chương trình, dự án để phân tích, đánh giá, kiến nghị vấn đề trong quá trình giám sát dự án, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ tiến hành tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích.

Thứ tư: Hoạt động GSĐTCCĐ, góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với các quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao; phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định; các việc làm, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng. GSĐTCCĐ có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát, đảm bảo kịp thời, trung thực, khách quan; không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm về những thông tin, những ý kiến, kiến nghị của mình trước pháp luật và các quy định của nhà nước.

Thực tế cho thấy, hoạt động GSĐTCCĐ ở các địa phương chỉ mang lại hiệu quả thiết thực khi được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên và bản lĩnh của các thành viên Ban GSĐTCCĐ mới đạt hiệu quả, hiệu lực trong thực tế; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện để thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực GSĐTCCĐ thực sự là “tai, mắt” của Nhân dân giám sát đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước mà chính người dân thụ hưởng; cần tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động GSĐTCCĐ đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ hai, tăng cường vai trò của UBND các cấp trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành và phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ ba, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp nhằm nâng cao hiệu quả GSĐTCCĐ đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ tư, nâng cao năng lực của các chủ thể thực hiện giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ năm, bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các chủ thể thực hiện giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước./.