Nghiên cứu về Hội đồng nhân dân

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

18/08/2022 16:08

Chiều ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp

Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội về việc “Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có ý kiến bằng văn bản làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” tại cuộc làm việc với Thường trực Ban soạn thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân theo Thông báo số 1717/TB-VPQH ngày 11/8/2022 của Văn phòng Quốc hội, qua nghiên cứu hồ sơ Dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Ban soạn thảo. Dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan, trong đó có ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội - Văn phòng Quốc hội.

Nghiên cứu về Hội đồng nhân dân

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là đạo luật đầu tiên quy định riêng về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND). Cùng với hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật này đã có các quy định cơ bản về hoạt động của các chủ thể giám sát của HĐND, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và điều kiện thuận lợi để HĐND thực hiện tốt động giám sát. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND ở các địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như: Việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu còn hạn chế, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn ít hoặc chưa tổ chức được; một số kiến nghị chưa sát, chưa đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động còn chưa rõ ràng...

Để Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phát huy hiệu quả cao hơn, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp thì việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với đa số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể về hoạt động giám sát của HĐND ở những địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền địa phương.

Về công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các Ban HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo, theo đó, các Ban chủ trì thực hiện các nội dung của hoạt động giám sát chuyên đề và chủ trì phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện để tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo nhằm sử dụng hiệu quả bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND trong điều kiện tinh giản biên chế.

Nghiên cứu về Hội đồng nhân dân

Toàn cảnh Phiên cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Về hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã: Theo dự thảo Tờ trình, để giải quyết các bất cập về triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã, Ban soạn thảo dự kiến quy định theo hướng hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã được lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã và dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết. Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có ý kiến như sau:

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định về trách nhiệm chuẩn bị của các Ban HĐND đối với hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND mà không quy định về việc triển khai hoạt động giám sát của các Ban của HĐND. Quy định như vậy là chưa thể hiện được nội dung như Tờ trình đã nêu.

Thứ hai, do dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện nội dung này nên không rõ việc “lồng ghép” sẽ được hướng dẫn thực hiện như thế nào. Trường hợp, “lồng ghép” mà làm mất đi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chuyên đề độc lập của các Ban HĐND cấp xã là chưa thực sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 76 và Điều 80 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Không nên vì ở nhiều nơi các Ban của HĐND cấp xã không thực hiện được hoạt động giám sát chuyên đề mà làm mất đi thẩm quyền giám sát chuyên đề độc lập của tất cả các Ban HĐND cấp xã. Tờ trình đã xác định bất cập của việc khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã là do số lượng thành viên tham gia Ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có công chức chuyên trách giúp việc thì cần có biện pháp hoặc hướng dẫn phù hợp mà không nên hướng dẫn thực hiện khác Luật.

Về xác định tính pháp lý văn bản của Tổ đại biểu HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy việc xác định tính pháp lý văn bản của Tổ đại biểu HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Đây không phải là vấn đề mới, còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều 21 của dự thảo Nghị quyết đã hướng dẫn theo đúng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết.

Về trách nhiệm thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, chất vấn, giải trình và các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc hướng dẫn các nội dung này trong dự thảo là hết sức cần thiết, đây không chỉ là tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân mà còn của cả các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, do đó, cần phải có giải pháp để khắc phục.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định hoạt động xem xét việc thực hiện các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội mà không quy định trình tự về việc HĐND, Thường trực HĐND xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Do vậy, để có cơ sở quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết (Điều 25 đến Điều 27 của dự thảo Nghị quyết) cần thiết phải bổ sung lập luận có tính thuyết phục để bảo đảm cơ sở pháp lý của việc hướng dẫn tại dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, đề nghị chuyển Điều 26 lên trước Điều 25 để bảo đảm tính logic, để quy định “theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát” trước, sau đó mới báo cáo Thường trực HĐND, tiếp đó báo cáo HĐND xem xét khi các cơ quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung Phiên họp./.

Bích Lan-Phạm Thắng

Đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống và Nhân dân.

Quyết sách là một danh từ dùng để chỉ các chính sách, biện pháp mang tính chất quyết định. Quyết sách của HĐND là việc HĐND ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống và nhân dân. Trong đó, phải kể đến việc quyết định các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn; thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

Nghiên cứu về Hội đồng nhân dân

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết bằng máy tính bảng tại Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX. Ảnh: Tâm Phạm.

Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện nghị quyết. Nghị quyết của HĐND có thể phân thành nhiều loại. Nếu theo tiêu chí nội dung có thể kể đến: Nghị quyết chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; nghị quyết chuyên đề và nghị quyết cá biệt. Nếu theo thể thức thì nghị quyết của HĐND có các loại như: Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và nghị quyết không phải là văn bản QPPL. Văn bản hợp nhất số 23 của Văn phòng Quốc hội ngày 15.7.2020 đối với Luật Ban hành văn bản QPPL cũng quy định khá rõ về văn bản QPPL, trong đó có nghị quyết của HĐND, nhằm phân biệt với nghị quyết không phải là văn bản QPPL.

Chặt chẽ các bước trong quy trình

Nghị quyết của HĐND các cấp (chủ yếu) do UBND cùng cấp tổ chức phân công soạn thảo và trình HĐND. Ở từng cấp tỉnh, huyện, xã thì yêu cầu về trình tự, thủ tục có khác nhau. Tuy nhiên, những trình tự, thủ tục cơ bản phải bảo đảm ở cả 3 cấp đó là: Trình tự các bước chủ yếu từ soạn thảo nghị quyết, lấy ý kiến đối với dự thảo, thẩm định, thẩm tra và cuối cùng là xem xét, thông qua. Riêng ở cấp tỉnh, có thêm bước đầu đối với nghị quyết là văn bản QPPL, là UBND, các Ban của HĐND cấp tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp căn cứ văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu HĐND, có trách nhiệm đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét đề nghị xây dựng nghị quyết; nếu chấp thuận thì phân công cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết và quyết định thời hạn trình HĐND cấp tỉnh dự thảo nghị quyết; cơ quan, tổ chức trình phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo dự thảo nghị quyết.

Việc soạn thảo nghị quyết của HĐND phải nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng những vấn đề về căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp cả về nội dung, thẩm quyền, hình thức, thể thức; xem xét tính thực tiễn, hiệu quả, tính sáng tạo và các điều kiện bảo đảm để thực thi. Thường trực HĐND, UBND phân công việc soạn thảo, khi cần thiết có thể thành lập tổ chức chủ trì soạn thảo. Quá trình xây dựng nghị quyết phải bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng phản biện xã hội. Đồng thời, bảo đảm tính chủ động của HĐND trong việc xây dựng và ban hành nghị quyết, thể hiện ở việc các quyết sách phải có trong đề nghị xây dựng nghị quyết (cấp tỉnh); đăng ký của UBND, các ngành về các chuyên đề trước khi HĐND ban hành kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ hàng năm, trong kế hoạch tổ chức các kỳ họp… Nếu quá trình xây dựng, ban hành chưa bảo đảm thì từ kết quả thẩm tra của các Ban HĐND, HĐND có quyền chưa xem xét thông qua.

Việc lấy ý kiến, thẩm định đối với dự thảo nghị quyết QPPL của HĐND là thủ tục cần thiết, có tính bắt buộc. Cơ quan Tư pháp các cấp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND. Quy định về thẩm định dự thảo nghị quyết QPPL của cơ quan tư pháp huyện, xã là quy định mới của Luật Ban hành văn bản QPPL so với trước đây. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết bằng hình thức thích hợp; các ý kiến phải được xem xét, tiếp thu nghiêm túc trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.

Dự thảo nghị quyết của HĐND phải được Ban của HĐND thẩm tra trước khi trình HĐND thông qua. Báo cáo thẩm tra của Ban cần đánh giá tính phù hợp của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Kết quả thẩm tra của Ban HĐND đối với các quyết sách là một trong những cẩm nang pháp lý cần thiết để đại biểu HĐND nghiên cứu, HĐND xem xét thông qua nghị quyết. Thực tế thời gian qua, Thường trực, các Ban HĐND nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, vào cuộc sớm hơn và phối hợp chặt chẽ hơn trong các bước quy trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết; đồng thời, thể hiện thái độ dứt khoát, kiên quyết hơn với những nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm để nâng cao chất lượng các quyết sách.